NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Dư luận nghi ngờ, muốn bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh, Bộ GD-ĐT nói gì?

on .

TTO - Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2020 - 2021 vừa kết thúc. Lại có những câu hỏi được đặt ra về việc trao giải, giá trị thật của cuộc thi, kể cả nên giữ hay bỏ sân chơi này.

Dư luận nghi ngờ, muốn bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 1.
 

Tác giả giới thiệu dự án của mình tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc vừa diễn ra ở tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: V.H.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết:

- Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có mục tiêu, tiêu chí rất rõ ràng. Theo đó, học sinh hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng, thành tựu khoa học kỹ thuật đương đại để có các ý tưởng mới và đưa ra cách giải quyết vấn đề mà trước đó chưa ai làm. 

Điều này không có nghĩa học sinh phải chọn những vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Các em có thể và thậm chí cần phải phát hiện, chọn những vấn đề từng có và đang có các nghiên cứu thành công nhưng đưa ra được những phát hiện, vấn đề, cách giải quyết mới để hoàn thiện hơn, ưu việt hơn.

Sau mỗi cuộc thi đều có những thắc mắc, đặt nghi vấn vào sự nghiêm túc, công bằng của việc chấm giải. Nhưng tôi khẳng định ban giám khảo gồm nhiều nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc và bám sát các tiêu chí chấm giải.

 

* Dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của học sinh tỉnh Ninh Bình vừa được trao giải nhất được nhiều người cho rằng giống dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" được trao giải năm 2019. Điểm mới khác biệt của dự án dự thi năm nay là gì?

- Việc này tôi thấy Sở GD-ĐT Ninh Bình đã nói rõ rồi. Điểm chung của hai dự án là thiết kế một giường có những tính năng hỗ trợ người bị mất khả năng vận động tay chân trong quá trình phục hồi. 

Nhưng vấn đề nghiên cứu và cách giải quyết là khác nhau. Nếu chỉ nhìn vào tên đề tài về việc "thiết kế giường hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" thì có thể thấy hình như hai dự án tương tự. Nhưng đi sâu sẽ thấy ngay sự khác biệt cả ở vấn đề nghiên cứu và cách thức giải quyết vấn đề.

Trong quá trình chấm giải, ban giám khảo đã phân tích rất kỹ điều này để đánh giá đúng mức thành quả của các em học sinh đã đạt được là gì, so với những thành quả được công nhận trước đó.

* Nhiều ý kiến cho rằng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia nhiều năm gần đây có những đề tài quá lớn, quá khó được học sinh lựa chọn. Những dự án này thường được giải cao nhưng lại vướng vào hoài nghi người lớn làm thay?

- Đối tượng của cuộc thi là học sinh ở lứa tuổi 15-18, chuẩn bị bước vào các bậc học cao hơn. Việc các em lựa chọn đề tài để nghiên cứu, sáng chế không thể bó buộc trong một giới hạn "chỉ được phép đối với kiến thức phổ thông".

Yêu cầu của cuộc thi là học sinh phải vận dụng kiến thức của các môn học đã được học ở phổ thông để phát triển, thực hiện các dự án. Tuy nhiên, không có nghĩa các em chỉ được sử dụng những kiến thức cơ bản, đại trà. Điều này cũng tương tự như học sinh dự thi Olympic quốc tế, để thực hiện các dự án học sinh phải có kiến thức nền rất tốt.

 

Trong quá trình thực hiện, các em cũng không làm một mình mà cần có một môi trường để triển khai. Trong môi trường đó có sự hỗ trợ của người lớn, như giáo viên, cha mẹ trong việc hướng dẫn quy trình nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn đề tài, hay là những người thợ hỗ trợ các em trong việc gia công sản phẩm. 

Tuy nhiên, những ý tưởng mới, cách xử lý vấn đề để đạt được những kết quả mới thì chắc chắn phải là của học sinh.

* Ông suy nghĩ gì về đề nghị nên bỏ cuộc thi này vì nó có dấu hiệu chạy theo thành tích, nhất là khi Bộ GD-ĐT có quy định tuyển thẳng đại học với các học sinh có dự án đoạt giải cao?

- Cuộc thi không chỉ nhằm vào việc chọn ra dự án/học sinh được giải thưởng mà ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều.

Nghiên cứu khoa học là một bậc cao hơn của giáo dục STEM mà Bộ GD-ĐT đang đặt ra trong lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Và vì thế, mục tiêu lớn hơn ở "sân chơi" này là góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. 

Các em không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài cụ thể, chế tác một sản phẩm cụ thể mà phát triển nhiều thứ như tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, năng lực thuyết trình, phản biện, các kỹ năng làm việc nhóm.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập niên qua đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia. Trong đó có cả học sinh ở các vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực cho giáo viên thay đổi để học sinh cũng thay đổi trong việc học đi đôi với hành. 

Những điểm chưa phù hợp nếu có sẽ được xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể vì điều đó mà phủ nhận những giá trị có thật, có ý nghĩa trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Chấm giải dựa trên phỏng vấn trực tiếp học sinh

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD-ĐT đã có những nguyên tắc, quy định cụ thể trong việc chấm giải. Trong đó, ban giám khảo không chỉ chấm dựa trên sản phẩm được trưng bày mà còn đánh giá trên hồ sơ để biết quy trình thực hiện. Đặc biệt là chấm dựa trên phỏng vấn trực tiếp học sinh.

Nếu sản phẩm không do học sinh thực sự làm thì sẽ lộ ngay ở quá trình phỏng vấn, phản biện. Trong tiêu chí chấm giải cũng có barem điểm rất rõ, trong đó có điểm dành cho việc trình bày, trả lời phỏng vấn của ban giám khảo.

Giải thưởng "dậy sóng" câu hỏi nghi ngờ

Bộ GD-ĐT vừa công bố 91 dự án đoạt giải trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021. Trong số đó, 12 đề tài giành giải nhất làm "dậy sóng" ở một số diễn đàn về giáo dục, khoa học trên mạng xã hội.

Một số dự án được đặt câu hỏi có quá sức với học sinh cấp III, như đề tài "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số loài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vữa động mạch" của nhóm học sinh ở Hải Phòng. Nguyễn Minh Hồng - cựu sinh viên ngành công nghệ sinh học ở một trường đại học phía Nam - bày tỏ ý kiến: việc điều chế chất ức chế từ những loại rau răm (Polygonum L.) không phải dễ, thậm chí với sinh viên đại học.

Hay dự án "Cải tiến peptit polybia-mp1 để ứng dụng trong điều trị ung thư" của hai học sinh ở Thanh Hóa cũng được một số ý kiến đặt dấu hỏi liệu có sự hỗ trợ của người lớn có chuyên môn hay không? "Khi mà việc giảng dạy các môn sinh học, hóa học trong trường phổ thông còn nặng tính lý thuyết, chuyện nghiên cứu các chất ứng dụng điều trị ung thư với học sinh, theo tôi, gần như không thể" - Hoàng Anh, một giáo viên hóa học ở Đắk Lắk, nhận xét.

HOÀNG THI

VĨNH HÀ thực hiện

Nguồn: https://tuoitre.vn/du-luan-nghi-ngo-muon-bo-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cho-hoc-sinh-bo-gd-dt-noi-gi-20210329221253812.htm