Xuyên Việt cùng 'giáo sư quần đùi'
TTO - Sau 38 ngày đạp xe từ Lũng Cú, 2.800km đường dài, 35.000m độ cao, "giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành tiếp tục guồng đạp vào chặng cuối thư giãn với hơn 500km trên Đồng bằng sông Cửu Long để đến điểm cuối là mũi Cà Mau...
Đường này ngập thì vòng đường khác. Xe đạp nhẹ, chúng tôi có thể vòng qua chỗ sạt lở được. Chủ yếu đi đường làng nên không lo. Chỉ cần tốc độ gió không quá sức bươn tới là tôi đạp được. Nắng cũng đạp. Mưa cũng đạp. Hoàn thành chỉ tiêu của mỗi ngày.
Giáo sư Trương Nguyện Thành
Bộ đồ thể thao với dòng chữ "Khởi đầu: Sáng tạo - Sống khỏe - Khởi nghiệp", đôi chân cháy nắng, khuôn mặt rám đỏ, rắn rỏi, "giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành xuất hiện tại ĐH FPT TP.HCM chiều 22-10 với nguồn cảm hứng mới đang dâng lên bất tận để truyền đến các bạn trẻ.
38 ngày đạp xe từ Lũng Cú (Hà Giang), 2.800km đường dài, 35.000m độ cao, và sáng 24-10, đôi chân ông lại tiếp tục guồng đạp vào chặng cuối thư giãn với hơn 500km trên Đồng bằng sông Cửu Long để đến điểm cuối là mũi Cà Mau...
Đạp xuyên bão Noru
"Tôi sẽ không bỏ lỡ một tấc đất nào của Tổ quốc", đó là lời giáo sư Trương Nguyện Thành ở tuổi 61 tuyên bố trước khi ngồi lên xe đạp ở Lũng Cú và bắt đầu những vòng xe đọ sức với những con dốc nổi danh của Hà Giang. Kể từ chuyến xe đạp vòng miền Tây năm 2016, chuyến đạp xe từ Sài Gòn đến Quảng Bình năm 2018, đã hơn bốn năm ông chưa ngồi lại lên xe đạp.
Bốn năm và mốc tuổi 60 thoáng chốc đã vụt qua. Có thể không? Ông bảo khi bắt đầu mình cũng không biết nữa, chỉ ngồi lên xe và đạp với mong mỏi thử sức và đo động lực bản thân ở tuổi 61, và nếu có thể thì truyền thêm cảm hứng cho giới trẻ, đối tượng mà ông đã luôn hướng đến trong cả cuộc đời, trong mọi công việc.
"Và đến hôm nay đã hoàn thành bốn chặng đường núi đồi, đèo dốc, làng mạc, sông suối, phải nói là tôi đã được quá nhiều. Sức bền tăng lên mỗi ngày. Những điều hiểu thêm về địa lý, văn hóa, lịch sử của đất nước mình, các dân tộc đồng bào mình cũng dày lên mỗi ngày... Sướng!", giáo sư Thành thốt lên trong tiếng cười thật sảng khoái sau 2.800km.
Video clip ghi lại bắp chân ông gồng căng trên bàn đạp, lưng rạp xuống, gương mặt đẫm mồ hôi, ánh mắt phóng thẳng về phía trước, xung quanh là núi dốc chập chùng.
"Ấy là lúc lên đèo Lò Xo. Quyết tâm không dắt bộ, tôi đạp, chinh phục từng vòng xe, từng mét đường, sự tập trung phải nói là bén như lưỡi dao lam... Tôi có thể nói mình đã thuộc từng mảnh bê tông trên con đèo 37km ấy", ông kể.
Trước đó, ông đã phải nằm liệt vì "rêm từ ngón chân đến đỉnh đầu" trong những ngày đầu tiên, phải đạp đứng, phải dắt bộ lên những con dốc đứng ở Hà Giang.
"Đêm nằm đau nhức chân mà nghĩ chắc ngày mai con dốc sẽ êm dịu hơn, không đáng sợ như hôm nay nữa đâu, và con dốc của ngày mai lại còn cao đứng hơn, dài hơn, hiểm trở hơn nữa. Nhưng cứ qua một ngày thì chân tôi lại quen với guồng quay hơn, sức lại bền hơn, kinh nghiệm lên dốc đổ đèo lại dày hơn.
Cảnh vật tuyệt vời và những gì học thêm được từ những bản làng đi qua, người già em bé là những phần thưởng ngày càng lớn qua mỗi buổi. Và thế là tôi cứ đạp, từng ngày một, từng con dốc một, từng chặng đường một...", ông chia sẻ.
Mong muốn lan tỏa những giá trị mình thu được đến giới trẻ, giáo sư Trương Nguyện Thành đã chuẩn bị cho mình một đội hỗ trợ tinh gọn mà hiệu quả: một người chuẩn bị lộ trình - dẫn đường, một người lo hậu cần, một người chụp ảnh - quay clip, một người xử lý thông tin ở nhà.
Vì vậy, mỗi ngày, hình ảnh, chia sẻ của thầy trên từng vòng đạp vẫn liên tục đến với học trò, với những người theo dõi. Rất nhiều cảm hứng thật đã được truyền qua mạng ảo, hàng trăm lời động viên được gửi đến mỗi ngày. Nhưng cũng có những ngày nhiều người đã chân tình khuyên ông nên dừng lại.
Đó là những ngày tin tức về cơn bão Noru sẽ đổ vào các tỉnh miền Trung ngay trong những ngày mà theo lộ trình, vòng xe của ông sẽ đạp qua đó. "Đừng duy ý chí", "Bão sắp đến, mưa lớn, sạt lở. Hãy dừng lại và bắt đầu lại vào đầu năm sau". Những lo lắng rất thật của những người bạn chí tình.
"Người đứng ngoài thì thấy nguy hiểm, thấy liều lĩnh, nhưng người trong cuộc như chúng tôi có những tính toán, lường định cặn kẽ. Làm sao có thể đợi những ngày đẹp trời liên tiếp từ Bắc tới Nam để đạp xe?", giáo sư Thành trả lời như vậy.
"Đường này ngập thì vòng đường khác. Xe đạp nhẹ, chúng tôi có thể vòng qua chỗ sạt lở được. Chủ yếu đi đường làng nên không lo. Chỉ cần tốc độ gió không quá sức bươn tới là tôi đạp được. Nắng cũng đạp. Mưa cũng đạp. Hoàn thành chỉ tiêu của mỗi ngày...", ông kể hành trình của mình đã xuyên qua bão Noru và những trận mưa lịch sử như thế.
Những bài học khởi nghiệp
Hào hứng kể về hành trình trước hàng trăm sinh viên,"ông già gân U70" Trương Nguyện Thành tất nhiên chẳng nhằm vào những câu chuyện về sức khỏe và đam mê thể thao vốn đã thừa ở tuổi trẻ, mà xuyên qua đó là những bài học cho những ấp ủ lớn nhất của tuổi 20: Khởi nghiệp.
"Khởi nghiệp là làm một cái gì mới. Bật mí với các bạn: tôi đang khởi nghiệp ở tuổi 61 đây với những nghiên cứu và quan sát sau hai năm dịch covid: phát triển hệ thống quản lý giáo dục trực tuyến và trực tiếp Mentorlinks và học viện Kidao với các khóa học thể dục Thân - Tâm - Trí.
Các bạn hãy chuẩn bị cho việc khởi nghiệp của mình, lấy sản phẩm của mình giúp giải quyết các vấn đề của xã hội và hãy nhớ khởi nghiệp cũng giống như chuyện đạp xe leo dốc tôi vừa kể.
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và đừng vội vẽ ra bức tranh màu hồng. Con dốc ngày mai sẽ cao hơn con dốc hôm nay. Ngày hôm nay có thể tồi tệ và ngày mai có khi còn tệ hơn nữa.
Không có cách nào khác để vượt qua ngoài trải nghiệm, đối mặt với thử thách, khám phá và đẩy xa thêm giới hạn của bản thân, làm bật ra sức mạnh bên trong của mình. Mỗi ngày bạn sẽ mạnh hơn. Và khi thử thách khắc nghiệt đến giới hạn, nó sẽ thì thầm khuyên "hãy dừng lại". Khi ấy, bạn nên quay lại với câu hỏi: Tại sao mình đã bắt đầu?".
Tại sao "Hế lô"?
Được hỏi về ấn tượng lớn nhất trong suốt hành trình đã gần hoàn thành, giáo sư Trương Nguyện Thành kể điều băn khoăn vẫn đang còn day dứt mãi trong lòng ông: "Chọn tuyến đường đi qua những xóm làng, tôi gặp rất nhiều người trên đường. Ai cũng hồ hởi vui vẻ vẫy chào, và lạ thay, ai cũng "Hế lô". Không có ai chào tôi bằng tiếng Việt, chỉ duy nhất người đi xe máy hét vào tôi khi đang gò lưng trên đèo Lò Xo: "Điên à?".
Có lẽ quá ít người Việt đã từng đạp xe đã gây nên ấn tượng như vậy? Lẽ nào nếu có một người đạp xe xuyên Việt thì người ấy lại là người nước ngoài? Người Việt thông thường sẽ không làm như vậy, không trải nghiệm như vậy? Đạp xe là một việc rất ích lợi cho sức khỏe, cho tâm trí mà.
Tôi đạp, vừa rèn luyện thân thể, lại vừa học hỏi được bao điều. Lần tới, tôi sẽ lên kế hoạch một chuyến đạp xe xuyên Đông Nam Á với con trai, và rất mong được nghe một câu chào tiếng Việt ven đường. Các bạn trẻ, khi nào đó hãy thử "điên" như tôi...".
"Sướng!", ông một lần nữa kết luận thay cho lời khuyến khích gửi đến tuổi 20. Và uốn lưng ngửa mặt lên trời, ông hít thật sâu hai lần, khà khà một tràng thật dài, thật vang, biểu diễn điệu cười Kidao do chính mình nghiên cứu, sáng tạo ra.
Hướng dẫn mọi người tập theo, giáo sư Thành giải thích: "Cười kiểu Kidao sẽ giúp tăng lượng khí vào phổi, tăng oxy lên não, dẻo dai thêm các cơ và trên hết là gửi tín hiệu tích cực, sảng khoái đến hệ thần kinh... Khà... Khà...". Giọng cười vang động cả khuôn viên.
"Đừng để khô máu nhé"
Ông mời bốn bạn trẻ đã hỗ trợ mình trên suốt những chặng đường đứng lên. "Khởi nghiệp không thể một mình. Hãy học cách thành lập một nhóm vừa đủ nhỏ nhưng hiệu quả để có thể làm việc nhịp nhàng với nhau, cùng vượt qua thử thách, cùng chịu đựng thất bại, cùng thưởng thức thành quả.
Khi nãy các bạn khuyên tôi đạp xe phải biết tiết kiệm sức, phân bổ lực. Đúng thế, khởi nghiệp cũng phải tiết kiệm và phân bổ nguồn vốn, đừng để khô máu nhé...". Phía dưới rộ lên tiếng cười và tiếng vỗ tay...
PHẠM VŨ
Nguồn: https://tuoitre.vn/xuyen-viet-cung-giao-su-quan-dui-2022102408534829.htm