Hướng doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây
Với việc đưa ra sản phẩm AMIS.VN dựa trên nền tảng “đám mây”, công ty MISA đã giải quyết trọn vẹn bài toán hai ẩn số: tìm đường “lên mây” và triển khai hệ thống quản trị doanh nghiệp.
Phần mềm kế toán MISA liên tục trong nhiều năm đoạt BITCup – giải pháp CNTT hay nhất dành cho doanh nghiệp, do bạn đọc PC World VN bình chọn |
Trong vài năm trở lại đây, điện toán đám mây đang thực sự trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến lược của hầu hết các nhà cung cấp giải pháp CNTT – TT trên thế giới. Điện toán đám mây đã hiện hữu khắp nơi, từ những giải pháp lớn nhắm vào doanh nghiệp cho đến những ứng dụng, tiện ích dành cho người dùng cá nhân. Nói một cách dễ hiểu, người dùng đang dần chuyển các ứng dụng, dữ liệu của mình “lên mây”.
Bản thân phần lớn chúng ta, những người dùng cuối, cũng đang sử dụng nhiều dịch vụ điện toán đám mây như Gmail, Yahoo Mail…
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, khi mà các ứng dụng phần mềm được coi là công cụ làm việc, dữ liệu là nguồn lực phục vụ cho kinh doanh thì việc đưa những tài sản này “lên mây” là điều không đơn giản. Không phải tất cả doanh nghiệp đều chấp nhận và chạy theo xu hướng “lên mây”, bởi không đơn thuần chỉ là việc thay đổi công nghệ, thay đổi sản phẩm - công cụ mà còn kéo theo nhiều câu chuyện phức tạp khác.
Đây là vấn đề trên thế giới, và cũng là thực tế của Việt Nam.
Nói một cách tổng quát, “đám mây” chưa tác động nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam, nhìn từ cả góc độ nhà cung cấp và doanh nghiệp ứng dụng.
Nắm bắt xu hướng
Quay trở lại vài năm về trước, hầu hết các doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm là phần mềm ứng dụng phải cài trên máy tính, kết nối với sever và vận hành trong một mạng LAN.
Mô hình này phù hợp tính chất hoạt động nội bộ, khi máy tính cá nhân đang chiếm lĩnh thị trường, kết nối mạng tốc độ cao chưa hiện hữu khắp nơi.
Ở thời điểm hiện tại, thói quen sử dụng thiết bị di động để xử lí công việc mọi lúc, mọi nơi đã dần thay thế cho máy tính để bàn. Thực tế này đã đặt ra bài toán mới cho doanh nghiệp, phải chấp nhận xu hướng BYOD - sử dụng thiết bị cá nhân phục vụ công việc.
Đối với khách hàng MISA trước đây, phần mềm được sử dụng độc lập cho từng phòng ban, như kế toán, bán hàng, nhân sự… và doanh nghiệp phải kết hợp số liệu của các bộ phận này một cách thủ công để làm báo cáo tổng hợp.
Trên thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng tăng, không chỉ cần kiểm soát số liệu kế toán đơn thuần mà còn phải nắm được nhiều thông tin về hoạt động khác trong doanh nghiệp, nhằm phục vụ mục đích kinh doanh. Mặt khác, với xu thế hội nhập, cạnh tranh hiện nay thì nhu cầu nắm bắt, theo dõi thông tin nhanh, chính xác là vô cùng quan trọng. Những yếu tố khách quan cũng như chủ quan này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình CNTT cũ để có thể điều hành, quản lý một cách hiệu quả hơn.
Với vai trò của nhà cung cấp phần mềm kế toán truyền thống và đang phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng, bài toán đặt ra cho MISA là phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp, đưa ra giải pháp, công cụ toàn diện hơn.
Đây chính là lúc CNTT thể hiện đúng vai trò của mình, và “điện toán đám mây” sẽ là giải pháp phù hợp nhất.
Việc thay đổi khẩu hiệu của MISA từ “Sản phẩm phổ biến nhất” sang “Tin cậy – Tiện ích – Tận tình” đã thể hiện sự dịch chuyển chiến lược của công ty, từ chiếm lĩnh thị trường sang đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm – dịch vụ |
Tư duy về chiến lược
Trước khi sản phẩm AMIS.VN của MISA ra đời, khái niệm điện toán đám mây trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khá mới mẻ, mặc dù về lí thuyết không ít doanh nghiệp hiểu được lợi ích của “đám mây”. Tuy nhiên, việc áp dụng và triển khai còn nhiều rào cản.
Tương tự, thị trường có nhiều giải pháp quản trị doanh nghiệp, của cả trong và ngoài nước, với tên gọi chungERP (hoạnh định nguồn lực doanh nghiệp). Nhưng theo thống kê thì việc triển khai ERP tại Việt Nam thường không thành công, như qua báo cáo IDG hay ViNa Capital, tỉ lệ thất bại lên đến 90%. MISA nhận thấy nguyên nhân thất bại đó không nằm ở chất lượng sản phẩm mà xuất phát từ nhu cầu người dùng thực tế không tương xứng với yêu cầu và khả năng đáp ứng của giải pháp.
Gộp cả hai yếu tố trên, mục tiêu của MISA là làm sao tìm ra đường đi “lên mây”, cũng như giải lại bài toán ERP.
Trên quan điểm của nhà tạo ra công cụ cho người dùng, chiến lược của MISA không đặt trọng tâm vào việc đưa “đám mây” ra thị trường, mà là tạo ra giải pháp mới tốt hơn, tiện ích hơn cho khách hàng với chi phí thấp hơn, hay nói cách khác là coi nền tảng “đám mây” là sự nâng cấp tiếp theo của các sản phẩm trước đó. Điều này không chỉ tạo ra sự chuyển tiếp “lên mây” thuận lợi hơn, mà còn không để xảy ra tình trạng cạnh tranh ngay trong chính các dòng sản phẩm của MISA.
Đầu tư lớn và những vấn đề phát sinh
So với phát triển ứng dụng trên PC truyền thống thì việc đầu tư vào điện toán đám mây khó khăn hơn rất nhiều. MISA đã mất hơn 2 năm chuẩn bị nền tảng, phát triển ứng dụng, đầu tư vào hạ tầng. Không dễ dàng cho một hệ thống điện toán đám mây thuần Việt. MISA đã cân nhắc kỹ nhiều trong việc lựa chọn nền tảng và công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, loại ra những xu hướng có khả năng không phù hợp với người dùng.
Hạ tầng “đám mây” được coi là khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của MISA.
Ngoài hệ thống server, trung tâm dữ liệu (TTDL - data center) của mình, để đảm bảo độ tin cậy, an toàn và bảo mật của hệ thống thì MISA còn cần sự đảm bảo của bên thứ 3, tức là các đối tác cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, từ chỗ đặt TTDL cho đến các giải pháp bảo mật. Hệ thống TTDL của công ty có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù ý thức được sự thay đổi của công nghệ là tất yếu, không thể không theo xu thế chung để tiếp tục duy trình và phát triển. Vấn đề đặt ra cho MISA trong giai đọan này thật sự hóc búa. Trong khi tại thời điểm ban đầu, sản phẩm công ty đầu tư chưa thực sự hiện hữu và còn khá mơ hồ, chứa đầy rủi ro cùng với những chi phí ban đầu rất lớn như vậy thì câu hỏi được ban lãnh đạo và các cổ đông quan tâm nhất là liệu đây có phải là sự đầu tư đúng đắn hay không, trong khi các sản phẩm hiện có vẫn đang ổn định, mang lại lợi nhuận cho công ty. Thật sự đây là một đầu tư mạo hiểm.
Một vấn đề lớn tiếp theo là đội ngũ phát triển không theo kịp được xu hướng mới. Để thực hiện quyết tâm của mình, MISA đã gửi nhóm lập trình ra nước ngoài để huấn luyện về nền tảng mới, đồng thời trong quá trình vận hành bổ sung thêm nhân lực mới. Việc phát triển ứng dụng không chỉ dừng lại ở “đám mây” mà song song với đó là các ứng dụng trên nền tảng di động. Tính đến hiện tại MISA đã có hơn 100 lập trình viên trên các nền tảng mới.
Tuy nhiên, việc đưa ra một sản phẩm mới không chỉ giới hạn trong việc làm sao để tạo ra nó, mà quan trọng hơn cả là nó phải đến được với khách hàng mục tiêu. Điều này có nghĩa là MISA phải có sẵn sàng cho một sự thay đổi tổ chức bên trong.
Khó khăn lớn hơn phải khắc phục là thay đổi nếp suy nghĩ đã hình thành trong suốt hàng chục năm nay của ngay chính những người làm trong nội bộ MISA, nhất là đội ngũ quản lí, điều hành. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trực tiếp đến sản phẩm tạo ra, mà còn tác động lớn đến hệ thống quản trị, điều hành trong công ty, các mối quan hệ, quy trình vận hành, phối hợp các bộ phận và hơn nữa là chiến lược kinh doanh, tiếp cận khách hàng đòi hỏi phải có một tư duy mới, cách làm mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, MISA đã có được 5 năm phát triển trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Mục tiêu doanh thu từ AMIS.VN của MISA hướng đến tốc độ tăng trưởng 50% hàng năm. |
Tiếp cận khách hàng
Việc thay đổi tư duy của những khách hàng doanh nghiệp của MISA cũng là điều đáng chú ý. Rất nhiều khách hàng đã có hơn 10 năm sử dụng phần mềm của MISA, thì đâu là lí do để thuyết phục họ chấp nhận từ bỏ những thứ quen thuộc để chuyển sang một nền tảng mới. Ở đây, nền tảng hay công nghệ, và cả các sản phẩm ứng dụng của MISA chỉ đóng vai trò công cụ. Do vậy, điều quan trọng nhất của sản phẩm MISA đưa ra cho khách hàng là phải đáp ứng được những gì doanh nghiệp cần trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong thời kì hội nhập, đổi mới hiện nay.
Song song với việc tìm hiểu, đầu tư công nghệ, nguồn lực thì trong khoảng 2 năm phát triển MISA đã tập trung nhiều vào nghiên cứu người dùng, là khách hàng của MISA và cả khách hàng tiềm năng. Công ty đã thực hiện khảo sát, điều tra nhu cầu, hành vi và thói quen sử dụng cũng như những yêu cầu của nhóm khách hàng thuộc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những số liệu thống kê, phân tích từ nghiên cứu này đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một sản phẩm phù hợp, hỗ trợ nhiều cho việc thuyết phục khách hàng nâng cấp lên sản phẩm mới.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo MISA cho biết mặc dù định hướng theo công nghệ, xu hướng mới, mà cụ thể ở đây là công nghệ điện toán đám mây, nhưng khi tiếp cận khách hàng, MISA không coi sự thay đổi công nghệ này là cốt lõi của sản phẩm mới. Điểm nhấn của MISA ở đây là tạo ra nhiều hơn nữa các tiện ích, giá trị gia tăng trong sản phẩm của mình, làm cho khách hàng nhận thức được việc chuyển đổi sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn những sản phẩm mà họ đang sử dụng.
Thực tế, khác với các sản phẩm thiên về tài chính, kế toán trước đây, sản phẩm mới nhất của MISA là phần mềm AMIS.VN, một giải pháp quản trị có nền tảng điện toán đám mây, tích hợp nhiều tích năng quản trị mà các phần mềm trước đây không có. Chính những tính năng, giá trị cộng thêm này mới là cái quan trọng để MISA cung cấp cho doanh nghiệp, giúp họ có thêm những công cụ làm việc hiệu quả, chứ không phải là bài trình diễn về công nghệ phức tạp, khó hiểu.
Giống như khi nói về công nghệ điện toán đám mây, giá thành của sản phẩm - dịch vụ cũng là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là điểm mấu chốt để khách hàng của MISA quyết định sử dụng sản phẩm hay không. Xu thế phát triển của doanh nghiệp trong thời đại mới là điều tất yếu. Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ nhu cầu của doanh nghiệp luôn thay đổi và được nâng lên với những đòi hỏi cao hơn. Điều quan trọng là phải nắm bắt và theo kịp được nhu cầu này để tạo ra những công cụ, giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp có những công cụ mới sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh .
Không đặt ra bài toán quá lớn, nhắm vào nhu cầu thực tế của khách hàng, sản phẩm của MISA không sử dụng tên gọi ERP như các giải pháp khác, mà chỉ đơn gian là phần mềm quản trị hợp nhất AMIS (All in one management information systems). Đây là một cách tiếp cận khôn khéo, vừa phản ánh xu hướng kinh doanh hiện đại, nhưng cũng tránh những khái niệm mơ hồ, xa lạ đối với doanh nghiệp.
Bài toán kinh doanh
Mục tiêu của MISA là giải quyết bài toán doanh nghiêp, tạo ra công cụ và tiện ích với chi phí hợp lí đến cho người dùng. Trước đây, mỗi lần chuyển giao sản phẩm cho doanh nghiệp, nhân viên MISA phải đến tận nơi cài đặt phần mềm, có thể trên 50- 60 máy, mất thời gian và tốn kém. Với ứng dụng “đám mây” thì chỉ cần nâng cấp trên hệ thống máy chủ của MISA, người dùng chỉ cần cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng là có thể vận hành được ngay.
Tiếp thị và bán sản phẩm mới cũng là một vấn đề gai góc. Trước đây, việc bán các phần mềm kế toán đến khách hàng mục tiêu đã trở thành chuẩn mực bởi nhân viên kinh doanh đã được huấn luyện, trang bị kiến thức tập trung vào lĩnh vực chuyên môn sâu về tài chính, kế toán. Nhưng khi đến với AMIS.VN, sản phẩm được triển khai vào nhiều lĩnh vực quản trị khác, thì vấn đề đặt ra là người bán hàng phải có kiến thức rộng hơn về doanh nghiệp. Chính vì vậy, mô hình bán hàng phải thay đổi, các nhóm dự án được thành lập, người bán được trang bị thêm kiến thức mới. Đây được xem là một thách thức bởi trải nghiệm về quản trị thì không phải dễ dàng có được. Thay đổi nền tảng công nghệ đã khó, nhưng thay đổi mô hình kinh doanh còn khó hơn. Lường trước được vấn đề này, MISA đã bắt đầu tiến hành đào tạo lại nhân viên kinh doanh của mình 2 năm trước khi sản phẩm “đám mây” ra đời.
Hiện tại, trong số toàn bộ 70.000 khách hàng khối doanh nghiệp của MISA thì đã có khoảng 30.000 chuyển sang điện toán đám mây, và tốc độ tăng của khách hàng sử dụng AMIS.VN đạt tới 50 - 60%/năm. Quả là những con số ấn tượng khi nói đến ứng dụng điện toán đám mây tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra với sự chuyển đổi nền tảng và mô hình kinh doanh với đầu tư ban đầu rất lớn thì MISA được lợi như thế nào so với mô hình sản phẩm cũ. Không khó để nhận ra rằng ngay tại thời điểm hiện tại thì các sản phẩm và mô hình cũ của MISA có lợi nhuận tốt hơn, nhưng về lâu dài thì chắc chắn giải pháp đám mây sẽ chiếm ưu thế.
Mục tiêu tăng trưởng 50%
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Doanh nghiệp của MISA thì mục tiêu đặt ra đến năm 2017 sẽ chuyển đổi phần lớn nền tảng của khách hàng sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Và đây cũng sẽ nền tảng chiếm phần lớn doanh thu trong cấu trúc phát triển của MISA. Mục tiêu doanh thu từ sản phẩm phần mềm quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN của MISA đang hướng đến tốc độ tăng trưởng 50% hằng năm.
PC World VN, 11/2014