7 bạn trẻ làm cố vấn cho Tổng thống Indonesia để phụng sự tổ quốc
TTO - Từ tầng 6 Điện Merdeka - Phủ tổng thống Indonesia, Gracia Billy Mambrasar, trong chiếc áo vải batik truyền thống, xuất hiện trước màn hình trả lời phỏng vấn trực tuyến phóng viên Tuổi Trẻ qua Zoom trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở xứ vạn đảo.
Thay vì bỏ ra thời gian, mình nên đầu tư thời gian. Việc bỏ thời gian ra đôi khi mình không nhận được lại gì, trong khi đầu tư thời gian sẽ mang đến cho mình nhiều thời gian hơn. Tôi đầu tư rất nhiều thời gian phát triển nhân sự và xây dựng hệ thống.
AYU KARTIKA DEWI
Nếu không giới thiệu, thật khó để tưởng tượng nơi anh đang ngồi nằm trong tòa nhà đầu não của Chính phủ Indonesia.
Với những bức tường bằng kính, những chiếc gối lười hạt xốp nằm đó đây dưới sàn nhà, không gian ấy trông giống ở một start-up hơn là nơi sẽ bàn thảo các chính sách thiết thân với giới trẻ Indonesia.
Mong muốn phụng sự tổ quốc
Gracia Billy Mambrasar là một trong bảy cố vấn đặc biệt thuộc thế hệ millennials với tuổi đời 23-36, được Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa vô bộ máy của mình vào tháng 11-2019. Ông Joko có tổng cộng 14 cố vấn đặc biệt.
Bảy bạn trẻ này được xem là những "hạt giống" của lứa lãnh đạo kế cận ở Indonesia, nơi thế hệ millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) và thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2000) chiếm tới 70% của đất nước xấp xỉ 270 triệu dân này.
Với xuất thân khác nhau, họ được trao gửi niềm tin sẽ đưa ra những khuyến nghị cho các chính sách mang tính bước ngoặt của tổng thống, bao trùm các vấn đề giáo dục, kinh doanh, công nghiệp sáng tạo, quyền của người khuyết tật và hòa hợp tôn giáo.
"Có một kỷ niệm vui là tôi đã không nghĩ rằng mình được chọn và quyết định quay lại Anh tiếp tục việc học. Vừa đặt chân đến London, tôi nhận được cuộc gọi từ Indonesia yêu cầu về nước ngay để phục vụ vị trí này. Vì thế nên tôi chỉ ở Anh vỏn vẹn 16 tiếng trước khi lại bay về" - Gracia cười khi hồi tưởng giây phút nghe thông báo được chọn.
Gracia là người dân tộc thiểu số Papua và nhà sáng lập Kitong Bisa - tổ chức gây quỹ cho giáo dục và vận hành các trung tâm dạy học cho trẻ em Papua, một trong những tỉnh thành nghèo nhất nước.
Trở thành cố vấn của tổng thống, đối với Gracia, là cách thức giúp anh cất lên tiếng nói của giới trẻ ở những vùng còn khó khăn của Indonesia, từ đó giúp chính phủ đưa ra những quyết định tốt hơn nhằm cải thiện đời sống ở những khu vực đó.
Còn đối với Ayu Kartika Dewi, nhà đồng sáng lập Sabang Merauke - một chương trình trao đổi sinh viên trong nước được tạo ra nhằm khuyến khích đa dạng văn hóa, cô gật đầu đồng ý với niềm tin rằng mình có thể đóng góp nhiều hơn cho tổ quốc, tạo ra càng nhiều ảnh hưởng tích cực càng tốt thông qua việc trực tiếp đưa ra những gợi ý mới mẻ, đáng tin cậy và gợi mở giải pháp cho người đứng đầu chính phủ.
Cảm nhận được rằng ông Widodo đang cố gắng truyền đi thông điệp về sự quan tâm của người đứng đầu nhà nước đến người khuyết tật, Angkie Yudistia - CEO một doanh nghiệp xã hội chuyên hỗ trợ công ăn việc làm cho người khuyết tật mang tên Thisable Enterprise - xác định đây là một thử thách lớn đối với bản thân vốn là một người khiếm thính.
"Không thể phủ nhận rằng tầm nhìn đó đồng điệu với mục tiêu cuộc đời của tôi. Những quyết định này của ông ấy đã nới rộng không gian cho người khuyết tật để họ đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Và với tư cách đại diện cho họ, tôi sẽ là cầu nối cho khát vọng về một Indonesia phát triển bao trùm" - cô chia sẻ về lý do đưa đến quyết định lớn này.
Còn Aminuddin Maruf, chủ tịch phong trào sinh viên Hồi giáo Indonesia 2014-2016, chia sẻ anh chấp thuận lời đề nghị làm cố vấn tổng thống bởi "đó là một cách để phụng sự tổ quốc". "Tất nhiên đó là một thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội để tôi chứng minh rằng giới trẻ Indonesia có thể tạo ra những ảnh hưởng đáng kể vào chương trình nghị sự của đất nước mình" - Aminuddin nói.
Giáo dục là chìa khóa
Tất cả các cố vấn trẻ đều có bằng thạc sĩ từ các trường đại học danh giá trong và ngoài Indonesia.
Việc tiếp thu tinh hoa tri thức đã mở đường cho các sáng kiến, biến giáo dục trở thành kim chỉ nam trong các chính sách mà họ hướng tới nhằm xây dựng một đất nước sung túc hơn, hòa hợp hơn và bao dung hơn cho tất cả mọi người.
Từng sống ở Ambon (thành phố lớn nhất tỉnh Maluku) - nơi xảy ra cuộc bạo loạn sắc tộc năm 1999, đó là động lực thúc đẩy Ayu sáng lập nên Sabang Merauke với tầm nhìn cung cấp không gian nơi học sinh từ mọi miền của Indonesia có thể trao đổi, chia sẻ và tương tác với những người khác họ.
"Sự trao đổi này cho phép học sinh với tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau có cơ hội đối thoại, giúp học sinh hiểu được rằng sự khác biệt không là vấn đề, mà vấn đề là chúng ta chưa có khả năng sống sao cho hòa hợp với những người khác mình" - Ayu chia sẻ về ý tưởng sơ khởi của mình. Từ mong ước giản dị đó, trong những năm qua, nỗ lực không ngừng nghỉ của Sabang Merauke đã góp phần bồi đắp sự bao dung giữa con người.
Còn đối với Gracia, việc thành lập Kitong Bisa được ấp ủ trong hai tháng thực tập của anh tại Quỹ Huỳnh Tấn Phát ở TP.HCM năm 2016.
Chính thời gian làm công tác hỗ trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục theo học đại học ở các thành phố lớn và bà Huỳnh Xuân Thảo - giám đốc của quỹ, người mà anh vẫn gọi rất thân thương bằng cái tên "cô Thảo" - đến các sự kiện khác nhau, là lúc Gracia bắt đầu cảm nhận được thôi thúc thành lập Kitong Bisa để áp dụng các kiến thức được học và kỹ năng thực hành ở Việt Nam nhằm giúp trẻ em và thanh thiếu niên thuộc các nhóm thiểu số ở Indonesia tiếp cận với giáo dục toàn cầu.
Trong một khuôn khổ hẹp hơn nhưng không kém phần quan trọng, Aminuddin nhận trách nhiệm làm việc với các trường Hồi giáo nội trú bởi theo anh, "không chỉ tập trung vào khoa học mà còn phải rèn tâm dưỡng tính và dạy cách làm người".
Những đối thoại của anh và các nhóm chiến lược, đặc biệt là hội các trường nội trú Hồi giáo truyền thống, các nhóm hoạt động sinh viên và cộng đồng địa phương ở làng xã trên nhiều vấn đề khác nhau, sau đó được gửi đến tổng thống để làm tư liệu cho các dự thảo chính sách.
Những "quả ngọt" ban đầu
Gần một năm sau ngày được bổ nhiệm, đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ từ sự kỳ vọng quá lớn cũng như hoài nghi của đông đảo dân chúng, các cố vấn còn vấp phải khó khăn không lường trước: đại dịch COVID-19.
Điều này ít nhiều tác động đến những kế hoạch của họ, vốn cần làm việc thường xuyên với cộng đồng địa phương và các bên liên quan. Tuy vậy, tạm nghỉ dường như không xuất hiện trong từ điển của những người trẻ tiên phong này.
Xác định nhiệm vụ chính là xây dựng kế hoạch nhằm tăng số lượng doanh nhân trẻ ở các khu vực vùng sâu vùng xa (kém phát triển) cho tương xứng với thành phố, ngay sau khi được bổ nhiệm, Gracia đã lên đường đến Aceh - vùng cực tây của Indonesia.
Tại đây, anh nói chuyện với các bên liên quan, giới chức địa phương, trường đại học về tầm quan trọng của việc có người trẻ tham gia kinh doanh.
Từ Aceh, Gracia bay một mạch đến vùng cực tây - Papua, nơi quê nhà, để thảo luận về cùng vấn đề. Kết quả là Bộ Công trình công cộng và nhà ở Indonesia hiện đang tiến hành dự án xây dựng trung tâm cho doanh nhân trẻ ở Papua, dự kiến hoàn thành trong hai năm tới.
Dù là một năm khó khăn, 2020 chứng kiến một dấu mốc quan trọng trong chương trình nghị sự của Indonesia về vấn đề người khuyết tật, theo Angkie.
Vào tháng 6, tổng thống đã ban hành một chính sách mới về vấn đề người khuyết tật. Quy định số 67 về bảo vệ quyền của người khuyết tật và quy định số 68 là về việc đặt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật dưới Bộ Các vấn đề xã hội.
"Hai quyết định này được coi là bước tiến quan trọng của chính quyền trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền của người khuyết tật tại Indonesia" - cô tự hào chia sẻ.
Giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc phần lớn thời gian làm việc là trước màn hình máy tính. Sự thích nghi trong thời kỳ dịch bệnh và sau đó ở giai đoạn bình thường mới khiến những người trẻ như Gracia, Ayu khai mở được nhiều tiềm năng mà thời đại số mang đến cho mình. Nhiều chiêm nghiệm sâu sắc hơn về con người, về khoảng cách thế hệ cũng bắt đầu từ đây.
Học hỏi nhiều từ các tiền bối
- Gracia: Một điểm thuận lợi khi làm cố vấn đặc biệt là khách hàng duy nhất của chúng tôi là tổng thống. Chúng tôi đưa cho ông ấy những lời khuyên và khuyến nghị, chứ không phải bất kỳ ai khác. Và cũng chính tổng thống sẽ quyết định có sử dụng nó hay không. Nếu có, ông ấy sẽ làm việc, thảo luận với các bộ ngành liên quan để triển khai.
Tuy nhiên, theo văn hóa châu Á mà tôi nghĩ Việt Nam cũng thế thôi, kính lão đắc thọ nên tôi đã cố gắng gặp mặt các bộ trưởng, tự giới thiệu bản thân và nói rằng tôi luôn sẵn lòng để giúp đỡ nếu có gì cần kíp. Cho đến nay chưa có xung đột gì, mọi thứ vẫn tiến triển rất mượt mà.
- Angkie: Những chính trị gia kỳ cựu trong nội các của tổng thống cũng chính là cố vấn của chúng tôi, đặc biệt là về các vấn đề chính trị - vốn là một thế giới hoàn toàn mới mẻ với chúng tôi. Họ luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cũng như thảo luận với chúng tôi. Tổng thống Widodo là đối tác chính trong các thảo luận của chúng tôi.
Nhưng trước mỗi buổi gặp tổng thống, chúng tôi thường tham vấn chuyên gia về vấn đề mà chúng tôi muốn truyền tải. Những ý tưởng gửi đến tổng thống cần được bổ khuyết bằng dữ liệu xác tín để có thể thuyết phục ông ấy.
Thay vì im lặng đồng ý, người trẻ luôn phản biện
Không riêng gì Indonesia, tại các quốc gia khác trong khu vực ASEAN đã bắt đầu xuất hiện các nhân tố trẻ tham gia chính trị. Năm 2018, Syed Saddiq Abdul Rahman được bổ nhiệm làm bộ trưởng thanh niên và thể thao Malaysia khi mới 25 tuổi, trở thành bộ trưởng trẻ nhất từ khi Malaysia giành độc lập.
Syed Saddiq là 1 trong 4 chính khách trẻ khác từng xuất hiện ở Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội năm 2018. Ba người còn lại là Grace Natalie (chủ tịch Đảng Đoàn kết Indonesia), Nurul Izzah Anwar (phó chủ tịch Đảng Công lý nhân dân Malaysia) và Thanathorn Juangroongruangkit (lãnh đạo Đảng Hướng tới tương lai Thái Lan).
Họ được WEF mô tả là những người tạo thay đổi vì chú trọng vào giải quyết các vấn đề thiết thân với cộng đồng, dám nghĩ lớn, quan tâm đến các thách thức trong tương lai và chung tay vào định hình thế hệ lãnh đạo kế cận ở khu vực Đông Nam Á.
"Các chính trị gia trẻ có xu hướng thích thay đổi hơn thế hệ cũ - Saw Yi Hang, 25 tuổi, kỹ sư ở Penang, Malaysia, nói với Tuổi Trẻ - Họ ít bị ràng buộc bởi các truyền thống đã được định sẵn và điều này là rất đáng khích lệ trong việc định hình các chính sách xã hội như giáo dục".
Theo Theodore Soukotta - 24 tuổi, người Indonesia, thạc sĩ nghiên cứu phát triển tại Đại học Melbourne (Úc), sự tham gia của người trẻ vào bộ máy chính trị có hai giá trị lớn. Một là làm thương hiệu (branding) - tạo nên hình ảnh chính phủ trẻ trung, gần gũi. Hai là thực sự đặt những suy nghĩ, ước mong của người trẻ lên bàn nghị sự.
Là người nghiên cứu chính sách, Theodore bày tỏ kỳ vọng rằng sự xuất hiện của các chính khách trẻ sẽ giúp thay đổi bộ máy chính trị từ bên trong. "Tôi hi vọng rằng họ sẽ giúp chỉ ra những điểm yếu của các chính sách không phục vụ tốt cho giới trẻ. Khi đã trở thành một phần của bộ máy chính quyền, thay vì im lặng đồng ý, sẽ thật tuyệt nếu họ có thể giữ vững quan điểm của mình và luôn phản biện" - Theodore nói với Tuổi Trẻ.
Người trẻ cần chiều sâu lẫn chiều rộng
Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã công bố nội các mới có nhiều người trẻ. Bộ trưởng trẻ nhất là ông Desmond Lee (44 tuổi), phụ trách Bộ Phát triển quốc gia. Ông Lý nhấn mạnh 3 tiêu chí hàng đầu trong tìm kiếm các nhân sự mới, đó là các cam kết với nhân dân, khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm.
Tuy vậy, ông Lý cũng quyết định giữ lại những chính trị gia thuộc thế hệ thứ 3 như những người cố vấn và chỉ dạy lớp trẻ, cũng như luân chuyển các bộ trưởng trẻ hơn đến các lĩnh vực mới để tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm. "Họ phải có cả chiều sâu lẫn chiều rộng để hiểu được những vấn đề của đất nước và nhìn mọi thứ bằng nhiều lăng kính khác nhau" - thủ tướng Singapore giải thích.
KHOA THƯ thực hiện
Nguồn: https://tuoitre.vn/7-ban-tre-lam-co-van-cho-tong-thong-indonesia-de-phung-su-to-quoc-20200901232320657.htm