NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Nhiều cố gắng vẫn chưa đủ

on .

Chúng ta đã cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng con số nói lên tất cả. Vì vậy còn nhiều, rất nhiều việc phải làm mới có được năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Thứ hạng 77/140 của Việt Nam trong xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố gợi ra nhiều suy nghĩ.

Điểm có nhỉnh hơn, đạt 58,1 trên thang điểm 100, Việt Nam tụt 3 bậc so với năm ngoái và vị trí chưa được cải thiện đáng kể.

Trong xếp hạng năm nay, Việt Nam có khoảng cách khá xa với các nước trong ASEAN: Singapore (thứ 2), Malaysia (25), Thái Lan (38), Indonesia (45), Philippines (56), Brunei (62). Việt Nam trong nhóm 4 nước của khu vực xếp hạng cuối của chỉ số này.

Năm nay có thay đổi lớn về phương pháp, hệ thống các chỉ số cạnh tranh, số quốc gia xếp hạng cũng tăng lên, nhưng từ hệ thống 98 chỉ số của 12 trụ cột thuộc 4 nhóm (môi trường kinh doanh chung, vấn đề nhân lực, thị trường và hệ thống đổi mới sáng tạo) cho thấy rõ điểm mạnh và yếu của Việt Nam.

Trong đó điểm yếu là hiệu quả thị trường, yếu tố thúc đẩy kinh doanh, thể chế, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng người lao động, thị trường lao động, khả năng đổi mới...

Một lĩnh vực Việt Nam xếp hạng thứ 101 là chỉ số các yếu tố thúc đẩy kinh doanh. Mặc dù chi phí để bước vào thị trường, khởi sự kinh doanh khá tốt, đứng thứ 66 thế giới, nhưng thời gian để khởi sự kinh doanh mất quá lâu, 22 ngày, đứng thứ 104 của thế giới.

Khung pháp lý về phá sản và tỉ lệ thu hồi tài sản sau phá sản được đánh giá thấp, đứng lần lượt thứ 93 và 109 thế giới.

Đặc biệt là văn hóa kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, chỉ tiêu về mức độ sẵn sàng phân quyền chỉ đứng 110 thế giới, thái độ chấp nhận rủi ro kinh doanh thứ 93 thế giới.

Như vậy, dù số lượng doanh nghiệp bình quân đầu người còn thấp, mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp đang đến rất gần nhưng Việt Nam vẫn chưa vượt qua rào cản về các thủ tục của người kinh doanh khi bước vào hay bước ra thị trường.

Chúng ta cần nhiều nỗ lực đột phá và đồng bộ hơn nữa trong cải cách gia nhập thị trường hơn là cố gắng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Chất lượng thể chế là điểm yếu có tính truyền thống của Việt Nam trong bảng xếp hạng này nhiều năm qua.

Chỉ số thể chế của Việt Nam năm 2018 dưới mức trung bình, được 49,5/100 điểm, đứng thứ 94 của thế giới. Trong đó gánh nặng của quy định nhà nước cũng xếp hạng thấp (đứng thứ 96 thế giới), trong khi tỉ lệ tham nhũng cao (thứ 91 thế giới).

Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu phiên bản 4.0 năm nay đưa ra một số kết luận: tất cả các nền kinh tế cần đầu tư nhiều hơn cho năng lực cạnh tranh ngày hôm nay để duy trì tăng trưởng và thu nhập trong tương lai; thể chế yếu kém sẽ cản trở năng lực cạnh tranh; thúc đẩy những yếu tố nền tảng của năng lực cạnh tranh sẽ cải thiện khả năng chống chịu trước các cú sốc lớn; sự phát triển nhảy vọt dựa vào công nghệ vẫn là một điều rất mơ hồ; hay mục tiêu về tăng trưởng, bình đẳng, bền vững có thể đạt được cùng nhau nhưng cần có sự năng động và tầm nhìn xa của lãnh đạo.

Dường như tất cả những nhận định này đều đúng với Việt Nam chúng ta!

Chúng ta đã cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng con số nói lên tất cả. Vì vậy còn nhiều, rất nhiều việc phải làm mới có được năng lực cạnh tranh tốt hơn.

ĐẬU ANH TUẤN

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-co-gang-van-chua-du-20181018131047079.htm