NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

Cúc mâm xôi Sa Đéc đẹp rực rỡ khiến khách du lịch mê mẩn

on .

Thời điểm này, nhiều vườn cúc mâm xôi ở Làng hoa Sa Đéc bắt đầu nở, những giỏ hoa mâm xôi đủ màu khoe sắc rực rỡ dưới nắng khiến du khách say mê chụp ảnh.

Cúc mâm xôi Sa Đéc đẹp rực rỡ khiến khách du lịch mê mẩn - Ảnh 1.
 Khách tham quan vườn hoa mâm xôi Hàn Quốc tại phường An Hòa, TP Sa Đéc - Ảnh: TỐNG DOANH

Bước vào thời điểm giáp Tết, làng hoa Sa Đéc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp trở nên nhộn nhịp và sôi động nhất năm. Đến đây, du khách thường tìm mua hoa tại các vườn cúc mâm xôi và tranh thủ chụp ảnh.

Đây là thời điểm cúc mâm xôi trổ bông lác đác, với những cánh hoa vừa hé mở xen kẽ những bông hoa còn mới hé nụ hồng.

Cúc mâm xôi Sa Đéc đẹp rực rỡ khiến khách du lịch mê mẩn - Ảnh 2.Nhìn từ trên cao, những giàn hoa thẳng tắp đang khoe sắc - Ảnh: TỐNG DOANH

Khoảng một tuần nữa, hoa sẽ xuống giàn giao cho thương lái đem ra chợ. Vì thế du khách tận dụng thời điểm hoa còn đầy giàn đến tham quan, trải nghiệm, bơi xuồng ngắm hoa trên giàn.

Mâm xôi Sa Đéc bung nở rực rỡ khiến khách du lịch mê mẩn   - Ảnh 3.

Khách du lịch bơi xuồng tham quan ruộng hoa - Ảnh: TỐNG DOANH

Trồng hoa trên giàn là một đặc trưng ở Làng hoa Sa Đéc, đặc biệt mỗi dịp Tết đến, hình ảnh người trồng hoa ngồi trên xuồng lần theo từng hàng chăm sóc hoa đã tạo cảm hứng cho nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa, thu hút khách về tham quan trải nghiệm.

Mâm xôi Sa Đéc bung nở rực rỡ khiến khách du lịch mê mẩn   - Ảnh 4.

Du khách diện áo dài chụp ảnh Tết tại Làng hoa Sa Đéc - Ảnh: TỐNG DOANH

Năm nay, Làng hoa Sa Đéc trồng gần 300.000 giỏ cúc mâm xôi các loại, gồm màu vàng truyền thống có giảm sản lượng; riêng cúc mâm xôi nhiều màu Hàn Quốc tăng sản lượng trên 200.000 giỏ.

Hiện lượng cúc mâm xôi nở sớm đã được thương lái mua số lượng lớn, còn lại những vườn cúc đang ra hoa đúng thời điểm đi chợ Tết từ 22-25 tháng chạp.

Cúc mâm xôi Sa Đéc đẹp rực rỡ khiến khách du lịch mê mẩn - Ảnh 5.

Thời điểm này cúc mâm xôi đã được bày bán nhiều, với đa dạng kích cỡ bông để khách lựa chọn - Ảnh: TỐNG DOANH

TỐNG DOANH

Nguồn: https://tuoitre.vn/cuc-mam-xoi-sa-dec-dep-ruc-ro-khien-khach-du-lich-me-man-20250114190054585.htm

Nhiều lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng DeepSeek, người dùng iPhone cần cảnh giác

on .

Ứng dụng DeepSeek từng gây sốt khi đứng đầu bảng xếp hạng App Store chỉ sau một đêm ra mắt, nay lại trở thành tâm điểm của tranh cãi với hàng loạt lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty bảo mật NowSecure, ứng dụng này không chỉ bỏ qua các tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu, mà còn khiến thông tin người dùng dễ có nguy cơ bị khai thác.

  Ứng dụng DeepSeek bị phát hiện dính nhiều lỗ hổng bảo mật.

Ứng dụng DeepSeek bị phát hiện dính nhiều lỗ hổng bảo mật. 

DeepSeek - Từ hiện tượng mạng đến cơn ác mộng bảo mật

Từ trước, DeepSeek đã gây chú ý với khả năng xử lý AI mạnh mẽ ngay cả trên các thiết bị có cấu hình thấp, một điều hiếm thấy trong thị trường chatbot hiện nay. Thành công này thậm chí còn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của một số công ty AI lớn tại Mỹ.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến bảo mật nhanh chóng kéo DeepSeek vào tâm điểm chỉ trích của giới chuyên gia và cơ quan quản lý trên toàn cầu.

Công ty bảo mật di động NowSecure đã phát hiện ra DeepSeek tắt tính năng App Transport Security (ATS), một cơ chế bảo vệ mặc định của Apple nhằm đảm bảo dữ liệu chỉ được truyền qua các kênh mã hóa an toàn.

Việc vô hiệu hóa ATS đồng nghĩa với việc dữ liệu của người dùng có thể bị gửi đi qua kết nối không an toàn, tạo điều kiện cho hacker hoặc bên thứ ba dễ dàng thu thập và phân tích.

Đáng lo ngại hơn, DeepSeek còn sử dụng thuật toán mã hóa 3DES, vốn đã lỗi thời và bị đánh giá là không an toàn. Trong khi phần lớn các nền tảng hiện nay đã chuyển sang AES, một chuẩn mã hóa mạnh hơn, DeepSeek vẫn sử dụng công nghệ cũ, làm gia tăng nguy cơ dữ liệu bị giải mã trái phép.

   Gỡ ứng dụng DeepSeek khỏi iPhone.

Gỡ ứng dụng DeepSeek khỏi iPhone. 

Dữ liệu người dùng có thể bị khai thác cho hoạt động gián điệp

Theo các chuyên gia bảo mật, dữ liệu thu thập bởi DeepSeek có thể giúp xác định danh tính người dùng, đặc biệt là những cá nhân có giá trị cao như nhân viên chính phủ hoặc tổ chức quan trọng.

Nếu thông tin về thiết bị, vị trí, và lịch sử tương tác bị khai thác, điều này có thể mở ra cánh cửa cho các hoạt động gián điệp hoặc lạm dụng dữ liệu trên quy mô lớn.

Không chỉ dừng lại ở iOS, báo cáo cũng chỉ ra rằng phiên bản DeepSeek trên Android thậm chí còn kém an toàn hơn, khiến người dùng trên nền tảng này càng phải thận trọng hơn nữa.

Dù sở hữu công nghệ AI tiên tiến, DeepSeek vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro bảo mật. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng không nên sử dụng ứng dụng này cho các tác vụ liên quan đến thông tin cá nhân hoặc nhạy cảm. Khi các cuộc điều tra về bảo mật và quyền riêng tư còn đang tiếp diễn, nguy cơ tiềm tàng từ DeepSeek vẫn chưa dừng lại.

Nếu bạn đang sử dụng ứng dụng này, đây có thể là thời điểm thích hợp để xem xét việc gỡ bỏ nó khỏi thiết bị của mình trước khi quá muộn.

Tiểu Minh

Nguồn: https://baomoi.com/nhieu-lo-hong-bao-mat-trong-ung-dung-deepseek-nguoi-dung-iphone-can-canh-giac-c51425385.epi

Thủ tướng Singapore cảnh báo công chúng về hình ảnh deepfake của ông trên mạng xã hội

on .

Trên các tài khoản mạng xã hội, Thủ tướng Singapore - Lawrence Wong hôm 7/3 gửi lời cảnh báo công chúng về sự tồn tại của những hình ảnh deepfake của ông đang bị các băng nhóm tội phạm lừa đảo sử dụng để trục lợi.

Theo Thủ tướng Singapore, ông đã nhận được thông tin báo cáo về việc các băng nhóm lừa đảo sử dụng những hình ảnh deepfake của ông để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, bao gồm các chương trình kiếm tiền và dịch vụ xin thường trú nhân.

Thủ tướng Singapore đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, không trả lời hoặc chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào trên các nền tảng sử dụng hình ảnh của ông nhằm tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Ngoài ra, ông Lawrence Wong cũng kêu gọi người dân là nạn nhân của bất kỳ vụ lừa đảo nào cần trình báo cho cảnh sát để phục vụ công tác điều tra, truy bắt tội phạm.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. (Ảnh Bernama)

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. (Ảnh Bernama)

Theo truyền thông Singapore, đây không phải là lần đầu tiên những băng nhóm lửa đảo sử dụng hình ảnh deepfake của Thủ tướng Singapore để quảng bá sản phẩm. Năm 2023, khi còn đang là Phó Thủ tướng Singapore, một video deepfake của ông Lawrence Wong đã được sử dụng để quảng bá trong một vụ lừa đảo đầu tư.

Với các trình tạo video AI trực tuyến có sẵn, công chúng có thể tạo ra các hình ảnh deepfake thuyết phục, ghép mặt bất kỳ ai và nói bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

Singapore gần đây công bố nhiều biện pháp nhằm chống lại việc lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến, trong đó có Luật Bảo vệ trước sự giả mạo và thao túng Trực tuyến, yêu cầu người vi phạm chèn thông báo cải chính vào bài đăng gốc.

Ngoài ra, đảo quốc sư tử cũng mới thông qua Luật về Tác hại tội phạm trực tuyến, có hiệu lực vào năm 2024. Đạo luật này tạo khuôn khổ pháp lý cho phép cơ quan chức năng ban hành các lệnh yêu cầu các cá nhân, công ty và nhà cung cấp dịch vụ Internet xóa hoặc chặn truy cập vào nội dung vi phạm, bao gồm cả việc sử dụng deepfake cho các chiến dịch độc hại.

PV/VOV-Bangkok

Năm 2025: Thách thức chống lừa đảo ngân hàng bằng công nghệ

on .

Các ngân hàng ngày càng hiểu rằng việc mở rộng hoạt động phải đi đôi với an toàn bảo mật. Năm 2025, phần lớn các ngân hàng cho biết sẽ dốc hầu bao đầu tư mạnh vào các giải pháp công nghệ để chống lừa đảo, bảo vệ dữ liệu và người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ...

Theo Ernst & Young (EY), giai đoạn 2021-2024 chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong lưu thông tiền mặt tại Việt Nam, từ mức 12,11% (vào tháng 1/2021) xuống còn 9,98% (vào tháng 4/2024). EY cho biết để giảm khoảng 1% lưu thông tiền mặt, Việt Nam đã từng mất một thập kỷ, từ năm 2011 đến năm 2021, trong khi ba năm qua, lưu thông tiền mặt đã giảm khoảng 3%.

Theo khảo sát của Công ty xử lý các khoản thanh toán cho các tổ chức tài chính Worldpay, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán hàng đầu tại các điểm bán hàng ở Việt Nam vào năm 2023 với ước tính 38% giá trị giao dịch. Con số này đã giảm một nửa so với mức 85% giá trị thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt vào năm 2019. Ước tính giá trị giao dịch tiền mặt tại các điểm bán hàng sẽ giảm xuống còn 24% vào năm 2027.

LƯU THÔNG TIỀN MẶT GIẢM 3% TRONG BA NĂM

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối năm 2024, trên 80% tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược, kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Đồng thời đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực.

Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Các ngân hàng cũng thúc đẩy nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%.

10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị; qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7% về số lượng và 33,77% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 31,60% về số lượng và 16,48% về giá trị.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166.000 nghìn tỷ đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết chỉ sau một tháng triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, trong tháng 8/2024, số vụ khách hàng bị lừa mất tiền giảm khoảng 50% so với mức trung bình của 7 tháng đầu năm 2024.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, tính đến ngày 1/11/2024, có 51 tổ chức tín dụng, 31 trung gian thanh toán đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai ứng dụng thẻ căn cước, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip thông qua ứng dụng điện thoại; 57 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép để triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy…

Sau 5 tháng triển khai xác thực sinh trắc học từ nguồn Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (thông qua căn cước công dân gắn chip, VneID), đã có hơn 63,6 triệu hồ sơ khách hàng được thu nhập, đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết ngành ngân hàng cũng tích cực phối hợp với C06 (Bộ Công an) kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, có 9 tổ chức tín dụng đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả, trong đó đã liên kết được hơn 60,3 nghìn tài khoản an sinh xã hội.

THÁCH THỨC TRONG BẢO VỆ DỮ LIỆU HỆ THỐNG

Theo ghi nhận của VnEconomy, quy định xác thực sinh trắc học nhằm phòng chống lừa đảo được giới công nghệ hưởng ứng và đánh giá cao.

“Quy định này không chỉ giảm tình trạng lừa đảo mà còn hiệu quả trong việc phát hiện tiền bẩn, các phi vụ rửa tiền bất hợp pháp”, ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhận định.

Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc phần mềm IBM Đông Nam Á, đồng tình với nhận định của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu. “Lúc ban đầu có thể mọi người cảm thấy đôi chút phiền phức, nhưng giải pháp xác thực sinh trắc học cho thấy hiệu quả trong việc chống lừa đảo”, ông Khang thông tin.

Dẫu vậy, các chuyên gia lưu ý cuộc chiến chống lừa đảo là không có hồi kết. “Bên cạnh mặt được về tính năng thì chuyển đổi số khiến ngân hàng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Sản phẩm nào mới ra cũng phải trải qua chu trình vòng đời; 1-2 năm đầu sản phẩm chưa trơn tru mà cần rất nhiều phản hồi của khách hàng để hoàn thiện. Trong khi đó, hacker luôn tìm ra những điểm chưa chuẩn trong sản phẩm mới để đưa ra phương thức tấn công mới vào hệ thống ngân hàng”, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Hoạch định an ninh thông tin, Techcombank, chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Khang lưu ý thêm rằng trong bối cảnh ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai ngân hàng mở (open banking), chia sẻ dữ liệu giữa tổ chức tài chính và bên thứ 3 thì vấn đề bảo mật càng trở nên bức bách. “Thứ mà hacker nhắm tới là thông tin, dữ liệu. Khi có dữ liệu thì họ mới tìm ra cơ sở, xây dựng kịch bản cho các bước lừa đảo tiếp theo…”, ông Khang cho biết.

Theo các chuyên gia, rủi ro mới mà ngân hàng phải đối mặt không chỉ công nghệ mà cả con người. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo phát triển rất nhiều ứng dụng (app) lừa người dùng cài đặt. Tội phạm công nghệ đã phát triển những con virus chiếm đoạt thiết bị của người dùng. Khi người dùng cài đặt app của bọn chúng thì chúng có thể chiếm đoạt thiết bị, xóa luôn app của ngân hàng thật, sau đó cài lại app cũng là của ngân hàng nhưng đã được điều chỉnh theo ý của chúng, sau đó sử dụng chính khuôn mặt người dùng bằng ảnh tĩnh, công nghệ deepfake để lách sinh trắc học, tiến hành chiếm đoạt tiền.

Ông Đinh Trọng Du, chuyên gia Giải pháp doanh nghiệp, ngành hàng Thiết bị di động, Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina, cũng cho rằng rủi ro con người hiện nay là lớn nhất, do đó cả Nhà nước và doanh nghiệp, ngân hàng phải chung tây xây dựng cộng đồng cùng nhau bảo đảm an toàn thông tin.

“Các giao dịch ngân hàng thực hiện trên thiết bị di động là chính nhưng rất nhiều khách hàng sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau, kể cả là các khách hàng tổ chức như doanh nghiệp, ngân hàng. Thậm chí thiết bị sử dụng một hệ điều hành nhưng lại có nhiều phiên bản, ví dụ hệ điều hành Androi đã có phiên bản 15 nhưng nhiều khách hàng vẫn dùng phiên bản 8, 9. Đây là lỗ hổng lớn để tội phạm mạng tấn công”, ông Du phân tích...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Kỳ Phong

Nguồn: https://baomoi.com/nam-2025-thach-thuc-chong-lua-dao-ngan-hang-bang-cong-nghe-c51397683.epi

Singapore có loài hoa lan mới mang tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly'

on .

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tại Vườn thực vật Singapore, sau đó cùng chứng kiến lễ đặt tên cho một loài hoa lan mới.

 
Singapore có loài hoa lan mới, tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly' - Ảnh 1.
 

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Singapore, sáng 12-3, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tượng và bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á, Singapore.

Tổng Bí thư và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ.

Với tình cảm mến yêu Việt Nam và tôn vinh một trong những nhân vật vĩ đại nước ngoài từng đặt chân tới Singapore, tháng 5-2008, nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore, Ủy ban Di sản quốc gia Singapore đã khánh thành tấm bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á. 

Tiếp đó, những người bạn yêu mến Việt Nam ở Ủy ban Di sản quốc gia Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có ý tưởng đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh bia tưởng niệm. Đến tháng 9-2011, bức tượng Bác Hồ đặt bên cạnh tấm bia tưởng niệm đã được khánh thành.

Singapore có loài hoa lan mới, tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly' - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân Ngô Phương Ly và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (trái) trước loài hoa lan mới - Ảnh: TTXVN

Cũng trong sáng 12-3, trong khuôn khổ chuyến thăm Singapore, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly đã dự lễ đặt tên hoa lan tại Vườn lan quốc gia thuộc Vườn thực vật Singapore. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cùng dự lễ.

Lễ đặt tên cho hoa phong lan là một nghi lễ ngoại giao mà Singapore chỉ dành riêng cho những vị khách cao cấp đặc biệt đến thăm Singapore.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Lawrence Wong trực tiếp đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tại cổng chính Vườn thực vật Singapore và mời vào địa điểm diễn ra lễ đặt tên hoa.

Theo đó, Singapore quyết định đặt tên của loài hoa mới này là "Papilionanda Tô Lâm Linh Ly".

 

Sau khi ký sổ lưu niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân gắn biển tên cho cây hoa lan và tham quan vườn hoa lan. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà lưu niệm cho giám đốc Vườn lan quốc gia.

Vườn thực vật Singapore được thành lập vào năm 1859 và là di sản thế giới đầu tiên của Singapore được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận (tháng 7-2015). 

Với hàng chục nghìn cây phong lan, trong đó có khoảng 1.200 loài tự nhiên và hơn 2.000 loài lai tạo, đây được coi là nơi trưng bày về phong lan lớn nhất thế giới.

Một số hình ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tại Vườn thực vật Singapore

Singapore có loài hoa lan mới, tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly' - Ảnh 3.

Tổng Bí thư và Phu nhân cùng Thủ tướng Singapore tham quan Vườn thực vật Singapore - Ảnh: TTXVN

Singapore có loài hoa lan mới, tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly' - Ảnh 4.

Nhà lãnh đạo Việt Nam thăm Vườn thực vật Singapore - Ảnh: TTXVN

Singapore có loài hoa lan mới, tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly' - Ảnh 5.

Tổng Bí thư ghi sổ lưu niệm - Ảnh: TTXVN

Singapore có loài hoa lan mới, tên 'Papilionanda Tô Lâm Linh Ly' - Ảnh 6.

Đặt tên cho loài hoa lan mới là một nghi lễ ngoại giao đặc biệt của Singapore - Ảnh: TTXVN

Duy Linh