Các hãng vận tải truyền thống sẽ phải run sợ trước mô hình logistics giống Uber?
Với sự tác động của công nghệ, ngành logistics (dịch vụ chuyên chở, giao nhận, phân phối) sẽ đi theo hướng xã hội hóa, do đại đa số người dân tham gia và giúp giao đơn hàng nhanh chóng hơn rất nhiều so với các công ty truyền thống có nhiều đơn hàng, giao theo tuyến đường.
Hình thức giao vận ứng dụng App như Uber giúp giao hàng nhanh chóng.
Chia sẻ về tương lai của ngành logistics trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và Mất” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam nhận định ngành logistics nói chung sẽ đi theo hướng xã hội hóa, do đại đa số người dân tham gia với sự tác động của công nghệ.
Logistics trong nội đô, liên tỉnh, nếu vận dụng tốt và xã hội hóa phương tiện thì 95% nhu cầu vận chuyển hàng hóa cơ bản đều có thể đáp ứng được từ chính nguồn lực nội tại đang có từ người dân.
“Ví dụ về việc chuyển bưu kiện, một người trên đường đi làm có thể cho hàng hóa lên xe và trên cung đường đi làm đó có thể giao cho khách. Như thế họ sẽ có thêm thu nhập đồng thời giải quyết giao đơn hàng nhanh chóng hơn rất nhiều so với các công ty truyền thống có nhiều đơn hàng phức tạp”, ông Đặng Việt Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT lấy ví dụ từ hãng Amazon (Mỹ). Trước đây hãng này thực hiện hình thức vận tải theo công thức truyền thống, nhưng sau do áp dụng tư tưởng của Uber nên đã rút ngắn được thời gian giao vận xuống chỉ còn 4 tiếng đồng hồ.
“Với phương thức mới cho phép mọi người đều có thể tham gia, lực lượng lao động mới trong lĩnh vực logistics sẽ rất khác lực lượng cũ trước đây”, ông Bình nhận định.
Trong thực tế, thời gian qua Amazon đã đưa vào sử dụng loại hình giao hàng mới thông qua ứng dụng tương tự như Uber. Mỗi khi có một gói hàng cần giao, những thành viên dùng ứng dụng gần đó sẽ thấy và nếu có ý định muốn “giao giúp” Amazon để kiếm thêm thu nhập sẽ đến chỗ nhận hàng và giao đến chỗ người nhận. Hoạt động này tương tự như mô hình taxi của Uber.
Cùng đó, Amazon sẽ thuê những cửa hàng bán lẻ nằm rải rác trong thành phố làm nơi tập kết hàng, họ sẽ thả hàng tại các điểm này thay vì chuyển thẳng đến nhà khách hàng, sau đó thành viên sử dụng ứng dụng nói trên sẽ ghé qua đây lấy hàng rồi tự chuyển đến địa chỉ của người nhận.
Hình thức này có ưu điểm giúp tăng tốc độ giao hàng thay vì phải chờ dịch vụ giao hàng của Amazon đi theo tuyến mất thời gian hơn.
Tại thị trường Việt Nam, hơn 1 năm trở lại đây cũng đã xuất hiện dịch vụ giao hàng có tên gọi ShipS (của công ty Cổ phần Sản phẩm di động thông minh Việt Nam), hoạt động theo mô hình tương tự như đặt xe Uber và GrabTaxi, tận dụng những người đang có thời gian nhàn rỗi đi giao hàng cho cửa hàng.
Người giao hàng khi đến nhận hàng sẽ đưa trước toàn bộ tiền hàng cho chủ shop, sau đó thu lại tiền hàng từ phía người nhận kèm theo phí ship.
Nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, trong thực tế với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số, của mạng thông tin toàn cầu trong cuộc cách mạng 4.0, hoạt động phân phối, giao vận hàng hóa đã và đang biến đổi hoàn toàn. Hình thức giao vận truyền thống sẽ dần bị tác động bởi những mô hình giao vận sử dụng ứng dụng như Uber.
CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, trong một nền kinh tế chia sẻ, ai cũng có quyền được tham gia thì trong lĩnh vực logistics, những người tham gia đó sẽ tạo ra hoạt động rộng lớn, tiện lợi mà không công ty nào có thể đạt được.
H.P