NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Đổi phương pháp dạy, thay tư duy học

on .

Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan thanh niên thi đua dạy tốt, học tốt lần 2-2014, nhiều tọa đàm, hoạt động đã được mở để cả người dạy lẫn người học cùng đi tìm phương pháp dạy, học tốt nhất.

Sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM không chỉ chủ động học tập mà còn tìm tòi, vận dụng kiến thức được học để nghiên cứu khoa học.

Xuyên suốt trong các diễn đàn ấy, ước mong gặp được người thầy giỏi, biết ứng dụng phương pháp mới trong giảng dạy và tìm thấy học trò ngoan biết chủ động, sáng tạo trong quá trình học đã cùng hội ngộ ở nhiều ý kiến phát biểu.

Đi tìm phương pháp mới

Thạc sĩ Trần Văn Trọn (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết anh đã chọn cách luôn gợi mở, đặt nhiều câu hỏi để kích thích sinh viên suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề mỗi khi lên lớp.

Để làm được vậy, theo anh, giảng viên cần chuẩn bị kỹ mỗi bài giảng, không chỉ là bố cục thu hút mà còn phải vạch ra mục tiêu hướng tới, cần giải quyết trong từng bài giảng.

“Tôi sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho sinh viên ngoài giờ, chính việc tiếp xúc với sinh viên thường xuyên sau giờ dạy như thế sẽ giúp giảng viên biết sinh viên muốn gì và có thể cân chỉnh cho phù hợp” - anh Trọn chia sẻ.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thới (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ ước mong về một phòng học tích cực. Ở đó phòng được trang bị những thiết bị hiện đại để người học có thể tận dụng, khai thác tối đa sự phát triển của công nghệ trong quá trình học, kết hợp với các phương pháp giảng dạy mới, cập nhật thường xuyên của người dạy.

Anh Thới phát biểu: “Phòng học tích cực sẽ tạo ra sự tương tác nhiều hơn giữa người học và người dạy. Phải làm việc nhóm nên người học cũng phải tương tác với nhau nhiều hơn chứ không thể học thụ động, nên không thấy việc học gò bó, bắt buộc”.

Từ góc nhìn sinh viên, bạn Nguyễn Thị Quỳnh My (ĐH Mở TP.HCM) cho rằng sinh viên nên tích cực học nhóm, vì có nhiều điều không tiện hoặc ngại hỏi thầy cô nhưng sẽ rất dễ dàng trao đổi cùng bạn bè trong nhóm.

Còn bạn Bùi Hữu Tố Quỳnh (ĐH Công nghệ Sài Gòn) nói bạn thấy hứng thú hơn với các môn học mà giảng viên cho làm tiểu luận, thảo luận nhóm vì khi đó người học sẽ phải tìm tài liệu từ nhiều nguồn, chủ động tiếp nhận kiến thức chứ không phải theo cách truyền thống thầy nói, đọc trên bục giảng, còn học sinh, sinh viên cố chép cho thật nhiều vào vở làm tư liệu đi thi.

Giảng viên Nguyễn Ngọc Thông (ĐH Mở TP.HCM) đề xuất trang bị hệ thống tài liệu trực tuyến, mà với chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet là người học có thể tiếp cận.

Tài liệu trực tuyến, theo anh Thông, có thể gồm danh mục tài liệu hướng dẫn học tập, bài giảng sẽ là những clip ngắn vài phút, bài tập liên quan và đặc biệt là diễn đàn trao đổi giữa thầy với trò cũng như giữa người học với nhau.

“Bước đầu tôi đã áp dụng cách làm này và phản hồi của sinh viên tôi phụ trách khá tích cực” - anh Thông cho biết.

Tư duy tích cực

Những ý kiến trao đổi dù ở góc nhìn sinh viên, học sinh hay từ vị trí người dạy đều có cùng điểm đến chính là cần thay đổi tư duy một cách tích cực từ hai phía.

Phó hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM Nguyễn Thành Nhân nói nếu cả hai phía cùng thay đổi là điều quá lý tưởng nhưng không dễ.

“Mỗi người cần có tư duy tích cực, việc học phải có mục tiêu để duy trì động cơ. Chúng ta cũng tập làm quen với việc tự học, tự hệ thống lại kiến thức mình được học và hãy bỏ thói quen chờ đợi, kỳ vọng người khác dạy cho mình” - ông Nhân khuyên.

Bạn Thanh Liêm (Trường THPT Gia Định) nói không chỉ là học mà cần luyện tập thói quen đọc nhưng không nhiều bạn trẻ hiện nay có thói quen này, Liêm đề nghị lập thêm nhiều thư viện với các đầu sách có chất lượng cho học sinh, sinh viên.

Sinh viên Đặng Thanh Văn (ĐH Mở TP.HCM) bổ sung: “Bên cạnh văn hóa đọc, mỗi bạn còn cần văn hóa viết vì đó là lúc ghi chép, nhớ lại những điều đã học, gặp phải trong cuộc sống làm kiến thức cho mình”.

Từ kinh nghiệm bản thân, sinh viên Nguyễn Thị Hoài Trâm (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nhắn bạn bè mình rằng đừng sợ sai. Dẫn câu chuyện trước đây học ngoại ngữ Trâm hay sợ sai nên ngại nói chuyện, trao đổi nhưng cô bạn quyết vượt qua bằng cách tự nói trước gương, thu âm mỗi khi nói để nghe lại xem chỗ nào sai sẽ sửa ngay.

“Mình ra khu vực chợ Bến Thành, gặp người nước ngoài nào cũng bắt chuyện nên dần vượt qua nỗi sợ của bản thân và giờ đã tự tin hơn nhiều” - Trâm kể.

Theo bạn Phạm Hiển Dân (ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM), việc học tập sẽ thay đổi khi mỗi người học bằng tư duy linh hoạt, chịu cập nhật liên tục để theo kịp kiến thức mới và hãy bắt đầu học từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống xung quanh mình.

Trong khi Quỳnh My (ĐH Mở TP.HCM) nói phần quan trọng không kém là phải học để trang bị kỹ năng mềm, vì hầu như chúng ta đều rất thiếu kỹ năng bổ trợ, vận dụng trong công việc, cuộc sống.

Giảng viên Đỗ Hồng Quân (ĐH Mở TP.HCM) nói nhiều bạn sinh viên đang học với tư duy học sinh cấp 4 chứ không phải thái độ học chủ động ở bậc đại học.

“Động cơ học tập là việc mỗi bạn cần tự xác định, nhưng người thầy có thể truyền cảm hứng để học trò yêu thích ngành nghề đang theo học. Các bạn nên có thái độ mở, chấp nhận ý kiến khác biệt, và phải chịu đọc, chịu tìm tòi, có kiến thức học trò mới đủ sức trình bày và bảo vệ quan điểm trái chiều với thầy cô” - anh Quân nói.

Hội ngộ điển hình thầy hay, trò giỏi

Hôm nay 16-11, Liên hoan thanh niên thi đua dạy tốt, học tốt do Thành đoàn TP.HCM tổ chức diễn ra với sự tham dự của 213 đại biểu. Trong đó có 102 đại biểu đương nhiên là các gương mặt đoạt các giải thưởng cấp thành phố: nhà giáo trẻ tiêu biểu, sinh viên 5 tốt, học sinh 3 tích cực, học sinh 3 rèn luyện cùng 111 đại biểu được bình chọn từ cơ sở.

Liên hoan là cuộc hội ngộ của các thầy cô giáo trẻ nhiều nhiệt huyết và có thành tích cao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học với những điển hình học sinh, sinh viên có phương pháp học hiệu quả và đạt kết quả cao.

Ngoài ra, các đại biểu dự liên hoan còn là những gương mặt trẻ có nhiều cống hiến trong các hoạt động vì cộng đồng, phong trào Đoàn. Hoạt động này được tổ chức hai năm/lần và đây là lần thứ hai.

Hành trình thi đua dạy tốt, học tốt

Cùng với các hoạt động cấp thành, hành trình “Thanh niên thi đua dạy tốt, học tốt” đã được tổ chức qua nhiều cơ sở.

Hai chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” đã được tổ chức tại ĐH Sài Gòn (dành cho khu vực các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) và Quận đoàn 10 (dành cho các trường học khu vực quận huyện) giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các điển hình trẻ có thành tích tốt trong giảng dạy và học tập.

Trước đó, một số quận huyện đoàn, Đoàn các trường đã tổ chức liên hoan cấp cơ sở để tuyên dương những điển hình dạy tốt, học tốt của đơn vị và bình chọn đại biểu dự liên hoan cấp thành.

Những tọa đàm chia sẻ phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như xây dựng xã hội học tập đã được tổ chức tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM. Ngoài ra, tại Trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist còn diễn ra tọa đàm xây dựng tác phong công nghiệp.

QUỐC LINH