NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM: 'Nếu chúng ta sống tử tế hơn...'

on .

TTO - 'Chưa hẳn người ta sẽ là người tử tế trong mọi trường hợp, nhưng người tử tế có thể đáng tin trong nhiều trường hợp', giáo sư Huỳnh Văn Sơn phát biểu.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM: Nếu chúng ta sống tử tế hơn... - Ảnh 1.
 

GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại lễ tốt nghiệp sáng nay 17-7 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NGỌC TRUNG

 

Sáng nay 17-7, trò chuyện với gần 5.000 tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại lễ tốt nghiệp, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đã nhắn nhủ các nhà giáo tương lai: "Hãy sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp, sáng tạo không ngừng".

Trở thành người tử tế: Càng học càng thấy thiếu

Theo giáo sư Huỳnh Văn Sơn, "Nên người, sống tử tế là điều mà ai cũng cần đạt được. Phụ huynh hay người lớn nào cũng muốn con mình có được. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh".

Ông đặt ra câu hỏi: "Nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế?"; để nhắn nhủ: "Là những cử nhân sư phạm hôm nay, mong các bạn hãy sống tử tế, tử tế với đồng nghiệp, với người thân, với cộng đồng và với chính mình trong nghề nghiệp…".

Hiệu trưởng trường sư phạm lớn nhất phía Nam cho rằng, cuộc sống xô bồ thôi thúc không ít người sẵn sàng kiếm tiền bằng cách đổi cả danh dự và liêm sỉ, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Ông nhận định, sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành nếu con người chọn sai khi bắt đầu. Tử tế cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng một cách vô tư, mà đó là hành trình làm người, hành trình hoàn thiện bản thân.

Khi người ta nghĩ đến chính mình nhiều quá, sẽ dễ bàng quan. Hay sự mất dần niềm tin về cái thiện, về điều tốt làm người ta dễ bi quan, thủ thế. Tất cả dần dần đẩy sự tử tế ra xa… Khi cái tôi phình to, khi cái bản ngã lớn lấn át, người ta dễ quên rằng mình phải cố sống tử tế đúng nghĩa…

Khi chạy theo những giá trị thiếu cân nhắc, người ta không lường được rằng cái thiếu tử tế lại làm hại chính người thân mình hay thậm chí bản thân mình. Vì thế, bài học sống sao cho là người tử tế, cùng với người xung quanh trở thành người tử tế càng học vẫn càng thấy thiếu nhưng hay đến lạ kỳ…

 

Kiến tạo hạnh phúc đích thực

Người tử tế cần biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống mà không phải là những câu trả lời trắc nghiệm khô cứng.

Dạy làm người tử tế cũng chính là mục tiêu và phương thức của nhà trường. Nhà trường và thầy cô giáo cần nhận ra cốt lõi của việc giáo dục con người sống tử tế, đó là một trong những mục đích rất quan trọng. Từng lứa tuổi, sự nâng dần những biểu hiện tử tế này có thể khác đi nhưng không thể thiếu trong mỗi lời giảng, từng sẻ chia, tử tế kể cả với cái like hay những dòng bình luận…

"Nếu chúng ta sống tử tế hơn, làm cho người khác dần tử tế hơn, điều ấy là sự kiến tạo hạnh phúc đích thực dù ở bất kỳ vai nào trong cuộc sống này: cha mẹ, con cái, thầy cô giáo hay là người quản lý", thầy Sơn khẳng định.

Cũng theo giáo sư Huỳnh Văn Sơn, những gì từ cuộc sống có thể thử thách để người ta sống tử tế. Và tử tế với một trí thức là biết tự tạo việc làm; làm việc chuyên nghiệp và biết khởi nghiệp trở nên cần thiết đến dường nào.

"Làm công việc gì, cũng cần trình độ nhưng quan trọng hơn còn là thái độ; làm nghề gì cũng rất cần kỹ năng nhưng quan trọng không kém là lương tâm; làm ở vị trí nào, quan trọng nhất biết mình là ai để đúng vai, nhưng quan trọng hơn nữa là biết vai của người khác là gì để cùng tương tác…", giáo sư hiệu trưởng nhấn mạnh.

TRẦN HUỲNH

Nguồn: https://tuoitre.vn/hieu-truong-dh-su-pham-tp-hcm-neu-chung-ta-song-tu-te-hon-20220717095323641.htm