Khi doanh nghiệp 'bắt trend' AI tại CES 2024
Từ những startup nhỏ cho đến các ông lớn, doanh nghiệp nào cũng mong muốn gắn mác AI lên các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn là một dấu hỏi lớn.
AI trở thành từ khóa tâm điểm
2023 là năm mà AI trở nên bùng nổ trên mặt trận truyền thông. 2024 lại là thời điểm thế giới kiểm chứng tính hữu dụng của công nghệ này. Xu hướng trên được thể hiện rõ trong các sản phẩm có mặt tại Hội chợ Điện tử Tiêu dùng (CES). Đây là một trong những sự kiện có quy mô lớn và quan trọng bậc nhất trong giới công nghệ.
Với Samsung và LG, hai “khổng lồ công nghệ” Hàn Quốc đã mang đến CES 2024 những người máy giúp việc được tích hợp AI. Thậm chí, LG còn ví sản phẩm của họ như một người quản gia đích thực khi có khả năng tự di chuyển, học hỏi, hiểu và tham gia vào các cuộc hội thoại phức tạp.
Robot "quản gia" được tích hợp AI của LG. Ảnh: LG
Chia sẻ về trường hợp sử dụng thực tế, LG cho biết robot có thể tự động tuần tra căn nhà khi không có gia chủ. Nếu “người quản gia” này phát hiện cửa sổ đang mở hoặc đèn vẫn sáng, thiết bị sẽ gửi thông báo tới điện thoại của người dùng. Khi chủ nhân trở về nhà, robot sẽ phân biệt cảm xúc bằng cách phân tích giọng nói và nét mặt để từ đó phát các bài nhạc hoặc chia sẻ những câu chuyện phù hợp với tâm trạng.
Vị đồng hương của LG là Samsung cũng không hề kém cạnh. Hãng đã “trình làng” một phiên bản nâng cấp của robot Ballie. Mặc dù kích cỡ chỉ bằng một trái tennis nhưng sản phẩm này có thể điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà, xử lý các cuộc gọi video, giám sát thú cưng…
Không chỉ với robot, Samsung còn mang công nghệ AI lên các thiết bị phổ biến hơn như TV, tủ lạnh, máy tính… Đúng như tuyên bố “AI for All” (AI cho tất cả), mọi sản phẩm của Samsung trong tương lai sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo, cả trong phần cứng lẫn phần mềm.
Đặc biệt hơn, AI còn xuất hiện trên cả những sản phẩm không tưởng, bao gồm cả xe hơi. Chẳng hạn như Volkswagen, hãng công bố sẽ ứng dụng ChatGPT vào các mẫu xe được trang bị hệ thống trợ lý giọng nói IDA.
Một thương hiệu khác là Mercedes - Benz cũng đã giới thiệu trợ lý ảo tương tự với tên gọi MBUX. Công cụ này có khả năng đưa ra các tin tức dựa trên thói quen của người dùng, khởi động chương trình massage phù hợp cho chủ nhân và cung cấp nhiều tính năng khác.
Rabbit R1 đang cho đặt hàng trước với giá với giá 199 USD. Ảnh: Rabbit
Không chỉ vậy, CES 2024 còn ghi nhận sự xuất hiện của một thiết bị có kích thước lọt thỏm trong lòng bàn tay nhưng lại có khả năng xử lý không hề thua kém các mẫu điện thoại. Đó chính là mẫu máy Rabbit R1.
Với việc tích hợp công nghệ AI, thiết bị này có thể tự động học hỏi thói quen với người dùng và tương tác lại theo cách thông minh nhất. Rabbit R1 có khả năng xử lý các tác vụ phức tạp như gửi email, lên lịch hẹn, đặt đồ… chỉ cần thông qua giọng nói.
Công nghệ đang bị ép “chín sớm”
Theo The Verge, AI đang có tốc độ phủ sóng đang kinh ngạc trong thế giới công nghệ. Tuy nhiên, số lượng hiện đang không đi kèm với chất lượng.
Nhiều công ty chỉ đang cố gắng nhồi nhét cụm từ “AI” vào trong sản phẩm của mình nhằm mục đích truyền thông, trong khi hiệu quả sử dụng thực tế gần như không có. Hiện tượng này dễ gây nên tình trạng “thượng vàng hạ cám” và khiến người dùng cảm thấy hụt hẫng khi sản phẩm không như kỳ vọng.
Điều này thể hiện rõ qua việc không phải công ty AI nào cũng nhận về sự ủng hộ của người tiêu dùng. Bằng chứng là ngay trong ngày đầu tiên của CES 2024, Công ty khởi nghiệp AI Humane đã tuyên bố sa thải 10 nhân viên để cơ cấu lại hoạt động doanh nghiệp. Quyết định được đưa ra trước thời điểm Humane dự kiến ra mắt một thiết bị AI có thể thay thế điện thoại thông minh.