NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Cuộc chơi lớn của các đại gia công nghệ (*): Ví điện tử vào đường đua mới

on .

Đầu tư lớn, cạnh tranh quyết liệt nhưng đến thời điểm này chưa doanh nghiệp nào công bố lợi nhuận kiếm được từ ví điện tử

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến (ví điện tử MoMo), đánh giá thị trường thanh toán di động tại Việt Nam cực kỳ tiềm năng và đây là "thời điểm vàng" để ví điện tử phát triển.

 

"Miếng bánh" lớn dần

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NH), đến nay đã có khoảng 30 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, chủ yếu là ví điện tử, ngay cả các NH thương mại cũng đua nhau ra ví điện tử tích hợp vào ứng dụng của NH mình. Bảy tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỉ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng 3 con số trên 100% đạt được từ năm trước. Sự bùng nổ này khiến cuộc đua giữa các ví điện tử ngày một quyết liệt.

Trong cuộc chiến này, ví MoMo có lợi thế hơn với hệ sinh thái với hơn 12 triệu người dùng, 12.000 đối tác, 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, liên kết trực tiếp với 22 NH thương mại. Lãnh đạo ví MoMo cho biết luôn tìm kiếm và mở rộng kết nối điểm chấp nhận thanh toán từ các dịch vụ thu hộ; là đối tác của những tên tuổi lớn như Apple, Google hay đơn giản chỉ là ly nước ở vỉa hè.

Được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán từ năm 2009, Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion) - ví điện tử Payoo, là một trong những đơn vị đầu tiên đi kết nối với các nhà cung cấp hóa đơn tiện ích; thanh toán không dùng tiền mặt QRcode, contactless, mPOS... cho giao thông công cộng. Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt khoảng 3 tỉ USD/năm; liên kết với 10.000 cửa hàng trên toàn quốc...

Trong khi đó, bước đi mới nhất của ZaloPay là hợp tác với Bamboo Airways cho phép khách hàng đặt vé máy bay và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng ví này. ZaloPay có lợi thế là được thừa hưởng nền tảng công nghệ và hệ sinh thái vững chắc của Tập đoàn VNG. Đặc biệt, ZaloPay cho phép người dùng chuyển tiền liên NH, chuyển tiền qua số điện thoại, chuyển tiền qua khung trò chuyện Zalo... Tất cả đều miễn phí, điều mà rất nhiều ví cũng như ứng dụng NH chưa làm được.

Một "ông lớn" khác cũng không kém cạnh là Ví Việt của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Đầu tháng 10-2019, LienVietPostBank và Công ty BC Card (hiện chiếm hơn 26% thị phần thẻ tại Hàn Quốc và có mạng lưới 3,05 triệu điểm chấp nhận thanh toán trên thế giới) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm phát triển các sản phẩm, trong đó có thanh toán số qua QRcode bằng ứng dụng Ví Việt. Theo đó, khách hàng Việt Nam có thể mua sắm, thanh toán qua Ví Việt tại các cửa hàng là điểm chấp nhận thanh toán của BC Card tại Hàn Quốc như cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại...

Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết đây là giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt có thể hỗ trợ người Việt Nam khi đi du lịch tại Hàn Quốc, không cần mang theo tiền mặt, điều mà rất nhiều du khách Việt mong muốn. Tính đến hết tháng 9, Ví Việt đã có hơn 32.000 điểm chấp nhận thanh toán với trên 2,6 triệu người sử dụng trên toàn quốc.

Ngoài ra, thị trường ví điện tử gần đây còn đón nhận thêm rất nhiều tân binh có tiềm lực tài chính mạnh bên cạnh những cái tên đã có thị phần, chỗ đứng nhất định như MoMo, ZaloPay, Ví Việt, Viettel Pay, GrabPay by Moca...

Cái tên mới nhất hiện nay là Công ty CP Giải trí di động (Me Corp, trụ sở tại TP HCM) vừa được NH Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Kế đến là Công ty CP VinID (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng được NH Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử. Với vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng và đã có 8 triệu khách hàng từ hệ sinh thái của Vingroup, VinID được xem là đối thủ "đáng gờm" với những DN khác.

Cuộc chơi lớn của các đại gia công nghệ (*): Ví điện tử vào đường đua mới - Ảnh 1.

Ví điện tử liên tục ra đời và không ngại chi tiền vào các chương trình để thu hút khách hàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Đổ tiền khuyến mãi, chiết khấu

Ông Nguyễn Bá Diệp phân tích: "Ví điện tử đã, đang đi vào từng ngóc ngách nhỏ nhất trong đời sống người Việt Nam. Nếu một ngày "không tiền mặt" của người dùng, buổi sáng đi làm bằng taxi, xe ôm hay xe buýt đều có thể thanh toán bằng ví như MoMo. Buổi trưa, đi ăn cùng đồng nghiệp, mua hàng ở siêu thị hay các chợ, quán ăn; mua vé xem phim, vé máy bay, mua hàng online hoặc người dùng có thể đóng học phí cho con cái, thanh toán viện phí, các dịch vụ hành chính công... qua ví điện tử".

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion, cũng cho rằng đối với lĩnh vực thanh toán, Việt Nam là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân khi tỉ lệ người dân sử dụng thanh toán điện tử chưa nhiều. Để cạnh tranh trên thị trường, Payoo chú trọng vào việc xây dựng dịch vụ thanh toán mà khách hàng sử dụng thường xuyên và chia sẻ những kết nối này cho tất cả đối tác trên thị trường...

Dưới góc nhìn từ việc đem lại sự bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân Việt Nam, lãnh đạo một số ví điện tử cho rằng sự bình đẳng này phải bắt đầu từ những nhu cầu cơ bản nhất như giáo dục, y tế, trường học, điện nước; chứ không hẳn là việc mua game, mua app, mua vé xem phim. Và để tạo thói quen cho người dùng ví, thời gian qua, các "ông lớn" ví đã không tiếc tiền, chịu chi cho việc khuyến mãi, chiết khấu, hoàn tiền...

"Tất cả những khuyến mãi, quà tặng, chiết khấu... là tạo cơ hội cho người dùng trải nghiệm một phương thức mới. Đặc biệt, khi chúng tôi đang cung cấp một dịch vụ đòi hỏi người dùng phải thay đổi thói quen cố hữu của mình từ thanh toán tiền mặt sang không dùng tiền mặt" - ông Nguyễn Bá Diệp nói.

Thực tế, đã có rất nhiều khách hàng sử dụng ví ngoài sự tiện lợi cũng vì ham những chương trình chiết khấu, giảm giá, tặng quà của từng ví. Anh Khánh An (ngụ quận 3, TP HCM) thường xuyên gọi xe công nghệ trả bằng thẻ GrabPay by Moca để được giảm giá, hoàn tiền. "Grab thường xuyên có chiết khấu trực tiếp qua thẻ từ 30.000-50.000 đồng/cuốc, với các nhu cầu giao hàng, đặt đồ ăn qua ví của Grab, tôi cũng chọn theo gói để hưởng chiết khấu và ưu đãi nhiều hơn" - anh An chia sẻ.

Tương tự, chị Minh Nga (nhân viên văn phòng ở quận 2) chia sẻ mỗi lần nạp tiền điện thoại hoặc thanh toán tiền điện, chị thường tìm ví có chiết khấu cao để trả như ZaloPay đang có chiết khấu 18,2% và hoàn tiền tới 200.000 nạp trước thẻ Viettel; Shopee hoàn tối đa 20% khi thanh toán tiền điện qua ví AirPay hoặc MoMo hoàn tiền tới 50% cho các dịch vụ ăn uống ở nhà hàng... 

Lợi nhuận rất ít, thậm chí lỗ

Thực tế, dù "miếng bánh" thị trường ví điện tử ngày càng lớn, mỗi ví công bố có thêm hàng triệu khách hàng giao dịch, sử dụng ví nhưng lợi nhuận lại rất ít khi được công bố, thậm chí một số "ông lớn" sau nhiều năm đến giờ vẫn lỗ. Theo ông Ngô Trung Lĩnh, tùy vào chiến lược phát triển của mỗi ví mà doanh nghiệp có cách tiếp cận khách hàng phù hợp. Như với các ví chú trọng xây dựng tập khách hàng cho riêng mình, việc đầu tư rất nhiều tiền để có người dùng là dễ hiểu. Nhưng có điều, khách hàng cũng rất nhạy và tùy vào từng thời điểm, họ sẽ lựa chọn ví nào có khuyến mãi nhiều để sử dụng. Do đó, các ví cần tính toán kỹ lưỡng khi xác định đối tượng khách hàng của mình để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-10