NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Ai được khuyến khích nghỉ hưu sớm ?

on .

Chính sách mới góp phần nâng cao hiệu quả cho bộ máy hành chính
 /// Ảnh: Ngọc Dương

Chính sách mới góp phần nâng cao hiệu quả cho bộ máy hành chính

Đối tượng nào sẽ được vận động và làm sao để những cán bộ đang đương chức chấp nhận nghỉ hưu sớm?

HĐND TP.HCM vừa thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc. Nhưng đối tượng nào sẽ được vận động và làm sao để những cán bộ đang đương chức chấp nhận nghỉ hưu sớm?
Ai được khuyến khích nghỉ hưu sớm ?
Ảnh: Đình Phú
Thanh Niên đã phỏng vấn ông Lê Văn Làm (ảnh), Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, xung quanh việc thực hiện đề án này.
Tiết kiệm ngân sách
Xuất phát từ đâu mà TP.HCM xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ được khuyến khích, vận động nghỉ hưu trước tuổi?
Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW và Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, TP.HCM bắt đầu triển khai kế hoạch tinh giản biên chế. Theo đó, từ năm 2015 đến hết năm 2021, TP.HCM sẽ thực hiện tinh giản 10% trong tổng số khoảng 12.000 cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đến nay nếu không tính số lượng người nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác, thì mới có 287 người thuộc diện tinh giản.
Số lượng người tinh giản ít nên Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị và các văn bản đôn đốc. Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu nên chúng tôi cũng hết sức lo. Qua làm việc với các đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, TP.HCM cũng có nhiều kiến nghị về việc sửa đổi điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế phải 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, 1 năm còn mặt yếu. Bởi theo điều kiện này thì việc tìm cho đúng đối tượng để tinh giản thật sự khó...
Hiện nay, có nhiều người muốn nghỉ sớm, tạo cơ hội cho lớp trẻ nhưng mà thấy điều kiện thu nhập, điều kiện về hưu còn khó khăn quá, lại đắn đo, rồi bám trụ lại. Đó là một thực tế và nay TP.HCM tạo điều kiện thông thoáng, có một khoản hỗ trợ để khuyến khích những người tự đánh giá mình không đạt được yêu cầu công việc nữa dễ dàng đưa ra quyết định của mình.
Làm thế nào để chúng ta vận động cán bộ nghỉ hưu trước tuổi đạt được hiệu quả, thưa ông?
Việc sắp xếp, tinh giản biên chế nói suông thì dễ nhưng thực tế nhiều nan giải vì liên quan đến con người, tổ chức bộ máy, cho nên phải cẩn trọng. Cán bộ lãnh đạo rất khó được nghỉ theo quy định của Nghị định 108/2014/NĐ-CP, vì chỉ cần
1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì đã bị điều chuyển rồi. Tìm ra người có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ rất là khó. Trên thực tế, nếu những người này có nguyện vọng xin thôi việc trước vì có thể thấy mình tuổi cao rồi, không phát huy thêm được, không đủ sức cáng đáng công việc được nữa, thì chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho họ nghỉ được thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, đủ năng lực được đôn lên.
Từ nay đến năm 2021 là khoảng thời gian không còn dài. TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho mình. TP.HCM cũng đang sắp xếp lại bộ máy nhân sự một loạt cơ quan hành chính. Theo đó, Sở Nội vụ đang hoàn thiện hàng loạt đề án để làm sao tinh gọn được bộ máy. Như vậy, vấn đề đầu tiên là phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan tránh được chồng chéo.
Thời gian tới, trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chung, cũng như nhiệm vụ tinh giản biên chế đều gắn liền với biện pháp chế tài đối với trách nhiệm người đứng đầu. Trước đây cứ nói không thực hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm nhưng xử lý cụ thể cỡ nào thì chưa. Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ cũng sẽ trình cho Thành ủy, UBND TP.HCM có biện pháp chế tài cụ thể người đứng đầu.
Ai được khuyến khích nghỉ hưu sớm ?
Cán bộ, công chức UBND Q.12 (TP.HCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại văn phòng “một cửa”ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Số tiền bỏ ra để khuyến khích, vận động liệu có vượt so với tiền tiết kiệm được cho ngân sách từ việc trả lương những vị trí nghỉ hưu trước tuổi đó?
Chắc chắn số tiền tiết kiệm được cho ngân sách từ việc trả lương cho những vị trí nghỉ hưu trước tuổi sẽ lớn hơn số tiền bỏ ra để hỗ trợ, khuyến khích. Bây giờ chúng ta khuyến khích người làm việc không mang lại hiệu quả nghỉ trước tuổi để tạo cơ hội tuyển dụng người làm được việc, mang lại hiệu quả cho bộ máy hành chính. Người mới tuyển dụng phải qua thi tuyển công khai, có năng lực mới có thể vượt qua được. Có thể nói họ đảm đương được công việc với cường độ cao, áp lực nhiều nhưng do mới vào nên hệ số lương sẽ thấp, tiền lương trả cho họ không cao bằng những người thâm niên. Như vậy, ngân sách chắc chắn tiết kiệm được.
Thứ hai nữa, trong thực hiện vấn đề này, theo quy định là tinh giản 2 người thì chỉ được tuyển mới 1 người. Như vậy, dự kiến từ nay đến năm 2021 sẽ có khoảng 1.000 người nghỉ hưu trước tuổi thì cũng chỉ có 500 người mới được tuyển dụng vào bộ máy hành chính. Phần tiết kiệm được từ việc tinh giản, khuyến khích này sẽ bù đắp cho những người đang tích cực làm việc thông qua tăng thu nhập tăng thêm.
Không giới hạn độ tuổi
Cán bộ lãnh đạo diện Thành ủy quản lý muốn nghỉ hưu trước tuổi thì thủ tục thực hiện như thế nào?
Đối tượng khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi lần này mở rộng đến diện cán bộ thuộc Thành ủy quản lý (từ phó chủ tịch UBND quận, huyện; phó giám đốc sở, ngành trở lên - PV). Trường hợp muốn nghỉ việc liền thì làm đơn gửi cho cơ quan có thẩm quyền, ví dụ khối đảng, đoàn thể thì gửi cho Ban Tổ chức Thành ủy, khối chính quyền thì gửi cho Sở Nội vụ. Vì chính sách ban hành đã có độ mở, không phân biệt độ tuổi của lãnh đạo muốn xin nghỉ nên thủ tục cũng sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi.
Thưa ông, nguồn tiền lấy từ đâu để chi hỗ trợ và mức độ hỗ trợ sẽ như thế nào?
Nguồn dự kiến hỗ trợ khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi dự kiến từ nay đến năm 2021 khoảng 380 tỉ đồng. Số tiền này không phải được chi thêm từ nguồn ngân sách, mà được tận dụng từ nguồn quỹ tiền lương tiết kiệm được hằng năm. Tùy từng độ tuổi, từng đối tượng cụ thể sẽ có mức hỗ trợ cụ thể theo khung chính sách ban hành.
Bao giờ áp dụng vào thực tế?
HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết và hiện UBND TP.HCM đang dự thảo kế hoạch cụ thể thực hiện, dự kiến ban hành ngay trong tháng 12.2017 và sẽ áp dụng từ năm 2018.
Đà Nẵng khảo sát 300 cán bộ về nguyện vọng nghỉ hưu sớm
Ngày 18.12, Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho hay đã thống kê danh sách 300 cán bộ được phát phiếu khảo sát về nguyện vọng nghỉ hưu sớm để tạo cơ hội cho cán bộ trẻ. Đây là một trong những bước thực hiện cụ thể theo đề án Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt TP đến năm 2025, mà Thành ủy Đà Nẵng ban hành năm 2017. Trong 300 cán bộ được khảo sát, phần lớn là cấp trưởng, phó phòng của sở ngành, quận huyện, thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Sở Nội vụ cũng khẳng định TP.Đà Nẵng sẽ đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cán bộ thuộc diện trên tự nguyện nghỉ hưu sớm, như ngoài hưởng đầy đủ các chính sách, sẽ vận dụng thêm các quy định T.Ư và một phần kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ thêm. Hiện dự thảo và danh sách này đang lấy ý kiến Thành ủy Đà Nẵng để tránh chồng chéo trong công tác cán bộ trước khi trình HĐND TP.Đà Nẵng xem xét trong năm 2018.
Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho hay kết quả xã hội hóa cung cấp dịch vụ công trong năm 2017 đã giảm 2.169 người hưởng lương ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua thực hiện cơ chế tự chủ và đặt hàng. Dự kiến, năm 2018 TP.Đà Nẵng tiếp tục giảm 1.180 người hưởng lương từ ngân sách.   
 Nguyễn Tú
Cán bộ nghỉ hưu sớm được lợi gì?
Theo tờ trình của UBND TP.HCM đã được HĐND TP.HCM thông qua, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội TP và quận, huyện thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 đã được UBND TP.HCM, Bộ Nội vụ phê duyệt, thẩm tra thực hiện tinh giản biên chế; cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014).
Các đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ; ngoài chế độ chính sách được hưởng theo Nghị định 108/2014 , được trợ cấp thêm từ nguồn ngân sách TP.HCM như sau:
- Được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi;
- Được trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
- Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp thêm 1/2 (nửa) tháng tiền lương hiện hưởng.
Đối với các đối tượng đủ điều kiện thôi việc ngay, ngoài chế độ chính sách được hưởng theo Nghị định 108/2014, được trợ cấp thêm từ nguồn ngân sách TP.HCM như sau:
- Được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
- Được trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014), căn cứ vào độ tuổi và thời gian tham gia công tác tại cơ quan nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội, xem xét hưởng trợ cấp thêm theo quy định như đã nêu trên...
Nguồn chi trả: cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp (chưa tự chủ tài chính) do ngân sách TP.HCM chi trả; cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị tự chủ tài chính do đơn vị chi trả. 
Ý KIẾN
Chưa phải là chính sách hoàn hảo !
Ai được khuyến khích nghỉ hưu sớm ? - ảnh 5
       
Điều cơ bản nhất của tinh thần tinh giản biên chế theo Nghị quyết của T.Ư là phải tổ chức, sắp xếp bộ máy nhà nước, thậm chí sáp nhập một số cơ quan của Đảng và nhà nước cùng chung nhiệm vụ. Như cách làm ở Quảng Ninh, họ không đưa ra số tiền hỗ trợ mà sắp xếp lại bộ máy nhà nước, từ đó dôi ra số cán bộ công chức không phù hợp và có chính sách hỗ trợ số cán bộ này cho phù hợp.
Việc đưa 380 tỉ đồng này để hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức nghỉ hưu chưa hẳn là biện pháp tích cực.  Nếu làm cách dùng tiền hỗ trợ trên thì năm 2021, TP.HCM cũng sẽ giảm được hơn 1.000 cán bộ nhưng chưa chắc bộ máy hành chính được tinh gọn, bởi bộ máy nếu không được sắp xếp lại vẫn cồng kềnh như cũ và không hiệu quả vì vẫn từng ấy sở ngành, phòng ban. Không phải tôi không hoan nghênh việc tinh giản biên chế nhưng nghĩ chính sách mà UBND TP trình HĐND TP.HCM như vừa qua chưa phải là chính sách hoàn hảo và chưa giải quyết được phần gốc theo yêu cầu của T.Ư.
    TS Lê Văn In, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM  (nay là Học viện Cán bộ TP.HCM)

Chưa thấy ai có nguyện vọng xin về hưu sớm
Ai được khuyến khích nghỉ hưu sớm ? - ảnh 6
       
Qua theo dõi đến giờ này ở quận chưa có ai xin nghỉ hưu sớm. Có thể cho dù xin nghỉ hưu trước, nhận được “một cục” tiền nhiều hơn, nhưng thường tâm lý cán bộ, công chức nghĩ còn đi làm thì còn quan hệ, sinh hoạt với bạn bè, đồng nghiệp. Chưa kể có một số công chức gần đến tuổi nghỉ hưu lại không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà chỉ muốn được đi làm.
Ở Q.Phú Nhuận sẽ không có biên chế dôi dư ra nhiều bởi từ trước tới nay quận kiểm soát chặt vấn đề biên chế, nhất là đối với cấp phó. Nếu mà rà soát kỹ thì có thể có dư một chút nhưng đến giờ này chưa có ai đăng ký cho nghỉ hưu trước để sắp tới lãnh tiền hỗ trợ.
    Ông Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận (TP.HCM)
    Trung Hiếu (ghi)

Đình Phú 
(thực hiện)

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/ai-duoc-khuyen-khich-nghi-huu-som-911007.html