Điểm đến là các khu vực vịnh nước lợ kín gió, nhất là khu rừng dừa Bảy Mẫu, Thuận Tình và các bãi bồi thuộc xã Cẩm Thanh (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Cá nâu thường ăn những mảnh vụn, tảo, rong rêu, giun, côn trùng, giáp xác nhỏ và các vi sinh vật biển nên cá núp bóng bè nuôi tôm hay gốc dừa nước bởi nguồn thức ăn phong phú.
Ai chưa rành con tôm con cá thường lẫn lộn giữa
cá dìa và cá nâu bởi cùng có hình dạng bầu, hẹp, hơi tròn, đầu nhỏ, ngắn nhưng cá nâu thân cao hơn, lưng hình vòm, nhìn ngang gần như tròn. Đặc biệt, nếu trên lớp da màu đen trơn nhẵn của cá dìa có những chấm vàng sẫm thì cá nâu lại có hoa văn như da beo.
Cá nâu rất ngon, thịt dày, thơm, ngọt béo, xương ít và mềm. Đặc biệt, cá nâu thường sống ở chỗ nước sạch và thích ăn các loại phù sinh nên ruột cá nhiều mỡ trắng sạch pha chút mật cá đắng dịu có tác dụng chữa bệnh mất ngủ kinh niên, bồi bổ
sức khỏe cho người già yếu và trẻ em cũng như phụ nữ mới sinh xong.
Cá nâu mới được bắt lên có thể chế biến ra rất nhiều món hấp dẫn. Giản đơn nhất là kho ngọt,
nấu canh chua, nấu cháo… Muốn phong phú hương vị, nhiều màu sắc thì kết hợp với những nguyên liệu như nấm, bún, cà chua và mang đi hấp cách thủy. Nhưng khi đã nhắc đến cá nâu, những tín đồ mê ẩm thực không thể không nhắc đến món cháo cá nâu dân dã.
Cá nâu tươi rói, không cần làm mang, ruột. Tuyệt đối không cắt cá, để nguyên con (theo kinh nghiệm của ngư dân, cá nâu nếu cắt thịt cá sẽ đắng, không ngon). Cá rửa sạch, ướp cùng hạt tiêu giã nát, hành tím, chút nước mắm nhĩ cá cơm biển Cù Lao Chàm. Nguyên liệu để sử dụng nấu cháo là gạo mùa vừa mới gặt cùng một ít đậu xanh đã cà vỏ (có thể thêm cà rốt cắt hạt lựu nếu nhà có trẻ nhỏ hay người già).
Bắc nồi nước, chờ sôi cho cá đã ướp vào luộc rồi vớt ra. Dùng nước luộc cá cho gạo, cà rốt, đậu xanh ngâm sẵn vào nấu cháo. Khi gạo và đậu nhừ, cho cá vào lại, nêm gia vị rồi bắc nồi xuống.
Cháo cá nâu không được đặc, cũng không được loãng quá, vừa sánh là được. Cháo phải thưởng thức khi còn nóng, ăn đến đâu múc từ nồi ra tô tới đó. Chuẩn bị rau răm, hành ngò cắt nhỏ cho vào tô cháo. Vắt tí chanh, cắn thêm trái ớt thiệt cay, vừa ăn vừa thổi, xì xà xì xụp, cứ thế đến khi hết cháo mà tô vẫn còn nóng hổi mới đúng điệu
ăn cháo cá nâu. Nhiều người “mê” nước mắm còn chuẩn bị hẳn một chén nhỏ, thi thoảng lấy thìa múc chút xíu nước mắm thêm vào cháo, cháo sẽ ngọt và đậm đà hơn.
Cái ngon ngọt thơm béo vừa gây cảm giác lạ lùng của cá, vị bùi bùi của đậu và gạo, hương thơm dậy mùi của hành ngò, hương vị chanh thanh thanh lẫn cay nồng tiêu ớt… Tất cả hòa quyện làm nên một món
hải sản dân dã khiến thực khách phải “nín khẩu mà ăn”.
Phan Thị Thanh Ly