Công nghệ giáo dục hút vốn
Dự báo đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 4,4 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó hàng trăm dự án công nghệ giáo dục sẽ có cơ hội nhận vốn
Nhiều thương vụ triệu USD
Đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021 không chỉ khiến hệ thống trường học phải đóng cửa mà các trung tâm, lớp dạy thêm cũng dừng hoạt động. Ý tưởng xây dựng một nền tảng công nghệ về dạy thêm trực tuyến trong bối cảnh này đã được 2 nhà sáng lập là Phạm Đức và Trần Việt Tùng nhanh chóng hiện thực hóa vào đầu năm nay với tên gọi Marathon. Chỉ trong thời gian ngắn, Marathon đã gọi được 1,5 triệu USD vốn đầu tư cho vòng pre-seed (tiền hạt giống) từ các quỹ Forge Ventures, Venturra Discovery và iSeed Sea.
Học trực tuyến sẽ là xu hướng của tương lai ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi .Ảnh: BẢO TRÂN
Với nguồn vốn trên, Marathon chuẩn bị thí điểm dạy thêm các môn toán, lý, hóa cho lớp 6-12 với 1-2 nhóm giáo viên và học sinh vào quý IV/2021. Dự kiến, start-up này sẽ giới thiệu các khóa học trên diện rộng vào đầu năm 2022 song song với việc mở rộng ra các môn học chính khóa và ngoại khóa khác.
Theo ông Raditya Pramana, Giám đốc Quỹ Venturra Discovery, tuy chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng đa phần học sinh không có cơ hội được học thêm với các giáo viên tốt nhất cả nước. Do vậy, quỹ này đặt niềm tin vào mục tiêu của Marathon khi sử dụng công nghệ để kết nối giáo viên với học sinh nhằm đưa các sản phẩm giáo dục chất lượng cao với chi phí vừa phải tới người sử dụng trên cả nước.
Ngay từ đầu tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 chỉ vừa xuất hiện và gây ra những xáo trộn ban đầu, nhà sáng lập nền tảng Elsa đã chớp thời cơ mở rộng hệ thống cho tất cả người dùng luyện phát âm tiếng Anh miễn phí. Chiến lược táo bạo giúp lượng truy cập, cài đặt ứng dụng tăng đột biến và Elsa chính thức gọi vốn thành công vòng Series B với con số lên đến 15 triệu USD chỉ sau đó 1 năm.
Không riêng Elsa và Marathon, thị trường EdTech thời gian qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ gọi vốn gây chấn động. Hồi tháng 6, Tập đoàn Giáo dục EQuest bất ngờ tiết lộ nhận được khoản đầu tư lên tới 100 triệu USD từ một công ty đầu tư lớn của thế giới. Một start-up nước ngoài khác là Astrid (Thụy Điển) cũng âm thầm đổ vốn vào thị trường Việt Nam với ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến cùng tên, "tuyên chiến" cùng 3 ứng dụng khá quen thuộc là Yola, Elsa và Duolingo.
Không dễ thu lợi lớn
Theo ông Wing Vasiksiri, Giám đốc Quỹ iSeed SEA, quỹ này đặt nhiều hy vọng vào tiềm năng của thị trường Edtech ở Việt Nam bởi đặc thù nền văn hóa chú trọng vào giáo dục cùng lợi thế dân số trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy. Cùng đó, dịch Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi mô hình học tập trên toàn thế giới từ offline qua online cũng đem lại cơ hội lớn cho các quỹ đầu tư Edtech. "Cách tiếp cận của Marathon với thị trường giáo dục dựa trên những lợi thế đó. Với ứng dụng này, lần đầu tiên thị trường dạy học cả nước tiếp cận, kết nối được những giáo viên giỏi" - ông Wing Vasiksiri lý giải lý do rót vốn vào Marathon.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures, cho hay lĩnh vực Edtech bao gồm 4 mảng: content (bài học dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi), live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên theo hình thức 1:1 hoặc theo nhóm), OMO (mô hình online kết hợp offline) và B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục). Thị trường Edtech Việt Nam xuất phát từ content trong giai đoạn đầu và đang dịch chuyển sang live-class.
"Dưới tác động của dịch Covid-19, học trực tuyến đã trở thành thiết yếu. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các start-up trong lĩnh vực Edtech tạo ra đột phá theo hướng tận dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Machine Learning (máy học) để nâng cao trải nghiệm cho học sinh, nhà trường, nhất là việc đề xuất chương trình học phù hợp năng lực, mục tiêu của từng học sinh" - đại diện Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures nói.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, đồng sáng lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures, nhận định tiềm năng phát triển của thị trường Edtech Việt Nam nằm trong quỹ đạo phát triển chung của châu Á. Bên cạnh 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đang được đánh giá là có điều kiện thuận lợi cho Edtech phát triển bởi quy mô dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh, mật độ sử dụng điện thoại thông minh cao và độ phủ internet tốt. Ông Dũng cũng cho rằng việc chuyển sang môi trường học online là một xu thế không thể thay đổi và chính là cơ hội để Edtech bùng nổ tại Việt Nam.
Tuy vậy, nhiều nhà sáng lập nhận định Edtech không phải là "mảnh đất" dễ khai phá và có khả năng thu lợi lớn bởi xét về hiệu quả kinh tế, đầu tư vào lĩnh vực này không đem lại nhiều lợi nhuận bằng ứng dụng về giải trí, ăn uống… Chưa kể, các start-up còn gặp khó khăn liên quan đến việc tìm kiếm, kêu gọi sự bắt tay của các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói. Việc xây dựng và hoàn chỉnh ứng dụng cũng mất nhiều công sức khi phải thay đổi, chỉnh sửa rất nhiều lần cho phù hợp với thực tế…