NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Sẽ ưu đãi mức cao nhất cho nghiên cứu CNTT

on .

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, chương trình kế hoạch hành động nhằm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị sẽ xây dựng các cơ chế đặc biệt như ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án nghiên cứu, phát triển ứng dụng CNTT, áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng cho các hoạt động R&D.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ ưu tiên tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển đối với các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, đề ra những giải pháp để thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực quốc tế vào lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng chia sẻ tại Hội nghị "Phổ biến, Quán triệt Nghị quyết số 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế", diễn ra sáng 9/10 tại Hà Nội.

Khẳng định CNTT vừa là một trong những nền tảng hết sức quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia, vừa là một thế mạnh, một ngành kinh tế đối với những quốc gia biết tận dụng, khai thác ngành kinh tế này, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Nghị quyết 36 là một "quyết sách đúng đắn, kịp thời", hình thành những tiền đề quan trọng để CNTT phát triển mạnh, sâu rộng trong 10-15 năm tới. Theo đó, ứng dụng CNTT cần bảo đảm thực hiện ba đột phá chiến lược, là nội dung bắt buộc trong các đề án, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương. Về hạ tầng thông tin quốc gia, sẽ kết nối băng rộng chất lượng cao tới tất cả các xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục trên cả nước. Về công nghiệp CNTT, áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng cho nghiên cứu và cung cấp dịch vụ CNTT, ưu tiên cho vay vốn đầu tư phát triển đối với các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ. Đồng thời, cần bảo đảm an toàn an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đã chỉ ra những điểm yếu của việc ứng dụng CNTT hiện nay như việc thiếu nhận thức của người đứng đầu các địa phương, khiến cho mức độ ứng dụng, đầu tư cho CNTT của các địa phương không đồng đều. Nhiều địa phương chưa có cơ chế tuyển dụng, ưu đãi nhân lực CNTT giỏi, có trình độ...

Bên cạnh đó, cơ chế điều phối, phối hợp giữa các Bộ ngành là một nội dung cực kỳ quan trọng. "Hội nghị cần làm rõ được cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có thẩm quyền về tài chính, đầu tư với cơ quan triển khai để tránh chồng chéo", Bộ trưởng nhấn mạnh. "Có thể nói, một lần nữa, CNTT lại đang có cơ hội vàng để phát triển vượt bậc. Nhưng để hiện thực hóa được mục tiêu đó, chúng ta cần phải có được một chương trình hành động thực sự cụ thể".

Đồng quan điểm, ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng chia sẻ thẳng thắn rằng, trước đây, CNTT chưa được đề cập "thỏa đáng trong các văn bản cấp cao của các Bộ, ngành khác". Chính vì thế, trong thời gian tới, nội dung về đẩy mạnh, phát triển ứng dụng CNTT, ưu tiên đầu tư CNTT cần phải được lồng ghép vào chương trình hành động của các ngành quan trọng như giáo dục, kinh tế, tài chính, đầu tư...
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã giới thiệu các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về ứng dụng, phát triển CNTT tại Nghị quyết 36 và Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 36, trong đó nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công công việc đối với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai.
Cụ thể, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp này bao gồm:
- Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT.
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT.
- Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại.
- Ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao.
- Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế trí thức
- Phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, Internet.
- Tăng cường hợp tác quốc tế.

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp tại Hội nghị để hoàn thiện dự thảo Chương trình Hành động, trình lên Chính phủ trong tháng 10. Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 để có thể triển khai diện rộng trên cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết.

Trọng Cầm

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe-thong-tin-vien-thong/201314/se-uu-dai-muc-cao-nhat-cho-nghien-cuu-cntt.html