NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

10 đại học đào tạo ngành Toán học tốt nhất thế giới

on .

Đại học Oxford đứng đầu danh sách những trường đào tạo Toán học tốt nhất thế giới hai năm liên tiếp, trong khi Viện Công nghệ California tụt xuống thứ 6.

Ngày 12/10, tổ chức Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng 10 trường đại học đào tạo ngành Toán học tốt nhất thế giới năm 2023, trong đó có 7 trường ở Mỹ, 3 trường ở Anh.

Đại học Oxford dẫn đầu bảng xếp hạng hai năm liên tiếp với 96,4 điểm. Đại học Harvard xếp thứ 2, tăng một bậc so với năm ngoái với 95,2 điểm.

Hai trường cùng đạt 94,8 điểm, xếp vị trí thứ 3 là Đại học Cambridge và Đại học Stanford. So với năm ngoái, Đại học Cambridge tăng hai bậc, còn Đại học Stanford tăng một bậc.

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí thứ năm, không thay đổi so với năm ngoái. Trong khi đó, Viện Công nghệ California đã bị tụt sâu, từ hạng hai xuống vị trí thứ 6 trong năm nay. Các vị trí thứ 7, 8 và 9 lần lượt là Đại học Princeton và Đại học California, Berkeley và Đại học Yale.

Cao đẳng Hoàng gia London đã tiến vào top 10 sau hai năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ 11. Đại học Chicago năm nay không có mặt trong bảng xếp hạng sau khi đứng thứ 10 năm ngoái.

Đại học Oxford, Anh. Ảnh: Fanpage nhà trường

Đại học Oxford, Anh. Ảnh: Fanpage nhà trường

Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới World University Rankings của tổ chức THE xếp hạng theo 13 chỉ số thuộc 5 khía cạnh: Giảng dạy, Nghiên cứu, Lượng trích dẫn, Chuyển giao kiến thức và Triển vọng quốc tế.

Năm nay, Mỹ là quốc gia có nhiều đại diện nhất với 177 trường đại học, trong đó 58 trường trong top 200 đại học. Năm quốc gia ở châu Phi lần đầu tiên có trường đại học lọt vào bảng xếp hạng là Zambia, Namibia, Mozambique, Zimbabwe và Mauritius. Việt Nam có 6 đại diện được xếp hạng, gồm trường Đại học Tôn Đức Thắng, Duy Tân trong nhóm 401-500; Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1001-1200; Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Huế và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong nhóm 1501+.

Doãn Hùng (Theo Times Higher Education)

Nguồn: https://vnexpress.net/10-dai-hoc-dao-tao-nganh-toan-hoc-tot-nhat-the-gioi-4520083.html

Google phải nộp phạt 85 triệu USD vì theo dõi trái phép người dùng Android

on .

Google sẽ phải nộp phạt cho chính quyền Arizona 85 triệu USD nhằm giải quyết ổn thỏa một vụ kiện năm 2020, cáo buộc công ty đã theo dõi người dùng Android bất hợp pháp.

 Google phải nộp phạt 85 triệu USD vì theo dõi trái phép người dùng Android (Ảnh: Digital Trends)

Google phải nộp phạt 85 triệu USD vì theo dõi trái phép người dùng Android (Ảnh: Digital Trends)

Google sẽ phải nộp phạt cho chính quyền Arizona 85 triệu USD nhằm giải quyết ổn thỏa một vụ kiện năm 2020, cáo buộc công ty đã theo dõi người dùng Android bất hợp pháp nhằm phục vụ quảng cáo hướng mục tiêu.

Theo thông tin từ Bloomberg, Tổng Chưởng lý bang Arizona Mark Brnovich đã đệ đơn kiện vào hồi tháng 5/2020, cáo buộc Google vi phạm Đạo luận Gian lận Người tiêu dùng của bang bằng cách thu thập dữ liệu vị trí từ người dùng Android, ngay cả khi mọi người đã tắt cài đặt vị trí của họ. Thời điểm đó, chính nhân viên Google đã rất bối rối về các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư của hãng, thừa nhận công ty có thể sử dụng một số tinh chỉnh để khi người dùng từ chối quyền theo dõi dữ liệu, họ vẫn phải tuân theo quyết định từ Google.

Google đã yêu cầu tóa án bang Arizona bác bỏ vụ kiện vào hồi tháng 1, lập luận rằng luật người tiêu dùng của bang yêu cầu hành vi gian lận bị cáo buộc phải được liên kết với một quảng cáo hoặc bán hàng. Thẩm phán đã từ chối yêu cầu của công ty. Mark Brnovich cho biết: “Tôi tự hào về khoản đền bù lịch sử này, chứng minh rằng không có thực thể nào, thậm chí cả Big Tech, có thể đứng trên luật pháp.”

Đại diện của Google, Jose Castaneda, tuyên bố vụ kiện ở Arizona liên quan đến các chính sách sản phẩm cũ hơn, vốn đã thay đổi trong những năm gần đây. “Chúng tôi cung cấp các tùy chọn kiểm soát đơn giản cũng như những tùy chọn tự động xóa cho dữ liệu vị trí, và luôn làm việc để giảm thiểu dữ liệu mà chúng tôi thu thập. Chúng tôi rất vui khi vấn đề này được giải quyết và sẽ tiếp tục tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm hữu ích cho người dùng của mình.”

Trong khi đó, Google cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện do những Tổng chưởng lý khác ở bang Indiana, Texas và Washington D.C đệ trình với những khiếu nại theo dõi dữ liệu tương tự. Giống như vụ kiện ở Arizona, những hồ sơ đó xuất phát từ một báo cáo của Associated Press hồi năm 2018 liên quan đến việc Google vẫn theo dõi vị trí của người dùng Android mà không có sự cho phép của họ.

Theo Digital Trends

Minh Quang

Nguồn: https://baomoi.com/google-phai-nop-phat-85-trieu-usd-vi-theo-doi-trai-phep-nguoi-dung-android/c/43976108.epi

Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 cuộc tấn công mạng vào các tổ chức, doanh nghiệp

on .

Trong 9 tháng đầu năm 2022, số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam lên đến 9.519, trung bình mỗi tháng có gần 1.060 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam. Thông tin từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết.

Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) tỉnh Thái Bình là mô hình kiểu mẫu đầu tiên về đảm bảo an ninh mạng trên toàn quốc. Ảnh: TTXVN

Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) tỉnh Thái Bình là mô hình kiểu mẫu đầu tiên về đảm bảo an ninh mạng trên toàn quốc. Ảnh: TTXVN

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 9 đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước xử lý 988 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 8,9% so với tháng 8-2022 và tăng 19,9% so với cùng kỳ tháng 9 năm ngoái.

Thống kê của NCSC cũng cho thấy, trong quí 3-2022, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm này đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 2.878 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố. Tính đến hết tháng 9-2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 9.519 cuộc tấn công mạng, trung bình trong 9 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng có gần 1.060 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Đáng chú ý, mặc dù lỗ hổng bảo mật là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cuộc tấn công mạng ngắm vào cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích thực hiện các hành động phi pháp, song tại Việt Nam vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm mỗi khi các cơ quan chức năng có cảnh báo về các lỗ hổng ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng.

Để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phát hiện sớm, đề phòng lỗ hổng nghiêm trọng trước nguy cơ bị tấn công ngay lập tức, Cục An toàn thông tin sẽ cập nhật cảnh báo những lỗ hổng nguy hiểm hoặc có mức độ ảnh hưởng lớn diện rộng. Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng xác minh và gửi cảnh báo trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng mới công bố.

Theo Cổng thông tin Bộ TT&TT

T.H

Nguồn:https://baomoi.com/trung-binh-moi-thang-co-hon-1-000-cuoc-tan-cong-mang-vao-cac-to-chuc-doanh-nghiep/c/43975939.epi

Những căn bệnh nguy hiểm do ngồi nhiều gây ra, bao người biết vẫn vô tư 'nuôi dưỡng' chúng lớn lên

on .

Ngồi quá nhiều trong thời gian dài có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, và gia tăng nguy cơ mắc những bệnh mãn tính như tim mạch, thoái hóa, mắt, xương khớp.

Ngồi lâu hàng giờ liền là một thói quen không tốt tới sức khỏe. Theo một nghiên cứu cho thấy 50-70% số người dành 6 giờ hoặc hơn cho việc ngồi trong một ngày. Ngồi quá nhiều sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, mắt,...

Bệnh tiểu đường

Nếu bạn phải ngồi nhiều và không còn thời gian để vận động thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của bạn sẽ tăng lên. Các nhà nghiên cứu cho biết, thời gian ngồi có liên quan tới lượng cholesterol và đường trong máu cao hơn. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường.

Bệnh tim mạch

Người ngồi nhiều dễ bị các tai biến về tim mạch như: suy tim, tắc động mạch vành, ứ đọng tuần hoàn ngoại vi do chi dưới ngừng hoạt động…

Chính vì thế, để tránh những hậu quả trên, bạn hãy tập thể dục một cách hợp lý sau mỗi giờ làm việc, có thể đứng dậy đi lại vươn vai hoặc ngồi thư giãn trên ghế, vuốt ngực, xoa bóp từ cẳng chân lên đùi. Ngồi trên ghế, để hai chân sát xuống mặt đất, thân gấp với đùi một góc 135 độ và nhắm mắt thả lỏng người.

Bệnh gout

Ngồi nhiều bạn có nguy cơ bị bệnh gout cao hơn. Nguyên nhân là do tăng axít uric trong máu, axít này thường bị lắng đọng ở ngón cái, ngón út và gót.

Để phòng bệnh, bạn cần ăn kiêng các loại thịt đỏ, thịt chó, lòng lợn tiết canh cộng với rượu bia. Đồng thời, nên uống nhiều nước và vận động hợp lý để cơ thể thanh lọc tốt.

Các bệnh về tiêu hóa

Ngồi nhiều sẽ dẫn tới giảm nhu động và tiết dịch của hệ tiêu hóa, dẫn đến việc thức ăn vào hệ tiêu hóa không được lên men và hấp thụ. Chúng sẽ tích tụ lại làm dạ dày, ruột chướng hơi, đầy bụng. Từ đó, khiến bạn ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc thậm chí mất ngủ và hay táo bón hoặc ỉa chảy do viêm dạ dày ruột, viêm tụy, sa trực tràng…

Bệnh loãng xương

Do ngồi nhiều và ít vận động, xương sẽ mất vôi, giòn và dễ gãy, dẫn tới loãng xương, thoái hóa xương và thoái hóa cột sống.

Vì vậy, bạn cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung canxi cần thiết và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp để lượng canxi dự trữ trong xương sẽ không bị suy giảm.

Bệnh hệ tiết niệu

Nhân viên văn phòng ngồi nhiều và ít vận động sẽ làm cho nước tiểu lắng đọng. Vì thế, viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục hoặc sỏi đường tiết niệu ở nhân viên văn phòng là bệnh hay gặp. Trong khi đó, viêm nhiễm là tiền đề của việc sinh sỏi.

Vì thế để phòng bệnh, cần thường xuyên vệ sinh đường tiết niệu sinh dục, uống nhiều nước, chọn môn thể dục thích hợp để luyện tập thường xuyên. Khi có viêm nhiễm hoặc có sỏi thì phải đến bác sĩ chuyên khoa để chọn phương pháp điều trị thích hợp

Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống

Khi bạn ngồi thì trọng lượng của nửa người trên dồn về cột sống và điểm chịu áp lực lớn nhất là đốt sống thắt lưng, lưng, cổ. Vì thế, ngồi nhiều sẽ dẫn đến việc bị đau mỏi cơ vai gáy, thắt lưng, chuột rút ở các cơ vai gáy thậm chí đau đầu hoa mắt.

Bên cạnh đó, khi vùng đốt sống bị tỳ đè nhiều sẽ làm tăng áp lực, đẩy lồi các đĩa đệm ra làm tổ chức đệm phù nề, lâu ngày gây xơ hóa, chèn ép các rễ thần kinh dẫn đến đau thần kinh tọa.

Bệnh xương cổ

Nếu bạn ngồi lâu trước máy tính trong một thời gian dài hoặc ngồi không đúng tư thế sẽ dễ gây ra mệt mỏi cho cơ gáy sau cổ, gây nên đau nhức ở cổ và vai, chuột rút ở cơ gáy, thậm chí xuất hiện đầu đau, hoa mắt. Kéo dài như vậy tới lúc trung niên tất yếu sẽ dẫn đến sụn đệm cột sống thoái hóa, gây nên bệnh xương cổ.

Bệnh béo phì

Ngồi càng nhiều thì khả năng bạn tăng cân càng cao. Một nghiên cứu cho thấy, những người ngồi nhiều có nguy cơ cao bị béo phì, tình trạng này không phụ thuộc vào việc tập thể dục. Trong đó, nhóm người thường xuyên ngồi để xem tivi có nguy cơ béo phì cao nhất.

Bệnh về mắt

Đa số những người phải ngồi nhiều là những người làm văn phòng và phải sử dụng máy vi tính. Việc ngồi quá lâu trước màn hình vi tính sẽ dẫn đến tình trạng mỏi mắt, khô mắt, chảy nước mắt và thị lực nhanh chóng giảm sút..

Vì thế, khi mỏi mắt hoặc khô mắt thì bạn nên nhắm mắt thư giãn tại chỗ 10-25 phút hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt. Ngoài ra, bạn cần ngồi đúng tư thế và mắt luôn cách màn hình 50cm.

Giảm tinh trùng

Theo số liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia công bố năm 2018, có 50 triệu bệnh nhân vô sinh ở Trung Quốc, và chất lượng tinh trùng của nam giới suy giảm là một trong những nguyên nhân chính, và việc ngồi lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard phát hiện ra rằng, những nam giới trẻ tuổi ngồi lâu có số lượng tinh trùng thấp hơn những nam giới hoạt động thể chất nhiều hơn.

Các số liệu thống kê liên quan cho thấy, số lượng tinh trùng trên một ml tinh dịch ở nam giới đã giảm xuống còn 20-40 triệu, điều này liên quan đến lối sống tĩnh tại, ngại vận động của chúng ta.

Biện pháp cải thiện thói quen ngồi nhiều

Để cải thiện thói quen xấu này có thể áp dụng phương pháp tập thể dục ngay tại bàn làm việc. Tức là sau khoảng 2 giờ làm việc hãy đứng lên vươn vai và đi lại quanh bàn làm việc để giúp quá trình lưu thông máu được diễn ra tốt hơn. Ngoài ra có thể sử dụng các biện pháp khác để cải thiện tình trạng này như đi cầu thang bộ, nghỉ trưa, sử dụng ghế tựa lưng phù hợp với dáng người, hoặc có thể sử dụng bàn đứng làm việc.

Thanh Huyền

Nguồn: https://baomoi.com/nhung-can-benh-nguy-hiem-do-ngoi-nhieu-gay-ra-bao-nguoi-biet-van-vo-tu-nuoi-duong-chung-lon-len/c/43952636.epi

Chuyển đổi số: Chậm là thua!

on .

Dù nhiều nơi còn trì trệ, chưa chủ động song đã có không ít địa phương xác định thúc đẩy chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn và tích cực triển khai các chương trình cụ thể

Quyết định 505/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 22-4-2022 lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đề nghị các bộ, ngành, địa phương phổ cập, truyền thông bộ nhận diện CĐS quốc gia thông qua hiển thị trên trang/cổng thông tin điện tử, bảng điện tử, màn hình công cộng... từ ngày 1-10 đến 10-10 hoặc trong cả tháng 10-2022.

Hà Nội: Nhiều dấu ấn

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, cho biết trong hơn 8 tháng triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hà Nội đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu với 500.000 hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận, giải quyết. Đồng thời, tiếp nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; cập nhật gần 13,6 triệu dữ liệu thông tin tiêm chủng... Thành phố hiện có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh.

TP Đà Nẵng tăng cường áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm khám phá điểm du lịch trong vũ trụ ảo (metaverse). Ảnh: HẢI ĐỊNH

TP Đà Nẵng tăng cường áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm khám phá điểm du lịch trong vũ trụ ảo (metaverse). Ảnh: HẢI ĐỊNH

"Từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội tiếp tục đặt ra các mục tiêu và giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022. Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ vấn đề dân sinh cấp thiết, như: an sinh xã hội, y tế, hộ tịch, người có công, đất đai" - Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn thông tin.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Hà Nội, cho hay sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Với kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số hoạt động minh bạch, hiệu quả. Đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành CĐS trong các cơ quan nhà nước; từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.

Động lực mới cho TP HCM

Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10-10, TP HCM đang tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và CĐS năm 2022, kéo dài đến ngày 14-10, với chủ đề "CĐS số - động lực mới cho phát triển của thành phố" với khoảng 30 sự kiện. Hai ngày chính của tuần lễ, ngày 13 và 14-10, là chuỗi các sự kiện với sự tham gia của các lãnh đạo trung ương, địa phương, như: Hội thảo khoa học "Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và CĐS" - hội thảo quốc tế về các chính sách, kinh nghiệm, mô hình thành công của một số nước, định hướng của thành phố trong giai đoạn tới; tọa đàm quốc tế về CĐS.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho hay TP HCM đã, đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia. Trong đó, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và CĐS nhằm giới thiệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tìm ra được những sản phẩm, những nhóm khởi nghiệp tiềm năng, đồng thời thúc đẩy CĐS. Hằng năm, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tuần lễ này để kịp thời nhìn lại, đánh giá những bước phát triển, những giá trị đã đạt được trong một năm, qua đó giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu ra thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh CĐS là xu thế tất yếu; ứng dụng công nghệ và CĐS đóng vai trò quan trọng trong con đường phát triển của thành phố. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP, thành phố đang tích cực CĐS nhanh, mạnh, toàn diện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - trật tự tại địa bàn.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và gần đây nhất là CĐS. Theo đánh giá của trang Techinasia, Việt Nam sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng nhanh nhất thế giới và TP HCM nằm trong tốp 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

TP HCM cũng là địa phương tiên phong trong việc triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh và ban hành Chương trình CĐS. Qua đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, CĐS tại thành phố đã có sự phát triển vượt bậc. Mới đây, Bộ TT-TT đánh giá TP HCM xếp hạng 3/63 tỉnh, thành về kết quả CĐS năm 2021, tăng 2 hạng so với năm 2020.

Trong 3 quý đầu năm 2022, TP HCM đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đào tạo về CĐS để đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với trên 12,8 triệu hồ sơ.

TP HCM cũng kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính; thí điểm tại 7 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 1 và quận 6. Bên cạnh đó, phát triển nhiều ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN, như: Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng thông tin 1022...

Đà Nẵng: Trải nghiệm metaverse thú vị

Ngày 9-10, UBND TP Đà Nẵng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện, hội nghị, hội thảo nhằm hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia trên địa bàn thành phố; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Ngoài ra, thành phố cũng phát động các cuộc thi, sáng kiến CĐS mang lại lợi ích thiết thực; hướng dẫn, quảng bá người dân, DN sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số của DN trong nước; phổ cập kỹ năng số...

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho hay Đà Nẵng là địa phương có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây. Trong năm 2020, 2021, TP Đà Nẵng liên tiếp xếp hạng A, dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin.

Đà Nẵng thuộc tốp 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử năm 2021 với hơn 1.000 DN và 2.500 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử và ứng dụng di động. Các đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử và mô hình Chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại 3 chợ quy mô cấp thành phố với hơn 1.000 tiểu thương tham gia.

"Trong năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạng di động 5G, xây dựng thành phố thông minh; đến năm 2025 phủ sóng mạng 5G tại 50% khu vực dân cư. Bên cạnh đó, đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (giai đoạn 1) và các Trung tâm điều hành quận - huyện..." - ông Trần Ngọc Thạch thông tin.

Mới đây, TP Đà Nẵng cũng đưa công nghệ thực tế ảo (VR360) và vũ trụ ảo (metaverse) vào các điểm tham quan nổi tiếng như Bà Nà Hills, Mikazuki, suối khoáng nóng núi Thần Tài, Đà Nẵng về đêm... Đây là công nghệ của tương lai nhưng ngành du lịch TP Đà Nẵng quyết tâm triển khai để tạo nên trải nghiệm du lịch toàn diện.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết để triển khai Kế hoạch số 59 ngày 25-2-2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI về CĐS và thực hiện phân công của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sở đã chủ động xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; thành lập tổ tham mưu CĐS ngành nông nghiệp.

Trước khi xây dựng Đề án CĐS ngành nông nghiệp, tỉnh đã áp dụng một số hệ thống số hóa, CĐS theo cấp quản lý ngành để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp, gồm: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi; thủy lợi; lâm nghiệp; kinh tế hợp tác và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp của tỉnh được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Trong năm 2022, ứng dụng số hóa dữ liệu quản lý, quy trình xử lý - báo cáo - lưu trữ dữ liệu thông qua phần mềm; ứng dụng thiết bị thông minh để nhập liệu; ứng dụng quản lý dữ liệu sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc... Giai đoạn 2: Tự động thu thập, xử lý, thống kê số liệu tiến độ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch hại. Giai đoạn 3: Kết hợp công nghệ GIS cùng AI dự báo sản lượng nhằm chủ động thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng nông sản.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết các bộ, ngành, địa phương đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người" sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số nhằm hình thành kỹ năng số. Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng số, hình thành thị trường số, cao hơn nữa là phát triển kinh tế số, xã hội số. "CĐS là phải toàn dân và toàn diện, do đó phải sử dụng các nền tảng số, mang công nghệ đến cho mọi người dân sử dụng giống như sử dụng điện, nước để mọi người đều có thể tham gia. Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng internet, mỗi người dân dành trung bình gần 7 giờ trên môi trường số mỗi ngày để giữ liên lạc với bạn bè, tra cứu thông tin, cập nhật tin tức. Vì vậy, trình duyệt web và công cụ tìm kiếm đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu với mỗi người dân" - Thứ trưởng Bộ TT-TT chỉ rõ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi các DN công nghệ số tích cực tham gia Chương trình CĐS quốc gia nói chung, chương trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nói riêng, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số toàn dân để phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội. "Phục vụ người dân thì luôn là việc khó nhưng đây là một sứ mệnh vinh quang, mang lợi ích cho cộng đồng, người dân, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số" - Thứ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nêu thực tế trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch COVID-19, người dân vẫn giao dịch, thanh toán mua hàng hóa bình thường. Nếu không CĐS thì không thể làm được. Một số ngân hàng lớn đã CĐS sớm và thu được kết quả rất đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, thông tin sau gần 3 năm thực hiện chiến lược CĐS, công ty đã thiết lập được mặt bằng tăng trưởng mới. Tỉ lệ sản phẩm công nghệ/tổng doanh thu năm 2022 có biến chuyển rõ rệt khi dự kiến sản phẩm công nghệ chiếm 70%, tương đương 5.500 tỉ đồng; sản phẩm công nghệ cao chiếm 29%... Công ty cũng rất chú trọng đến chiến lược phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0; đổi mới mô hình kinh doanh truyền thống (Pipeline) sang mô hình kinh doanh thời đại số (DBM), phát triển các mô hình kinh doanh nền tảng và hệ sinh thái nhằm phát huy hiệu ứng mạng lưới và tăng trưởng cấp số nhân.

Thủ tướng dự Chương trình Ngày CĐS quốc gia

Hôm nay, 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS (gọi tắt là Ủy ban), sẽ dự Chương trình Ngày CĐS quốc gia năm 2022 và phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết ngay tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh CĐS tác động tới mọi người dân nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho CĐS. Theo đó, mọi chính sách đều phải hướng về người dân và người dân cần tham gia vào tiến trình CĐS. Có như vậy, CĐS mới mang tính toàn dân và toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Cùng với Chương trình CĐS quốc gia, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số - xã hội số định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển các nền tảng số phục vụ đông đảo người dân, DN, cơ quan nhà nước là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS của Việt Nam.

"Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày CĐS quốc gia. Quan điểm của chúng tôi là làm những việc thiết thực, hiệu quả, mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân, nhất là chủ đề CĐS năm nay là chuyển hoạt động của người dân lên môi trường số" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

HUY THANH - PHAN ANH - HẢI ĐỊNH - THẾ DŨNG - CÔNG TUẤN

Nguồn: https://baomoi.com/chuyen-doi-so-cham-la-thua/c/43952836.epi