Điều hấp dẫn nằm ở sự thay đổi
Những cơ hội rộng mở ở Mỹ
Nguyễn Thị Khôi tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành khoa học và kỹ thuật vật liệu tại Đại học Tổng hợp Illinois Urbama – Champaign (một trong hệ thống năm trường của Đại học Tổng hợp Illinois, đứng thứ tư theo bảng xếp hạng US News – Reports về ngành khoa học vật liệu). Hướng nghiên cứu của chị tập trung vào vật liệu graphene, ống nano carbon và các kết quả nghiên cứu đã được công bố ở những tạp chí uy tín nhưPhysical Review Letters, ACS Nano, Journal of the American Chemical Society.
Sau khi tốt nghiệp, TS. Khôi được nhận vào làm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Lawrence Berkerly (một trong những trung tâm nghiên cứu vật lý quan trọng của thế giới). Nhưng chị từ chối vì công việc “tương tự như những gì tôi đã làm luận án Tiến sĩ. Tôi muốn làm một đề tài khác, thử thách mình với cái mới”.
Tình cờ, chị để ý đến một nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia (Sandia National Laboratories - SNL) khi họ giới thiệu về công việc của mình ở hội chợ việc làm của trường được tổ chức trước ngày chị tốt nghiệp vài tháng. Họ đang thực hiện một đề tài nghiên cứu do Bộ Năng lượng Mỹ tài trợ khoảng 10 triệu USD từ năm 2006 với hướng nghiên cứu về “chấm lượng tử silicon cho máy tính lượng tử”. Tuy là dân “ngoại đạo” đối với lĩnh vực này, nhưng chị vẫn nộp đơn xin ứng tuyển. Mặc dù đã qua được những vòng phỏng vấn, thuyết trình, trao đổi với các thành viên trong nhóm nghiên cứu một cách thuyết phục, nhưng để được nhận vào làm việc tại SNL, người tuyển dụng còn phải đề nghị nhà quản lý chấp nhận TS. Nguyễn Thị Khôi, người chỉ có visa ngắn hạn J1 như một trường hợp ngoại lệ, bởi SNL là một phòng thí nghiệm thực hiện nhiều chương trình quốc gia về an ninh, quốc phòng, công nghiệp vũ trụ, yêu cầu sự bảo mật cao và chỉ tuyển công dân Mỹ và người có visa làm việc H1B.
Nhóm nghiên cứu cũ của TS. Nguyễn Thị Khôi ở SNL gồm hơn 60 người, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau: vật lý, khoa học máy tính, điện – điện tử, khoa học vật liệu… được tổ chức thành ba đội: đội chuẩn bị mẫu, đội đo đạc, đội mô phỏng. Trong những đội này, lại có những nhóm ba-bốn người theo đuổi những đề tài khác nhau. Ở đội đo đạc, công việc của TS. Nguyễn Thị Khôi là thiết lập hệ đo để đọc được trạng thái spin của điện tử trong chấm lượng tử silicon. Khác với máy tính truyền thống dựa vào transistor, lưu trữ thông tin dưới dạng các trạng thái 0 và 1, máy tính lượng tử sử dụng các qubit, cụ thể là các trạng thái spin. Nhiệm vụ của người đo đạc là phải đọc được trạng thái spin trong từng thời điểm. Đó mới chỉ là một trong những điều kiện nền tảng để tạo ra một máy tính lượng tử dựa vào spin qubit.
Trong một lần tình cờ đọc kết quả của một nhóm đo đạc khác, TS. Nguyễn Thị Khôi nghi ngờ đoạn gấp khúc ở đường cảm ứng điện tích không phải là sai số do thực nghiệm như mọi người vẫn nghĩ. Để kiểm nghiệm giả định của mình, chị xin phép tổ đo đạc trên cho sử dụng hệ đo và thiết bị trong hai ngày cuối tuần và nhận thấy rằng, đó là một khuyết thiếu có hệ thống. Chị tìm cách thuyết phục trưởng nhóm nghiên cứu cho phép tổ đo đạc trên và nhóm mô phỏng tính toán cùng tham gia thực hiện đề tài này. Kết quả nghiên cứu của TS. Khôi (sau đó được đăng trên tạp chí Nano Letter) đã đưa ra một phương thức mới và bền vững hơn trong việc khảo sát và điều khiển spin.
Khởi đầu lại ở Việt Nam
Dự án nghiên cứu mà nhóm của TS. Khôi thực hiện tại SNL là một trong những dự án lớn và quan trọng về máy tính lượng tử với nguồn tài trợ đều đặn, môi trường làm việc có thể được coi là lí tưởng đối với những nghiên cứu sinh sau tiến sĩ bởi SNL được coi là một trong những địa chỉ để làm nghiên cứu tốt nhất nước Mỹ cho những người làm postdoc, theo tạp chí The Scientist năm 2010. Tuy nhiên, sau ba năm làm việc tại SNL, TS. Khôi phải rời khỏi Mỹ ít nhất là hai năm theo quy định của học bổng VEF. Lúc đó, chị có ba lựa chọn: làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia, Canada (National Research Council – NRC), đến University College London, Anh (một trong 100 trường đại học hàng đầu về khoa học vật liệu trên thế giới do US. News và World Report bình chọn) hoặc trở về Việt Nam. Trái với suy nghĩ của nhiều người, chị không do dự khi trở về nước.
TS. Nguyễn Thị Khôi có một so sánh “vui”: “Tôi đang ở Mỹ với điều kiện tốt như vậy, đến bây giờ về Việt Nam, tôi cũng không bao giờ so sánh đó là “đồ chợ” với “hàng hiệu”. Luôn luôn là lựa chọn ở đây hay ở kia mà thôi. Trong khi môi trường ở các nước phát triển có một sự ổn định giống nhau thì Việt Nam là một môi trường có quá nhiều thứ đang chờ đợi và khó đoán trước. Với tôi, điều đó có một sức hấp dẫn riêng”.
Sau khi trở về Việt Nam vào giữa năm 2014, theo lời giới thiệu của một người bạn, chị về làm việc tại Viện Tiên tiến KH&CN (AIST), Đại học Bách Khoa. Có ba lí do là: cơ sở vật chất tốt, tập thể năng động và người lãnh đạo có tầm nhìn. Về người lãnh đạo, chị nói: “Don’t pick your job, pick your boss” (Đừng lựa chọn việc làm, hãy chọn sếp cho mình). Viện trưởng AIST, PGS.TS. Phạm Thành Huy, theo TS. Khôi là một người công bằng, sẵn sàng giao cơ hội cho những người trẻ và tập hợp được một đội ngũ trẻ, có sức bật, dám liều, dám thử. Mà đối với chị, một người lãnh đạo tốt là người sẵn sàng giao trách nhiệm, tạo cho những người trẻ sự tự tin dù họ chưa có kinh nghiệm. Cũng như ở SNL, trưởng nhóm nghiên cứu đã giao cho chị toàn quyền quyết định việc thực hiện đề tài. Đó không chỉ là “điều kiện cần” đối với lãnh đạo của những viện nghiên cứu mà còn cả những người hoạch định chính sách.
Theo TS. Nguyễn Thị Khôi, để thu hút người trẻ từ nước ngoài trở về, ngoài đầu tư kinh phí vào những lĩnh vực nghiên cứu cụ thể với mục tiêu rõ ràng, còn phải trao cơ hội cho những người sẽ dẫn đầu những lĩnh vực đó. Về phần mình, gác lại hướng nghiên cứu đã thực hiện ba năm tại Mỹ, TS. Nguyễn Thị Khôi chuyển sang hướng nghiên cứu tính chất quang điện tử của vật liệu nano, định hướng ứng dụng trong công nghiệp… Chị chưa bao giờ nghĩ rằng, vì từng có chín năm học tập và làm việc tại Mỹ mà mình nên được trọng dụng hơn người khác.
“Chế độ đãi ngộ không căn cứ trên việc bạn được đào tạo ở trong nước hay nước ngoài mà căn cứ trên yêu cầu công việc cụ thể. Chế độ đãi ngộ phải tương xứng với kì vọng, trách nhiệm đặt vào mỗi cá nhân, xứng đáng với thời gian, công sức, tâm huyết cá nhân đó bỏ ra. Tuy nhiên, quan trọng hơn lại là một môi trường cho người làm khoa học có cơ hội cống hiến, phát triển năng lực và thể hiện được sự sáng tạo. Nếu không thì với đãi ngộ nào chăng nữa cũng giống như tạo ra căn phòng có đầy đủ cửa sổ và cửa chính nhưng không có khoảng trống bên trong.” (TS. Nguyễn Thị Khôi)
Nguồn: http://www.baomoi.com/Dieu-hap-dan-nam-o-su-thay-doi/c/17395573.epi