Công nghệ thông tin, "chìa khóa" mở hướng phát triển mới
Thông qua tám cuộc tọa đàm chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam - Asocio 2014, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển, ứng dụng CNTT mang lại thành công trong thực tiễn. Việc ứng dụng CNTT cũng sẽ tạo nền tảng phát triển mới, mở ra liên kết không giới hạn về khoảng cách.
Các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung làm rõ chủ đề chính: "Công nghệ thông tin -phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp". Trong đó, nông nghiệp được đánh giá là nền tảng phát triển kinh tế. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần tăng hiệu quả đầu tư.
Theo lý giải của TS Gi-seo-cô, cố vấn chính sách cao cấp của Cơ quan xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA), bằng công nghệ, người nông dân có thể quản lý kho trại từ xa bằng điện thoại, sử dụng chíp, cảm biến để kiểm soát chất lượng. Khi phân phối, qua thương mại điện tử, ứng dụng trên máy tính, điện thoại có thể giới thiệu, mua, bán các sản phẩm. Từ đó người bán và người mua dễ dàng giao dịch với nhau, tạo quá trình vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ nhanh chóng.
Ngoài ra, CNTT còn có vai trò trong dự báo, điều hành sản xuất cấp vĩ mô với hệ thống tự động hóa. Tuy nhiên, việc áp dụng CNTT tại nhiều nước vẫn còn nhiều thách thức vì trình độ của người nông dân còn thấp và doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm để có sự đầu tư đúng đắn, lâu dài. Bởi vậy, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần phải hiểu rõ nhu cầu của người nông dân. Từ đó xây dựng những mô hình kinh doanh dựa trên những ứng dụng CNTT. Ở đó, người nông dân chỉ cần dùng điện thoại có cài đặt phần mềm sẽ quản trị được mọi hoạt động, từ chăm sóc, tìm kiếm khách hàng, học hỏi kinh nghiệm, đến việc quản lý thông tin cho từng ngành nông phẩm. Với nhà khoa học, nhà quản lý có thể tuyên truyền thông tin từ xa, chăm sóc tư vấn cho nông dân qua nông bạ điện tử, đào tạo từ xa... Các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đưa ra nhận định, CNTT đã trở thành cuộc cách mạng cho sản xuất nông nghiệp, đó là cách làm mới, tạo ra ngành nông nghiệp thông minh.
Người nông dân hoàn toàn có thể yên tâm rằng, khi áp dụng CNTT vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm sẽ nhận được hiệu quả và giá trị mới. Đổi mới cơ chế và ứng dụng CNTT trong dịch vụ công đang là vấn đề "nóng", thu hút rất nhiều sự quan tâm của xã hội.
Do thực tế, các thủ tục hành chính công vẫn còn rườm rà, tốn thời gian cho nên người dân và doanh nghiệp vẫn còn e ngại thực hiện. Nhưng theo Phó Chủ tịnh UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, việc ứng dụng CNTT không quá khó khăn. Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện đề án chính phủ điện tử, triển khai các thủ tục hành chính thông qua trung tâm. Hiện nay, Quảng Ninh đã xây dựng được sáu trung tâm, giải quyết 70% các thủ tục hành chính công.
Khi khảo sát chỉ số hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ tại các trung tâm đạt hơn 90%. Tại diễn đàn, một số chuyên gia cho rằng, để thành công, ứng dụng CNTT phải bảo đảm theo bốn hướng: độ cao (là mức độ sử dụng của Chính phủ); độ sâu (phải tích hợp trong các ngành kinh tế khác nhau); độ mở và hữu hiệu. Ngoài ra, với hệ thống hạ tầng CNTT được đầu tư kỹ, các ứng dụng đám mây mở, mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất được cùng tham gia phát triển.
Được đánh giá là cuộc cách mạng công nghệ mới, S.M.A.C (Social - xã hội, Mobile - di động, Analystics - phân tích dữ liệu, Cloud - điện toán đám mây) sẽ tạo nhiều cơ hội, xây dựng các giá trị mới cho các doanh nghiệp. Với nền tảng S.M.A.C, các định nghĩa truyền thống về doanh nghiệp CNTT đã thay đổi, khoảng cách giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp gần như đã không còn. Theo đó, với Cloud đã mang đến cơ hội cho các công ty nhỏ có thể cạnh tranh mà không phải đầu tư một trung tâm dữ liệu. Ứng dụng Mobile được đánh giá là phương tiện tiên tiến, giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi đối tượng, nhanh chóng tiếp cận với khách hàng tiềm năng.
Bằng Analystics, giúp tạo ra các quy luật để hiểu được khách hàng. Sử dụng Social sẽ là kênh giao tiếp với khách hàng, tạo ra được các giá trị mới mang đến hiệu quả bất ngờ. Nhiều mô hình kinh doanh mới cũng được tạo ra nhờ S.M.A.C mang đến một xu hướng, cơ hội mới cho toàn thế giới. Ở đó, những công ty nhỏ chỉ cần dựa trên một số ứng dụng cũng có thể tạo ra được nhiều giá trị hơn những công ty sản xuất khổng lồ.
Từ những chia sẻ về kinh nghiệm thực tế, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cho rằng để bắt kịp được với xu hướng của thế giới, S.M.A.C chính là cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, để ứng dụng và phát triển thành công S.M.A.C tại Việt Nam, Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học cần có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ, hiệu quả hơn và cần xây dựng lộ trình phát triển dài hạn cho S.M.A.C.
Thông qua Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam - Asocio 2014, bằng những chia sẻ về kinh nghiệm đã thành công trên thực tế, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cho thấy việc hợp tác, liên kết và chuyển giao công nghệ sẽ rút ngắn được khoảng cách về CNTT giữa các quốc gia. Đồng thời tạo cơ hội mới cho tất cả mọi cá nhân, nhất là những người nông dân có thể nhờ CNTT vươn lên, chia sẻ thành tựu cùng phát triển. Bằng việc ứng dụng CNTT, tất cả người dân, các quốc gia đều có thể tìm thấy cơ hội mới, nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho chuỗi giá trị toàn cầu.