NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tuổi thật Công Phượng và bài học làm báo

on .

Trên trang mạng xã hội của Trung tâm tin tức VTV24, một dòng thông tin giật gân để “câu kéo” người xem cho chương trình đã được đưa lên…

Hôm qua, ngày 17/11, khi câu chuyện những tranh cãi về tuổi thật của cầu thủ Công Phượng đang lên tới đỉnh điểm, thì trên trang mạng xã hội của Trung tâm tin tức VTV24, một thông tin như kiểu lời “quảng cáo” cho chương trình được đưa lên thế này: “Câu chuyện Công Phượng 19 hay 21 tuổi – Phần 1. Chỉ đến khi chết người ta mới biết được tuổi thật của các vận động viên. Bởi khi chết họ cần tuổi thật để thắp hương, cúng giỗ”.

Mời các bạn đón xem phần 2 sau ít phút nữa”.

Ngay sau khi đọc được thông tin này, một đồng nghiệp của chúng tôi ở báo điện tử Infonet đã gọi điện cho nhà báo Lê Bình- Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24. Nhà báo Lê Bình khẳng định rằng trang mạng xã hội của Trung tâm bị “hack”, đó không phải là thông tin của bên Trung tâm đưa lên.

Tuy nhiên, một số người khác, đã chụp lại màn hình để chứng tỏ một biên tập viên khác của Trung tâm khẳng định đó là lời trích dẫn câu nói của một cầu thủ đã từng gian lận tuổi, sau khi đăng thông tin này lên thì admin của trang mạng xã hội Trung tâm tin tức VTV24 đã sửa lại để tránh gây hiểu nhầm chứ không phải bị “hack”.

Câu chuyện này lại tiếp tục “gây bão” trên diễn đàn báo chí. Các nhà báo đã tranh luận rất nhiều về chủ đề: tại sao VTV24 lại đưa một lời dẫn “nhạy cảm” như thế vào đúng thời điểm này, tại sao sau khi đưa lên rồi lại nói đó là do bị “hack”, trong khi một người khác của Trung tâm lại khẳng định do chính admin đưa lên?

Sau tất cả những ồn ào về câu chuyện tuổi thật của Công Phượng, những người làm báo chúng tôi đã rút ra được rất nhiều bài học cho mình.

Trên trang cá nhân, một nhà báo đang công tác tại Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã viết: “Mình nghĩ việc tìm hiểu và công bố sự thật là sứ mạng của báo chí. Việc các bạn tìm hiểu và đưa tin về tuổi tác, đòi hỏi sự minh bạch trong thể thao và cuộc sống là điều bình thường.

Mình cho rằng dư luận phản đối các bạn không phải vì thông tin mà các bạn đã chuyển tải. Dư luận phản ứng vì sự sắc lạnh, sự hằn học mà họ cảm thấy trong cách đưa tin của các bạn.

Một bộ phận công chúng cảm thấy thái độ truy sát lớn hơn sự quyết liệt vì công lý! Mình và các nhà báo khác cũng rút được ít nhiều kinh nghiệm từ chuyện đó. Rằng thái độ và cách thức đưa tin cũng quan trọng như nội dung của tin tức!”.

Đó là một tâm sự rất chí lý chí tình và chuẩn xác của một nhà báo có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mà tôi nghĩ rất có ích cho những người làm báo trong trường hợp này.

Cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, nghề làm báo luôn đề cao tính nhân văn trong tin tức. Nhà báo nào khi bước chân vào nghề cũng luôn phải tâm niệm điều này, rằng những giá trị trong thông tin bạn mang đến cho người đọc chỉ có ích khi nó gợi lên được những suy nghĩ nhân văn, hướng thiện.

Vậy trong trường hợp VTV24 đưa quá nhiều thông tin về trường hợp của một cầu thủ đang bị “nghi vấn” gian lận tuổi và gia đình em với một thái độ dồn người ta đến chân tường như thế, liệu VTV24 có dụng ý gì không?

Dòng tin tức quảng cáo cho phần 2 của loạt chương trình “Câu chuyện Công Phượng 19 hay 21 tuổi” đọc lên nghe rợn người như vậy, đủ phản ánh suy nghĩ của những người thực hiện loạt phóng sự này thế nào. Có lẽ xin miễn được bình luận.

Đến hôm qua, khi những thông tin về tuổi của Công Phượng bị VTV24 làm quá gay gắt, chính ông Đoàn Nguyên Đức- người đỡ đầu cho đội bóng U19 cũng không chịu nổi, yêu cầu Bộ Công an vào cuộc để tìm ra sự thật, chấm dứt mọi tranh cãi.

Cho dù hồi kết câu chuyện này là gì,VTV24 đã chịu dừng lại chưa hay vẫn tiếp tục “đeo đuổi” đề tài và trưng ra những bằng chứng mới, thì những người làm báo chúng tôi đã nhận được một bài học quý giá cho mình.

Bài học về sự tử tế và nhân văn, về cái tâm của người làm nghề, nếu không có những thứ đó, mọi điều bạn làm dù đổ vào bao nhiêu mồ hôi và công sức cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi.

Mi An