NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin Tức Khác

Đau...

on .

ĐAU....
 
1-
Cái ĐAU thể xác tuy nhăn nhó....
Nhưng khổ tâm hơn dùng chữ.... DUYÊN !
Nhà báo thăm dò tu sĩ nọ
Ai ngờ hành giả trả lời..." Quen " ?
2-
Quen rằng " hiện tượng điềm....hy vọng " (!) ,
Bởi " nghiệp" gây ra...đơn giản thôi !
Hành giả quanh co ngôn ngữ...vụng ,
Chữ DUYÊN hồi đáp , đáp sai rồi !
3-
Đường tu như thế, làm sao đến.... ?
Bển giác , bao giờ hạnh ngộ DUYÊN(1) ?
Nhà báo mỉm cười....ĐAU ước nguyện ,
Ra về, " phong bạt"(2) để tìm....quên !
 
                 Tháng sửu, trực Phá
                   ( 17-1-2025 )
                  Tịnh danh lhvkd,
 
(1) Duyên ( pratyaya) có nghĩa : dòng chảy TÂM và VẬT liên hệ chằng chịt với nhau ; cái TA không có thật , mọi sự việc cũng không có thật....( trang 266 sách Từ điển Phật học, nxb Thuận Hóa - 1999) ; là trí lực của tâm hồn, nhận biết cái không thật của tương quan giữa tâm đối với cảnh .... ( trang 328 sách Từ điển Phật học Hán Việt, nxb KHXH- 2012).
(2) phong bạt: cường điệu " thánh hóa" một hiện tượng, một nhân vật.

Tâm hoa trổ thiên lương

on .

 TÂM HOA TRỔ THIÊN LƯƠNG

                                                                                              - LÊ MINH QUỐC -

Trong tác phẩm Thú chơi sách, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Năm 1941, tôi làm thơ ký nơi Dinh Thống đốc Nam Kỳ, tôi có một bạn đồng liêu là Bùi Văn Hai được đi Hà Nội học bổ túc về khoa gìn giữ thư viện (archiviste). Có tin thi sĩ Tản Đà từ trần, nhờ đến cụ bà Nguyễn Khắc Hiếu xin vài kỷ niệm của thi sĩ, thì bà cụ rất sẵn lòng”. Lá thư trả lời ngày 22 Novembre 1941 của bạn cụ Sển, nay đọc lại, tự dưng tôi lại liên tưởng đến một nhà thơ ở đất Bình Dương: Tịnh danh LHVKD.

Tại sao thế?

Không liên tưởng sao được khi trong thư có đoạn thuật lại câu nói của vợ nhà thơ Tản Đà nhận xét về chồng: “Ông sẽ làm nhiều loại về tiểu thuyết v.v… nữa nếu ông còn vì bao giờ trong lòng ông vẫn có thơ văn muốn thì có”. Rõ ràng, đây là phẩm chất của người viết chuyên nghiệp, tất nhiên cũng cần phải có tài năng thì bất kỳ lúc vào cũng có thể viết. Từ lâu nay, có cơ may lẫn cơ duyên được “kết bạn” sáng tác văn nghệ với nhà thơ, nhà giáo, lương y, nhà nghiên cứu Tịnh danh LHVKD, tôi nhận thấy ông cũng là một mẫu người như thế. Là một cảm hứng hết sức giồi dào, mạch chảy của thi hứng tưởng chừng bất tận, có thể viết đều đặn mỗi ngày, ông đã chạm đến đề tài khác nhau và phóng bút ở nhiều thể loại. Sức viết ấy, khi con người ta đã ngoài 80 thì lại càng quý và hiếm.

Thời trai trẻ, như nhiều người viết khác, ồ, ai cũng thế thôi, đó là lúc thi nhân viết về tình yêu đôi lứa thì nay không còn trẻ nữa, ông đã hướng một thế giới khác: Tâm linh, Tôn giáo, Siêu hình... Để từ đó, ông quán niệm, suy ngẫm bằng thơ - là thơ là vần điệu là câu chữ nhưng ám ảnh trong đó, triết lý trong đó là nhằm đạt đến thấu cảm về Lẽ sống, về sự Vĩnh cữu, về Sắc Không của Đời. Tôi nghĩ đó là thpơ của một người khi đã đến một độ tuổi nào đó, đã “đạt đạo” thì mới có thể.

Với tập thơ Đóa mẫu đơn trên môi đã viết và đang viết là mạch cảm xúc mà nhà thơ Tịnh danh LHVKD từng ngày ngao du cùng nàng thơ, kể ra, trong mỗi ngày cỏn giữ được cảm xúc ấy thật kỳ diệu và hoan hỉ cho chính mình và cho bao người khác. Ở đây là những suy ngẫm thú vị, thí dụ trước đây, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã từng viết những câu tự nhắc nhở cho mình và cho người về cách thở:

Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm, chậm, sâu, đều

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được

 

Với Tịnh danh LHVKD cũng là thở/ tập thở nhưng lại là một khái quát:

ÂM hít vào là "nhận"

DƯƠNG thở ra là "cho"

Vòng xoay tạo khỏe khoắn

Tâm hồn nhẹ như... THƠ !

 

Hít vào sâu, chậm rãi

Thêm việc phình bụng lên

Rồi thót nhanh bụng lại

Thở ra: quán chiếu "thiền"

 

Không ai thay Ta thở

Không ai thay Ta thiền

Âm Dương là thế đó

Nhờ Âm Dương đắc DUYÊN

 

Đây là một trong những bài thơ tạo ra ấn tượng khó quên. Rồi, trong cuộc sống này, há ai lại không từng nghe đến lời dạy của người xưa: “Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh, thoái nhất bước hải khoát thiên không” (Nhẫn một lúc thì sóng yên bể lặng, lùi một bước sẽ thấy biển rộng trời cao). Ngẫm ra lời dạy này thời nào cũng đúng và càng có ý nghĩa hơn trong tốc độ sống, nhịp sống của thời đại thế giởi phẳng. Nay trong suy ngẫm ngày, nhà thơ Tịnh danh LHVKD nhìn lại và diễn đạt bằng thể loại thơ bảy chữ, bốn khổ thơ:

Cứ bình tĩnh, dù đường đi chưa tới

Hành giả ơi, áo đã đẫm mồ hôi

Chân thấp chân cao, bóng chiều le lói

Đêm ngủ ngồi, rồi lặng ngắm sao rơi

 

Cứ bình tĩnh, trên cọc đời tạm trú

Hành giả ơi, chim bói cá tinh ma

Bầy ác điểu chờ thời cơ... gây sự

Đừng quan tâm, không bỏ áo cà sa

 

Cứ bình tĩnh, quên miệng người tán thán

Hành giả ơi, buông bỏ hết khen, chê

Lời ong tiếng ve, đấy là kiếp nạn!

Đã ra đi, sao biết được ngày về?

 

Cứ bình tĩnh, đành vậy thôi, thế nhé

Hoang mạc xa, rồi tịnh thất - nghiêm đường

Chuông và mõ, hành trì kinh CỨU THẾ

Hành giả ơi, tâm hoa trổ THIÊN LƯƠNG

Cảm xúc này, nhìn từ ngoại cảnh để tự nhủ lòng mình. Nhẫn, được soi rọi ở gó độ bình tĩnh, an nhiên, an tịnh, không vội vã cũng không sơ hãi, cứ bình tâm với chính mình để cuối cùng vẫn là mình là xét theo nghĩa của tử “thiên lương”. Tôi thích hai từ “thiên lương” kết thúc bài thơ này, là “Phần tốt đẹp có sẵn của con người do trời ban cho” (Hán - Việt tân tự điển, Nguyễn Quốc Hùng). Hầu như hiện nay ít ai sử dụng tù này nữa, vì thế, khi đọc của Tịnh danh LHVKD, tôi nhớ đến nhà thơ Tản Đà lúc lên Hầu trời (1921), Trời bảo công việc của tác giả Giấc mộng lớn. Giâc mộng con ở trần gian:

Trời rằng: "Không phải là Trời đày,

Trời định sai con một việc này

Là việc "thiên lương" của nhân loại,

Cho con xuống thuật cùng đời hay."

Hiểu điều này, càng thấy bài thơ của Tịnh danh LHVKD đã hướng đến sự cốt lõi nhất khiến ta phải ngẫm nghĩ. Những bài thơ trong tập Đóa mẫu đơn trên môi, luôn khiến người đọc phải trầm tĩnh suy ngẫm, không đọc vội, bình tâm nhẩn nha sẽ gặt hái được những điều mà ai ai cũng nói với lòng mình:

TÂM khỏe là ĐẠO khỏe

Đạo khỏe hết nguy nan

Vài dòng thơ chắp nối

Kỳ vọng sống BỈNH AN

                                       L.M.Q

Thơ Monachos

on .

        Monachos(1)
 
1-.
Đan tu - monachos....
Đi bộ một mình thôi ,
Tịnh danh , soi kiếp trước ?
Đêm ngủ  , đơn độc ngồi !
 
2-
Đan tu - monachos....
" Thiền tức" (2) cội bồ đề,
Khởi duyên tìm bển tốt,
Giải " ảo ngã " (3) bờ mê ?
 
3-
Đan tu - monachos....
Lắng nghe cơ thể....vui ?
(Kinh kệ như chim hót !)
Còn thở, là.... SỐNG rồi !!!
 
 
            Tháng sửu , trực Chấp  ( 25-2-2025 )
            Tịnh danh lhvkd,
 
(1) Monachos: pháp tu khổ hạnh, còn gọi là " đan tu " ( thuật ngữ của Ky Tô Giáo ).
(2) Thiền tức: chỉ chú ý vào hơi thở của mình ( không suy nghĩ gì khác hơn ).
(3) Ảo ngã: cái TÔI không bền lâu, chỉ tạm thời rồi tan biến....
 
 

Vì sao Đà Nẵng lọt top 10 điểm đến ẩm thực 2025 do Michelin Guide bình chọn?

on .

Các chuyên gia từ Michelin Guide đánh giá các nhà hàng, quán ăn ở thành phố biển này hài hòa giữa phong cách quán vỉa hè và nhà hàng hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực từ bình dân đến cao cấp...

Món mỳ Quảng tôm trứng với nhiều loại rau gia vị ăn kèm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Món mỳ Quảng tôm trứng với nhiều loại rau gia vị ăn kèm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trong danh sách 10 điểm đến ẩm thực cần phải đến năm 2025 do MichelinGuide công bố mới đây, Đà Nẵng của Việt Nam là cái tên mới được xếp hạng cùng các thành phố nổi tiếng trên thế giới là Austin và Miami (Mỹ), Mexico City (Mexico), Amsterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan), Phúc Kiến (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản), Bath (Anh) và Vienna (Áo).

Vậy điều gì khiến ẩm thực Đà thành được đánh giá cao như vậy?

Điểm đến có sức hấp dẫn mạnh mẽ

Các chuyên gia từ Michelin Guide nhận định Đà Nẵng là thành phố biển có hải sản tươi ngon và các món ăn đậm đà bản sắc địa phương. Trong mỗi chuyến xê dịch, ẩm thực luôn là yếu tố quan trọng, giúp con người kết nối với các nền văn hóa và điểm đến trên khắp thế giới. Theo đó, chính sự phát triển của các nhà hàng là “con đường ẩm thực” đưa du khách đến gần hơn với dân bản địa, đắm mình vào lịch sử, truyền thống của nơi đến.

Đà Nẵng với vị trí ven biển, có nền ẩm thực đa dạng, độc đáo của nhiều loại hải sản như tôm, cá, cua, mực, sò, ốc… Michelin Guide đánh giá các nhà hàng, quán ăn ở thành phố biển này cũng hài hòa giữa phong cách quán vỉa hè và nhà hàng hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực từ bình dân đến cao cấp.

Đặc biệt, Đà Nẵng còn nằm gần di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận - phố cổ Hội An (Quảng Nam), và Cố đô Huế vốn rất nổi tiếng về kiến trúc, văn hóa, ẩm thực.

 Đà Nẵng còn là điểm đến của những lễ hội đường phố. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đà Nẵng còn là điểm đến của những lễ hội đường phố. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Việc Đà Nẵng được Michelin Guide vinh danh sẽ góp phần tiếp tục quảng bá các món ăn độc đáo của điểm đến này nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung tới những người đam mê ẩm thực cũng như khám phá văn hóa thế giới.

Trước đó, ẩm thực Đà Nẵng được truyền thông và du khách trong nước lẫn quốc tế chú ý nhiều hơn kể từ khi Cẩm nang Michelin có mặt ở thành phố biển miền Trung vào tháng 6/2024.

Việc chính thức trở thành điểm đến ẩm thực thứ ba của Michelin Guide tại Việt Nam không chỉ khẳng định sức hút của những món ăn nức tiếng Đà Nẵng, mà còn là cơ hội để thủ phủ miền Trung một lần nữa khẳng định vị thế điểm đến quốc tế năng động và hấp dẫn của mình.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ông Hà Văn Siêu khẳng định sự tỏa sáng của điểm đến như Đà Nẵng gắn với Michelin làm cho sức hấp dẫn của thành phố ngày càng mạnh mẽ. Sự lựa chọn Đà Nẵng của Michelin là một hướng đi rất đúng đắn, trúng và chất lượng, bởi đây là một điểm đến đang lên, một thành phố đáng đến, đáng sống.

Từ di sản ẩm thực đến “bếp ăn” của thế giới

Đà Nẵng đã và sẽ không chỉ được thế giới biết tới là một đô thị hiện đại có nếp sống văn minh, một thủ phủ của du lịch Việt với những điểm đến mang tính biểu tượng như Cầu Vàng (một trong 10 kỳ quan mới của thế giới), bãi biển Mỹ Khê (1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh), hay các sự kiện lễ hội quy mô tầm cỡ như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng...

Với sự hiện diện của các ngôi sao Michelin danh giá, Đà Nẵng đã và đang trở thành “bếp ăn” của cả những thực khách khó tính trên toàn cầu.

  Món bún chả cá Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnam+)

Món bún chả cá Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnam+) 

Không chỉ lọt top 10 điểm đến ẩm thực cần phải đến năm 2025 của Michelin Guide, hiện Đà Nẵng có 36 nhà hàng, quán ăn được Michelin Guide vinh danh, trong đó có 1 nhà hàng một sao Michelin, 16 cơ sở ăn uống được liệt kê trong hạng mục Bib Gourmand (quán ngon với giá hợp lý), 19 nhà hàng/quán ăn nằm trong danh sách Michelin Selected.

Đáng chú ý, nhà hàng Nén Danang trở thành nhà hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trao tặng 1 Ngôi sao Xanh - Michelin Green Star vì cam kết đối với ẩm thực bền vững và những nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu địa phương.

Michelin Guide gợi ý mỳ Quảng và bún chả cá là món ăn nhất định phải thử ở Đà Nẵng. Mỳ Quảng, món đặc trưng của khu vực miền Trung là loại mỳ sợi, thường được làm từ bột gạo xay mịn với nước từ hạt dành dành và trứng cho có màu vàng, tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái sợi mỏng khoảng 5-10mm.

Món mỳ này khác biệt với tất cả các loại mỳ ở những vùng miền khác nhờ vào các loại rau gia vị ăn kèm đặc trưng. Mỳ Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị để tạo nên một “bản giao hưởng” hương vị nồng nàn: húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng, rau mùi, rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối thái mỏng.

  Một bữa tiệc thị giác từ nhà hàng Nén Danang.

Một bữa tiệc thị giác từ nhà hàng Nén Danang. 

Mỳ Quảng có nhiều loại “nhân” khác nhau như thịt lợn, tôm, thịt gà, hay thịt cá lóc (đôi khi có trứng luộc), ếch cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Nước dùng của món mỳ Quảng cũng khác biệt ở chỗ là loại nước lèo rất cô đặc và ít nước. Ngoài ra, mỳ còn được dùng kèm với bánh tráng mè (bánh đa vừng), thêm cả đậu phộng (lạc) rang giòn thơm tạo nên hương vị đặc trưng.

Còn bún chả cá có nước dùng ninh từ xương cá, vị chua ngọt. Thực khách có thể chọn chả cá truyền thống hoặc thêm cá thu, cá ngừ để thay đổi. Tại Đà Nẵng, bún chả cá phổ biến trên mọi con đường, mọi khu dân cư, trong đó tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Lê Hồng Phong... tập trung nhiều quán bún chả cá nổi tiếng.

Với những hương vị vùng miền riêng có, ẩm thực Đà thành được ví như một di sản văn hóa mang đậm bản sắc và đầy quyến rũ, góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://baomoi.com/vi-sao-da-nang-lot-top-10-diem-den-am-thuc-2025-do-michelin-guide-binh-chon-c51415097.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

9 món ngon nổi tiếng không thể bỏ lỡ khi tới Khánh Hòa

on .

Khánh Hòa không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là thiên đường ẩm thực với những món ngon đặc sắc.

Khánh Hòa không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, những hòn đảo thơ mộng mà còn là thiên đường của ẩm thực miền Trung. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây, bạn đừng quên thưởng thức những đặc sản trứ danh mang đậm hương vị biển cả và nét đặc trưng vùng miền.

Nem Ninh Hòa

Nem Ninh Hòa có hai loại: nem chua và nem nướng. Nem chua được làm từ thịt heo tươi, lên men tự nhiên, có vị chua nhẹ và dai ngon. Trong khi đó, nem nướng là món ăn đặc trưng, thường ăn kèm với bánh tráng, rau sống và nước chấm đậm đà.

Bún chả cá Nha Trang

Nhắc đến ẩm thực Khánh Hòa không thể bỏ qua bún chả cá Nha Trang. Món ăn này có nước dùng trong, ngọt thanh từ xương cá, kết hợp với chả cá dai ngon làm từ cá thu, cá cờ hoặc cá nhồng. Đây là món ăn sáng phổ biến được cả người dân địa phương và du khách yêu thích.

Bánh căn Nha Trang

Bánh căn là món bánh truyền thống của miền Trung nhưng bánh căn Nha Trang có nét riêng biệt nhờ nhân hải sản tươi ngon như tôm, mực, cá. Bánh thường ăn kèm với nước chấm pha mỡ hành, xíu mại hoặc mắm nêm đậm đà.

Bánh xèo mực

Không giống bánh xèo miền Tây, bánh xèo mực ở Nha Trang nhỏ gọn, giòn rụm, nhân là những con mực tươi rói. Khi ăn, bạn cuốn bánh với rau sống, chấm nước mắm chua ngọt, tạo nên hương vị độc đáo.

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai là một trong những món ăn mang đậm hương vị biển cả của Khánh Hòa. Cá mai tươi được làm sạch, thái lát mỏng, trộn cùng các loại rau thơm, đậu phộng rang và nước chấm chua ngọt. Món ăn này mang đến vị thanh mát, không có mùi tanh, rất lý tưởng để thưởng thức.

Xoài Cam Lâm

Khánh Hòa còn nổi tiếng với xoài Cam Lâm, một loại xoài cát thơm ngon, ngọt lịm và mọng nước. Đây không chỉ là loại trái cây được yêu thích mà còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Mực rim me

Mực rim me là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều du khách khi đến Khánh Hòa. Mực được rim với nước sốt me chua ngọt, cay cay, tạo nên hương vị hấp dẫn, thích hợp để nhâm nhi hoặc làm quà biếu.

Bánh Đập

Bánh đập, một món ăn dân dã nổi tiếng của Khánh Hòa, được chế biến từ hai lớp bánh tráng đặc biệt. Lớp bánh đầu tiên là bánh ướt mềm mịn, trong khi lớp thứ hai là bánh tráng nướng giòn rụm. Khi thưởng thức, món ăn này thường được chấm với nước mắm nêm cay nồng, mang đến hương vị độc đáo, hấp dẫn.

Yến sào Khánh Hòa

Yến sào Khánh Hòa từ lâu đã được xem là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng và quý giá nhất Việt Nam. Nhờ điều kiện thiên nhiên thuận lợi, các hang yến ở đây sản xuất ra loại yến có chất lượng cao, giàu dinh dưỡng. Yến sào không chỉ được chế biến thành món ăn bổ dưỡng mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Lam Khanh

Nguồn: https://baomoi.com/9-mon-ngon-noi-tieng-khong-the-bo-lo-khi-toi-khanh-hoa-c51617436.epi