NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Đào tạo tiến sĩ: Giá rẻ mà đòi chất lượng cao

on .

Nếu không giải quyết được vướng mắc của Đề án 911 thì đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ sắp tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ đi vào vết xe đổ này. 

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - kể rằng khi còn làm giám đốc ĐHQG Hà Nội, rất nhiều GS nước ngoài đã đặt vấn đề nhờ ông tìm giúp các học viên xuất sắc để tuyển làm học trò.

Không tha thiết học bổng nhà nước

Theo GS Thi, các GS nước ngoài rất thích nghiên cứu sinh (NCS) Việt Nam vì vừa thông minh lại chăm chỉ, ham học hỏi, nhiệt tình với công việc của các GS. Cơ hội tìm kiếm học bổng du học đối với những giảng viên giỏi là không mấy khó khăn vì các trường ĐH luôn mở cửa đối với học viên xuất sắc, ngoài ra còn rất nhiều học bổng chính phủ các nước. Chính vì vậy, các giảng viên trẻ không thiết tha với học bổng của Chính phủ Việt Nam qua Đề án 911, vừa ít tiền, sinh hoạt phí thấp, lại nhiều ràng buộc về sau này.

TS Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Đề án 911 dừng lại nửa chừng chính là cơ chế tài chính không hấp dẫn đối với ứng viên. Thực tế, nhiều giảng viên nếu không trúng được chương trình học bổng nào mới lựa chọn Đề án 911 vì chế độ học bổng thì thấp và phải chịu nhiều ràng buộc. Ứng viên phải tự nâng cao trình độ tiếng Anh để đáp ứng được yêu cầu của các trường nước ngoài vì nhà nước không bố trí kinh phí đào tạo tiếng Anh cho ứng viên. Thậm chí, nhiều giảng viên đã tham gia ứng tuyển ở đề án này nhưng nếu nhận được học bổng nước ngoài khác thì họ sẽ chọn học bổng nước ngoài.

Đào tạo tiến sĩ: Giá rẻ mà đòi chất lượng cao - Ảnh 1.

 

Nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

 

Chính Bộ GD-ĐT cũng cho rằng cơ chế tài chính cho việc đào tạo tiến sĩ của Đề án 911 còn nhiều bất cập, mức hỗ trợ cho NCS thấp, không sát với thực tế. Cụ thể, đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước, mức kinh phí hỗ trợ nhóm ngành y dược là 16 triệu đồng/NCS/năm, nhóm ngành xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác (nằm ngoài các nhóm ngành trên) là 10 triệu đồng/NCS/năm, thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 năm/NCS... Mức thấp hơn nhiều với mức tiền được phê duyệt (67 triệu đồng/NCS/năm), đã khiến cho các giảng viên không thiết tha với Đề án 911, từ đó làm cho mục tiêu của đề án bị phá sản.

Phải gỡ nút thắt về tiền

Để đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ không phải dừng lại giữa chừng như Đề án 911 vì không tuyển được NCS, theo GS Đào Trọng Thi, cần phải có cơ chế thông thoáng hơn về tài chính. "Không thể có chuyện giá rẻ mà chất lượng cao, đó là câu chuyện khôi hài, chuyện phiếm chúng ta nói với nhau" - ông Thi ví von.

 

TS Giang Trần, người từng làm NCS tại Trường ĐH Southern Cross (Úc), cho rằng vấn đề lớn nhất trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay là chuyện tiền. NCS không có lương, trợ cấp của nhà nước rất thấp, lại phải bỏ tiền túi để đóng học phí, nghiên cứu đề tài nên buộc phải làm thêm nhiều việc khác để kiếm sống, dẫn đến luận án không có chất lượng. "Theo tôi, cần có cơ chế hỗ trợ sinh hoạt phí (học bổng) cho NCS trong quá trình đào tạo để khuyến khích các NCS" - TS Giang Trần góp ý.

Cũng theo GS Đào Trọng Thi, bên cạnh cơ chế tài chính, cần có thêm một cơ chế đãi ngộ xứng đáng để giữ chân các giảng viên. "Mất nhiều năm đi học, bỏ bao công sức để nghiên cứu nhưng khi trở về cơ quan cũ lại phải đối mặt với mức lương giảng viên cọc cạch, hằng ngày vẫn phải lên lớp để nói về những điều xưa cũ thì không thể nào hấp dẫn được giảng viên. Phải cho họ một cơ chế thông thoáng, một môi trường làm việc cởi mở, khoa học thì mới giữ chân được người tài, những giảng viên giỏi" - GS Thi nói.

YẾN ANH