Cấp bách đường vành đai TP.HCM
Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM tháo gỡ nhiều khó khăn, gấp rút đẩy nhanh tiến độ khép kín đường vành đai 2 và thi công đường vành đai 3.
Trong khi thủ đô Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai đường vành đai số 5 có chiều dài 320 km, hệ thống đường cao tốc kết nối liên tỉnh hầu hết đã hoàn thiện thì mạng lưới 3 tuyến đường vành đai tại TP.HCM vẫn “giậm chân tại chỗ” suốt 1 thập kỷ.
Trong báo cáo nhanh vừa gửi UBND TP.HCM, Sở GTVT đề xuất tháo gỡ nhiều khó khăn, gấp rút đẩy nhanh tiến độ khép kín đường vành đai 2 và thi công đường vành đai 3.
Chuẩn bị triển khai nhiều đoạn
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Tuy nhiên đến nay, TP mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 km đường vành đai (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 hơn 16 km), đường vành đai 4 còn đang trong quá trình chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng.
|
Báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP cho biết đường vành đai 2 còn 14 km chưa khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 4 dự án, gồm: đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức), đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, QL1 (Q.Thủ Đức) và đoạn 4 từ QL1A - Nguyễn Văn Linh.
Trong đó, đoạn 1 và đoạn 2 đến nay vẫn chưa được thông qua chủ trương đầu tư các dự án để làm cơ sở triển khai thực hiện. Được biết, 2 dự án đã được UBND TP phê duyệt đề xuất dự án từ tháng 12.2016, nhưng doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư chưa xác lập được phương án tài chính khả thi. Mặt khác, giai đoạn đó 2 dự án trên được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong khi theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư, trong đó có hình thức BT) để triển khai thống nhất chung trên toàn địa bàn TP. Do đó, dự án phải nằm chờ gần 4 năm.
Để đẩy nhanh khép kín đường vành đai 2, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư các dự án sớm xem xét, thẩm định đối với hồ sơ đề xuất các dự án; kịp thời báo cáo Thường trực UBND TP, Ban Thường vụ Thành ủy có ý kiến chỉ đạo để thông qua HĐND TP trong tháng 12 năm nay, đối với 2 dự án đoạn 1 và đoạn 2.
Mới đây, dự án vành đai 3 tổng chiều dài hơn 90 km cũng vừa hoàn thiện báo cáo tiền khả thi. Trong đó, 2 dự án thành phần 1 là 1A và 1B thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư, dự kiến sớm được triển khai ngay trong quý 1/2021.
Thiếu “xương sống”, ùn tắc quanh năm
Được nhận định là hệ thống “xương sống” của giao thông TP, thông tin các dự án đường vành đai 2, vành đai 3 rục rịch sớm được triển khai mang đến nhiều hy vọng cho tình trạng ách tắc đang ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên thực tế, theo báo cáo mới đây của Sở GTVT, những tồn tại, vướng mắc cố hữu cản trở tiến độ các dự án vẫn còn nguyên, chưa được giải quyết.
Cụ thể, cách đây gần 2 năm, lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã tham mưu kiến nghị UBND TP bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 2 phân đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng và đã được UBND TP chấp thuận. Tiến độ triển khai khép kín đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa tưởng sẽ đẩy nhanh sau đó nhưng đến nay, 2 dự án này vẫn chưa được thông qua chủ trương đầu tư.
Riêng đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) cũng đang tạm ngưng. Nguyên nhân, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính chưa hoàn thành rà soát, báo cáo và dự thảo văn bản để UBND TP trình Thủ tướng xem xét chấp thuận các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng do Q.Thủ Đức thực hiện còn chậm và nhà đầu tư chậm trễ trong việc lập hồ sơ điều chỉnh dự án...
Vì thế, thông tin TP sốt ruột khép kín vành đai hay gỡ khó cho vành đai 2 liên tục được lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở khẳng định nhưng 14 km đường nằm trong danh sách trọng điểm vắt từ năm này qua năm kia, từ đời lãnh đạo nọ sang đời lãnh đạo kia, vẫn dang dở khiến người dân ngao ngán.
Đại diện Sở GTVT TP cũng nhiều lần thừa nhận thời gian qua, TP đã tích cực triển khai rất nhiều dự án mở rộng cầu, đường, làm cầu vượt giải tỏa các điểm nghẽn giao thông, nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, giải quyết cục bộ. Muốn TP.HCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn. Như Hà Nội, hiện đã có 4 đường vành đai (đường vành đai 1; 2; 2,5; 3) vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông cho thủ đô, vừa hỗ trợ giãn dân.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cũng khẳng định bài toán kẹt xe của TP không thể dễ dàng có lời giải nhờ một, hai công trình, vài biện pháp mà phải có sự đồng bộ. Thực trạng các tuyến đường vành đai quá ít so với nhu cầu giao thông thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.
Cần cơ chế huy động vốn
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ Sở GTVT TP cho biết hiện khó khăn lớn nhất để triển khai các phân đoạn khép kín đường vành đai 2 và triển khai tiếp vành đai 3, vành đai 4 là xác lập phương án tài chính khả thi. Cụ thể, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ phù hợp với tuyến đường làm mới, đồng thời trạm thu phí không quá gần với trạm thu phí khác và nguồn thu phải phù hợp với chi phí đầu tư. Nếu đầu tư theo hình thức BT, cần phải có đủ quỹ đất có giá trị phù hợp để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, quỹ đất trên địa bàn TP không nhiều, chưa đủ khả năng đáp ứng.
Về bản chất, TP vẫn có thể tiếp tục triển khai các dự án theo loại hình BT theo hướng doanh nghiệp xây dựng, sau đó chuyển giao lại cho TP. TP phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền để trả lại cho nhà thầu. Nhưng do ngân sách không đủ đáp ứng nên TP chọn phương án trả bằng đất, gọi là đổi đất lấy hạ tầng. Theo quy định, miếng đất sẽ được đem bán đấu giá công khai, minh bạch, sau đó dùng tiền này trả cho nhà thầu của dự án. Vấn đề là miếng đất được đem ra đấu giá phải là đất “sạch” và đã có trong quy hoạch, vì đất chưa có quy hoạch thì không thể định giá và kéo theo nhiều rủi ro cho DN về sau. Mà quỹ đất đủ điều kiện, trên địa bàn TP đến nay hầu như không còn. Do đó, TP gần như không còn cách nào ngoài việc tiếp tục chờ đợi. Mặt khác, vay vốn ODA sẽ phải ràng buộc rất nhiều điều kiện và gia tăng áp lực nợ công.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cảng TP.HCM, nhận định các tuyến đường vành đai có tính chất liên vùng, tổng mức đầu tư cũng như chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư là hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP.
“Cần có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội. Hiện nay, quỹ đất hai bên dự án này còn nhiều và giá trị còn thấp. Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao nên các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi. Đây là cơ sở để TP kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án”, ông Trường đề xuất.
Thiếu trầm trọng giao thông kết nối với các tỉnh dẫn đến tình trạng các tuyến đường độc đạo như xa lộ Hà Nội, các đường liên tỉnh như tỉnh lộ 25, QL22... thường xuyên tắc nghẽn. Do đó hệ thống đường vành đai phải là ưu tiên hàng đầu trong số các dự án giao thông mà TP.HCM cần triển khai trong thời gian tới, không thể chậm trễ hơn nữa.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng
Hà Mai
Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cap-bach-duong-vanh-dai-tphcm-1308396.html