Storytelling dành cho Data Analyst - Phần 1
Storytelling dành cho Data Analyst - Phần 1
Thuyết phục như các nhà hùng biện
Một ngày đẹp trời khi ghé qua thư viện UIT, tôi tình cờ bắt gặp cuốn sách “Storytelling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện” của tác giả Bùi Thị Ngọc Thu. Nhận thấy nội dung sách có thể rất hữu ích, tôi muốn chắt lọc những điểm chính dành riêng cho các Data Analyst, nhằm giúp họ trình bày dữ liệu thành những câu chuyện mạch lạc, logic và thu hút hơn.
Cuốn sách bắt đầu bằng việc giải thích lý do tại sao việc trình bày ý tưởng của mình một cách dễ hiểu và thuyết phục là rất quan trọng. Sau đó diễn giải về 5 yếu tố tạo dựng và gia tăng tính thuyết phục của bậc thầy hùng biện Aristotle, chúng bao gồm:
Đầu tiên là tính tin cậy (Ethos) - đề cập đến độ uy tín của bạn và là yếu tố mang lại hiệu quả mạnh nhất. Điều này được thể hiện qua bản thân người thuyết trình: kinh nghiệm, chức vị, bằng cấp, kỹ năng,.. Ngoài ra, trang phục, lời nói, ngôn ngữ hình thể, biểu cảm,.. cũng góp phần tác động đến lòng tin của người nghe. Tính tin cậy còn được thể hiện qua nội dung thuyết trình như nguồn thông tin trích dẫn, các bằng chứng, nghiên cứu cụ thể,...
Thứ hai là tính xúc cảm (Pathos) - con người thường dễ dàng đưa ra những quyết định cảm tính khi lý trí bị lay động. Khi tác động vào các trạng thái cảm xúc, nhà thuyết trình sẽ kết nối cảm xúc với họ, từ đó tạo dựng lòng tin và thuyết phục tốt hơn. Diễn giả có thể tăng tính xúc cảm bằng cách kể một câu chuyện, lồng ghép âm thanh, sử dụng màu sắc hoặc vật dụng có ý nghĩa tượng trưng,...
Thứ ba là tính lý luận (Logos) - là yếu tố phổ biến và được áp dụng nhiều nhất trong các hình thức thuyết trình bởi cách lập luận với số liệu cụ thể, dữ kiện, con số, tỷ lệ phần trăm,... sẽ tác động vào tư duy lý trí, logic của người nghe. Điều này làm tăng tính thuyết phục cho bài nói.
Thứ tư là tính thời điểm (Kairo) - là khi người nói tạo ra hoàn cảnh và động lực để gia tăng khả năng tác động lên khán giả. Ví dụ, khi nói “Sếp ký giúp em bản trình bày này trong ngày hôm nay để mình kịp triển khai, nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình dự án và đẩy chi phí lên tới 15%”, người nghe sẽ có xu hướng nhận thấy tính cấp bách và hậu quả từ việc đưa ra quyết định trễ nải, kết quả là tăng tính hiệu quả cho lời kêu gọi hành động của bạn.
Và cuối cùng là tính mục đích (Tapos) - nhà thuyết trình sẽ tăng khả năng thuyết phục của mình khi có mục đích cụ thể là kết nối và mang lại giá trị cho khán giả. Mục đích càng ý nghĩa, tác động sẽ càng rộng.
Bài viết tới đây có lẽ đã hơi dài, hy vọng phần tóm tắt trên giúp bạn hiểu rõ hơn cách xây dựng một bài nói thuyết phục. Phần tiếp theo tôi sẽ trình bày các cấu trúc thuyết trình theo nguyên tắc số 3. Cùng đón chờ nhé!
Ảnh sưu tầm
-jott-