Vừa vào đại học đã muốn... thi lại

on .

TTO - Nhiều tân sinh viên vừa nhập học đã bắt đầu kế hoạch ôn tập, sẵn sàng tham gia lại các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực năm 2023 để xét tuyển vào ngành khác, trường khác của mùa tuyển sinh tới.

Vừa vào đại học đã muốn... thi lại - Ảnh 1.
 

Tân sinh viên làm thủ tục vào ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Lưu Thiện Nhân vừa trở thành sinh viên năm nhất Trường ĐH Luật TP.HCM. Sau khi thi tốt nghiệp THPT với kết quả không ưng ý, Nhân cảm thấy chán nản. Số điểm không đủ để Nhân vào được ngành mà bạn yêu thích nhất là báo chí hoặc truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Muốn học một đằng, trúng tuyển một nẻo

Các nguyện vọng xét tuyển đã "đưa đẩy" Nhân trúng tuyển vào ngành luật, khoa luật dân sự tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Nhân thừa nhận mình không hề thích ngành này nhưng vẫn nhập học để tránh cảnh "nhàn cư vi bất thiện". Vừa học trên trường, Nhân đồng thời ôn tập thi lại cho mùa tuyển sinh năm 2023.

"Mình đã quyết định đi học luật với tâm thế không hy vọng gì cả. Hiện mình vẫn chưa bày tỏ ý kiến chuyển ngành học với gia đình. Tuy nhiên, bạn bè và thầy cô đều ủng hộ việc mình theo đuổi đam mê bản thân", Thiện Nhân nói.

Tương tự, P.H. - hiện là sinh viên năm nhất ngành địa chất của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng đang rục rịch ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023. H. chia sẻ mình trúng tuyển vào một ngành "tréo ngoe" với sở thích của bản thân một phần vì "quá tự tin".

Thi đánh năng lực năm 2022 đạt 927 điểm, H. so sánh với nhiều bạn bè thì thấy điểm mình tương đối cao. Nghĩ rằng sẽ rộng cửa đậu vào ngành marketing của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nên khi làm hồ sơ xét tuyển, H. ban đầu chỉ đặt đúng một nguyện vọng như trên. Gần đến ngày "chốt sổ", H. nhập thêm một nguyện vọng nữa, ngành địa chất, cho hồ sơ đỡ... "trống trải". H. vẫn nghĩ mình gần như chắc chắn sẽ đậu ngành marketing nhờ vào điểm số cao.

Kết quả, ngành marketing của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lấy 940 điểm theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực, H. rớt vì thiếu 13 điểm. H. lại trúng tuyển ngành địa chất mà mình hoàn toàn không yêu thích. "Đó là một bài học lớn cho mình, sau này mọi thứ mình đều phải cẩn trọng, lường trước nhiều tình huống xảy ra, không thể để xảy ra những hậu quả chỉ vì sự chủ quan của bản thân" - H. nói.

Xem lại công tác tư vấn

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng một trong nhiều nguyên nhân của việc tân sinh viên có dự kiến chuyển ngành chỉ sau vài tuần nhập học nằm ở điểm yếu trong công tác thông tin, hướng nghiệp ở các trường THPT. Đội ngũ này đa số chỉ do một giáo viên đảm nhận, dẫn đến hạn chế trong cách tiếp cận và tìm hiểu của học sinh về cả chuyện thi cử lẫn xét tuyển.

"Mặt khác, nhiều trường đại học vẫn chưa thực hiện tốt việc cập nhật thông tin một cách kỹ lưỡng về những ngành học trên các nền tảng mạng xã hội và website. Ngoài ra, một số học sinh cũng "lười" truy cập vào những nội dung liên quan đến thi cử, trường lớp, ngành học" - ông Dũng cho biết thêm.

Theo ông Dũng, giải pháp sẽ là cần tổ chức hướng nghiệp một cách chặt chẽ và thực tiễn hơn. Thậm chí, các buổi hướng nghiệp nên có các tổ chức, doanh nghiệp tham gia để sinh viên có thể hình dung cụ thể không những về kỳ thi mà còn về các ngành nghề mà các em sẽ theo đuổi. 

"Các trường đại học đa ngành nên tổ chức các buổi trại hè hướng nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với môi trường đại học. Thời điểm tốt nhất để tổ chức trại hè là năm lớp 11" - ông Dũng nói.

Tương tự, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng để tránh các trường hợp sinh viên bị "sốc" chỉ sau vài tuần nhập học, công tác hướng nghiệp phải chỉn chu và chuyên nghiệp hơn. 

Các trường đại học cần giới thiệu kỹ lưỡng, có hệ thống về nghề nghiệp, ngành học tương ứng để học sinh nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn. Ngoài ra, việc tăng cường hoạt động hướng nghiệp trải nghiệm kết hợp hình thức trực tuyến cũng cần được chú trọng.

Không thi lại mà muốn chuyển ngành, cần gì?

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết theo quy chế, tân sinh viên cần phải hoàn thành chương trình của năm học đầu tiên để đáp ứng được điều kiện chuyển ngành. Các bạn có thể làm đơn gửi đến phòng đào tạo để được hỗ trợ sớm nhất.

"Theo quy chế, sinh viên năm nhất và năm cuối không được chuyển ngành. Đối tượng sinh viên chuyển ngành phải nằm ngoài diện bị thôi học. Đồng thời, điểm ngành của các bạn phải bằng hoặc cao hơn ngành học muốn chuyển đến. Nhà trường luôn ra sức tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập trong môi trường phù hợp nhằm phát huy hết khả năng của mình", TS Hạ nhấn mạnh.

Được theo đuổi đam mê

Nhận thấy nhiều điểm trái ngược giữa ngành học với lợi thế bản thân, Nguyễn Anh Tuấn quyết định từ bỏ ngành địa lý khi đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực 2022 vừa qua. Giờ đây, Tuấn đã chuyển ngành, trở thành tân sinh viên khoa Việt Nam học cũng tại mái trường cũ.

"Lúc đưa ra quyết định, mình đã rất đắn đo, phân vân và mất ngủ đến một tuần vì nếu học lại thì mình sẽ chậm hơn các bạn cùng trang lứa khoảng cách khá xa. Nhưng rồi mình nhận ra có thể học tập được những điều thú vị và nắm bắt nhiều cơ hội việc làm ở ngành học mới nên đã tự tạo bước ngoặt cho chính mình", Tuấn nhớ lại.

Là người đã có kinh nghiệm trong chuyện đổi ngành, Tuấn cho rằng hành trình "tìm lại bản thân" trên giảng đường đại học khá khó khăn vì phải thích nghi với môi trường mới, bạn bè mới. Đổi lại, theo Tuấn, điều tuyệt vời nhất mà bạn có được là theo đuổi đúng đam mê.

TRỌNG NHÂN - KHẮC HIẾU