NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Có nên đưa cao đẳng trở lại trường đại học?

on .

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm kiến nghị về việc khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ CĐ chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục ĐH và cho phép các trường CĐ được tự đăng ký lựa chọn mô hình dạy nghề hoặc trở lại mô hình CĐ chuyên nghiệp.

Kiến nghị này nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ.

Kiến nghị sửa đổi luật giáo dục ĐH

Công văn do tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, thay mặt Ban chấp hành hiệp hội ký ngày 15.5, đã nêu những bất cập của luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 khi luật này bãi bỏ 4 trình độ của bậc ĐH gồm CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.

Công văn nêu: "Bậc ĐH bao gồm 4 trình độ: CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ được thể hiện nhất quán tại Nghị định số 90 năm 1993 của Chính phủ, luật Giáo dục số 11 năm 1998, luật Giáo dục số 38 năm 2005 và luật Giáo dục ĐH số 8 năm 2012. Rất đáng tiếc, năm 2014 Dự thảo luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua với số phiếu không cao (55,13% số đại biểu tán thành). Tại các điều 76, 77 luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan đến trình độ CĐ thuộc bậc ĐH ở các luật trước đó. Chính điều này đang để lại nhiều hệ lụy".

Những hệ lụy mà đại diện hiệp hội này nêu gồm: thứ nhất là hạ chuẩn các trình độ CĐ chuyên nghiệp, làm khuyết trình độ đào tạo thuộc bậc ĐH; thứ hai là hạn chế vấn đề liên thông; thứ ba là triệt tiêu thế mạnh của các cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng, đặc biệt là các trường ĐH địa phương.

Có nên đưa cao đẳng trở lại trường đại học? - Ảnh 1.
 

Việc thống nhất CĐ chuyên nghiệp, CĐ nghề thành một hệ CĐ duy nhất và tách khỏi giáo dục ĐH, được các trường ĐH ủng hộ

MỸ QUYÊN

Từ đó, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo xây dựng dự án sửa đổi luật Giáo dục ĐH trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể. Trong khi chờ sửa đổi luật Giáo dục ĐH, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ CĐ chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục ĐH. Đồng thời xem xét, cho phép các cơ sở CĐ chuyên nghiệp (những đơn vị trước đây vận hành theo chỉ đạo, quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT) được tự đăng ký, lựa chọn hướng đi tiếp, hoặc là theo mô hình dạy nghề, hoặc là trở lại mô hình CĐ chuyên nghiệp.

Mới thống nhất thành một hệ CĐ hơn 6 năm

Cần nói rõ thêm, tại luật Giáo dục 2005, giáo dục ĐH gồm các trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Luật Giáo dục ĐH 2012 cũng nêu trình độ CĐ thuộc giáo dục ĐH và cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm cả trường CĐ. Tuy nhiên, song song với đó, luật Dạy nghề 2006 lại quy định về trường trung cấp và CĐ nghề.

Như vậy, trong suốt nhiều năm, giáo dục VN tồn tại 2 hệ thống trường CĐ và trung cấp với một bên là CĐ trung cấp chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT quản lý và một bên là CĐ trung cấp nghề do Bộ LĐ-TB-XH quản lý.

 

Để thống nhất, năm 2014 luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội ban hành, quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường CĐ, thống nhất chỉ còn trường CĐ, trung cấp chứ không còn trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và trường CĐ, trung cấp nghề như trước đây. Giáo dục ĐH chỉ còn đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.

Tại Nghị quyết 76 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016, Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về các trường sư phạm.

Sau đó, tháng 10.2016, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt khung trình độ quốc gia bao gồm 8 bậc. Quyết định này nêu rõ Bộ GD-ĐT chủ trì quản lý, thực hiện khung trình độ quốc gia VN đối với các trình độ thuộc giáo dục ĐH (ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ) còn Bộ LĐ-TB-XH chủ trì quản lý, thực hiện khung trình độ quốc gia VN đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp (CĐ, trung cấp, sơ cấp).

Trái luật hiện hành

Theo hiệu trưởng một trường CĐ nằm trong ban chấp hành của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, đề xuất trường ĐH được đào tạo CĐ là trái với các luật hiện hành, trong khi các luật này có luật còn chưa đủ 5 năm. 

Có nên đưa cao đẳng trở lại trường đại học? - Ảnh 2.

Hiện chỉ còn một hệ CĐ thuộc giáo dục nghề nghiệp và chuyển về Bộ LĐ-TB-XH quản lý

MỸ QUYÊN

"Việc thống nhất CĐ về một đầu mối quản lý nhà nước là điều hết sức cần thiết để tập trung nguồn lực, tránh phân tách dàn trải. Đến nay mọi thứ cũng dần đi vào ổn định. Kiến nghị này lại quay lại với việc có 2 chương trình CĐ, mỗi chương trình một bộ quản lý và cấp bằng, thì lại quay lại việc rối rắm, thiếu thống nhất như trước 2017. Kiến nghị này cũng đi ngược với Chỉ thị 21 của Ban Bí thư Ban Chấp hành T.Ư mới đây, khi chỉ thị này nhấn mạnh về việc ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, đồng thời yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện chỉ thị", người này phân tích.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho rằng việc giữ ổn định về mặt hệ thống và về quản lý nhà nước là rất quan trọng để giúp người học an tâm. "Kể từ khi trường ĐH không còn đào tạo CĐ và thống nhất chỉ còn một hệ CĐ thuộc giáo dục nghề nghiệp và chuyển về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, thì cả 2 bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH đều đang làm rất tốt các chức năng nhiệm vụ quản lý của mình và mọi thứ đều đang thuận lợi. Đối với người học cũng như người sử dụng lao động, việc bộ nào quản lý không quan trọng, mà quan trọng là chất lượng đào tạo ra sao, có đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hay không, có việc làm và thu nhập tốt hay không".

Theo ông Tuấn, chủ trương của nhà nước đã rõ ràng, bây giờ không nên loay hoay việc ai quản lý và CĐ nên thuộc giáo dục ĐH hay giáo dục nghề nghiệp nữa, mà cần tập trung vào việc giải quyết vướng mắc về liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH. "Tất cả đều đang tốt, chỉ có phối hợp giữa 2 bộ là chưa tốt. Bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH cần ngồi lại để thống nhất giải quyết vướng mắc này", ông Tuấn nêu quan điểm. 

Chuyển Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT

Theo tôi, trường ĐH chỉ nên tập trung đào tạo bậc ĐH và sau ĐH để tập trung nguồn lực. Tuy nhiên, nếu như giáo dục nghề nghiệp cùng thuộc Bộ GD-ĐT quản lý thì phân luồng sẽ dễ hơn, tuyển sinh cũng dễ mà quản lý nhà nước cũng thống nhất. Bằng cấp của người học cũng sẽ do Bộ GD-ĐT cấp.

Tôi cho rằng nếu được, chuyển Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB-XH về Bộ GD-ĐT để thực hiện quản lý các trường CĐ trở xuống. Cũng không nên còn trường trung cấp mà chỉ nên còn bậc trung cấp trong trường CĐ. Các trường trung cấp nên được sáp nhập vào trường CĐ. Trường ĐH thì vẫn chỉ tập trung vào các trình độ ĐH và sau ĐH.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Nên giữ ổn định như hiện tại

Tôi nghĩ nên để ổn định như hiện tại, đừng khôi phục nhiệm vụ đào tạo CĐ cho ĐH nữa, vì hiện nay chương trình CĐ đào tạo theo hướng kỹ năng là chủ yếu, trong khi ĐH thì nhiều kiến thức hàn lâm hơn. Các trường CĐ nào không tuyển sinh được hoặc đào tạo kém chất lượng thì nên giải thể, chỉ giữ lại các trường tuyển sinh và đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc cho các trường CĐ lựa chọn mô hình CĐ nghề hay chuyên nghiệp chính là quay lại sự bất cập cũ và lại càng rối cho người học.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM)

Nên có một bộ duy nhất chịu trách nhiệm về đào tạo nhân lực cho quốc gia

Ở Mỹ, bậc CĐ nặng về thực hành nhưng chương trình đào tạo có thể liên thông lên ĐH do họ có các môn giáo dục đại cương. Thế giới họ cũng đào tạo CĐ rất rộng để người học có nhiều cơ hội học tiếp lên cao hơn, nếu đào tạo hẹp một kỹ năng, chuyên môn nào đó thì rất khó.

Tôi cũng cho rằng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên được chuyển về Bộ GD-ĐT để quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân về một đầu mối quản lý, sẽ có lợi là thống nhất được các chương trình quy hoạch, liên thông sẽ dễ dàng hơn, nguồn lực không bị chia sẻ.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT)

Mỹ Quyên

Nguồn: https://thanhnien.vn/co-nen-dua-cao-dang-tro-lai-truong-dai-hoc-185230518135114479.htm