NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Để TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế

on .

Việc định hướng trong công tác giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong thời gian tới.

Để TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm việc trong phòng thí nghiệm của trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tôi cho rằng điều kiện tiên quyết để đảm bảo các trường đào tạo đúng chuẩn quốc tế là sự ủng hộ và đầu tư tương xứng của Nhà nước nhằm thực hiện được sứ mạng và đáp ứng được sự mong đợi của Nhà nước và xã hội.

TS Trần Tiến Khoa

Chủ trương trên được lãnh đạo TP.HCM công bố tại hội thảo "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030" vừa diễn ra mới đây. Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế ở 6 nhóm ngành: công nghệ thông tin - truyền thông - trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và người máy, y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng và du lịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS TRẦN TIẾN KHOA - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trình độ quốc tế là chính sách quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết mà các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam cần quan tâm nhằm đáp ứng sự phát triển trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

* Theo ông, thế nào là nhân lực trình độ quốc tế?

- Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao mà đất nước cần tăng cường phát triển không đơn thuần chỉ là nguồn lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mà còn là nguồn nhân lực trình độ quốc tế - nguồn lao động được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn mực quốc tế, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu, có thể cạnh tranh với lao động từ các quốc gia khác trên thế giới và thích ứng nhanh với nền công nghiệp 4.0. 

Như vậy, nhân lực trình độ quốc tế là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Trong yêu cầu trên, có lưu ý đến một số điểm như sự hiểu biết và vận dụng ngoại ngữ, vốn văn hóa và năng lực thích ứng với môi trường làm việc quốc tế.

* TP.HCM có thể trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế được không và cần những yếu tố nào?

- TP.HCM hiện là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của cả nước và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực quốc tế nếu các cơ sở đào tạo cùng chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa theo hướng quốc tế hóa và hiện đại hóa. Một trong những yếu tố để xây dựng giúp duy trì sự phát triển bền vững các hoạt động đào tạo và hội nhập quốc tế đó là tự chủ ĐH. 

Thực tế cho thấy tính tự chủ cao là yếu tố quan trọng để ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng các chính sách, cơ chế, công cụ thúc đẩy tính quốc tế hóa trong công tác đào tạo như chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế thông qua hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, liên kết đào tạo với các đối tác uy tín quốc tế. Trường ĐH Quốc tế sớm được thí điểm áp dụng mô hình tự chủ đặc biệt, được hưởng các chính sách, cơ chế cử giảng viên, sinh viên đi đào tạo, học tập, nghiên cứu tại các trường đối tác; khuyến khích sinh viên, giảng viên nước ngoài đến học tập và làm việc tại đây...

 

* Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có nhấn mạnh mỗi nhà trường, mỗi cơ sở cần phải xem lại trách nhiệm và nhu cầu của mình trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo ông, trách nhiệm ở đây là gì?

- Trách nhiệm của trường ĐH ở đây có thể nói một cách ngắn gọn là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đạt trình độ lao động quốc tế. Để thực hiện trách nhiệm này đòi hỏi phải triển khai nhiều nội dung liên quan, ví dụ như phát triển chương trình đào tạo có nội dung hiện đại đáp ứng được yêu cầu thị trường nguồn nhân lực quốc tế, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo bằng tiêu chuẩn của quốc tế, có đội ngũ giảng viên (cơ hữu và thỉnh giảng, trong và ngoài nước) chất lượng cao có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, am hiểu chuyên môn và có hiểu biết về thực tiễn công nghiệp, thị trường lao động...

Trường ĐH cần có chiến lược trung hạn và dài hạn đầu tư vào đổi mới hệ thống quản trị ĐH theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (ví dụ chuẩn ABET cho các ngành kỹ thuật và chuẩn AACSB cho ngành quản trị kinh doanh). Trường ĐH phải khuyến khích tự do học thuật và thúc đẩy, bồi đắp năng lực đổi mới sáng tạo của cả giảng viên và sinh viên. Chương trình đào tạo cần được giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. 

Đặc biệt, phải chú trọng đến thực tập ở môi trường thực tế và trải nghiệm quốc tế của sinh viên. Để thực hiện điều này, các trường cần tự đánh giá để chọn ra lĩnh vực cụ thể nào là thế mạnh của mình, từ đó tìm nguồn lực và tập trung để đầu tư nguồn lực phát triển lĩnh vực đó theo hướng quốc tế hóa - hiện đại hóa.

Để TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế - Ảnh 3.

Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ thông tin - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cần khung pháp lý và đầu tư của Nhà nước

* PGS.TS Trần Diệp Tuấn (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM):

- Khi nói đến việc quốc tế hóa trong lĩnh vực đào tạo ĐH, người ta thường đề cập đến hai vấn đề chính: một là làm sao thu hút được nhiều sinh viên quốc tế đến học và hai là làm sao nâng tầm một trường, ngành nghề đào tạo đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Khi Cộng đồng ASEAN được thành lập thì trong lĩnh vực y tế sẽ có ba ngành nghề được tự do di chuyển trong khối theo thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau, đó là bác sĩ răng hàm mặt, y khoa và cử nhân điều dưỡng.

Các yêu cầu mới về ngành nghề trong lĩnh vực khoa học sức khỏe đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ và làm việc trong môi trường đa văn hóa.

* PGS.TS Mai Thanh Phong (hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):

- Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế là điều đương nhiên phải hướng tới và phải làm, chứ không thể nói làm được hay không.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc TP.HCM chọn 6 nhóm ngành để tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vì đầu tư dàn trải sẽ không hiệu quả. Để đào tạo nhân lực chất lượng cao, hai yếu tố bắt buộc phải có là đội ngũ và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.

Để có hai yếu tố này, Nhà nước phải đầu tư và phải có cơ chế để các cơ sở giáo dục chủ động làm được những việc đó. Trong số các trường ĐH ở TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa đang có một số lợi thế nhất định về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhưng nếu so với các trường trong khu vực thì trường chúng tôi vẫn chưa bằng.

Hiện nhà trường vẫn cố gắng quốc tế hóa về mọi mặt, coi trọng kiểm định quốc tế (châu Âu, Mỹ, AUN...). Đối với đào tạo chất lượng cao, trường cũng đào tạo 100% bằng tiếng Anh, tăng cường kỹ năng để sinh viên ra trường có thể làm việc tốt trong môi trường quốc tế.

* TS Hà Thúc Viên (phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức):

- Cần có một khung pháp lý rõ ràng và cởi mở thúc đẩy quá trình quốc tế hóa, hợp tác giáo dục xuyên quốc gia và sự đầu tư nguồn lực mạnh mẽ cho giáo dục.

Đối với cơ sở giáo dục ĐH cần có chiến lược trung hạn và dài hạn đầu tư vào đổi mới hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đào tạo nghiên cứu, đặc biệt hệ thống phòng thí nghiệm; mở rộng không gian vật lý và không gian học thuật, khuyến khích tự do học thuật và thúc đẩy năng lực sáng tạo; tăng cường hợp tác quốc tế có chọn lọc, có trọng tâm, có hệ thống và tuân thủ nghiêm ngặt mục tiêu chất lượng; thúc đẩy đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong tất cả các cấp học; tăng cường các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh và kiểm soát chất lượng giáo dục nghiêm ngặt.

* Ông Alan Malcom (tổng giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Pearson):

Cần chuẩn tiếng Anh phù hợp với nhu cầu của TP.HCM

 

emg 1808 3(read-only)

Ông Alan Malcom phát biểu tại hội thảo “Đào tạo nhân lực quốc tế cho TP.HCM giai đoạn 2020-2030” - Ảnh: T.N.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, học sinh TP.HCM một lần nữa dẫn đầu cả nước với số điểm trung bình 5,78. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành giáo dục với nhiều hoạt động đưa ngoại ngữ vào chương trình giảng dạy từ rất sớm.

Với kinh nghiệm nhiều năm của Tập đoàn Pearson cùng đối tác là đơn vị EMG Education triển khai nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh ở TP.HCM (PTE Young Learners, PTE General, PTE Academic), tôi cho rằng TP đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế thì việc giảng dạy tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế cũng là một nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục.

Trước hết, chương trình giáo dục cần được nghiên cứu tăng cường những môn học có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Khi học sinh có cơ hội luyện tập ngoại ngữ lồng ghép trong những môn học khác, không chỉ khả năng học thuật mà cả sự tự tin của người học sẽ tăng lên.

Những môn học có tiết giảng dạy bằng tiếng Anh cần được lựa chọn kỹ lưỡng để vừa phù hợp với hệ thống giáo dục của Việt Nam, vừa có thể trang bị cho học sinh những kỹ năng mới phù hợp trong thế kỷ 21.

Kế tiếp, TP.HCM cần chú trọng việc chọn chuẩn dạy và học tiếng Anh phù hợp với các nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực quốc tế mà TP đưa ra. Chuẩn này có thể tham khảo các chuẩn tiếng Anh quốc tế và được gia giảm phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam.

Nhờ vào chuẩn ngoại ngữ này, việc đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh, giáo viên, giảng viên và người đi làm sẽ thuận tiện hơn, phục vụ cho từng nhu cầu phát triển của TP.HCM.

Chuẩn mực này cũng có thể áp dụng cho các cơ sở, trung tâm giảng dạy tiếng Anh trên địa bàn, tạo nên sự đồng nhất, giúp người học dễ xác định được mục tiêu cụ thể cho bản thân.

Nâng cao chất lượng giáo viên cũng là một trong những nhiệm vụ khác cần được thực hiện để phát triển kỹ năng tiếng Anh, không chỉ giúp giáo viên có thể sử dụng ngôn ngữ này ở trình độ quốc tế, mà còn giúp đạt chuẩn đứng lớp giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh.

Những giáo viên, giảng viên trẻ cần được tạo thêm điều kiện để tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế để nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần phát triển kỹ năng giảng dạy mới, hiệu quả, áp dụng được vào từng môn học khác nhau, nhất là trong thời đại công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

TRỌNG NHÂN ghi

TRẦN HUỲNH thực hiện

Nguồn: https://tuoitre.vn/de-tphcm-tro-thanh-trung-tam-dao-tao-nhan-luc-quoc-te-2019081909561055.htm