NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Góc học tập

Phát hiện lỗ hổng trên ứng dụng web sử dụng kỹ thuật phân tích động và thuật giải di truyền

on .

Phát hiện lỗ hổng trên ứng dụng web sử dụng kỹ thuật phân tích động và thuật giải di truyền

Ngô Khánh Khoa - CH1802047

Các trang web hiện nay tồn tại rất nhiều đầu vào để tương tác với ứng dụng và vô vàn các logic xử lý ở mỗi đầu vào. Do đó, việc kiểm tra và xử lý toàn bộ đầu vào tốn nhiều thời gian và công sức. Thông thường, việc kiểm tra đầu vào này sẽ được kiểm tra bởi các kỹ sư an ninh mạng, đánh giá an toàn thông tin. Công việc của họ là truy cập tất cả đầu vào có thể, thử nghiệm nhằm tìm kiếm điểm yếu của ứng dụng, từ đó thông báo cho người quản trị web có thể khắc phục lỗ hổng trước khi nó bị khai thác bởi kẻ xấu. Tuy nhiên, cách làm này phụ thuộc vào chuyên gia đánh giá và tốn nhiều thời gian. Phương pháp tiết kiệm hơn là dùng các công cụ rà quét tự động. Nhiệm vụ của chúng là từ các đầu vào có thể có, truyền các mã khai thác vào và kiểm tra phản hồi ứng dụng. Nếu phát hiện lỗ hổng, công cụ sẽ ghi nhận kết và và gửi cho người dùng công cụ để phân tích và vá kịp thời lỗ hổng.

Tuy rằng công cụ kiểm thử tự động có thể chạy được với gần như toàn bộ các ứng dụng web và tương đối dễ sử dụng, nhưng nó cũng có một số hạn chế đáng kể. Phương pháp này có thể phải sử dụng nhiều tài nguyên và thời gian thực thi phụ thuộc vào số lượng đầu vào của ứng dụng, và không kiểm tra được toàn bộ các đầu vào có thể gây ra lỗi. Điều này có thể làm lãng phí tài nguyên và giảm hiệu suất kiểm thử tự động. 

Để cải thiện việc này, một giải pháp có thể là sử dụng phương pháp thuật giải di truyền. Trong mô hình này, quá trình tiến hoá được thêm vào giữa giai đoạn chọn mã khai thác, giúp chọn lọc những mã khai thác phù hợp với đầu vào đang kiểm tra. Bằng cách kết hợp các mã khai thác tiềm năng với một đầu vào cụ thể với các mã khai thác khác có thể tạo ra điểm đột biến tại đầu vào đó, đi sâu vào các nhánh mã nguồn ứng dụng và truy cập đến các vị trí có thể tạo ra lỗi trên ứng dụng. Việc này giúp tăng cường hiệu quả của phương pháp kiểm thử tự động và giảm thiểu lãng phí tài nguyên.

Luận văn này sẽ tập trung nghiên cứu trên các ứng dụng web chạy ngôn ngữ PHP, và một trong những lỗ hổng bảo mật tiềm tàng của nó là lỗ hổng thực thi mã từ xa (RCE). Phương pháp kiểm thử tự động fuzzing sẽ được triển khai để tìm kiếm lổ hổng bảo mật trong ứng dụng web. Nhằm tăng cường chất lượng của quá trình fuzzing, thuật giải di truyền sẽ được thêm vào để xử lý mã khai thác phải thực hiện. Kết quả của nghiên cứu là mong muốn tìm cách giảm thiểu số lượng đầu vào cần xử lý trong quá trình fuzzing, đồng thời tăng khả năng tìm kiểm lỗ hổng bảo mật trên ứng dụng web.

Cụ thể hơn, công việc thực hiện sẽ là kết hợp thuật giải di truyền và công cụ webfuzz để cải thiện quá trình fuzzing. Các quá trình chọn lọc, tiến hoá của thuật giải sẽ được sử dụng để tạo ra các mã khai thác phù hợp với đầu vào đang kiểm tra, từ đó tạo ra các đột biến tại đầu vào đó. Việc sử dụng công cụ webfuzz sẽ giúp đưa ra các đầu vào ngẫu nhiên và đa dạng hơn, tăng khả năng tìm ra các lỗ hổng trong ứng dụng web.

Kết quả nghiên cứu giúp tăng cường khả năng phát hiện lỗ hổng của phương pháp phân tích động, đồng thời tăng cường hiệu suất và giảm thiểu thời gian và tài nguyên tiêu hao trong suốt quá trình thực thi mô hình.

Kết quả đạt được:

  • Thực hiện nghiên cứu và áp dụng phương pháp phân tích động sử dụng thuật giải di truyền trong việc đánh giá ứng dụng web mã nguồn mở và đạt được kết quả tăng độ bao phủ mã khi thực hiện fuzzing và tìm kiếm được các lỗ hổng RCE có tồn tại trong ứng dụng.
  • Trong quá trình tích luỹ, thu thập mã khai thác, luận văn đã tổng hợp được tập dữ liệu mã khai thác lỗi RCE. Tập dữ liệu này được sử dụng trong quá trình fuzzing của mô hình, đồng thời khi sử dụng trên các công cụ khác cũng đạt được kết quả tốt.
  • Kết quả đánh giá cũng được so sánh với công cụ fuzzing hộp đen wfuzz và ffuf và cho ra kết quả tích cực về hướng phát triển của fuzzing kết hợp thuật giải di truyền.

Trân trọng.

Số hóa các chức năng An sinh xã hội tại một Phường ở Thành phố Hồ Chí Minh

on .

Số hóa các chức năng An sinh xã hội tại một Phường ở Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Thu Vân – CH1902027

Trong tiến trình chuyển đổi số, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cần ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới xây dựng một cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung và hệ thống quản lý chặt chẽ, thống nhất các nghiệp vụ, quy trình trong tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy triển khai các hoạt động An sinh xã hội (ASXH) đối với mọi người lao động, toàn dân của Ngành LĐTBXH.

Hiện tại, các hệ thống thông tin/phần mềm của ngành LĐTBXH đang hoạt động độc lập, không đồng nhất và thiếu sự kết hợp. Cơ sở dữ liệu phân tán không có khả năng liên kết và kế thừa dữ liệu giữa các phân hệ. Đáng chú ý là nhiều đối tượng hưởng trợ cấp không đúng/ đủ (một đối tượng hưởng cùng lúc nhiều chính sách, hoặc không được hưởng trợ cấp nào).

Căn cứ hiện trạng như trên, đề xuất triển khai giải pháp “Số hóa các chức năng An sinh xã hội tại một Phường ở Thành phố Hồ Chí Minh” bao gồm các phân hệ chính như sau:

  • Phân hệ Quản lý Trẻ em – Bình đẳng giới
  • Phân hệ Quản lý Bảo trợ xã hội – Hộ nghèo
  • Phân hệ Quản lý Hồ sơ Người có công
  • Phân hệ báo cáo và phân tích số liệu ASXH

Kết quả đạt được:

  • Phân tích được bài toán cụ thể: Số hóa một số chức năng ASXH cho một/ nhiều Phường xã có nhu cầu. Hệ thống được xây dựng cho một Phường thực tế là Phường Tân Hưng Thuận – Quận 12 – TP. Hồ Chí Minh, có thể mở rộng triển khai cho 11, Phường trên địa bàn Quận 12.
  • Phân tích và thiết kế hệ thống quản lý dữ liệu về Nhân khẩu/ Hộ gia đình/ HN-HCN/Diện chính sách - NCC, mô tả chi tiết các chức năng chính của Hệ thống.
  • Dữ liệu được tổ chức đầu vào, xây dựng được nhiều biểu đồ thống kê để phân tích số liệu về nhân khẩu/ hộ gia đình, biến động HN-HCN, các chỉ số ảnh hưởng đến biến động HN-HCN, cơ cấu của diện chính sách/ NCC,...

Trân trọng.

Phát hiện các gian lận kế toán bằng phương pháp máy học tổng hợp

on .

Phát hiện các gian lận kế toán bằng phương pháp máy học tổng hợp

CH2002011 - Huỳnh Thị Tố Ngọc

Báo cáo tài chính (viết tắt là BCTC) là công cụ giúp các nhà đầu tư và những đơn vị liên quan hiểu rõ tài chính của các tổ chức. Trong thời đại ngày nay, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ nhanh như vũ bão thì quy mô kinh doanh ngày càng tăng, nguy cơ về gian lận kế toán (GLKT) đã trở thành một thách thức cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp và hệ thống tài chính toàn cầu. GLKT không còn đơn thuần là một vấn đề riêng của các doanh nghiệp, mà còn mang theo những hậu quả lớn đối với tính công bằng và minh bạch trong quản lý tài chính. Việc GLKT ngày càng trở nên tinh vi làm cho việc phát hiện và ngăn chặn gian lận trở nên cực kỳ khó khăn.

Trong luận văn này, chúng tôi đã tiến hành trích xuất đặc trưng từ các giá trị dữ liệu thô trong các BCTC và áp dụng phương pháp máy học tổng hợp với thuật toán RUSBoost, AdaBoost, Bagging, phương pháp máy học hồi quy Logistic và SVM để xây dựng mô hình phân loại các GLKT.

Chúng tôi đã tập trung giải quyết hai vấn đề chính. Thứ nhất, đã đóng góp về mặt tập dữ liệu, bổ sung tập dữ liệu cho nghiên cứu khoa học về GLKT từ các BCTC. Thứ hai, qua kết quả số liệu của mô hình thực nghiệm và phân tích số liệu cho thấy kết quả của mô hình máy học tổng hợp tốt hơn so với các mô hình riêng biệt.

Với những kết quả đạt được, đề tài đã phát hiện GLKT trong BCTC và nâng cao độ tin cậy của những BCTC dành cho người sử dụng. Sau khi xây dựng thành công mô hình phát hiện GLKT bằng thuật toán máy học tổng hợp, chúng tôi đề xuất giải pháp tự động hóa quy trình phát hiện GLKT, giảm thiểu sự phụ thuộc vào sự can thiệp của con người. Mục tiêu là tối ưu hóa hiệu suất thời gian, nâng cao độ chính xác, giảm thiểu sai sót do yếu tố con người trong quá trình giám sát, đảm bảo được tính công bằng, minh bạch trong quản lý tài chính và góp phần xây dựng sự ổn định của thị trường kinh doanh và xã hội.

Trân trọng.

Phân loại mã độc Android dựa trên hướng tiếp cận đa lớp đặc trưng

on .

Phân loại mã độc Android dựa trên hướng tiếp cận đa lớp đặc trưng

220201004 - Phạm Nhật Duy

Sự phổ biến rộng rãi của các ứng dụng Android đặt ra những lo ngại và thách thức đáng kể về bảo mật trong việc phát hiện và phân loại mã độc trên nền tảng này. Các kỹ thuật phân tích truyền thống trước đây không thể đối phó với sự thay đổi ngày càng tinh vi của mã độc, đặc biệt là trước các kỹ thuật làm rối mã nguồn nâng cao, do đó đòi hỏi cần phải có các phương pháp mạnh mẽ hơn. Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng một hệ thống phân loại mã độc Android có khả năng phát hiện được các ứng dụng đã bị làm rối mã nguồn. Tận dụng các kỹ thuật phân loại hình ảnh, luận văn này đề xuất một phương pháp chuyển đổi mã nguồn của ứng dụng Android thành các hình ảnh đặc trưng khác nhau, bao gồm hình ảnh Markov, hình ảnh đồ thị Entropy và hình ảnh ma trận mức xám. Ba loại hình ảnh đặc trưng này được hợp nhất lại thành một hình ảnh màu duy nhất và làm đầu vào cho các mô hình mạng nơ-ron tích chập được tinh chỉnh. Kết quả cho thấy phương pháp đề xuất mang lại hiệu suất vượt trội hơn so với các phương pháp hiện có. Kết quả cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc xem xét nhiều loại đặc trưng hình ảnh khác nhau để có được cái nhìn toàn diện hơn về hành vi của ứng dụng Android, mặc dù vẫn có sự đánh đổi về chi phí tính toán. Ngoài ra, việc sử dụng một bộ dữ liệu đa dạng các ứng dụng (bị và không bị làm rối mã) sẽ giúp cải thiện tốt hơn khả năng chống lại trước các kỹ thuật làm rối mã nguồn.

Trân trọng.

Phát hiện thư rác tiếng Việt sử dụng các mô hình học sâu

on .

Phát hiện thư rác tiếng Việt sử dụng các mô hình học sâu

210201001 - Ngô Thanh Bình

Ra đời từ những ngày đầu của mạng máy tính, trải qua nhiều nâng cấp và cải tiến, thư điện tử ngày nay vẫn là một phương thức trao đổi thông tin chính thức được sử dụng rộng rãi bởi các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà thư điện tử mang lại, thư điện tử cũng bị lạm dụng và sử dụng như một công cụ phục vụ cho các mục đích khác nhau trên môi trường mạng máy tính như gửi thư lừa đảo, thư nặc danh, thư quảng cáo, thư xin tài trợ. Những thư này người nhận không mong muốn nhận nên được gọi là thư rác hay SPAM. Để phân biệt với thư rác, thuật ngữ HAM được sử dụng để chỉ thư mà người nhận mong muốn nhận hay không phải thư rác. Thư rác thường gây cảm giác khó chịu khi người sử dụng nhận được chúng hoặc thậm chí gây ra những tổn hại nhất định cả về vật chất và tinh thần nếu người sử dụng trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Chính vì vậy, nhiều giải pháp đã được phát triển để phát hiện thư rác hiệu quả hơn. Trong đó, các mô hình học máy cũng như các mô hình học sâu đã được ứng dụng để phát hiện thư rác và đạt được độ chính xác cao. Tuy nhiên, các mô hình này phần lớn đều được huấn luyện trên bộ dữ liệu tiếng Anh nên chỉ có khả năng phát hiện được thư rác tiếng Anh, chưa có bộ dữ liệu thư rác tiếng Việt để huấn luyện mô hình phát hiện thư rác tiếng Việt. Luận văn này trình bày việc xây dựng bộ dữ liệu thư rác tiếng Việt và ứng dụng các mô hình học sâu gồm CNN, BiLSTM và PhoBert để huấn luyện mô hình phát hiện thư rác tiếng Việt. Kết quả so sánh cho thấy, các mô hình học sâu này đều cho kết quả phát hiện thư rác tiếng Việt với độ chính xác cao. Kết quả huấn luyện cho thấy độ chính xác của các mô hình lần lượt là CNN 88.42%, BiLSTM 83.03% và PhoBert 86.47%.

Việc ứng dụng các mô hình học sâu trong phát hiện thư rác tiếng Việt giúp ngăn chặn thư rác hiệu quả hơn, giải quyết thêm các vấn đề còn tồn đọng như: thích ứng với các chiến thuật gửi thư rác mới hiệu quả hơn thông qua việc huấn luyện và cập nhật mô hình, có thể cá nhân hóa cho các người dùng khác nhau và có thể kết hợp với các hệ thống an ninh khác như hệ thống phát hiện mã độc, hệ thống phát hiện tấn công. Trong tương lai, hệ thống sẽ tiếp tục được cải tiến để ứng dụng trong các hệ thống phát hiện thư rác tiếng Việt.

Trân trọng.