Tin sáng 16-5: Nhiều mặt hàng bình ổn có thể tăng giá; Thêm 1 ngày không ca COVID-19 tử vong
TTO - Nhiều mặt hàng thực phẩm trong chương trình bình ổn giá có thể phải tăng theo giá xăng dầu; Đẩy nhanh triển khai dữ liệu về đất đai quốc gia; Thêm 1 ngày ca COVID-19 tiếp tục giảm sâu, không có ca tử vong... là những tin đáng chú ý sáng nay.
Hàng bình ổn khó "bình ổn" trước giá xăng dầu
Dù vừa được TP cho tăng 1.500-2.000 đồng/chục trứng gà, vịt nhưng ông Trương Chí Thiện - tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) - cho biết với giá vật tư đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi không hạ nhiệt thì khả năng sẽ tiếp tục xin tăng giá trứng trong chương trình bình ổn.
Đại diện 2 đơn vị lớn tham gia bình ổn mặt hàng tươi sống của TP là Vissan và Ba Huân cũng cho biết nếu giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng thì khả năng sẽ lại xin tăng giá bán bình ổn. Riêng Công ty Vissan đã cho tăng giá bán một số mặt hàng thực phẩm chế biến.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết với giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng liên tục thời gian qua, nếu cứ thế này thì nhiều nhóm hàng thực phẩm khó giữ được giá bán ổn định.
Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được chiếu sáng mỹ thuật
Hôm nay 16-5, Sở Giao thông vận tải TP.HCM họp về phương án chiếu sáng mỹ thuật cầu Thủ Thiêm 2. Cây cầu này sau khi khánh thành đã trở thành một biểu tượng mới ở khu vực trung tâm TP, tuy nhiên nhiều người dân cho rằng cây cầu có thiết kế đẹp này nếu thêm phần chiếu sáng mỹ thuật nữa sẽ càng hoàn hảo hơn. UBND TP sau đó đã giao Sở Quy hoạch - kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và chủ đầu tư nghiên cứu phương án chiếu sáng mỹ thuật cho cây cầu.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, đèn chiếu sáng được bố trí trên dây văng, tháp cầu và các dầm cầu. Các bóng đèn có thể đổi màu, mang lại chùm sáng mạnh, nhiều màu sắc và các hiệu ứng đặc biệt.
Đẩy nhanh triển khai dữ liệu về đất đai quốc gia
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an vận hành hiện đã kết nối với Bộ Y tế (dữ liệu tiêm chủng), Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia), Bộ Tư pháp (cơ sở dữ liệu hộ tịch), Bộ Giáo dục và đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm), Tổng cục Thuế (cơ sở dữ liệu người nộp thuế).
Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn…
Riêng với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia, sẵn sàng phương án triển khai từ tháng 6-2022, cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng trong năm 2022.
Từ 1-6, cấp hộ chiếu qua mạng trên toàn quốc
Theo đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, để được cấp hộ chiếu phổ thông qua mạng, người dân truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, đăng nhập, điền đầy đủ thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu X01, địa chỉ email, upload ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu).
Sau đó lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu (qua dịch vụ bưu chính hoặc đến cơ quan xuất nhập cảnh nhận trực tiếp), địa chỉ nhận hộ chiếu, thanh toán lệ phí trực tuyến khi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi yêu cầu.
Trường hợp người dân không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ công hoặc có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp thì nộp hồ sơ trực tiếp như quy định hiện hành.
Ca COVID-19 mới tiếp tục giảm, tiếp tục không có ca tử vong
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 15-5 của Bộ Y tế cho biết có 1.594 ca mắc mới COVID-19 tại 47 tỉnh, thành, giảm thấp nhất 10 tháng qua. Số khỏi bệnh nhiều gấp 3 lần số mắc mới và không có ca tử vong. Đây là lần thứ 4 trong thời gian gần đây không có bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày.
Hà Nội chỉ còn 140 F0 điều trị tại bệnh viện
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, ngày 15-5 Hà Nội ghi nhận 461 ca mắc COVID-19, giảm 28 ca so với ngày 14-5, đây là số mắc thấp nhất tại Hà Nội tính từ đầu tháng 12-2021.
Số mắc mới tại Hà Nội hiện chỉ bằng 5% so với thời điểm cao điểm nhất của dịch là giữa tháng 3-2022. Đáng chú ý, Hà Nội chỉ còn gần 92.800 F0 đang điều trị, trong đó có 140 ca đang điều trị tại bệnh viện và trên 92.600 ca điều trị tại nhà.
Tại TP.HCM, Bộ Y tế cho biết toàn TP chỉ còn 1.077 F0 đang điều trị, trong đó có 22 ca đang thở oxy. So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới cả nước giảm 48,9%, số tử vong giảm 53,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 45,7%. Trong tháng 5 này, đã có 4 ngày không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Gió mùa Tây Nam tăng cường độ, Nam Bộ tăng mưa
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong những ngày tới, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh dần lên, do đó mưa tại miền Nam sẽ tăng lên về diện và lượng.
Trong hôm nay 16-5, khu vực Bắc Bộ bắt đầu giảm mưa sau đợt mưa kéo dài vì không khí lạnh vừa qua. Cả khu vực chỉ còn mưa rào và dông vài nơi, trời mát.
Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, riêng phía Bắc (các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) từ đêm 16-5 mưa giảm dần.
Các khu vực khác, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết từ ngày 16-5 trở đi, thời tiết tại Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng phổ biến mây thay đổi, ngày nắng gián đoạn, chiều và tối mưa. Mưa có xu hướng tăng lên về lượng, có nơi mưa vừa, mưa to.
Chỉ số tia cực tím cao nhất trong ngày hôm nay ở các thành phố phía Bắc đạt ngưỡng gây hại trung bình, sau đó tăng lên ngưỡng nguy cơ gây hại cao vào ngày 17 và 18-5. Các thành phố từ Huế đến Hội An ở ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình, sau đó tăng lên ngưỡng nguy cơ gây hại cao vào ngày 18-5. Các tỉnh thành phố còn lại duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao.
Trong hôm nay tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có chất lượng không khí rất tệ, ở mức nguy hiểm. Các vùng khác chất lượng không khí ở mức ổn định (theo số liệu ứng dụng Pamair).
TUỔI TRẺ ONLINE