NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

5 món ăn đặc sản Nha Trang

on .

Đến với Nha Trang, Khánh Hòa, du khách ngoài việc tận hưởng khí hậu tuyệt vời của miền biển thì đừng quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng nơi đây.

1. Nem Ninh Hòa

Nem Ninh Hòa nổi tiếng cả nước nhờ hương vị thơm ngon đặc biệt. Người làm nem lựa chọn nguyên liệu một cách cầu kỳ: phải là loại heo ở địa phương "vùng đất đỏ", phần thịt làm nem phải là nạc ròng ở đùi heo.

Công việc giã thịt làm nem được làm thủ công. Thịt đang còn nóng bỏ vào cối giã liền tay không được ngưng nghỉ, vừa giã vừa gia thêm đường, muối vừa đủ, lại phải biết tăng giảm độ giã mạnh nhẹ khác nhau vào thời điểm thích hợp để thịt nhuyễn, có độ dai vừa đủ. Bì heo sau khi luộc vừa chín tới vớt ra để ráo nước, nạo sạch mỡ, thái mỏng như sợi miến. Trộn hai thứ thật nhuyễn vào nhau rồi dùng lá chùm ruột (hoặc lá vông) gói lại.

Nem gói ba ngày thì đủ độ chua. Ăn nem chua kèm với tép tỏi, vừa có hương vị đặc biệt, vừa có độ dai, giòn sừn sựt trong miệng là thứ đồ nhậu rất được du khách ưa chuộng.

Ngoài nem chua, còn có nem nướng. Nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn, có thêm chút mỡ hạt lựu và một số gia vị như tỏi, đường, tiêu, muối... viên lại, mỗi chiếc bằng đầu ngón tay cái rồi xiên hoặc kẹp nướng trên than hồng.

Nem nướng được cuốn bằng bánh tráng kèm thêm chút sà lách, chuối chát, khế, dưa leo, tía tô, rấp cá, hẹ... chấm vào thứ nước chấm hỗn hợp gồm tương trộn thịt nạc băm, đường, muối, tỏi, ớt, đậu phộng và một số gia vị khác.

Nem nướng được ăn quanh năm nhưng thú nhất là khi không khí ngoài trời se lạnh, ngồi cạnh bếp lửa hồng nghe những giọt mỡ chảy xèo xèo trên than lửa bốc mùi thơm ngào ngạt, chưa ăn đã thấy hấp dẫn.

2. Bún sứa Nha Trang

Bún sứa Nha Trang là một món ăn đặc trưng miền biển, không chỉ những người dân địa phương yêu thích mà nhiều khách du lịch đến đây cũng không quên thưởng thức. Đặc biệt, khi thời tiết bắt đầu nóng lên, sứa là món ăn ngon, bổ, mát và có tính giải nhiệt cao.

Sứa để làm bún sứa là loại nhỏ bằng đầu ngón chân cái hoặc ngón tay cái, màu trắng đục, thành dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Loại sứa này do các ngư dân vớt tận các đảo xa. Nước dùng được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ lớn chừng ba ngón tay phần đuôi thắt lại trông như cái nơ nhỏ, không xương nhỏ và ngọt lừ.

Ngoài ra còn có chả cá bao gồm các loại cá trứ danh: thu, nhồng, đối... được lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn và dai, sau đó vo thành viên nhỏ rồi hấp chín.

Khi ăn, chỉ cần lấy bún, rau ghém, sứa đã rửa sạch và vài viên chả cá cho vào tô, chan nước dùng nóng hổi là đã thành tô bún ngọt vị cá, giòn tươi từng miếng sứa.

3. Bánh ướt Diên Khánh

Bánh ướt Diên Khánh có thành phần tương tự như bánh cuốn miền Bắc, chỉ khác là bánh cuốn có nhân, bánh ướt thì không nhân.

Nguyên liệu chính làm bánh ướt là bột gạo pha chung với một ít bột lọc để khi tráng bánh mỏng nhưng không bị rách, bánh vừa mềm và hơi dai. Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên lớp màng vải mỏng được căng trên một nồi hơi. Quá trình hấp bột sẽ tạo thành một màng mỏng gọi là bánh, thời gian hấp từ 1 đến 2 phút tùy độ dày của bánh.

4. Cá Tà ma

Cá Tà ma là một loại cá sống nhiều ở biển Nha Trang, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên Tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy.

Ăn cá Tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo.

Đặc biệt, làm cá tà ma là không được bỏ ruột vì ruột cá tà ma nhiều và ngon hơn cả ruột gà. Thịt cá tà ma chế biến xong có màu trắng tươi, không tanh, vị dai và rất ngọt.

5. Bánh căn Nha Trang

Bánh căn là một loại bánh khá là phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy bánh căn ở bất cứ nơi nào ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bánh căn ở Nha Trang có hình dáng gần giống với bánh khọt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cách làm lại hoàn toàn khác.

Cũng như bánh xèo, ăn bánh căn vào lúc sớm lạnh hay trời mưa rỉ rả là thú vị nhất. Quanh bếp lửa ấm nồng, người bán nhanh tay xoa dầu vào khuôn, quậy bột múc vào, đậy nắp, nở nắp, xúc mẻ bánh rất nhanh.

Bài viết có sử dụng thông tin tham khảo từ trang nhatrangtravel theo sự giới thiệu của Sở VH,TT&DL Khánh Hòa.

Ngọc Khánh

Nguồn: http://www.baomoi.com/5-mon-an-dac-san-Nha-Trang/c/18065570.epi