Vì sao người Nhật giành nhiều giải Nobel khoa học?
FPT chạm tay vào dữ liệu lớn
Các thông tin về xu hướng công nghệ này đã được các chuyên gia trong và ngoài FPT chia sẻ tại Hội thảo, diễn vào chiều ngày 3/12, tại ĐH FPT.
Lương tâm thầy hướng dẫn quyết định giá trị tiến sĩ
Vụ việc “Tiến sĩ 200 triệu” khiến câu hỏi “Có phải làm nghiên cứu sinh ở Việt Nam dễ đến thế?” được đặt ra. Chúng tôi đã đem câu hỏi này tới bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.
Không bình thường so với thông lệ quốc tế
Bà cho rằng những tiêu chuẩn, điều kiện, mục tiêu đào tạo tiến sĩ hiện nay không thể tính được ra tiền, càng không thể ngã giá bằng tiền. Thế nhưng, tại sao những “tin đồn” về việc học tiến sĩ bằng tiền vẫn không bao giờ dứt, nếu không muốn nói là ngày càng nhiều, thưa bà?
- Những tin đồn đó quả thật là rất xót xa đối với những nhà giáo và những nhà khoa học chân chính. Tuy nhiên tôi không tin là “ngày càng nhiều thêm” những tin đồn như vậy mà ngược lại, những nhà giáo tâm huyết và các nghiên cứu sinh chân chính mới là lực lượng “ngày càng nhiều thêm”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT |
Tại sao còn tồn tại hiện tượng đó thì nhiều ý kiến đã phân tích rất xác đáng: vì còn có không ít người sử dụng bằng cấp như phương tiện để tiến thân, còn có những nhà giáo chưa làm đúng phận sự cao cả của mình khi hướng dẫn hoặc chấm luận án; quy trình đào tạo chưa chặt chẽ; còn nhiều cơ sở đào tạo chưa xây dựng văn hóa chất lượng và chưa có, chưa dùng chính sách chất lượng để tạo dựng uy tín, thu hút và cạnh tranh…
Mặt khác, nhiều nhà tuyển dụng đưa ra tiêu chuẩn bằng cấp không gắn với năng lực làm việc, có những nhà quản lý đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ dựa trên bằng cấp mà không gắn với hiệu quả công tác… đã gián tiếp làm cho tâm lý "sính bằng cấp" ngày càng trầm trọng hơn.
Quan điểm riêng của bà về “phong trào” nâng cấp bằng cấp hiện nay? Bà thấy thế nào về việc nhiều người trang bị thêm cho mình tấm bằng tiến sĩ dù không có nguyện vọng làm nghiên cứu hay giảng dạy?
- Tôi cho rằng ở mặt tích cực thì nên xem học tập nâng cao kiến thức là quyền và là sự lựa chọn riêng của các cá nhân mà xã hội và các cấp quản lý nên tôn trọng, khuyến khích, tạo điều kiện...
Bộ GDĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung cả quy định về mở ngành và Quy chế đào tạo tiến sĩ để xem xét lại các chuẩn trong quản lý đào tạo theo hướng chú trọng chất lượng, dần tiếp cận chuẩn quốc tế; đồng thời tiếp tục đảm bảo quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Bộ cũng đang phối hợp với một số trườngxây dựng phần mềm chống đạo văn để triển khai áp dụng trong các cơ sở đào tạo sau đại học. |
Học vị tiến sĩ chủ yếu dành cho những người làm nghiên cứu, giảng dạy nhưng cũng không nên cho rằng chỉ những người đó mới nên tham dự đào tạo tiến sĩ.
Cá nhân tôi cho rằng những nhà tư vấn, quy hoạch, xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật cũng rất cần được đào tạo ở trình độ này vì các công việc đó đòi hỏi có nền tảng khoa học và tính nghiên cứu rất cao.
Thực tế, tỷ lệ NCS đang là giảng viên, nghiên cứu viên còn thấp so với tổng NCS. Một tỷ lệ NCS khá lớn vẫn từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Đây là điều không bình thường so với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu làm nghiên cứu sinh chỉ để “nâng hạng bằng cấp” thì đó là sự lãng phí vì mất nhiều thời gian (trung bình khoảng 3, 4 năm), nhân lực (toàn những lao động trẻ), tiền bạc (đầu tư của nhà nước và chi phí cá nhân)… chỉ để có tấm bằng mang tính trang sức, không có giá trị thực. Và lớn hơn là lãng phí tư duy, lãng phí chuẩn mực giá trị…
Từ đó, xã hội cũng nhìn nhận về tấm bằng tiến sĩ chẳng mấy giá trị và biết bao tấm bằng đích thực khác đã bị dư luận đánh đồng.
Thực tế, đối với đa số NCS chân chính thì để lấy được tấm bằng TS không dễ dàng.
Tỷ lệ NCS bảo vệ thành công luận án đúng hạn không cao (ngay cả khối ngành kinh tế, ít yêu cầu thí nghiệm, thực hành cũng chỉ khoảng 40% bảo vệ đúng hạn), không ít nghiên cứu sinh không bảo vệ được luận án với nhiều lý do khác nhau, trong đó phần lớn là lý do chuyên môn.
Những con số được đưa ra tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học vừa qua “kết quả thẩm định hồ sơ và luận án tiến sĩ năm 2013 - 2014 chưa tốt, nhiều hồ sơ không đầy đủ, chưa đảm bảo chương trình bảo vệ luận án, cụ thể năm qua có tới 89,13% hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, chất lượng luận án chưa cao, trong số các luận án thẩm định, 79% luận án phải chỉnh sửa bổ sung, 3,1% luận án không đạt yêu cầu phải thành lập hội đồng thẩm định” - với vai trò nhà quản lý, bà có cho rằng đây là một con số đáng báo động không? Tại sao?
- Đó là con số đáng lưu ý mà Bộ đã đưa ra để cảnh báo và rút kinh nghiệm chung, không né tránh, sẵn sàng đối mặt để có biện pháp giảm thiểu tình trạng đó.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng tuy có nhiều hồ sơ phải bổ sung, rút kinh nghiệm nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào các lỗi không tuân thủ thủ tục và không minh bạch (không đăng tải thông tin về luận án và bảo vệ luận án trên website của Bộ, của cơ sở đào tạo trước khi bảo vệ; không có sự đồng ý của đồng tác giả khi sử dụng công trình nghiên cứu chung, không thực hiện đúng quy định về thời gian đào tạo, gia hạn…); chỉ có một số ít vi phạm điều kiện đảm bảo chất lượng (không học bổ sung các học phần cần thiết).
Chất lượng luận án chưa cao cũng là một thực tế phải thừa nhận và cần có biện pháp nâng cao chất lượng tại các cơ sở đào tạo.
Song, con số luận án cần chỉnh sửa, bổ sung nêu trên cũng chỉ là các khuyến nghị của các nhà khoa học được mời thẩm định, chứ không buộc phải chỉnh sửa, cũng không phải là luận án chưa đạt yêu cầu.
Với tư cách là một «bài thi» được chấm thì từ điểm đạt trở lên là luận án được thừa nhận. Vấn đề cần bàn là những luận án được hội đồng chấm đạt đã thực sự đạt chưa, đạt so với chuẩn nào, có bao nhiêu luận án có công bố khoa học quốc tế…
Còn với tư cách là một công trình khoa học thì việc chỉnh sửa, bổ sung không nên xem là vấn đề quá quan trọng. Ở nhiều nước (và cả ở VN), nếu luận án được xuất bản thành sách thì hàng năm (đối với sách điện tử) hoặc mỗi khi tái bản (sách in), chính tác giả cũng luôn chỉnh sửa lại tác phẩm của mình cho hoàn thiện hơn.
Thầy hướng dẫn không được tin tưởng?
Trước vấn đề bằng giả, bằng rởm, nhiều ý kiến đã cho rằng ngành giáo dục đang tự làm khó mình khi cho quá nhiều cơ sở được đào tạo tiến sĩ, đồng thời không kiểm soát được chất lượng. Bà nghĩ thế nào về những ý kiến này?
"Cũng cần phải xem xét định mức đầu tư phù hợp cho một luận án tiến sĩ. Tổng mức đầu tư cho một luận án tiến sĩ ở nước ta hiện nay quá khiêm tốn khiến cho nỗ lực nâng cao chất lượng của một số cơ sở đào tạo gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành kỹ thuật, công nghệ cần nhiều thí nghiệm, thực hành" - Bà Kim Phụng. |
- Rất khó có căn cứ để nói ít hay nhiều cơ sở đào tạo mà nên bàn việc các cơ sở được cho phép đào tạo đã đạt chuẩn so với các nước trong khu vực hay chưa, các TS đào tạo ở VN có được công nhận ở các nước khác không...
Về quản lý nhà nước, trong khoảng 5 năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định các chuẩn mở ngành đào tạo tương đối rõ ràng, theo hướng chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ cũng thường xuyên rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở đang đào tạo. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT không có chủ trương “cho quá nhiều cơ sở được đào tạo tiến sĩ”.
Về vấn đề quản lý chất lượng đào tạo thì nhà nước chỉ có thể, chỉ nên đặt ra quy trình, tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo chất lượng và kiểm soát việc thực hiện.
Bộ cũng đang thực hiện quy định về thẩm định hồ sơ quá trình đào tạo, thẩm định chất lượng luận án để thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, làm đúng tiêu chuẩn (thầy hướng dẫn, hội đồng chấm…) và quy trình thì cũng chưa chắc đã thu được sản phẩm đào tạo có chất lượng.
Trong vấn đề này, trách nhiệm, lương tâm và chuyên môn của thầy hướng dẫn, của các thành viên hội đồng đóng vai trò quyết định. Vì vậy, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn vấn đề này, không nên đẩy mạnh vấn đề quản lý nhà nước, dù rằng quản lý nhà nước cũng cần phải đổi mới.
Bên cạnh đó còn là quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo (trong đó có hội đồng khoa học và đào tạo, khoa, bộ môn và các giảng viên).
Cơ sở đào tạo tiến sĩ cần có quyền tự chủ và đang được tự chủ ở mức độ cao nên được và phải đảm bảo chất lượng đào tạo để tự khẳng định uy tín, thứ hạng của mình.
Lá thư ngỏ của GS Pierre Darriulat đang được phổ biến trên mạng nói về những bức xúc của ông đối với quy trình đào tạo tiến sĩ của Việt Nam có những nhận xét như: “Chưa bao giờ tôi gặp những quy định phức tạp giống như ở Việt Nam, và tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy những nhà quản lý học thuật lại thiếu niềm tin vào người hướng dẫn như ở Việt Nam”, “cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng những tác giả của nó, chứ không phải làm cho cuộc sống của những người trung thực trở nên khốn khổ”...
Từ lá thư này có thể rút ra, hay điều chỉnh gì đối với quy định hiện hành không, thưa bà?
- Tôi chia sẻ những nhận xét tinh tế đó, rằng thủ tục hành chính trong quy trình quản lý đào tạo ở nước ta rườm rà đến mức các nhà khoa học chân chính có cảm giác mình không được tin tưởng.
Không chỉ là thủ tục được quy định chính thức mà ngoài ra còn có những thông lệ, những quy định riêng của cở sở đào tạo nữa.
Ví dụ như nhiều cơ sở đào tạo chủ động mời người hướng dẫn hoặc tham gia hội đồng chấm luận án nhưng bất cứ lúc nào nghiên cứu sinh cần đến chữ ký của thầy thì đều phải thực hiện thủ tục xác nhận chữ ký, phải đóng dấu đỏ, cứ như không làm vậy thì thầy, trò đều có thể tắc trách hoặc giả mạo.
Là người đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, tôi rất hiểu và đồng tình cao với quan điểm “cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng những tác giả của nó…” chứ không nên quá nặng về quy trình, thủ tục theo kiểu “một người đau cả làng phải uống thuốc” như hiện nay sẽ dẫn đến đối phó.
Thực tế thì không một nhà quản lý nào có thể “rào kín” tất cả nếu như không có sự tự giác của chính những người trong cuộc. Nếu không có môi trường, cơ chế để tôn trọng và phát triển tính nghiêm túc, chất lượng thì không thể nhấn chìm những xu hướng tiêu cực khác.
Và ngược lại, cũng phải đặt vấn đề khi chưa có sự từ giác của một số chủ thể thì nhà nước cần phải làm gì để có đủ căn cứ, chế tài mà “phạt thật nặng những người vi phạm”? Đó là bài toán không dễ có ngay lời giải mà chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định để quản lý vấn đề này.
Xin cảm ơn bà.
Chi Mai thực hiện
Nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/194184/luong-tam-thay-huong-dan-quyet-dinh-gia-tri-tien-si.html