NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tôi đã học thế nào để vào Stanford?

on .

Chúng tôi đã học thế nào để trở thành sinh viên Stanford

Chúng tôi đã học thế nào để trở thành sinh viên Stanford.

Hiếm khi có một buổi trò chuyện tập hợp được tới 6 người trẻ của Việt Nam là sinh viên của trường đại học danh giá Stanford (Mỹ) để nghe họ chia sẻ về 'con đường' hiện thực hóa giấc mơ của mình.

“Chúng tôi đã học như thế nào?” - buổi tọa đàm do tổ chức giáo dục IEG phối hợp với trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức ngày 7.5 đã mang đến 6 câu chuyện của 6 người trẻ, 6 sinh viên Đại học danh tiếng Stanford (Mỹ), cùng những đúc kết của họ về quá trình học tập và rèn luyện bản thân trên suốt quãng đường chinh phục thành công cho đến ngày hôm nay.
6 khách mời - có người là tiến sĩ, có người là thạc sĩ và có người chuẩn bị trở thành tân sinh viên Đại học Stanford. Với chặng đường đã qua, họ có được cho mình những chiêm nghiệm và đúc kết gì?
Tôi đã học thế nào để vào Stanford? - ảnh 1
Mỗi người mang đến buổi tọa đàm một câu chuyện rất khác nhau về hành trình đến Stanford của mình
“Liều một phen”
Chia sẻ câu chuyện của mình, Phạm Kim Hùng, từng đạt một huy chương vàng, một huy chương bạc Olympic toán quốc tế, cựu sinh viên ĐH Stanford, cho hay điều may mắn nhất trong những năm học cấp 1, cấp 2 của mình là có được một tuổi thơ vô tư, không có áp lực học hành, được thả diều, chăn trâu cùng chúng bạn. Thứ hai là có không gian và thời gian để nuôi dưỡng tình yêu toán học.
“Đỗ chuyên toán của Khoa học tự nhiên, đã nhiều lần tôi xin bố mẹ cho chuyển về quê vì các bạn ở trên này học tốt hơn rất nhiều, nhưng được bố mẹ động viên, nên tôi đã cố gắng”, Hùng cho hay.
Năm 2005, khi thi xong Olympic toán học, mọi người đều vào lớp cử nhân tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên để sang Pháp thì Hùng chọn ngã rẽ cho riêng mình: Xin nghỉ học để muốn viết một cuốn sách và điều thứ hai quan trọng hơn là muốn sang ĐH Stanford để học Công nghệ thông tin. “Lúc đó em nghĩ thôi thì liều một phen”, để chọn cái mà mình thực sự mong muốn thay vì chọn con đường mà đa số đang đi", Hùng nói.
Hùng chia sẻ sau này mới thấy quyết định đó luôn làm bản thân cảm thấy háo hức, tràn đầy hứng khởi bởi nó là cái mà thực sự mình muốn chọn. Học đến năm thứ 3, Hùng xin nghỉ học 1 năm để về Việt Nam làm dự án và cũng được chính giáo sư của mình rất ủng hộ. “Đừng cố trở nên bình thường hoặc tròn trịa mà phải làm điều mình không thực sự ham mê”, Hùng chia sẻ.
Sốc khi biết mình… chẳng là ai
Trong khi đó, Võ Tường An, người giành được học bổng toàn phần của 12 trường ĐH ở Mỹ, sau đó chọn ĐH Stanford, cho hay ngay từ nhỏ đã phải chịu áp lực học hành rất lớn từ phía gia đình và áp lực tự tạo cho bản thân. Hồi 4 tuổi An đã khóc vì không biết đọc, biết viết để rồi 5 tuổi cô bé An đã đọc thông thạo mọi loại sách báo.
Khi lớn lên, dù là thủ khoa trong nhiều cuộc thi, nhưng không phải lần thủ khoa nào cũng làm An và bố mẹ hài lòng. Có lần được thủ khoa, mọi người chúc mừng nhưng An vẫn bị mẹ “nhắc nhở” vì điểm thấp hơn so với chính thành tích của An… “Với An, áp lực mà ba mẹ tạo ra, áp lực do chính mình tạo ra là rất cần thiết”, An nói và cho rằng nếu không có áp lực đó, An sẽ khó có kết quả như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, chính áp lực đó cũng tạo cho An những cú sốc trong những ngày đầu nhập học tại Stanford. “Dù ở nhà là thủ khoa trong nhiều kỳ thi, là học sinh duy nhất của trường giành học bổng danh giá, nhưng đến Stanford, An gặp phải cú sốc lớn khi không ai biết mình là ai cả”, An kể lại cảm giác đó nhưng cũng tự “an ủi”, chính đó là cơ hội để khẳng định lại mình ở một môi trường hoàn toàn mới lạ.
Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại ĐH Stanford, từng có tên ở một danh sách 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới, chia sẻ khi mới học lớp 3, lớp 4, Hiếu đã học rất giỏi, giấy khen treo đầy nhà. Nhưng đến một hôm, quá nhiều giấy khen lại làm Hiếu cảm thấy mình chán học vì thấy quá… nhàm. Bố của Hiếu lấy hết giấy khen của anh treo ở trên tường, xé nát rồi nói: "Giấy khen chỉ là những tờ giấy thôi, nó đến với con được nhưng cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Quan trọng là cái gì nằm trong đầu và trong tim của con".
Tôi đã học thế nào để vào Stanford? - ảnh 3
Nguyễn Chí Hiếu, người từng có tên ở một danh sách 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới
Văn Đinh Hồng Vũ, người giành được 2 học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh và ngành giáo dục của ĐH Stanford, và là người sáng lập Quỹ học bổng 1 Vietseeds… cũng cho rằng, ở Stanford, người ta không quan tâm tới thành tích, bởi ai ở đó cũng là ngôi sao. "Người ta quan tâm tới câu chuyện phía sau thành tích của bạn, để biết bạn là ai, bạn đã đặt ra mục tiêu như thế nào và làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy", Vũ nói.
Huỳnh Minh Việt, cử nhân kinh tế và thạc sĩ quản trị doanh nghiệp, tâm sự: "Trong 2 học kỳ đầu ở Stanford, Việt bao giờ cũng có điểm thấp nhất lớp vì bạn là ngôi sao ở nơi nào đó nhưng sang môi trường mới bạn chỉ rất bình thường nếu không nỗ lực hơn nhiều để tự học, tự khám phá bản thân, biết mình cần gì, thích gì".
Mẹ “hổ” hay hiền đều là vì đam mê của con
6 người trẻ từ Đại học Stanford mang đến buổi tọa đàm những câu chuyện rất khác nhau về cách giáo dục trong mỗi gia đình, dù là mẹ “hổ” hay hiền đến độ cho con tự quyết định mọi vấn đề về học tập, thì đều toát lên một điểm chung là tạo điều kiện hết sức trong khả năng của con mình. Võ Tường An biết ơn vì những đòi hỏi khắt khe, áp lực học hành rất cao vì mẹ cô đã đặt lên vai mình ngay từ bé.
Huỳnh Minh Việt cảm thấy hạnh phúc vì bố mẹ ở quê, yêu cầu đặt ra với việc học hành của con khá nhẹ nhàng không so sánh và chưa bao giờ bắt con phải đạt thành tích quá cao, lúc nào nói chuyện với con về việc học hành cũng chỉ nhắc nhở, con hãy làm những gì mà con thấy tốt nhất cho mình.
Vũ Duy Thức, tiến sĩ Công nghệ thông tin Đại học Stanford, kể bố mẹ không bao giờ tạo áp lực, không mắng mỏ khi con bị điểm thấp nhưng ngược lại cũng chẳng bao giờ khen thưởng khi con đạt thành tích cao trong học tập.
Tôi đã học thế nào để vào Stanford? - ảnh 5
Rất đông phụ huynh quan tâm tới buổi tọa đàm
Nguyễn Chí Hiếu tuy cho rằng, việc khen hay chê rất quan trọng tới sự phát triển của con trẻ, nhưng theo Hiếu, khen - chê phải rất thận trọng chứ không chỉ nhìn vào điểm số. “Hiện tôi làm giáo dục nhưng không bao giờ tôi dùng một bài thi nào đó để đánh giá học sinh của mình hay hay dở. Không một kỳ thi nào có thể đo năng lực của người học một cách chính xác nhất”, Hiếu nói.
Hiếu tâm niệm, điều cha mẹ có thể cho con không phải là bắt con phải đạt thành tích gì vào năm bao nhiêu tuổi, hay định hướng con phải theo đuổi niềm đam mê này hay đam mê khác. Cha mẹ phải là người cho con những giá trị mà con cần hướng đến là tự học và làm hết mình vì đam mê. Khi các con đã có đam mê rồi thì bố mẹ phải là người tạo hết điều kiện để cho con đeo đuổi đam mê đó. Khi đó, chúng ta phải chấp nhận buông bỏ những thứ không cần thiết cho con của mình.

Tuệ Nguyễn

Nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/toi-da-hoc-the-nao-de-vao-stanford-833226.html