Lòng vàng tiếp sức "ATM gạo"
"Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Đây là lời ngỏ dễ thương tại điểm đặt máy phát gạo tự động, miễn phí được ví như cây "ATM gạo" trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP HCM)
Người sáng chế ra chiếc máy phát gạo tự động là anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock Khóa Vân Tay.
"ATM gạo"
"Mùa dịch bệnh, dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, những người từ các tỉnh thành đến TP HCM mưu sinh, chật vật kiếm ăn từng ngày. Vì lẽ đó mà có rất nhiều người phát tâm làm từ thiện. Trong tôi cũng đau đáu muốn làm gì đó góp chút công sức giúp đỡ người nghèo tạm thời vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đi qua một vài nơi tôi thấy ở những điểm từ thiện phát cơm, gạo, thực phẩm… có rất đông người đến nhận, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất dễ xảy ra. Công ty tôi làm về khóa điện tử thông minh, vậy là tôi tận dụng những thiết bị sẵn có, mày mò sáng tạo chiếc máy tự động phát gạo miễn phí. Với chiếc máy này và cách sắp xếp hợp lý, khoa học sẽ giúp giảm tình trạng tập trung đông người; người phát gạo và người nhận không tiếp xúc với nhau sẽ tránh nguy cơ lây lan chéo dịch bệnh" - anh Tuấn Anh chia sẻ về sự ra đời của máy phát gạo tự động.
Người dân bảo đảm khoảng cách 2 m khi đến nhận gạo tại “ATM gạo”
"ATM gạo" bao gồm một nút bấm tích hợp camera kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông qua phần mềm, nhờ vậy mà có thể quản lý được người nhận có đúng người nghèo hay không và người đó có đến lấy quá nhiều lần trong một ngày không. Những người lấy gạo hơn 1 lần sẽ bị nhắc nhở để nhường lại phần cho những người đến sau.
Tại điểm phát gạo, anh Tuấn Anh cho đặt một tấm bảng hướng dẫn cụ thể thao tác bấm nút lấy gạo để người nhận dễ dàng làm theo. Những người đến nhận gạo cũng được yêu cầu phải xếp hàng cách nhau 2 m và không tập trung quá 10 người. Máy chạy 24/24, mỗi lần lấy được khoảng 1,5-2 kg gạo. Trung bình mỗi ngày số gạo từ máy "ATM gạo" phát ra gần 2 tấn. "Mỗi ngày đều có người trực 24/24 để hướng dẫn và phục vụ. Những ngày đầu tiên, tôi dự định phát 500 kg gạo nhưng số người đến nhận quá đông, không đành để họ về tay không, tôi phải lấy gạo dự trữ cho những ngày sau ra phát cho bà con" - anh Tuấn Anh kể.
Lan tỏa yêu thương
Câu chuyện về chiếc máy "ATM gạo" sau khi đăng tải trên báo và mạng xã hội đã được nhiều người biết đến.
"Trong những ngày cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, rất nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn do không có việc làm. Chiếc máy phát gạo tự động này như nồi cơm Thạch Sanh, giúp họ có cái ăn cho qua đại dịch. Thấy việc làm này ý nghĩa quá, tôi đặt mua 2 bao gạo ngon, rồi nhờ chở qua đây trao tận tay Tuấn Anh và các bạn để phân phát đến cho những người đang cần" - bà Trần Thị Liên (ngụ quận 6, TP HCM) chia sẻ.
Không chỉ bà Liên, sau khi đọc được thông tin về chiếc máy phát gạo độc đáo của anh Tuấn Anh ở 204B đường Vườn Lài, anh Duy Thuận (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cũng đi mua 4 bao gạo rồi chở đến tặng. "Tôi rất khâm phục cái tâm thiện và sự sáng tạo để cho ra đời chiếc máy phát gạo độc đáo này của anh Tuấn Anh. Tuy nhiên, để có thể duy trì cây "ATM gạo" qua mùa dịch bệnh, phải có nhiều người chung tay cùng Tuấn Anh. Những lúc khó khăn như lúc này, cần lắm tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chỉ cần mỗi người góp một chút, người nghèo sẽ được chăm lo tốt hơn" - anh Duy Thuận bày tỏ.
Chỉ trong khoảng 1 giờ ở đây vào sáng 8-4, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người ở khắp nơi đến góp gạo cho máy "ATM gạo" của anh Tuấn Anh. Có người góp vài chục kg, cũng có người vài trăm kg. Đến trưa cùng ngày, số gạo được đóng góp khoảng 4 tấn.
Bà Lê Thị Lan (60 tuổi, bán vé số) chia sẻ: "Bữa giờ không bán vé số, tiền không có, trăm mối lo. Đi ngang thấy phát gạo, tôi ghé vào lấy. Nhiêu đây mình tôi cũng ăn được vài ngày no bụng, ấm lòng".
Sẽ lắp thêm "ATM gạo" thứ hai
Đây là điểm phát gạo đầu tiên nên kinh phí mua gạo và thiết bị ban đầu đều do anh Tuấn Anh và các nhân viên của công ty cùng chung tay làm. Sau khi nhận được sự quan tâm và động viên của nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân, hiện tại anh Tuấn Anh và nhân viên đang khảo sát ở một địa điểm trên địa bàn quận 12 để có thể tiến hành lắp máy "ATM gạo" thứ hai tại đây. Anh Tuấn Anh mong muốn sau khi dịch bệnh kết thúc, việc phát gạo có thể kéo dài thêm 1-2 tháng để người lao động nghèo có thời gian tìm việc và ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Hoàng Triều
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/long-vang-tiep-suc-atm-gao-2020040822215209.htm