Giả cán bộ Cục Cảnh sát hình sự: Đọc lệnh bắt người để... tống tiền
TTO - Nhiều vật dụng như súng, đồ công an, bảng tên, biển số xe 80B... được hai công an 'dỏm' mua trên mạng. Việc phát hiện hai công an 'dỏm' này nhờ sự bình tĩnh, nhanh trí của người dân.
Ngày 30-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Công an quận 11, TP.HCM cho biết đang tạm giữ Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ quận Tân Bình) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên) để điều tra hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Đây là hai đối tượng giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đọc lệnh bắt đối với bà L.H.T. (52 tuổi, ngụ phường 7, quận 11) ngày 28-8.
Tại cơ quan công an, Sơn và Thái thừa nhận giả công an vào nhà bà T. để đọc lệnh bắt đối với bà này nhằm đánh vào tâm lý những người có nhiều tiền để tống tiền.
Sơn và Thái khai thêm, súng, đồ công an, bảng tên... đặt mua trên mạng, ôtô thì thuê và mua biển số màu xanh 80B giả trên mạng. Tất cả tang vật liên quan vụ việc của Sơn và Thái được cơ quan chức năng thu giữ.
Cũng theo Công an quận 11, công an "dỏm" Trần Văn Sơn từng có tiền án về tội lừa đảo.
Việc phát hiện ra chân tướng hai công an "dỏm" này cho thấy sự bình tĩnh của bà T.
Sáng 30-8, phóng viên Tuổi Trẻ Online tìm đến nhà để gặp bà T. - người bị Sơn và Thái giả cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đọc lệnh bắt. Bà T. dè chừng: "Tôi mới bị lừa nên sợ lắm, phải có công an khu vực đi cùng thì tôi mới tin và trả lời các anh".
Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ công an khu vực, bà T. mới yên tâm trả lời.
Bà T. cho biết, tối 28-8, bà vừa đi làm từ thiện từ Cần Thơ về nhà lúc 22h. Khoảng 22h30 có hai người đàn ông mặc đồ công an, dừng ôtô trước nhà và nói vào nhà bà để khám xét và đọc lệnh bắt.
"Lúc nghe bị bắt, tôi cũng sợ nhưng định hình lại mình làm ăn đàng hoàng, đâu làm gì sai mà bị bắt nên không sợ nữa.
Tôi hỏi có thẻ ngành không và lệnh bắt như thế nào? Hai người này trình ra một thẻ màu đỏ và nhiều giấy tờ có ghi lệnh bắt. Khi hỏi tôi bị bắt vì tội gì thì hai người này đọc lệnh bắt tôi tội tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi", bà T. nhớ lại.
Do nghi ngờ nên bà T. giả vờ đi thay đồ rồi báo cho người thân.
Sau khi lên lầu, bà gọi điện thoại cho em trai mình để nhờ báo cho công an phường đến. Trong lúc bà T. gọi điện thì hàng xóm thấy dấu hiệu lạ, khám xét nhà mà không có công an phường và khu phố nên cũng cấp báo cho công an phường.
Sau khi giả vờ thay đồ, bà T. đi xuống tiếp tục nói chuyện để câu giờ với Sơn và Thái, khoảng 5 phút sau, công an phường xuống và mời hai người này về làm việc.
Một cán bộ Công an phường 7, quận 11 cho hay các cuộc họp tổ dân phố đều phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền cho người dân nắm rõ các vụ lừa đảo.
"Thông tin này cũng đã phổ biến cho người dân biết nên mọi người báo công an khu vực xuống nhanh và phát hiện kịp thời", cán bộ Công an phường 7, quận 11 nói.
Theo cán bộ này, các đơn vị nghiệp vụ công an khi xuống địa phương bắt, khám xét hoặc làm việc đều phải có đại diện của công an địa phương và đại diện khu phố chứng kiến.
"Khi xuống nhà chị T. làm việc với hai người này, qua một hai câu hỏi nghiệp vụ đã phát hiện nghi vấn nên mời về phường làm việc", cán bộ Công an phường 7 nói thêm.
MINH HÒA
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-can-bo-cuc-canh-sat-hinh-su-doc-lenh-bat-nguoi-de-tong-tien-20200830123720733.htm