Người Sài thành ăn món Huế ngon nức tiếng ở quán 'có tuổi nhưng không có tên'
Đồ ăn được chủ quán đựng trong tô, đĩa có điểm xuyết thêm vài vết sứt, mẻ… đúng phong cách Huế, nho nhã mà chân quê, mộc mạc.
Gọi một tô bún hến, một cơm hến rồi vừa ăn vừa trò chuyện với mụ o bán hàng nói giọng Huế đặc sệt… nhiêu đó thôi cũng đủ để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.
Thời tiết Sài Gòn đỏng đảnh như gái xuân thì. Khi bất chợt nắng, lúc bất chợt mưa như xưa nay vẫn vậy. Những cơn mưa, ngoài việc giúp “rửa sạch khói bụi thành phố” thì còn làm những con người ở mảnh đất “chưa mưa đã thấm”, như tôi… chợt thấy nhớ quê nhà da diết.
VIDEO: Tìm ăn món Huế tại quán "có tuổi nhưng không tên" - Thực hiện: Lưu Trân
|
Nếu như không có ai để “tay bắt mặt mừng”, thì tôi sẽ lại tìm ăn những món miền Trung với cái vị vừa mặn mà, vừa cay đến xé lưỡi…
Như chiều nay, tôi ghé quán O Thu, gọi một tô bún hến, một cơm hến rồi vừa ăn vừa trò chuyện với mụ o bán hàng nói giọng Huế đặc sệt… nhiêu đó thôi cũng đủ để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.
Đó là một quán ăn nhỏ, nằm trong con hẻm 284 Lê Văn Sỹ (quận 3), không tên, không biển hiệu, chỉ có tấm bạt cũ đã ngả màu vàng ố, ghi dòng chữ “Bún hến – Cơm hến” ở trên cao, ai không để ý thì chắc chắn không thể đọc được. Có lẽ vì vậy, nhiều thực khách ghé ăn đã đặt cho quán cái tên khá ấn tượng “quán có tuổi nhưng không có tên”.
Chủ quán là bà Thu, người ta vẫn hay gọi là O Thu (48 tuổi): “Tui vô đây lâu rồi, chắc cũng hơn 20 năm. Mà trước bán cái khác, từ hồi năm 2006, 2007 thì bắt đầu bán bún hến, cơm hến. Bán tới chừ cũng được hơn mười năm”.
O Thu kể, ngày trước chỉ bán hai món bún và cơm hến thôi, sau này nhiều khách gợi ý nên bán thêm các món khác như: bún mắm nêm, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ướt, bún bò Huế… “Cứ rứa mà mình làm thêm nhiều món hơn, chừ là quán tui có tổng cộng mười một món. Trừ bún bò 30.000 đồng thì mấy món khác đồng giá 20.000 đồng hết”, bà chủ liệt kê hết sức chi tiết.
Theo lời O Thu, công việc đi chợ mua nguyên liệu, chuẩn bị nấu nướng sẽ bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng. “Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng thì đến khoảng 2 giờ chiều là dọn bán. Bán tới 8 giờ tối, hay tới chừng mô mà hết thì dọn nghỉ. Rau rá, đồ tươi thì mua ở chợ. Bánh bột lọc, bánh bèo thì tự làm. Riêng mắm là tui đem từ ngoài Huế vô, chớ mắm trong ni không ngon”, O Thu nói.
Nhận xét khách quan của tôi thì, quán bán trên vỉa hè nhưng lại khá sạch sẽ, không bừa bộn giấy ăn dưới đất như nhiều chỗ khác. Có lẽ một phần vì dưới mỗi bàn đều được chủ quán cẩn thận đặt một thùng rác nhỏ, phần còn lại là từ ý thức giữ vệ sinh của thực khách khi ăn.
Một thực khách tên Hạnh cho biết: “Lần đầu ăn bún hến ở đây là hồi mình học ĐH năm nhất. Mình người gốc Huế mà, vô đây học nên thèm ăn món quê là chỉ có ghé đây hoặc phải chạy lên tuốt Tân Bình. O Thu bán hàng vui lắm, xin thêm cái gì cũng cho. Mình ăn quen rồi nên nhiều lúc còn được khuyến mãi thêm nhiều hến, nhiều da heo chiên giòn”.
“Tôi rất thích hương vị đồ ăn ở đây. Nói thật lòng, ở thành phố mà tìm được một quán bán đồ ăn Huế đúng vị mà giá rẻ như vậy không hề dễ. Ngoài món bún, cơm hến thì tôi hay ăn bún mắm nêm với bánh bột lọc nữa. Mắm rất ngon, hến cũng chế biến sạch sẽ. Nói chung là ok”, thực khách tên Thông khá hài lòng.
Cơm và bún hến ở đây được chế biến kiểu truyền thống thường thấy. Sau khi cho hỗn hợp rau gồm bắp chuối, dọc mùng, rau muống, rau thơm, bạc hà cắt sợi nhỏ vào tô, tiếp theo sẽ là một lớp bún (hoặc cơm), sau đó tới thịt hến. Dĩ nhiên là không thể thiếu một muỗng đậu phộng rang, tương ớt, muỗng ruốc nhỏ, và cho thêm nhúm bì heo chiên giòn bên trên...
Ăn kèm với bún hến, cơm hến sẽ có một chén nước canh được nấu từ nước luộc hến. Thực khách có thể ăn xong phần khô rồi húp từng muỗng canh nóng hổi, hoặc cũng có thể chan luôn canh vào cơm, bún rồi ăn… Có lẽ vì những nguyên liệu làm nên món này khá đơn giản và rẻ, cũng như cách ăn “nhà quê” này mà món cơm hến, bún hến ngày xưa thường xếp vào hàng những món “con nhà nghèo”.
Còn gì thích thú hơn khi được ngồi giữa không gian thoáng mát, bình dị và cảm nhận cái vị ngòn ngọt của hến, vị mặn và cay của mắm nêm, tương ớt.
Đang cay đến chảy nước mắt rồi lại húp cái “rột” một muỗng nước hến ngọt thanh đang bốc khói bên cạnh… Đảm bảo chẳng người nào có thể quên được cảm giác sung sướng “chuẩn từng centimet” đó.
Một điểm độc đáo nữa khi thưởng thức các món ăn tại đây nằm trong khâu trình bày. Gọi là trình bày cho “sang”, thực chất thì đồ ăn được chủ quán đựng trong tô và đĩa có kích thước nhỏ hơn bình thường một chút, ngoài ra còn điểm xuyết thêm vài vết sứt, mẻ… đúng phong cách Huế, nho nhã mà chân quê, mộc mạc.
Đến tầm 18 giờ, khách bắt đầu đông kín chỗ ngồi. Ba người, gồm cả O Thu và hai chị gái phụ bán phải làm liên tục mới kịp. Người xếp rau, xếp bún, cơm, người thì cho gia vị, múc canh ra chén, người tính tiền cho khách.
Dù bận rộn không có lúc ngơi nghỉ, nhưng chủ quán luôn vui vẻ, niềm nở và “hào phóng” cho thêm hến, bún, cơm… nếu khách có nhu cầu.
Rời quán khi cái bụng đã no nê và nỗi nhớ nhà cũng phần nào dịu xuống. Trước khi quay trở lại với guồng quay công việc vội vã, tôi tự cho phép bản thân mình được ung dung dạo khắp phố Sài Gòn, thỉnh thoảng đưa mắt tìm kiếm xem có ai mang “biển số xe đồng hương” không, đó cũng như một thói quen khó bỏ.
Công nhận, nỗi nhớ có rất nhiều cách để thể hiện, mà một trong số đó là tìm ăn món ăn mang hương vị quê nhà…
Lưu Trân