NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tại sao các “ông lớn” bán điện thoại, từ Thế giới di động đến FPT và Digiworld đều nhảy vào thị trường dược phẩm?

on .

Thị trường phân phối dược phẩm, thuốc tây đang là miếng bánh béo bở, theo những những người đứng đầu của các doanh nghiệp phân phối điện thoại, là bởi thị trường vẫn chưa có chuỗi phân phối nào chiếm tới 20% toàn thị trường. Không chỉ dư địa phát triển mà khả năng chiếm lĩnh thị trường này cũng đang rất lớn. 

“Đại gia” bán lẻ ngành di động, điện máy - CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động ( MWG ) mới đây đã tiết lộ ý định thâm nhập ngành kinh doanh dược phẩm. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết, ngoài việc phát triển hệ thống Bách hóa xanh, có thể đơn vị này sẽ thử nghiệm thêm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm.

 

 

Người đứng đầu MWG cũng chia sẻ, thay vì phải mất 2-3 năm để tìm hiểu về mô hình này, công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm trên để tiến hành mua bán – sáp nhập (M&A), trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng. MWG dự kiến sẽ mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ khác, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Định mức đầu tư dự kiến khoảng 500 tỷ đồng.

CTCP Thế giới số (Digiworld) cũng cho biết sẽ tham gia phân phối nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng từ tháng 6 tới, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi lâu này là phân phối các sản phẩm điện thoại di động, máy tính, thiết bị văn phòng. Theo dự định của công ty này, vốn đầu tư cho việc mở rộng ngành hàng mới khoảng 40 tỷ đồng. Nhóm sản phẩm mới này sẽ được phân phối thông qua chuỗi các cửa hàng kinh doanh dược phẩm (pharmacy). Digiworld cũng đặt mục tiêu ngành hàng mới sẽ mang lại lợi nhuận vào năm 2018 và có mức đóng góp doanh thu 80 tỷ đồng cho công ty trong 2017.

Không chỉ 2 công ty trên mà trước đó, FPT Retail cũng đang cân nhắc đầu tư vào phân khúc này. Tổng giám đốc FPT Retail - bà Nguyễn Bạch Điệp từng trả lời báo chí về ý định đầu tư vào chuỗi phân phối dược phẩm trong bối cảnh thị trường bán lẻ công nghệ đang dần trở nên bão hòa. Đơn vị này cũng cho biết, việc đầu tư nếu được thực hiện sẽ phải qua các phân tích kinh doanh, đồng thời tìm đối tác để chia sẻ rủi ro.

Tại sao lại là dược phẩm ?

Không phải ngẫu nhiên mà ba đơn vị phân phối điện máy giữ thị phần hàng đầu hiện tại cùng thể hiện ý định đầu tư vào lĩnh vực phân phối dược phẩm.

Yếu tố đầu tiên có thể kể đến là phân phối dược phẩm cũng có thể xây dựng theo mô hình chuỗi – vốn là thế mạnh của nhiều đại gia trong lĩnh vực bán lẻ điện máy hiện tại. Tiềm năng để xây dựng một chuỗi cửa hàng đủ sức chiếm lĩnh thị trường là rất lớn, khi thị phần phân phối dược phẩm trước nay chủ yếu thông qua các cửa hàng thuốc tư nhân. Những chuỗi phân phối có quy mô lớn trên thị trường như Phano Pharmacy cũng chỉ có vốn điều lệ khả khiêm tốn - ở mức 120 tỷ đồng, cho hệ thống 49 cửa hàng.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây đã nhận định, thị trường hiện tại vẫn chưa có chuỗi bán thuốc tây nào đủ lớn chiếm được 20% thị phần. Bên cạnh đó, mặc dù biên lợi nhuận khi phân phối không lớn nhưng mặt hàng thuốc tây là thứ người tiêu dùng luôn cần, nhu cầu từ thị trường là rất lớn, từ đó khả năng tận dụng lợi thế nhờ phát triển quy mô cũng là lý do đáng để cân nhắc đầu tư.

Theo một số chuyên gia, việc các đại gia phân phối điện máy khi tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm có thể sẽ giúp định hình lại thị trường tiềm năng này – vốn vẫn còn rất ít sự cạnh tranh, với tiềm lực mạnh và việc quản lý trên cơ sở công nghệ thông tin. Với những kinh nghiệm đã có trên thị trường bán lẻ điện máy, việc phát triển các chuỗi cửa hàng phân phối dược phẩm có quy mô lớn cũng không phải điều khó hình dung với những tên tuổi như MWG, FPT Shop hay Digiworld.

 

 

Một yếu tố khác cũng cần nhắc đến là tiềm năng của thị trường này đang rất lớn. Theo báo cáo từ một tổ chức nghiên cứu thị trường, người dân Việt Nam đang ngày càng chú trọng hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Tổng quy mô dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã vượt mức 8 tỷ USD trong năm 2015, trong khi tổng chi phí cho y tế đã vượt mốc 10 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng CAGR khoảng 17%/năm.

Theo tính toán của Bộ Y tế và tổ chức nghiên cứu thị trường BMI, đến năm 2018, số tiền chi cho chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 140 USD, gấp hơn 2 lần so với thời điểm cách đây 10 năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân cũng đạt khoảng 14,5% trong giai đoạn 2016 – 2018.

Bài toán duy trì tốc độ tăng trưởng

Trong một phát biểu của mình gần đây, tỷ phú Trung Quốc – Jack Ma đã chia sẻ về việc tập đoàn thương mại điện tử với quy mô hơn 260 tỷ USD đang phải cố gắng “chinh phục những vùng đất mới” thông qua việc đẩy mạnh khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài nhằm duy trì quy đạo tăng trưởng. Câu chuyện tương tự đang diễn ra với các đại gia phân phối điện máy như MWG, FPT Shop hay Digiworld.

Lý do mà những CEO của các doanh nghiệp đứng đầu thị trường về phân phối điện máy nói về ý tưởng tham gia thị trường phân phối dược phẩm là bởi sự phát triển của thị trường bán lẻ điện máy đang dần đến mức bão hòa. Động lực tăng trưởng đến từ dư địa của thị trường đang dần thu hẹp. Việc phải tìm ra một lĩnh vực kinh doanh mới, vừa phải đảm bảo tiềm năng phát triển, vừa phù hợp với những thế mạnh và nội tại của những doanh nghiệp này là điều cần phải làm.

Tổng giám đốc FPT Reatail – bà Nguyễn Bạch Điệp từng chia sẻ rằng, thị trường bán lẻ công nghệ sẽ bão hòa và để tiếp tục tăng trưởng thì công ty buộc bán lẻ thêm nhiều lĩnh vực khác, có thể như thời trang, ăn uống, dược phẩm hay mở các cửa hàng tiện lợi. Áp lực duy trì quỹ đạo tăng trưởng đòi hỏi các doanh nghiệp phải khai phá thị trường mới, hoặc mở rộng tập khách hàng tiềm năng.

Dù trong những lời phát biểu của mình, Chủ tịch Thế giới Di Động – ông Nguyễn Đức Tài vẫn luôn tin rằng thị trường bán lẻ di động còn nhiều dư địa để phát triển, song những gì mà đơn vị này đang thực hiện lại cho thấy doanh nghiệp này đang tích cực chuẩn bị cho sự thay đổi.

Từ việc đẩy mạnh phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh, đặt trọng tâm động lực tăng trưởng của MWG vào hệ thống này từ sau năm 2018, dù doanh thu của Bách Hóa Xanh đến hiện tại vẫn còn rất khiêm tốn. Cho tới việc đặt kỳ vọng phát triển sang một số lĩnh vực phân phối khác, như dược phẩm.

Thực tế, việc mở rộng quy mô của chuỗi cửa hàng Thegioididong.com cũng đã bắt đầu chậm lại từ đầu năm 2017. Đơn cử như tháng 2, MWG đã mở thêm 12 siêu thị mới trên toàn quốc, trong đó chỉ có 1 cửa hàng Thegioididong.com, còn lại là 5 cửa hàng Điện máy XANH, 6 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Trong 3 tháng đầu năm, trong số 107 siêu thị được mở thêm trên toàn quốc, thì số siêu thị Thegioididong.com chỉ chiếm gần 46%, trong khi siêu thị Điện máy Xanh chiếm 54%.

 

 

Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Thế giới di động năm 2016 cũng giảm khoảng 30%, từ mức 45,8 tỉ đồng năm 2014 xuống chỉ còn khoảng 32,5 tỉ đồng năm 2016, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, ngang ngửa so với năm 2012. Điều khác biệt nằm ở chỗ, năm 2012 dù doanh thu trên mỗi cửa hàng ở mức thấp, nhưng đó lại là một chỉ báo cho thấy thị trường sắp sửa bùng nổ. Ngược lại, sự đi xuống trong giai đoạn 2015 - 2016 lại là biểu hiện cho thấy sự đi xuống của ngành bán lẻ di động sau khi tạo "đỉnh".

Nguồn: http://genk.vn/tai-sao-cac-ong-lon-ban-dien-thoai-tu-the-gioi-di-dong-den-fpt-va-digiworld-deu-nhay-vao-thi-truong-duoc-pham-20170503134110459.chn