Tỷ phú Do Thái dạy con và 'siêu nhân một chân' Việt
Dù thành thạo những kỹ năng mới, các em vẫn có nguy cơ trở thành "siêu nhân một chân", vì thiếu hay yếu kém khá nhiều những kỹ năng sống căn bản.
Những kết quả từ khảo sát "bỏ túi" của thày Trần Đình Trợ ở trường chuyên Hương Sơn mới đây là một lát cắt cho thấy thực trạng giáo dục thiên lệch đang diễn ra ở VN. Một huyện miền núi xa xôi ở Hà Tĩnh đã như vậy, nếu các thày cô ở chốn đô hội như TPHCM, Hà Nội... mà làm khảo sát, chưa biết kết quả sẽ đến đâu. Có một câu hỏi từ lâu khiến người viết trăn trở, đó là phải chăng cách thức giáo dục ở VN đang tạo ra những "siêu nhân một chân"? Thế nào là "siêu nhân một chân" Nếu thay các câu hỏi của thày Trợ, vốn tập trung vào những kỹ năng cơ bản của một con người từ xưa đến nay, bằng các câu hỏi khác, đảm bảo kết quả sẽ khiến chúng ta "bật ngửa" bởi mức độ rành rẽ của các em trong những vấn đề này. Chẳng hạn, Em có biết dùng Face Book không? Diễn viên Hàn Quốc nào em thích nhất? Một ngày em lướt mạng mấy tiếng? Cuộc thi nào trên truyền hình làm em chú ý? Vì sao em thích thần tượng âm nhạc cùa mình?... Khác với thế hệ đi trước, học sinh thời nay tiếp thu và thành thạo với những cái mới, nhất là công nghệ rất nhanh. Các em thành thạo trong giao tiếp trên mạng xã hội, tìm hiểu cuộc sống qua Google, sử dụng điện thoại thông minh vèo vèo... Cùng lúc với việc lăn lưng với học thêm, học nếm ngày đêm, hy vọng thi đậu đại học để tiến tới có một việc làm ổn định hoặc lương cao, rõ ràng các em vẫn đang tích cực trau dồi những kỹ năng mới cần có thời các em để có thể thích nghi với xã hội hiện đại. Chỉ có điều dù thành thạo những kỹ năng đó, các em vẫn có nguy cơ trở thành "siêu nhân một chân", vì thiếu hay yếu kém khá nhiều những kỹ năng sống căn bản. Các em chẳng có gì sai vì chính các em là hậu quả của định hướng từ người lớn, của nền giáo dục chậm đổi mới trong căn cốt, của sự cạnh tranh đầy mệt mỏi từ các bậc cha mẹ trong nền kinh tế thị trường. Rất nhiều kỹ năng tối thiểu, giản đơn nhất dường như đang bị lơ là trong thế hệ của các em. Đó là kỹ năng tự chăm sóc bản thân: tự đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, sống một mình khi người thân vắng nhà, tự sửa chữa những vật dụng đơn giản, tự biết tránh nguy hiểm... Đó là kỹ năng hòa nhập với cộng đồng như sinh hoạt/ làm việc nhóm, hợp tác tích cực, quan tâm và giúp đỡ mọi người. Đó là khả năng quan sát và ghi nhớ chi tiết về môi trường sống xung quanh như cỏ cây, hoa lá, con vật, v.v...
Những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống được coi như phần chìm của tảng băng, vì nó cần hun đúc và chuẩn bị trong ít nhất 18 năm của đời người. Còn những kỹ năng để thích nghi với những điều mới mẻ trong xã hội thì vài năm là các em có thể nắm chắc, như là phần nổi của tảng băng. Điều đáng nói là ở bất cứ thời đại nào, con người cũng phải học và làm chủ hai loại kỹ năng này. Nếu chỉ có bề nổi, các em sẽ đánh mất những cơ hội tốt nhất, thậm chí bị đẩy ra ngoài lề bởi cuộc sống vốn đòi hỏi sự phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh và sức sống mạnh mẽ. Câu chuyện tỷ phú Do Thái Trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương, Sara Itmai, một phụ nữ Do Thái đã kể lại cách các tỷ phú Do Thái gửi con vào trường nội trú học từ bé. Họ phải nộp rất nhiều tiền để cho con học cách nấu ăn, bổ củi, khiêng nước bằng đòn gánh và giặt quần áo trên những tấm ván giặt thô sơ bằng tay... Vốn có một lịch sử bi thương phải lưu lạc khắp chốn cùng nơi, có thể nói người Do Thái tồn tại và trở nên xuất chúng trên toàn thế giới một phần là nhờ học tập, tích lũy mọi kiến thức và kinh nghiệm để có thể quăng vào đâu cũng sống được. Chính vì vậy, 2 xương sống chủ đạo của phương pháp giáo dục con của người Do Thái đơn giản chỉ là Không cho trẻ thỏa mãn các nhu cầu của chúng một cách dễ dàng và Tạo ra môi trường sống giống như cuộc sống thực. Thực ra, điều này về bản chất không mới ở VN. Bởi nhiều gia đình ở VN đã từng dạy con theo cách này, đa số người ở thế hệ 5X, 6X, 7X... là sản phẩm của cách dạy đó. Chính vì thế mà họ đã sống can trường qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc bậc nhất trong lịch sử dân tộc và cả thời hậu chiến đói nghèo và lạc hậu. Đáng tiếc, truyền thống ấy đang bị mai một khi họ làm cha mẹ và kiếm tiền dễ dàng hơn trước rất nhiều. Thay vì nghiêm khắc với các nhu cầu của con, nhiều cha mẹ bây giờ thường "nhiệt tình", vội vã quá mức trong việc thỏa mãn mọi điều chúng muốn. Thay vì tạo cho con một trường sống gần giống cuộc sống thực, họ lại cho con một cảnh sống ấm êm và khép kín. Họ lầm tưởng làm mọi việc, thậm chí hy sinh tất cả chỉ vì thương con, nhưng về bản chất nhiều khi đã biến con thành "gà công nghiệp", đánh mất sức mạnh cạnh tranh cũng như ý chí tự lập trong cuộc sống của chúng. Chỉ khi nào nhìn nhận rõ những thiên lệch trong cách giáo dục hiện nay và thực sự để tâm, đầu tư nhiều thời gian hơn vào trau dồi kỹ năng sống căn bản cho con cái, song song với những kỹ năng, kiến thức mới... chúng ta mới có thể tạo ra thế hệ trẻ ưu tú, toàn diện, đủ khả năng tồn tại, trưởng thành trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, thử thách đến đâu. Từ góc độ này, có lẽ đến lúc chúng ta cần giã từ những "siêu nhân một chân" càng sớm càng tốt. Nguyễn Anh Thi |
Nguồn: http://www.baomoi.com/Ty-phu-Do-Thai-day-con-va-sieu-nhan-mot-chan-Viet/59/15264618.epi