NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Thương mại quốc tế sẽ lột xác vì Blockchain?

on .

Những lo ngại về bảo hộ, cạnh tranh địa chính trị và hòa nhập quốc tế yếu đi đã khiến cho nền móng thương bại toàn cầu trở nên bất ổn. Vì thế những biện pháp giao dịch mới đang ngày càng nở rộ. 

Trong số những phát kiến này là blockchain, một công nghệ được gọi là sổ cái phân tán cho phép các giao dịch được hợp thức hóa mà không cần cơ sở dữ liệu tập trung. Blockchain khiến người ta chú ý nhiều nhất khi nó đóng vai trò nền tảng cho các loại tiền điện tử: kể từ khi xuất hiện vào năm 2008, nó đã khai sinh ra hơn 800 loại tiền điện tử, trong đó có bitcoin.

Nhưng tiền điện tử chủ yếu vẫn chỉ là phương tiện để đầu cơ, là đồ chơi cho các chuyên gia công nghệ và công cụ để rửa tiền. Tác động sâu sắc của blockchain đối với thương mại toàn cần sẽ chỉ xuất hiện nếu nó được sử dụng bởi các công ty và các thể chế tài chính.

Một số tổ chức đã sử dụng tiền điện tử để số hóa các hợp đồng, loại bỏ các bước trung gian trong giao dịch tài chính, và khiến các loại sổ cái dễ kiểm toán hơn. Vì blockchain cung cấp một bản ghi số phân tán không cần có sự tin tưởng hoặc phối hợp giữa các công ty, nên nó cho phép thực hiện các giao dịch chuẩn hóa và an toàn ngay lập tức, ngay cả khi giữa các quốc gia khác nhau.

Sự áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain sẽ giảm bớt xung đột trong nền kinh tế toàn cầu – và đặc biệt có lợi cho các nhà xuất nhập khẩu, cho phép họ tiếp cận với các nguồn vốn mà nhiều người đang thiếu.

Từng bước thay đổi

Một số nhà quan sát đã so sánh tiềm năng của blockchain với tiềm năng của Internet: một phát kiến cách mạng có khả năng tạo rat hay đổi cực nhanh nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi. Sự thật là nhiều ứng dụng của blockchain sẽ mang đến những cải thiện đáng kể. Chẳng hạn công nghệ này có thể giúp các ngân hàng lớn loại bỏ các hợp đồng trên giấy, các ngân hàng hối đoái, giúp các hệ thống kỹ thuật số không bị tấn công, và nhanh chóng giải quyết các giao dịch – đây là những thay đổi có thể tiết kiệm cho các tổ chức tài chính hàng trăm triệu đô la mỗi năm.

Với những doanh nghiệp muốn được hưởng lợi từ blockchain, họ cần phải hợp tác với nhau và có chung mối quan tâm từ trước ngoài việc giảm thiểu chi phí. Đó là lý do tại sao blockchain có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực tài chính thương nghiệp (hay tài chính chuỗi cung cấp).

 

Thương mại quốc tế sẽ lột xác vì Blockchain? - Ảnh 1.

 

 

Tài chính thương nghiệp gồm các công cụ làm nền tảng cho thương mại quốc tế - mọi thứ từ thư tin dụng (đảm bảo thanh toán do ngân hàng cấp) cho đến vận đơn (chứng từ xác nhận danh mục hàng hóa vận chuyển). Các ngân hàng và công ty tham gia vào tài chính thương nghiệp có lý do để hợp tác với nhau, vì họ kết nối với nhau qua một chuỗi cung cấp chung.

Vào năm 2015, ngành tài chính thương nghiệp toàn cầu có giá trị 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên tổng giá trị thị trường còn lớn gấp 10 lần như thế (theo thông tin từ hãng nghiên cứu thị trường McKinsey & Company). Ngành này đóng vai trò thiết yếu trong các chuỗi cung cấp toàn cầu: không có nó, việc gửi hàng giữa các quốc gia sẽ tốn rất nhiều chi phí, và các công ty sẽ không thể có được nguồn vốn họ cần để vận hành.

Vấn đề là các công ty không thể tiếp cận một số loại hình tài chính thương nghiệp, vì còn có các quy định và rủi ro. Kết quả là, trong năm 2015 khối lượng tài chính thương nghiệp vẫn còn khoảng 1,6 nghìn tỷ USD chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp (theo Ngân hàng Phát triển Châu Á). Những doanh nghiệp vừa và nhỏ là bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì 57% yêu cầu cấp vốn của họ đều bị các thể chế tài chính từ chối, so với chỉ 10% nếu yêu cầu đến từ các tập đoàn đa quốc gia.

Tóm lại, các công ty và ngân hàng phải cố gắng khai thác hết tiềm năng của tài chính thương nghiệp. Giải quyết được vấn đề này sẽ làm giảm các trở ngại trong thương mại quốc tế, mở rộng việc phân chia lợi ích từ thương mại, và kích thích tăng trưởng kinh tế. Chính ở đây blockchain sẽ phát huy tác dụng.

Rủi ro và quy định

Có một số trở ngại chính đối với sự phát triển của tài chính thương nghiệp. Thứ nhất là những điều kiện về vốn do khung chế tài Basel II và Basel III đưa ra. Hai khung chế tài này có mục đích bảo vệ tổng tài sản của các ngân hàng khỏi các cú shock về kinh tế. Tuy nhiên chúng cũng hạn chế khả năng đảm bảo an toàn cho hoạt động tài chính thương nghiệp của các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó còn có những quy định về chống rửa tiền và thấu hiểu khách hàng (Know Your Client: quy định đảm bảo rằng thông tin chi tiết về khả năng chịu rủi ro, kiến thức đầu tư và tình hình tài chính của khách hàng đều được xác định), nhằm tạo ra những chuẩn mực quốc tế để tránh lừa đảo tài chính. Những rào cản này khiến cho quy trình và giấy tờ liên quan đến việc thực hiện các giao dịch trở nên cực kỳ khó khăn.

Rủi ro đối tác (rủi ro người mua hoặc người bán không khả quan về tài chính) và rủi ro hoạt động (một bên có thể không thực hiện được các quy định của hợp đồng) cũng là những hạn chế khác đối với tài chính thương nghiệp. Các rủi ro này ở mức độ cao khiến các thể chế tài chính tốn kém hơn trong việc ban hành tín dụng thư và các công cụ cấp vốn khác.

 

Thương mại quốc tế sẽ lột xác vì Blockchain? - Ảnh 2.

 

 

 

Những vấn đề nêu trên có thể được giải quyết nhờ blockchain theo 2 hướng.

Thứ nhất, blockchain có mức độ bảo mật rất sâu. Công nghệ này không chỉ cho phép số hóa các hợp đồng và giấy tờ, nó còn đảm bao nhân dạng kỹ thuật số đối với chính các loại hàng hóa, loại bỏ hoặc ít nhất là xác định chính xác được rủi ro vận hành. Tiếp theo, nó cho phép các doanh nghiệp có liên quan trong một giao dịch bổ sung và nhận dữ liệu về hàng hóa ngay lập tức mà không cần phải tích hợp toàn bộ cơ sở hạ tầng số của mình.

Tất cả những điều trên làm tăng mức độ khả dụng của thông tin trong các công ty và các thể chế tài chính, khiến các giao dịch giảm thiểu tối đa rủi ro vận hành. Sự xác nhận khả năng thực hiện các quy định trong hợp đồng của các công ty nhờ có blockchain cũng gần như loại bỏ được rủi ro đối tác. Blockchain tạo ra một cách để các công ty và ngân hàng tránh được hạn chế của Basel II và Basel III đối với tài chính thương nghiệp, nhưng vẫn tuân thủ các yêu cầu của chúng.

Giao dịch tài chính thương nghiệp quốc tế đầu tiên trên blockchain diễn ra vào tháng 10/2016, khi Brigghann Cotton cùng với ngân hàng Wells Fargo và ngân hàng Commonwealth Bank of Australia sử dụng công nghệ này để gửi một kiện hàng từ Texas đến Trung Quốc. Các bên liên quan trong giao dịch này có thể theo dõi trạng thái của chuyến hàng từ Texas đến Trung Quốc theo thời gian thực.

Đây mới chỉ là khởi đầu. Tài chính thương nghiệp trên blockchain có thể còn vượt ra khỏi những gì trông đợi về khả năng giám sát theo thời gian thực, tính minh bạch và an toàn. Bước tiếp theo là biến những lợi ích này thành những cơ hội mới cho đầu tư, thậm chí cả những công cụ tài chính mới, thu hẹp khoảng cách cung và cầu về tài chính thương nghiệp chứ không chỉ đơn giản là cải thiện hiệu suất hiện tại của ngành này.

Nguồn: http://genk.vn/thuong-mai-quoc-te-se-lot-xac-vi-blockchain-20171111120917654.chn