NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin Tức Khác

Bánh mì – Món ăn đường phố đậm hồn Việt khiến food blogger quốc tế 'phát cuồng'

on .

Ẩm thực Việt Nam, nhất là món ăn bình dân, thu hút nhiều du khách nước ngoài. Đặc biệt, bánh mì là món ngon mà du khách khuyên không nên bỏ lỡ.

Bánh mì là món ăn đường phố được du khách quốc tế đưa vào danh sách những món nhất định phải thử khi đến Việt Nam. Nhiều tạp chí về du lịch hay ẩm thực thế giới và cả các food blogger nổi tiếng đều "phát cuồng" với bánh mì Việt.

Bánh mì "ngon-bổ-rẻ" trong mắt YouTuber người Thụy Điển

Trong một lần ghé thăm TP.HCM, food blogger AHungryTiger đến từ Thụy Điển đã khiến cộng đồng mạng Việt Nam và quốc tế vô cùng thích thú khi thực hiện một chuyến food tour qua các tiệm bánh mì nổi tiếng thơm ngon ở thành phố.

Mở đầu video, anh chàng chia sẻ: "Chào mọi người, lại là Tiger đây! Tôi đang ở TP.HCM và thật sự thấy ấn tượng với món bánh mì ở đây. Thật không thể tin là món ăn tuyệt vời này chỉ có giá khoảng 10-20 krona. Ở Thụy Điển, bạn sẽ phải trả gấp 5 lần số tiền đó cho một món sandwich kẹp thịt, nhưng chưa chắc đã ngon bằng".

YouTuber AHungryTiger - một food blogger từ Thụy Điển có niềm đam mê lớn dành cho ẩm thực Việt Nam. Ảnh: Facebook AHungryTiger.

Sau đó, Tiger đưa các khán giả của mình đến với quán bánh mì chảo Cô Lệ nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Anh cho biết, món bánh mì ở đây trông có vẻ khác lạ, "phần nhân không được nhét sẵn vào ổ bánh mì mà được đặt trong một chiếc chảo nhỏ đang sôi, bên trong chảo là trứng ốp la, pate, phô mai, cá hộp, xúc xích, hành xào và một ít nước xốt".

Chiếc chảo nóng với đầy đủ "topping" ăn kèm với bánh mì giòn rụm.

Kết thúc phần giới thiệu, Tiger bắt đầu "thị phạm" cách ăn món bánh mì chảo. "Món này phải ăn nóng ngay khi được dọn ra, bạn chỉ cần cho hết phần nhân vào bánh, nhớ dùng muỗng nén chặt nhân để không bị rơi ra ngoài và cứ thế thưởng thức thôi!" – nói dứt lời, Tiger đưa bánh lên miệng rồi cắn một phát ngon lành.

Địa chỉ: 003 Lô D Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3

Mở cửa: 7h00 - 14h00

Giá bán: 20.000 - 40.000 đồng

Tiếp theo, anh chàng ghé qua tiệm bánh mì nổi tiếng trên đường Bùi Thị Xuân. "Bánh mì ở đây bao gồm những nguyên liệu phổ biến như thịt nguội, chả lụa, rau ngâm chua, nhưng điều khiến bánh trở nên hấp dẫn hơn chính là phần pate và xốt mayonnaise quán tự làm có vị béo ngậy", Tiger cho biết.

Món bánh mì có vị "rất gì và này nọ" được làm nên bởi những nguyên liệu truyền thống kết hợp cùng với món xốt mayonnaise "nhà làm".

Chàng trai Thụy Điển gọi một ổ bánh mì kẹp thịt vị truyền thống có giá 44.000 đồng và lập tức thưởng thức tại chỗ cho thỏa cơn ghiền.

Địa chỉ: 122E Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

Mở cửa: 5h30 - 1h00

Giá bán: 29.000 - 75.000 đồng

Cuối clip là hành trình thưởng thức vị ngon của món bánh mì chấm xíu mại đặc trưng của Đà Lạt, nằm bên trong một con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái ở quận 10. Tiger chia sẻ, bản thân bị hấp dẫn bởi những gì đọc được về quán trên Internet và quyết định nhân dịp ghé thăm TP.HCM phải thử "một lần cho biết".

Bánh mì chấm xíu mại là một thức quà sáng đặc trưng của thành phố ngàn hoa. Khác với những loại bánh mì kẹp thông thường, bánh mì xíu mại Đà Lạt được phục vụ theo một cách rất riêng. Bánh mì được xé nhỏ, chấm vào chén xíu mại nóng hổi, thơm lừng. Những viên xíu mại được làm từ thịt heo xay nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn, hấp chín tới, giữ được độ mềm ngọt. Nước dùng xíu mại sánh đặc, đậm đà hương vị, có chút cay nồng của tiêu xanh, quyện cùng vị ngọt thanh của cà chua.

Cận cảnh món bánh mì chấm xíu mại mang hương vị đặc trưng Đà Lạt.

Tại quán Bánh mì xíu mại 79, Tiger cho biết, một phần ăn ở đây có giá từ 34.000-46.000 đồng và anh chàng rất thích thú với kiểu bánh mì chấm như thế này. Anh cũng bắt chước cách ăn của người Đà Lạt, xé một mẩu bánh mì chấm ngập trong nước xốt rồi đưa lên miệng thưởng thức kèm với xíu mại mềm tan. Ngoài ra, trong chén xíu mại còn có chả lụa và da heo giòn sần sật.

Địa chỉ: 3/71/10 Thành Thái, quận 10

Mở cửa: 5h00 - 21h00

Giá bán: 34.000 - 46.000 đồng

Sau chuyến food tour, Tiger nhận định rằng sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu trong bánh mì đã tạo nên ấn tượng sâu sắc đối với anh. "Bánh mì giòn rụm, nhân bánh thì đậm đà, kết hợp với rau thơm tươi mát và đồ chua giòn tan, tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt. Sẽ thật khập khiễng nếu so sánh bánh mì và hamburger vì nó giàu dinh dưỡng hơn món fast food của Mỹ. Chuyến đi đến TP.HCM lần này đã cho tôi nhiều trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời!", Tiger cho biết.

"Bánh mì giúp tôi hiểu hơn về văn hóa Việt Nam"

Will Courageux – một TikToker người Pháp, hiện sống và làm việc tại Hà Nội, là một gương mặt quen thuộc trong giới "review ẩm thực". Anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2016 khi đi du lịch cùng gia đình. Vì cảm mến con người và văn hóa nơi đây nên Will đã có một quyết định táo bạo: từ bỏ công việc kỹ sư IT ở Pháp để đến Việt Nam và bắt đầu lại mọi thứ.

Will Courageux trong một chuyến thiện nguyện tại Việt Nam vào cuối năm 2024. Ảnh: Facebook Will in Vietnam.

Will chia sẻ, làm video TikTok về chủ đề ẩm thực giúp anh hiểu hơn về văn hóa và học tiếng Việt dễ dàng hơn. Nói riêng về bánh mì, anh cho biết đây là một trong những món ăn yêu thích của mình. "Hầu như tôi đều ăn bánh mì khoảng 3-4 lần trong tuần. Ở Pháp có bánh sandwich với phô mai, thịt, hành… Nhưng bánh mì ở Việt Nam có rất nhiều rau với hương vị khác biệt, nhất là có pate, dưa leo, thịt nướng", Will cho biết.

Theo Will, anh cảm thấy ấn tượng với văn hóa thưởng thức bánh mì của người Việt. "Ở Pháp, chúng tôi chỉ dùng bánh mì cho bữa trưa hoặc bữa tối, nhưng ở đây, người ta ăn bánh mì bất kể thời điểm nào trong ngày. Cứ sáng sớm, hầu như người Hà Nội nào cũng đều ăn bánh mì để đi làm hay đi học. Tôi thường mua bánh mì ở khu Cầu Giấy, gần các trường học có nhiều nơi bán, nhưng hợp khẩu vị nhất có lẽ là quán bánh mì gần Đại học Ngoại Thương".

Will cũng cho biết thêm, bản thân anh rất thích món bánh mì ốp la. Việc ngồi thưởng thức món này trên vỉa hè đường phố cùng bạn bè đã cho anh rất nhiều kỷ niệm vui.

Gần 9 năm gắn bó với dải đất hình chữ S, Will đã thực hiện nhiều video TikTok về ẩm thực Việt Nam, cũng như có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, bánh mì luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim của chàng trai Pháp.

"Tôi vô cùng ấn tượng với nhiều món ăn có nhiều vị khác nhau như cay, ngọt, mặn… Các món ăn có thể trộn lẫn các vị với nhau thay vì duy nhất vị cay, ngọt hoặc mặn. Bánh mì cũng góp phần không nhỏ làm phong phú nền ẩm thực của Việt Nam. Khi đến những địa điểm mới, tôi và bạn bè luôn muốn ăn thử bánh mì", Will chia sẻ.

Bởi theo Will, bánh mì không chỉ là một món ăn đường phố được nhiều người ưa chuộng mà nó còn phản ánh sự sáng tạo và linh hoạt trong cách chế biến thức ăn của người Việt. Từ những loại nhân truyền thống như thịt nguội, chả lụa, pate, đến những biến tấu hiện đại như thịt nướng, xíu mại, hay thậm chí là các loại nhân chay, mỗi loại bánh mì đều mang một hương vị đặc trưng.

Bánh mì Việt Nam còn được kết hợp với nhiều loại rau thơm, đồ chua và nước xốt khác nhau, tạo nên sự hài hòa giữa các hương vị. Sự đa dạng này không chỉ thể hiện nét phong phú của nguyên liệu địa phương mà còn phản ánh sự giao thoa văn hóa, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại trong ẩm thực Việt Nam. Qua đó, mỗi ổ bánh mì không chỉ ngon miệng mà còn là một câu chuyện về tình yêu ẩm thực của người Việt.

Nguyễn Bảo

Nguồn: https://baomoi.com/banh-mi-mon-an-duong-pho-dam-hon-viet-khien-food-blogger-quoc-te-phat-cuong-c51749325.epi

Chú Lăng Nghiêm (1)

on .

1-.
Lăng nghiêm mật chú nhắc điều chung....
Sức khỏe mạch nguồn ai cũng mong !
Thể chất, tinh thần, rồi...cảm xúc ,
Tiếp theo ứng xử, tâm linh giòng !
2-.
Nam mô thể chất : tô dà đa (2)....
Tam miệu bồ đà tát đát tha,
Ta xá ra bà địa mục đế ,
Gia kiền " sức khỏe " ta bà ha !
3-
Sức khỏe tinh thần : thất rị sa (3)...
Ô hồng rị sắt yết noa tha ,
Bà dà phạm tát ta ha tát ,
Mạ ấn thố na đế rị na !
4-
Cảm xúc thăng trầm : đà dạ đi (4)...
Cừu bàn trà yết đà ra ni ,
Xã đa ha rị ha rị nẩm ,
Đát đoả già lô tây rị di !
5-
Ứng xử mô hình mật chú ca (5)...
Đát ra bác đá a di đà ,.
Nam mô yết ri đa da phấn ,
Duệ phấn bột ra mục chất đa !
6-
Sức khỏe tâm linh : bế lệ đa (6)....
Trạch khê ni yết lao đà ra ,
Du lam bạt rị bàn ni phấn ,
Tỳ xá bạc đà liểm bộ ca !
 
Tháng mão, trực Định 
Tịnh danh lhvkd, (16-3-2025)
 
(1) Mật chú Lăng Nghiêm gồm 427 câu, có từ thế kỷ thứ 7, do các nhà sư Ấn Độ truyền bá sang Trung Quốc và các lân quốc cạnh Trung Hoa.... Chủ yếu cầu cải thiện 5 hợp phần của SỨC KHỎE cho mỗi người.
(2) Sức khỏe thể chất thuộc " kim cang bộ", phiên âm tiếng Phạn ( Ấn Độ cổ) sang tiếng Tàu, từ câu 1 dến câu 137 ( trì tụng hướng đông )
(3) Sức khỏe tinh thần, thuộc Bửu Sinh bộ, từ câu 138 đến câu 178 (trì tụng hướng nam )
(4) Sức khỏe cảm xúc, thuộc bộ Phật  tâm, từ câu 179 đến câu 272 ( trì tụng trung cung ).
(5) Sức khỏe ứng xử, thuộc bộ Liên hoa, từ câu 273 đến câu 332 ( trì tụng hướng tây ).
(6) Sức khỏe tâm linh , thuộc bộ Nghiệp lực, từ câu 333 đển câu 427 ( trì tụng hướng bắc ).

Thơ - Tôi & TA

on .

Tôi & TA

1-

Mỗi ngày tôi soi mặt....

Sao không nhìn thấy TA ?

Bởi gương đã cũ, nát....

Thay gương mới "lục hòa" (1) !

2-

Thế rồi tôi dần hiểu...

Cái TÂM ngoài trái tim,

Khi TÂM vô... sở hữu,

Cái TA khỏi phải tìm !

           Tháng mão, trực Thành 

           Tịnh danh lhvkd,  (23-3-2025)

 

(1) Lục hòa là khái niệm " buông bỏ " (# vô sở hữu): mắt với sắc, tai với thanh, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp.

Khai phóng...Thiền

on .

       Khai phóng... Thiền

 

Chào Lévi - Strauss (1)...

Chào ngôn ngữ "nhị nguyên",

Âm và Thanh là... MỘT,

Khai phóng (2) nốt nhạc Thiền !

 

TA ngỡ ngàng mở mắt... ? 

Vái cụ Bụt tuệ thông:

Nhị phân "không" và "sắc" ,

Thời số hóa (3) tưng bừng !

 

            Tháng mão, trực Chấp 

            Tịnh danh lhvkd, (26-3-2025)

 

(1) Lévi - Strauss, triết gia nhân chủng học (người Pháp, 1908-2009) đã quan niệm ngôn ngữ loài người, là tính hỗ tương của ÂM và THANH với nhau...

(2) Khai phóng (# émancipation) = mở cửa đón nhận khoa học - kỹ thuật vào đời sống...

(3) Thời số hóa # digital = ứng dụng phương pháp nhị phân hai chữ số (số 1 và số 0) vào mọi vận hành xã hội...

Thưởng thức hương vị phở chấm xíu Nam Định

on .

Nhắc đến Nam Định, nhiều người nhớ ngay đến phở bò - món ăn trứ danh với nước dùng đậm đà, cách chế biến công phu, tinh tế. Thế nhưng, trong khoảng một năm trở lại đây, bên cạnh bát phở truyền thống, một biến tấu mới đã xuất hiện, thu hút sự quan tâm của đông đảo thực khách. Đó là phở chấm xíu - một nét sáng tạo độc đáo, góp phần làm phong phú thêm bản sắc ẩm thực của vùng đất Thành Nam.

Một suất phở chấm xíu đầy đủ gồm: thịt xíu, nước chấm, phở bản mỏng, rau thơm

Trong danh sách ẩm thực Việt Nam, phở từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một món ăn không chỉ gói gọn trong bát nước dùng nóng hổi mà còn mang theo cả tinh thần, hồn cốt của nền ẩm thực dân tộc. Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đưa phở Nam Định và phở Hà Nội vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị đặc biệt của món ăn này trong đời sống người Việt.

Một vài năm trở lại đây, bên cạnh món phở truyền thống đã làm nên tên tuổi vùng đất Thành Nam, một biến tấu mới đang thu hút sự chú ý của thực khách: “Phở chấm xíu” - món ăn không chỉ lạ từ tên gọi mà còn độc đáo trong hương vị.

Bỏ qua cách nấu phở thông thường là phải dùng thịt bò và thịt gà, ngày nay, người Nam Định kết hợp phở với thịt lợn, thay nước chan thành nước chấm chua ngọt. Đây chính là sự mở đầu cho cái tên phở chấm xíu.

"Xíu" trong ẩm thực Việt Nam có nguồn gốc từ tiếng Hoa, cụ thể là từ "xá xíu" trong tiếng Quảng Đông, chỉ món thịt lợn tẩm ướp gia vị và quay hoặc nướng chín. Khi du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh có ảnh hưởng văn hóa người Hoa như Nam Định, Hải Phòng…, "xíu" dần trở thành cách gọi tắt của các món thịt được chế biến theo phong cách này. Đó là bánh mì xíu mại, cơm xíu, bánh xíu páo, xôi xíu,...

Để làm ra được những đĩa phở chấm xíu, người bán phải chuẩn bị từ sáng đến chiều tối mới có hàng để bán, từ khâu chọn thịt đến tẩm ướp gia vị, pha chế nước chấm ngon. Sự cầu kỳ trong khâu chế biến nhưng lại là điểm cộng cho món ăn giúp thu hút khách hàng gần xa tới ghé ăn trải nghiệm.

Thịt xíu thái miếng vừa ăn được trình bày đẹp đẽ trên đĩa, rắc thêm chút hành phi để dậy mùi thơm ngậy hấp dẫn (ẢNH: THU TRANG)

Tại Nam Định, "xíu" trong "phở chấm xíu" thường là thịt lợn được tẩm ướp rồi rim mềm, tạo vị đậm đà. Phần thịt lợn phải chọn đúng phần nọng cổ (hay còn gọi là thịt má), bởi đây là vị trí thịt ngon nhất của con lợn, không dai, không khô, mềm nhưng không bị ngấy.

“Thịt khi mua về phải rửa sạch sẽ đi, rồi làm thao tác chần nước sôi để bỏ nốt tạp chất. Tiếp theo là ướp thịt với các gia vị như tỏi, nước mắm ngon, mì chính,…” - Cô Bùi Thị Ngọc, 55 tuổi, chủ quán Ngọc Quán Đêm tại Nam Định chia sẻ. Trong đó, thịt phải được ướp tối thiểu 1 giờ để các gia vị có thời gian thấm đều, giúp miếng xíu khi hoàn thành có độ đậm đà từ trong ra ngoài.

Miếng thịt xíu được chiên lại lần hai, vàng giòn trước khi phục vụ thực khách. (ẢNH: THU TRANG)

Sau khi thịt đã ngấm gia vị, đem rán sơ qua, chỉ vừa đủ để bề mặt thịt hơi vàng óng. Khi có khách gọi món, miếng thịt sẽ được chiên lại lần hai để tạo ra lớp vỏ ngoài giòn, trong khi bên trong vẫn giữ được độ mềm ẩm. Đây chính là điểm đặc trưng của thịt xíu, miếng thịt không bị khô, không quá cứng mà có độ giòn nhẹ bên ngoài, mềm tan bên trong.

Một bát phở xíu ngon không chỉ phụ thuộc vào phần thịt xíu đậm đà, mà điều tạo nên sự khác biệt giữ chân thực khách chính là thứ nước chấm đặc trưng. Nước chấm được ninh kỹ từ thịt gà, tạo nên vị ngọt thanh tự nhiên, rồi được nêm nếm khéo léo sao cho vừa đậm đà, vừa hài hòa.

Khi miếng thịt xíu chạm vào đầu lưỡi, hương vị lan tỏa với chút chua dịu, ngọt nhẹ, thanh thanh đầy lôi cuốn. Đó không phải là nước chấm bánh cuốn, cũng chẳng giống nước chấm chả, mà là một hương vị riêng biệt - thứ nước chấm chỉ có ở phở chấm xíu.

Nguyên liệu còn lại là bánh phở tươi bản nhỏ, mềm và dai cùng các loại rau sống. Nhìn thoáng qua trông nguyên liệu có vẻ rời rạc và chẳng ăn khớp với nhau, nhưng khi gắp một miếng thịt xíu, chấm ngập vào bát nước chấm đậm đà cùng bánh phở tươi và rau sống rồi thưởng thức, hương vị lan tỏa dần khắp khoang miệng, đầu lưỡi, giúp thực khách cảm nhận trọn vẹn điểm độc đáo của món ăn lạ mà quen.

Tấp nập khách ăn đêm tại quán phở chấm xíu (Ảnh: NVCC)

Các quán ăn đêm dọc con phố Nguyễn Hiền (thành phố Nam Định) thường bắt đầu mở bán phở chấm xíu từ 16 giờ chiều, nhưng từ trước đó, nhiều khách hàng đã có mặt tại quán để chờ mua mang về.

Càng về tối, lượng khách đổ về mỗi lúc một đông, cao điểm là vào khung giờ từ 10 giờ đến 12 giờ đêm. Người kiên nhẫn xếp hàng chờ mua, người ngồi lại từ từ thưởng thức hương vị đậm đà của món phở lạ miệng.

Anh Nguyễn Mạnh Tiến, 23 tuổi, một thực khách ở Nam Định chia sẻ về trải nghiệm thưởng thức phở chấm xíu: “Mình sống ở Nam Định lâu rồi nhưng mãi đến khoảng một năm trở lại đây mới biết đến món ăn này qua một bài viết trên mạng. Ban đầu, mình không nghĩ phở có thể ăn theo cách chấm thay vì chan nước như thông thường. Nhưng khi thử, cảm giác rất lạ miệng và cuốn hút. Sợi phở mềm dai, thịt xíu đậm đà, nước chấm chua ngọt vừa vặn, kết hợp với rau xanh giúp cân bằng hương vị, khiến món ăn không hề bị ngấy”.

Anh Tiến cho biết, kể từ khi biết đến phở chấm xíu, tuần nào anh cũng ghé quán từ hai đến ba lần để thưởng thức và mua về cho gia đình.

Khẩu vị tinh tế và sáng tạo của người Nam Định đã phát triển ra một dòng phở mới với hương vị lạ lùng nhưng cũng đầy quen thuộc. Tuy chỉ mới xuất hiện vào những năm 2018-2019 từ cửa hàng ăn đêm nhỏ của một người dân Nam Định, nhưng đến nay, món phở chấm xíu đã xuất hiện dọc con phố nhỏ Nguyễn Hiền và đã là món “nhất định phải ăn một lần” khi đến Nam Định.

THU DUYÊN - THU TRANG

Nguồn: https://baomoi.com/thuong-thuc-huong-vi-pho-cham-xiu-nam-dinh-c51843777.epi