"Chơi tiền điện tử không khác nào đi vào cổng địa ngục. Nó làm lộ rõ tính cách tăm tối nhất trong con người chúng ta và nó có thể gây nghiện. Tôi đã bị nghiện tiền điện tử" - cô gái người Mỹ có tên Joanna Garzilli nói với tờ Washington Post.

Cô kể bản thân bị cuốn vào câu chuyện về tiền điện tử trong một bữa tiệc ở California cách đây 5 năm. "Chủ đề rất cuốn hút, tôi đã đầu tư thử và kiếm được một khoản lời 85.000 USD từ đồng tiền mã hóa GRT. Tôi đã mơ về cuộc sống giàu sang. Sau giao dịch đầu tiên, tôi bắt đầu trở lên liều lĩnh hơn" - cô Garzilli kể về nguyên do đến với đồng tiền ảo.

Sau lần đầu tư trúng mánh, Garzilli đặt 90% tiền tiết kiệm vào một đồng tiền số khác nhưng mất hàng chục nghìn USD chỉ sau một ngày. Cô gái này dường như không dứt được "cơn nghiện" khi lại tiếp tục tham gia cơn sốt đồng Meme coin. Cứ thế, người đầu tư ngày ngày ôm điện thoại xem số tiền trong tài khoản liên tục "nhảy múa".

Nghiện và trầm cảm vì... tiền điện tử - Ảnh 1.

Giá trị của tiền điện tử liên tục nhảy múa khiến người chơi nghiện và rơi vào trầm cảm. Ảnh minh họa.

 

Tương tự, anh Drew Vosk (30 tuổi, sống gần Bắc Virginia), bắt đầu chơi tiền điện tử vào khoảng năm 2017. Ban đầu, anh đổ tiền vào Ethereum, sau đó chuyển qua mua máy đào.

"Tôi dành tất cả số tiền mình có để đầu tư và mua máy khai thác tiền điện tử. Tôi bị nghiện và ám ảnh. Thực sự, có những lúc tôi đã biến khoản đầu tư 1.000 USD lên 100.000 USD nhưng rồi lại nhìn khoản lợi nhuận đó bốc hơi" - anh Vosk chia sẻ.

Tiền điện tử là loại tài sản ảo có sự biến động giá trị rất lớn trong thời gian qua. Chẳng hạn, năm ngoái, giá Bitcoin đã tăng hơn 150% lên mức kỷ lục 68.991 USD/Bitcoin, trước khi giảm hơn 30%. No cũng liên tục "nhảy múa" trong năm 2022 khi giảm 17% vào tháng 2 nhưng tăng lần lượt 8% và 10% vào tháng 3 và tháng 4.

"Khi mọi thứ đột ngột thay đổi, tôi thức dậy với tâm lý chán nản. Không thể chấp nhận được thực tại" - anh Vosk nói thêm.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng sự tăng và giảm giá đột ngột của thị trường tiền điện tử khiến người tham gia có thể phải đối mặt với nợ nần, rơi vào trầm cảm, khiến các mối quan hệ rạn nứt.

"Ngày càng nhiều người tìm kiếm đến các dịch vụ cai nghiện tiền điện tử. Nó thậm chí dễ gây nghiện hơn cá cược thể thao, cờ bạc và đầu tư tài chính kiểu truyền thống" - nhà trị liệu Aaron Sternlicht (New York) cho biết.

Một điểm lôi cuốn của tiền điện tử là nó có thể được giao dịch suốt ngày đêm, không như cổ phiếu - chỉ giao dịch theo phiên. Hơn nữa, người chơi cũng không cần lái xe đến sòng bạc. Sự biến động giá liên tục, có thể nhanh chóng khiến não bộ có cảm giác hưng phấn.

Một nhóm nghiên cứu ở Phần Lan hồi tháng 4 cũng công bố phát hiện các nhà giao dịch tiền điện tử có tỉ lệ gây nghiện cao hơn bình thường. Những người mê tiền điện tử thường đau khổ và cô đơn hơn so với nhà đầu tư chứng khoán.

"Số khách hàng yêu cầu tư vấn cai nghiện tiền điện tử của tôi trong năm qua tăng 40%. Mỗi cuộc tư vấn tốn khoảng 2.500 USD trong khi liệu trình 45 ngày có giá 25.000 USD" - nhà cung cấp dịch vụ Aaron Sternlicht nói.

Để điều trị chứng nghiện, nhà tư vấn gặp gỡ cả bệnh nhân và thành viên trong gia đình họ nhiều lần trong tuần. Hầu hết khách hàng tìm đến dịch vụ khi đã nợ nần chồng chất, đối mặt chứng trầm cảm nghiêm trọng, kéo theo loạt bê bối khác như nghiện rượu, ma tuý...

Bằng Hưng

Nguồn: https://nld.com.vn/cong-nghe/nghien-va-tram-cam-vi-tien-dien-tu-2022050114481025.htm