NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Một đời "Dương Quang" của "ôn" Thiện

on .

Một tuần nay Sài Gòn thiếu nắng, mưa sùi sụt. Tiết trời mùa mưa ngâu là lạ nhưng lại thích hợp cho một cuộc tiễn đưa. Sài Gòn - TP.HCM hôm nay vĩnh biệt một công dân đặc biệt của mình: kỹ sư - tác giả - nhà mạnh thường quân nổi tiếng Dương Quang Thiện.

Hai phần ba cuộc đời ông gắn bó với Sài Gòn, một cuộc sống vừa sôi nổi vừa lặng lẽ, những hoạt động nổi bật mà bền bỉ, cái tên vừa quen thuộc vừa chứa nhiều lạ lẫm…

Tiễn biệt ông, Tuổi Trẻ Online một lần nữa mời bạn đọc nhìn lại cuộc đời ông, một lần nữa giải mã những bí ẩn để biết những gì ông mang theo, những gì ông để lại…

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 1.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 2.

Phải gặp và trò chuyện với ông Dương Quang Thiện nhiều lần mới có thể quen với cách nói chuyện không mấy dễ chịu của ông: có ấm áp, có xa cách, tràn đầy những câu chuyện hài hước, châm biếm, tràn đầy tinh thần phản biện được minh chứng bằng số liệu, đối chiếu bằng sự kiện, lập luận khoa học nhưng cũng không ít định kiến…

Ông chỉ dịu dàng, ngọt ngào, đầy tự hào mỗi khi nhắc đến "bà đầm" - tình yêu suốt đời của ông.

Trải qua một tuổi thơ nhọc nhằn ở miền Trung với đôi chân khập khiễng vì sốt bại liệt, 20 tuổi, chàng thanh niên Dương Quang Thiện chống nạng lên đường sang Pháp du học với tất cả gia tài mẹ dốc cạn vừa đủ mua một chiếc vé máy bay và lời dặn đinh ninh: "Phải học thành tài. Phải trở về. Không được phép lấy ‘vợ đầm’".

Ông đã học thành tài, trở thành kỹ sư điện toán người Việt Nam đầu tiên được IBM tuyển dụng, nhưng rồi ông đã lấy… "vợ đầm".

Cô giáo Agnès Hosterter xinh đẹp người Thụy Sĩ đã phải lòng chàng trai Việt Nam kém mình 6 tuổi, nhỏ người, khuyết tật nhưng tài năng và có tình yêu lớn trong lòng.

Cô thành bà Agnès Dương Quang Hosterter. Cô học tiếng Việt, tập ăn tập nấu những món Việt, gật đầu đồng ý theo chồng về Sài Gòn trong khi chiến tranh Việt Nam đang mở rộng và leo thang.

"Tôi yêu anh vì anh biết thương người nghèo, biết yêu đất nước mình", bà giải thích lựa chọn của mình đơn giản như thế.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 3.

Cùng với ông và Sài Gòn trải qua biến động thời cuộc, chứng kiến sự kiện tháng 4-1975 và dòng người di tản, thấy ông ngần ngừ nhìn mình, bà thản nhiên quyết định: "Anh là người làm kỹ thuật, ở đâu - chế độ nào cũng cần. Về Pháp hay Thụy Sĩ thì quá dễ, nhưng anh sẽ lại đau khổ vì nhớ thương Việt Nam. Ta ở lại".

Vậy là căn biệt thự mướt màu hoa cỏ mà ông cho xây dựng theo chính thiết kế của bà tiếp tục thấm đẫm hạnh phúc của hai người.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 4.

Ngày bà mất cách nay 7 năm, ngày ông mất hôm nay, bao nhiêu người đã được ông bà giúp đỡ bằng cách này hay cách khác lần lượt đội mưa đến thắp nén tâm nhang, lần lượt tìm vào trang cá nhân của ông viết những lời biết ơn, cảm tạ.

Có cả những trận cười giòn rơi nước mắt khi ai đó nhắc chuyện một tên trộm từng trèo vào nhà, từng ra tòa đi tù, rồi khi trở về lại tìm đến ông bà xin được cấp vốn hoàn lương; một anh thợ hồ sau bao năm bỗng đến bấm chuông xin ông khoản tiền viện phí…

Hàng trăm câu chuyện như vậy chẳng thể ai biết hết.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 5.

Không kinh doanh, không đầu cơ, ông Thiện thường cười khà khi kể về những năm "bán sách, bán bút đổi vàng" của ông, và kể cả những ngày này, khi ông đã nằm một chỗ nhưng "vẫn kiếm được tiền qua ipad".

Ông quả có ngón tay một nhà giả kim.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 6.

Những năm bao cấp, sản xuất đình đốn vì thiếu nguyên liệu, người người nghèo đói không việc làm, bao nhiêu nhu cầu không được đáp ứng, ông Thiện nghĩ cách tận dụng những thế mạnh của mình để giúp mình và nhiều người khác có cuộc mưu sinh lương thiện, hiệu quả.

Một tổ hợp sản xuất bút bi cùng với kênh kiều hối được ông thiết lập ngay tại nhà mình: dùng tiền ngoại tệ của Việt kiều muốn gửi về cho thân nhân trong nước để mua đầu bi ở nước ngoài - chuyển về Việt Nam và đưa vào tổ hợp sản xuất bút bi - bán bút bi lấy tiền trả cho các gia đình của người gửi.

"Khi ấy chúng ta có thể làm được vỏ bút, ruột bút, mực nhưng cái đầu bi thì chịu thua. Vậy là chỉ có tổ hợp của tôi làm ra được cây bút bi hoàn chỉnh. Vàng đến từ đó. Có lúc, tôi còn cung cấp đầu bi cho hãng sản xuất khác", ông cười kể lại cú vượt rào.

Một trong những cô công nhân của tổ hợp bút bi năm ấy là sinh viên nhận học bổng của ông qua chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai của Đại học Quốc gia TP.HCM hôm nay.

Những "dân IT" đời đầu, những người theo đuổi ngành điện toán, tin học những thập kỷ 1980, 1990, 2000 không ai không quen thuộc với những tập tài liệu, giáo trình mang tên Dương Quang Thiện và nhóm SAMIS.

In giấy vàng, khổ to, trình bày không chuyên nghiệp, không bắt mắt nhưng hiệu quả là số một.

"Sách viết dễ hiểu, cặn kẽ, giúp người học nắm vững kiến thức, đặc biệt nhấn mạnh ứng dụng… " là những gì mà các chuyên gia IT hôm nay nhớ lại ngày đầu "mò" tin học theo sách ông Thiện.

"Các đại lý đến xếp hàng trước cửa nhà tôi để nhận sách. Giáo trình chưa soạn xong, tiền đã tới tay rồi", ông kể về những ngày trong mơ của người xuất bản sách như thế.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 7.

Chẳng phải tự nhiên mà được. Tốt nghiệp kỹ sư điện toán từ những năm 1960, để phổ cập được tin học vào Việt Nam những tháng năm gian khó, thiếu thốn đủ thứ mà thiếu nhất là khoa học, ông đã phải tự học, tự đào tạo chính mình.

Những sách tin học mới nhất trên thế giới ông đều mua về. Những ngôn ngữ lập trình vừa đưa ra đã được ông cập nhật. Học và học, nhuần nhuyễn rồi chắt lọc để viết lại, dịch lại, nghiên cứu những ứng dụng hiệu quả nhất, thiết thực nhất với Việt Nam.

Đến những ngày cuối cùng, đề cương một cuốn sách mới "để bổ sung bộ sách của ông cho hoàn thiện" vẫn còn đang được ông soạn dở dang trên chiếc ipad…

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 8.
Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 9.
Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 10.

Vậy nhưng nhắc đến ông Dương Quang Thiện thì không chỉ là sách công nghệ thông tin, không chỉ là những hoạt động thiện nguyện bền bỉ đầu tư vào tương lai con người - khoa học, mà tình yêu Việt Nam tha thiết đã khiến ông quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu mọi mặt trong xã hội, mọi lĩnh vực đời sống.

Tích cực chia sẻ, không ngại tranh luận, một dạo ông tích cực viết báo để thể hiện quan điểm, một dạo ông lại thường xuyên viết blog, facebook để khơi gợi suy ngẫm.

Lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, giáo dục… không đề tài nào ông không bàn với sự so sánh, đối chiếu thấu đáo và đôi khi với thái độ yêu Việt Nam đến… cực đoan.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 11.

 

"Một môi trường làm việc ngon lành nhất cho cậu, ai sẽ hiểu được điều đó bằng cậu? Vậy thì cậu hãy tạo lấy môi trường cho mình, đừng trông chờ nhà nước và nếu không được thì lại đổ thừa cho nhà nước.

Ông đã tự tạo môi trường IT cho mình ở Việt Nam từ 55 năm nay, từ lúc miền Nam Việt Nam lún sâu trong chiến tranh đấy. Ông vẫn hoạt động trong môi trường IT của mình bình thường…", ông bảo vậy.

Và ông vẫn hoạt động IT ngay trong những ngày cuối của bệnh ung thư một cách bình thường.

Một đời "DƯƠNG QUANG" của ông - DƯƠNG QUANG THIỆN.

Một đời DƯƠNG QUANG của ôn THIỆN - Ảnh 12.

Ảnh: QUANG ĐỊNH


 PHẠM VŨ
 QUANG ĐỊNH, N.C.THÀNH, H.T.VÂN, T.T.DŨNG
 Kiều Nhi
 Bảo SuZu