NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Chỉ là cá cơm thôi...

on .

Có rất nhiều món ăn quê, dân dã thôi mà thành niềm thương cho người ở lại, thành nỗi nhớ cho kẻ ra đi. Chẳng hạn, chỉ là cá cơm bé nhỏ, sao vẫn nghe bồi hồi khi ngồi trước mấy món chân quê mẹ nấu.
 
 
Cá cơm kho và nấu canh	 /// ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Cá cơm kho và nấu canh
ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
 
Mẹ hay nói cá cơm “ngon sẵn”, là thứ dễ kho dễ nấu nhất trần đời. Sau này làm dâu, những bữa cơm đầu tiên con cứ “cá cơm” cho mẹ. Gì chứ so với mẹ, con gái làm cơm bữa nhanh hơn. Nhưng ngon hơn mẹ thì trời sập cái đùng. Con nhiều lần nói cá gì qua tay mẹ, nhất là cá cơm, đều ngon một cách... khó hiểu. Thì con vẫn đứng cạnh mẹ khi tẩm khi ướp, khi nêm khi nếm với ý đồ “hốt gọn” bí quyết món này món kia. Vậy mà khi con nấu, mẹ bao giờ cũng phán hai tiếng vô thưởng vô phạt: “Cũng được”.
Miền Trung, những cơn mưa đầu tiên đang về. Sinh vật phù du theo suối theo sông chảy tràn ra biển, làm mồi ngon cho từng đàn cá cơm dài hàng trăm mét đón đợi ngoài cửa biển. Do vậy nên khoảng tháng 8 đổ lên, cá cơm con nào con nấy tròn mẩy, thấy mướt lắm. Ghe ra cách bờ vài cây số bủa lưới, quây lưới, có khi chưa đầy một tiếng đã quay vô bờ với những khoang cá nặng đầy.
Cá cơm khá nhỏ con, mình thon thon như ngón tay. Nhỏ nhưng khi “đổ bộ” thì trắng bờ trắng bãi, nhìn đâu cũng thấy cá cơm. Xe đông lạnh nườm nượp chở cá cơm về các cơ sở chế biến. Tại đây, qua tay công nhân, cá được chọn lựa và “phân ngành” phù hợp: bán tươi thì chuyển đi ngay trong ngày, phơi khô thì cho lên vỉ đan bằng tre đưa ra bãi nắng, muối để làm mắm thì cho vào chượp...
Để mua cá cơm, thường thì người làng không cần ra chợ. Họ chỉ đứng ngã ba, ngã tư chờ đội quân gánh gồng đi bán lẻ rồi vẫy tay. Họ mua để kho nấu, làm gỏi ăn ngay, hoặc để muối mắm, hoặc để phơi khô dùng cho những ngày đông tháng giá.
Tôi rất “yêu” những hũ mắm cá cơm “nhà muối” thơm dậy làng dậy xóm. Múc ra chén, bỏ ít lát thơm, vài lát ớt, chan với bún tươi hay chấm bánh xèo thì phải nói là ngon mê ngon mệt. Tưởng tượng đi! Trong một chiều gió bấc se lạnh, rứt miếng bánh xèo “hạ” xuống chén mắm cá cơm, chắc phải buột miệng mà thốt lên rằng hạnh phúc là đây chứ đâu nữa!
 
Hay là món gỏi! Dù cá cơm không nằm trong “dòng dõi” gỏi, nhưng nếu được ngâm trong nước dừa nạo, cá tự tách một phần ba thịt ra khỏi xương. Gỡ nhẹ từng miếng, bày ra đĩa rồi rưới nước cốt chanh, trộn bột nêm, đậu phộng rang, hành tím vào. Phải nói là... ngon điên ngon dại.
Rồi món cá cơm khô đem rang mặn hoặc nướng cũng rất đậm đà. Có người mới nướng chưa được chục con, nghe mùi thơm “thôi thúc” quá bèn... lén anh em nhón vài con nhai chóp chép.
Lâu quá, chiều nay về chơi với mẹ. Mẹ “mắng”, nói con về thăm cá cơm chứ thăm gì mẹ. Kỳ thực, mẹ nói vài phần trăm có lý. Về tới đầu làng, nghe mùi cá cơm tươi phảng phất, tôi đã nghĩ về xoong cá cơm kho rim với nghệ tươi, rồi món cá cơm nấu ngọt với cà chín thoang thoảng mùi hành ngò.
Và giờ đây, ngồi với mẹ ăn bữa cơm chiều trên thềm cũ với mấy món thân quen, tôi nghe rưng rưng đến lạ. Cà chín làm nước canh thơm dịu dàng. Riêng cá cơm nấu ngọt vẫn giữ cho mình cái “điệu” thơm phơn phớt mà rất khó phai. Cá cơm trong món kho nghệ cũng rất riêng, ngòn ngọt mằn mặn cay cay, cứ thế mà mơn trớn cái cảm giác thèm ăn của đứa con gái lâu lâu về “nhà mạ”.
“Tám” với nhỏ bạn chuyện này, nó nói tôi là chúa “ủy mị”, ăn là ăn. Cá cơm chỉ là... cá cơm thôi. Gì mà phải rưng rưng. Tôi thì tôi nghĩ, ăn những món thân thuộc quê hương mà thiếu đi cảm xúc thì liệu cái chất “bản quán” trong người còn được bao nhiêu?
Trần Cao Duyên