Săn tôm càng ở những dòng thác bạc
Những con tôm có chiếc càng to sống nơi ghềnh thác trên các huyện miền núi Quảng Ngãi mới nhìn đã thấy kỳ lạ và cách đánh bắt chúng còn kỳ lạ hơn.
Giỏ tôm có chiếc hom là vật dụng không thể thiếu khi săn tôm càng.
Quảng Ngãi có nhiều thác đẹp như thác Lụa (Sơn Tây), thác Trắng (Minh Long), thác Cao Muôn, Lũng Ồ, Pờ Ê (Ba Tơ).
Nhiều bạn trẻ trong những ngày nghỉ cuối tuần kéo nhau đến thác quay phim, chụp hình, ngâm mình trong dòng nước mát lạnh mà chẳng hề biết dưới dòng nước mát ấy có loài tôm mỗi con có một chiếc càng to mà khi đánh bắt được đem nướng qua lửa than hồng thơm nứt mũi.
Rồi khi tôm chín đem chấm muối ớt đưa vào miệng thì thịt tôm săn chắc béo ngậy cộng với cái cay cay, mằn mặn của muối ớt nghe thật đậm đà. Ăn vài con rồi nhấm nháp ly rượu gạo sủi tăm bên dòng thác sẽ thấy thật đã đời khi thăm thú miền tây Quảng Ngãi.
"Ban ngày, bên dòng thác của hồ Tôn Dung có nhiều người đi câu cá, tắm nên làm tôm “kinh động” nên không thể "săn" được. Nhưng khi chiều xuống, người đi tắm, đi câu rời khỏi những dòng thác thì mình phải nhanh tay tính chuyện của mình" - ông Đinh Văn Tuôi, người dân tộc H’Re sống bên hồ Tôn Dung, thị trấn Ba Tơ cả đời săn tôm càng, kể.
“Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông” là kinh nghiệm nên khi mặt trời xuống núi càng phải tập trung cho công việc hơn bao giờ hết”.
Khác với việc săn loài tôm đất ở vùng nước lợ phải có mồi nhử, săn tôm càng bên suối thì chẳng cần miếng mồi nào. Người săn tôm càng chỉ việc chọn bên bờ của dòng thác có dòng nước nhỏ chảy xuống những phiến đá và lấy những hòn đá nêm kín xung quanh.
Chính giữa chừa khoảng trống để đặt một giỏ tre đan khá kín, trên mặt giỏ tre có hom để tôm theo dòng nước bơi vào giỏ.
Thác Trắng (huyện Minh Long), nơi sinh sôi của loài tôm càng - Ảnh: V.Q.Cầu |
Những dòng thác bạc ở miền tây Quảng Ngãi là nơi có nhiều tôm hùm sinh sống - Ảnh: V.Q.Cầu |
Ở một số dòng thác đôi bờ không có những dòng nước nhỏ, người săn tôm dùng những đoạn tre dài chừng 4m đem đục thủng mắt và khoét lỗ gần giống như khoét ống sáo, đặt một đầu của ống tre nơi dòng thác, đầu còn lại chúc xuống phía dưới là những tảng đá tạo nên dòng nước mới.
Phía dưới ống tre nên chọn nơi có tảng đá bằng phẳng rồi xếp những hòn đá xung quanh, chính giữa mắc giỏ tre vào.
Loài tôm càng bên thác lúc chạng vạng bắt đầu đi tìm mồi. Chúng bơi lững lờ phía trên dòng thác, thấy ống tre hay khe nước chảy là bơi theo và lập tức bị cuốn theo dòng nước mà không búng ra ngoài. Để rồi kết cục chúng nằm gọn trong giỏ tre.
Người săn tôm sau một đêm kê đá, đặt ống tre, đặt giỏ, sáng sớm quay lại mở những giỏ tre rồi tháo chiếc hom ra để bắt tôm.
Do việc săn tôm càng bắt đầu lúc ban chiều và kết thúc lúc mờ sáng nên nhiều bạn trẻ dù đã đến thăm thú nhiều thác ở Quảng Ngãi, thậm chí được thưởng thức món tôm càng nhưng chẳng mấy khi thấy được cách săn bắt tôm bao giờ.
Ông Đinh Văn Tuôi, dân tộc H’Re ở thị trấn Ba Tơ, “treo” mình bên dòng thác ở khu vực hồ Tôn Dung để xếp đá đặt giỏ tre săn tôm càng.
Không có nhiều dòng nước tự nhiên nên phải dùng đoạn tre để tạo dòng nước mới đặt giỏ săn tôm càng.
Tôm càng sống bên dòng thác bắt được không nhiều nên đồng bào thường lấy tôm càng săn được đem nấu cháo cho trẻ em, người già yếu. Khi có khách đến thăm nhà, chủ nhà người H’Re lấy tôm càng đem nướng và giã chén muối ớt để mời và dùng rượu cần đưa cay.
Trong men say của rượu với cái béo ngậy, thơm, dai của tôm càng nướng, nếu biết gợi ý khách còn có dịp được chủ nhà là những già làng kể về những giai thoại của người H’Re, những sản vật nơi đại ngàn.
Lúc đó bạn sẽ hiểu hơn bên những nếp nhà sàn, bên những dòng suối bạc có lắm điều kỳ thú.
Nguồn: http://www.baomoi.com/San-tom-cang-o-nhung-dong-thac-bac/84/17189640.epi