NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Bỏ học giữa chừng vì chọn sai ngành

on .

TTO - "Tôi không buồn khi bị buộc thôi học. Ngược lại, tôi còn thấy như trút được gánh nặng. Từ năm lớp 12 tôi không muốn học đại học. Đó là bi kịch từ sự ép buộc của gia đình".

Bỏ học giữa chừng vì chọn sai ngành - Ảnh 1.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ ngành nghề và sở trường của mình. Không nên chỉ chọn ngành theo định hướng của cha mẹ, thầy cô mà bỏ qua năng lực và sở thích thật sự của mình. Cha mẹ chỉ nên định hướng, không ép con cái chọn ngành theo ý mình. 

PGS.TS Bùi Hoài Thắng (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Những lời trên là tâm sự của T., sinh viên năm 3 vừa bị Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM buộc thôi học.

Thích hớt tóc, ba mẹ phản đối

T. cho biết từ THPT, khác với bạn bè mơ vào đại học, T. chỉ thích ở quê học nghề cắt tóc, mở tiệm cho riêng mình. Nhưng khi nói với ba mẹ, T. nhận được sự phản đối kịch liệt. Ba mẹ sợ mất mặt và những lời gièm pha "nuôi con không ăn học đến nơi đến chốn". Vậy là T. vào đại học. 

Nhưng sau học kỳ đầu tiên, T. bỏ bê việc học rồi lén lấy tiền đóng học phí để học hớt tóc. "Bây giờ tôi đã xác định sẽ theo đuổi đúng đam mê cắt tóc của mình. Điều trăn trở duy nhất là kỳ vọng của gia đình với mình" - T. bảo vậy.

Y đa khoa là ngành học mơ ước của rất nhiều thí sinh. Thế nhưng với N. đó lại là lựa chọn vội vàng. N. đã bỏ ngang ngành y để thi lại và hiện là sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

"Khi học THPT tôi chỉ có ý định xét tuyển khối A vào trường công an. Vì không đạt yêu cầu về lý lịch, tôi vội chuyển hướng qua khối B đăng ký xét tuyển ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM. Ngay từ học kỳ đầu tiên, tôi cảm thấy không hứng thú với ngành học này, kiến thức lại rất nhiều và nặng" - N. kể.

Xong năm nhất, N. nói với ba mẹ mong muốn bỏ ngành y để thi vào trường khác nhưng bị phản đối. N. quyết định cố gắng thêm một học kỳ nữa để xem do mình chưa nỗ lực hay thực sự không phù hợp. Sau học kỳ 3, mọi thứ vẫn không nhiều thay đổi. 

"Không có mục tiêu phù hợp, mọi sự cố gắng cũng chỉ là gượng ép và không đem lại kết quả như mong muốn. Tôi bỏ ngành y thi lại vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Những kiến thức về kinh tế làm tôi hứng thú hơn" - N. cho biết thêm.

Nhiều hệ lụy

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết mỗi năm có từ 10-20% sinh viên bị buộc thôi học. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 5% không kham nổi học phí, 5% vướng vào các tệ nạn. 

"10% sinh viên bị buộc thôi học, bỏ học do chọn sai ngành, vào học mới nhận ra ngành không phù hợp. Hầu hết những sinh viên này đều thi lại vào trường khác. Đây là hệ quả của công tác hướng nghiệp kém, chọn ngành theo gia đình hoặc bạn bè mà chưa tìm hiểu kỹ" - ông Dũng nói thêm.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh, ông Dũng cho biết 50% thí sinh chọn ngành theo tâm lý đám đông, chọn theo bạn bè. Nhiều thí sinh vì áp lực từ gia đình phải vào đại học bằng mọi giá, bất kể đó là ngành nào, trường gì. Do đó, thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng, trúng tuyển nguyện vọng không mong muốn và phải theo học.

"Có sinh viên năm nhất đã nhận ra mình chọn sai và bỏ thi lại. Nhưng cũng có sinh viên học đến năm 4, 5 vẫn không ra trường được vì không có động lực, gượng ép. Điều này làm lãng phí thời gian, tiền bạc của sinh viên và gia đình" - ông Dũng nói.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng số sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học hằng năm khá nhiều. Trong số này có không ít sinh viên không thích ngành học.

Lý giải về việc sinh viên chọn sai ngành, ông Thắng cho rằng tỉ lệ cha mẹ ép con chọn ngành theo ý mình vẫn còn rất nhiều. Điều này khiến xác suất thí sinh phải chọn ngành không theo sở trường và mong muốn của mình khá cao. 

"Chọn ngành không đúng sở trường, việc học sẽ rất khó khăn. Có những bạn cố gắng có thể hoàn thành chương trình học nhưng cũng có người bỏ giữa chừng để chuyển ngành khác. Những người vượt qua được nhưng khi ra trường, đi làm khó phát huy năng lực của mình trong nghề" - ông Thắng nói thêm.

Làm gì khi chọn sai ngành?

TS tâm lý Bùi Hồng Quân, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng nếu xác định mình chọn sai ngành, sai trường từ năm 1, 2, sinh viên nên chuyển sang ngành, trường phù hợp nhưng cần đánh giá khả năng có thể chuyển hay không. Nếu đã học đến năm 3 và 4, cần cân nhắc có thể học xong rồi học ngành mình thích sau. Có thể học song ngành, song trường nếu đủ khả năng. 

"Sinh viên cần trao đổi kỹ với gia đình để có sự thống nhất. Gia đình nên lắng nghe, phân tích và đồng hành với sinh viên để đưa ra quyết định" - ông Quân tư vấn.

Tương tự, ông Thắng cho rằng khi muốn bỏ ngành đã chọn, sinh viên cần cân nhắc mình sẽ được gì và mất gì trước khi quyết định bỏ hay cố gắng học tiếp. 

"Giờ phương thức tuyển sinh của các trường đa dạng và linh hoạt hơn chứ không khó khăn như trước, cơ hội rẽ sang ngành và trường khác thuận lợi hơn. Tôi sẽ khuyên sinh viên nếu chọn sai ngành thì nên thay đổi, thi lại vào ngành, trường phù hợp hoặc chuyển sang ngành khác. Bởi nếu chọn sai ngành, không chỉ học khó khăn do không hứng thú mà ngay cả khi ra trường được, làm công việc mình không thích sẽ không mang lại hiệu quả cao" - ông Thắng nói thêm.

Trong khi đó, ông Dũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần có quy định phù hợp hơn trong tình hình thực tế hiện nay. Theo ông Dũng, dù bộ đã có quy định cho sinh viên đủ điều kiện học song ngành trong cùng trường, sinh viên có thể chọn học thêm ngành học phù hợp với mình. 

Tuy nhiên, điều này rất khó cho sinh viên vì nhiều lý do. Chi phí học tập sẽ tăng lên rất nhiều. Vì không thích ngành thứ nhất, chán học nên nếu học tiếp ngành thứ hai sinh viên sẽ khó hoàn thành cả hai chương trình do quy định phải hoàn thành chương trình thứ nhất mới được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

"Bộ nên có quy định cho phép sinh viên được chuyển ngành trong cùng trường để họ có thể chọn lại ngành phù hợp, không mất thêm thời gian và tiền bạc thi lại từ đầu" - ông Dũng đề xuất.

MINH GIẢNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-hoc-giua-chung-vi-chon-sai-nganh-20211106232352816.htm