NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Chuyên gia OECD: Trong tương lai, bạn không học để làm một công việc nào đó mà học để tạo ra công việc

on .

Lao động phi chính thức trong quá khứ thường là những người có kỹ năng thấp, tuy nhiên lao động phi chính thức trong tương lai lại là những người có kỹ năng tốt. Trong nền kinh tế tự do, ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân trở nên mờ nhạt.

Nguồn lực con người cũng là một nhân tố quan trọng để một quốc gia phát triển bền vững. Thế kỷ 21 với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho lao động Việt Nam, nhất là khi nước ta có hơn 18 triệu lao động phi chính thức.

Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Andreas Schleicher, Giám đốc Ủy ban Giáo dục và Kỹ năng của OECD, về một số vấn đề liên quan đến việc làm và lao động của Việt Nam.

Ông Andreas Schleicher chịu trách nhiệm Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD từ năm 2002. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu giáo dục khác. Năm 2012, ông có bài phát biểu TED Talk với chủ đề "Sử dụng dữ liệu để cải tổ trường học" (Use data to build better schools).

Thưa ông, đâu là hành động cấp thiết mà Việt Nam cần làm trong năm 2018 để tiến tới phát triển kinh tế bền vững?

Mỗi người đều có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng nâng cao kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để mọi người không chỉ giỏi hơn trong việc học toán hay các môn khoa học mà họ còn phát triển được năng lực của bản thân. Trong tương lai, bạn không học để làm một công việc nào đó mà bạn học để tạo ra công việc.

Bạn phải có khả năng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, đó mới là tài năng thật sự. Nền kinh tế Việt Nam khá dễ tổn thương, nhiều ngành sản xuất mang lại thu nhập thấp đang giảm dần, bởi vì robot thay thế con người trong nhà xưởng. Tôi nghĩ Việt Nam cần chú ý hơn đến vấn đề này.

Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động phi chính thức. Họ không có một công việc ổn định, không có hợp đồng lao động và đa số không có Bảo hiểm Xã hội. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này và giải pháp nào để giảm tính dễ tổn thương của lao động phi chính thức?

Lao động phi chính thức đặt ra thách thức đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển chứ không riêng gì Việt Nam. Nhu cầu về lao động có kỹ năng đang ngày càng tăng lên nhưng người lao động lại không có đủ bằng cấp hay kỹ năng của họ không được công nhận. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải xây dựng thêm nhiều cơ sở đào tạo. Việt Nam có thể bắt đầu với con người, làm sao để đảm bảo rằng các kỹ năng của người lao động được công nhận và được đáp ứng.

Rất nhiều người lao động có khả năng nhưng họ lại không có chứng chỉ hay bằng cấp nên không thể tham gia thị trường lao động chính thức. Mặt khác, về phía các công ty, tôi nghĩ cần tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Tôi nghĩ rằng điều này khá khó đối với các công ty nhỏ, nơi có nhiều lao động phi chính thức. Đây là thách thức với cả phía cung và cầu lao động.

Trong nền kinh tế tự do (gig economy) hiện nay, các công ty như Uber hay Grab đang phát triển rất nhanh. Một vài ngày trước tại Hà Nội, các tài xế đã tụ tập phản đối việc tăng mức chiết khấu của hai hãng trên. Vậy thưa ông, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động trước sức mạnh của các tập đoàn lớn trong nền kinh tế tự do hiện nay?

Đúng vậy, đây là một điểm hết sức quan trọng. Lao động phi chính thức trong quá khứ thường là những người có kỹ năng thấp, tuy nhiên lao động phi chính thức trong tương lai lại là những người có kỹ năng tốt.

Trong nền kinh tế tự do, ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân trở nên mờ nhạt. Mọi người có thể làm việc bán thời gian, họ có thể có nhiều hơn một công việc và làm nhiều việc khác nhau. Vì vậy, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nền kinh tế tự do.

Ví dụ như Chính phủ sẽ thu thuế như thế nào trong nền kinh tế tự do, làm sao để đảm bảo an sinh xã hội. Ngày nay, Chính phủ bảo vệ người lao động thông qua hợp đồng lao động nhưng tôi nghĩ chúng ta cần triển khai thêm các phương tiện khác để đảm bảo an sinh xã hội cũng như thu thuế vì kinh tế và lao động phi chính thức đang tăng lên.

Tính phi chính thức trong nền kinh tế truyền thống giảm đi nhưng nền kinh tế số lại đặt ra nhiều thách thức cho tương lai.

Thưa ông, ông nghĩ sao về các công việc trong tương lai? Liệu cách mạng công nghiệp 4.0 có giúp con người bỏ đi những công việc nhàm chán?

Tôi nghĩ máy tính sẽ thực hiện những công việc nhàm chán. Theo tôi, các công việc tồn tại trong tương lai đòi hỏi kỹ năng sáng tạo, tưởng tượng, đòi hỏi kỹ năng tương tác giao tiếp giữa mọi người với nhau. Những công việc chăm sóc (caring jobs) sẽ vẫn tồn tại, vì chúng đòi hỏi mối quan hệ tương tác giữa con người.

Khả năng sáng tạo, các kỹ năng xã hội và nhiều giá trị khác cũng trở nên quan trọng. Tôi cũng không chắc lắm nhưng tôi nghĩ những công việc đơn giản sẽ không tồn tại trong tương lai.

Cuối cùng, ông có lời khuyên gì cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Tất nhiên sinh viên Việt Nam cần bằng cấp tốt nhưng điều quan trọng nhất theo tôi là phát triển năng lực và động lực để tiếp tục học hỏi suốt đời. Bạn biết không, học rồi lại xóa bỏ những điều đã học (unlearn) khi bối cảnh xã hội thay đổi, rồi lại tiếp tục học hỏi những điều khác (relearn).

Thật ra là học hỏi không khó nhưng đôi khi chúng ta cần phải quên đi những thứ mình đã học khi tình huống, bối cảnh khác đi, khi bỗng nhiên một số kỹ năng khác trở nên quan trọng. Và tiếp tục học hỏi để có những góc nhìn, quan điểm đa chiều hơn. Vì vậy việc dành nhiều thời gian để đặt câu hỏi là hết sức quan trọng.

Nguồn: http://genk.vn/chuyen-gia-oecd-trong-tuong-lai-ban-khong-hoc-de-lam-mot-cong-viec-nao-do-ma-hoc-de-tao-ra-cong-viec-20180120094257338.chn