GS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, sinh 1982, tại Hải Dương thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Hướng nghiên cứu chính của anh là Lý thuyết đa thế vị, Giải tích và hình học phức.
Trở thành giáo sư ở tuổi 36
Năm 2016, trên tạp chí Khoa học và Phát triển, nói về học trò của mình, GS Nguyễn Văn Khuê đã tự hào: “Cậu ấy giỏi hơn tôi. Nhưng trong cộng đồng khoa học, cậu ấy lại rất khiêm tốn. Chỉ khi tôi hỏi, cậu ấy mới trả lời, mà câu trả lời thường rất sắc sảo”.
Lúc đó, GS Khuê dự đoán Phạm Hoàng Hiệp sẽ sớm được phong hàm giáo sư và “lại là giáo sư trẻ nhất nữa cho xem”. Chỉ một năm sau, dự đoán của GS Khuê đã thành sự thật.
PGS Phạm Hoàng Hiệp trong phòng họp của Viện Toán học - nơi còn được dùng làm phòng học và seminar. Ảnh: Phạm Phượng/Khoa học Phát triển.
Phạm Hoàng Hiệp được xem là nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên Acta Mathematica - tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn 5 năm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI.
Tới nay, anh và cộng sự có 38 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và một quyển sách chuyên khảo. Hiện nay, anh Hiệp tham gia như một thành viên trong Ban biên tập của tạp chí Acta Mathematica Vietnamica.
Phạm Hoàng Hiệp tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ngành Toán học tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 2008, anh bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học với sự hướng dẫn của GS Urban Cegrell, tại ĐH Umea, Thụy Điển. Năm 2013, anh bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Pháp.
Trước khi về công tác tại Viên toán học, anh Hiệp từng giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội.
Khiêm tốn và xuất sắc
Cơ duyên đưa Phạm Hoàng Hiệp đến với con đường toán học phải kể đến lớp chất lượng cao của khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ khi bước chân vào lớp học này, toán học đã trở thành sự nghiệp của anh.
Chàng sinh viên khoa Toán năm đó đã làm GS Nguyễn Văn Khuê sửng sốt khi trao đổi về những mệnh đề toán học chưa có lời giải. Những kiến giải mà Hiệp nêu ra khiến GS Khuê vô cùng ngạc nhiên và hài lòng.
GS Phạm Hoàng Hiệp bên cạnh những nhà toán học hàng đầu thế giới. Ảnh: Khánh Vy.
GS Nguyễn Văn Khuê đã khuyến khích cậu học trò của mình theo đuổi việc nghiên cứu toán học chuyên sâu. Ông cũng hướng dẫn và gợi mở cho Hiệp cách tìm đọc tài liệu - đặc biệt là tài liệu tiếng Anh. Sau này, GS Khuê là cầu nối giữa Hiệp và GS Urban Cegrell, Thụy Điển - người giúp anh bảo vệ luận án tiến sĩ tại nước này.
Lấy xong bằng thạc sỹ tại ĐH Sư phạm Hà Nội, anh vừa giảng dạy vừa công bố công trình trên các tạp chí toán học hàng đầu thế giới.
Chỉ sau một năm, Phạm Hoàng Hiệp sang Thụy Điển nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Umea rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Toán học Quốc tế Trento (Italy), Viện Fourier, Grenoble và ĐH Aix-Marseille (Pháp).
Ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận phó giáo sư đúng 3 năm sau - thời gian tối thiểu phải có tính từ khi được học vị tiến sĩ cho đến khi được phong phó giáo sư.
Là người trẻ thành công khá sớm, Phạm Hoàng Hiệp từng tâm sự trên tạp chí Khoa học và Phát triển: “Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian này để học tập kiến thức, nâng cao trí tuệ của bản thân. Làm giỏi bất cứ nghề nghiệp nào có ích cho xã hội cũng đều mang lại vinh quang và hạnh phúc cho chính mình”.
Minh Nhật