Tạo điều kiện để các tiến sĩ trẻ về nước
Bài viết của GS. Pierre Darriulat trên Tia Sáng số ra ngày 20/4 bàn về hai giải pháp chống lãng phí chất xám của thế hệ trẻ là khởi đầu cho một cuộc trò chuyện giữa ông và các cán bộ Viện Tiên tiến KH&CN (AIST), Đại học Bách khoa Hà Nội. Mặc dù bài viết là đề xuất của GS. Pierre đối với những nhà hoạch định chính sách nhưng buổi gặp gỡ lại mang đến những câu chuyện và giải pháp xuất phát từ cá nhân và các tổ chức nghiên cứu.
Trầy trật trở về
“Mình muốn về nhưng cũng chẳng biết Việt Nam có gì để mình làm”- một cán bộ nghiên cứu ở Viện AIST, kể lại con đường từ Pháp về Việt Nam sau khi học xong tiến sĩ: mặc dù đã đặt ra hướng nghiên cứu lâu dài sau khi về nước nhưng khi gửi email giới thiệu về bản thân và dự định của mình tới các đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam để tìm hiểu cơ hội làm việc thì phần lớn đều không hồi âm.
Ở AIST- nơi 90% cán bộ được đào tạo ở nước ngoài, đó chẳng phải là chuyện lạ, ai cũng kể lại câu chuyện tương tự như thế với một giọng điệu hài hước. Đa số từng chẳng lưỡng lự gì trong việc lựa chọn trở về nhưng để kết nối với giới nghiên cứu trong nước sau bốn năm năm làm “cánh chim tự do” ở nước ngoài thì thật khó khăn: không có một mạng lưới nhà khoa học nào để liên lạc; các diễn đàn tự phát trên mạng thì “đóng cửa” sau một, hai năm thảo luận; các website của các viện trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thì “không thèm” cập nhật. TS. Lê Thị Tâm, Viện AIST, trong buổi trao đổi đã chia sẻ rất thành thật rằng, trong suốt hai năm từ Đức trở về Việt Nam, vì không có mạng lưới người tham vấn và thầy “đỡ đầu”, chị từng cảm thấy “không biết tiếp tục như thế nào và tưởng như không trụ nổi với công việc nghiên cứu”.
Xác định việc trở về nước còn “trầy trật” như vậy nên khoảng 90% số nghiên cứu sinh được cử đi học nước ngoài đều quyết định ở lại. PGS. Phạm Hoàng Lương, Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội, từng tổ chức một chương trình thu hút các sinh viên và nghiên cứu sinh trẻ nhận học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học cho biết, đến năm 2012, trên tổng số 267 người đi học tại Mỹ (cả Thạc sĩ và Tiến sĩ), chưa đầy 30 người quay trở lại Việt Nam.
Không phải chỉ riêng trong buổi trò chuyện, GS. Pierre Darriulat đã từng đề cập nhiều lần về vấn đề lãng phí chất xám ở Việt Nam và không dưới ba lần ông đưa ra thực trạng đáng buồn trong lĩnh vực vật lý hạt nhân: Suốt hai mươi năm đầu tư cho lĩnh vực này, Việt Nam vẫn chưa có đủ số kỹ sư và nhà khoa học để vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nếu không muốn nói là chỉ có một chuyên gia về lý thuyết hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học KHCN Việt Nam. Những người được gửi đi học ở nước ngoài trong lĩnh vực này, hoặc không trở về hoặc trở về và chuyển sang ngành khác. “Khi một người được gửi đi học ở nước ngoài, họ bị bỏ mặc để tự lo liệu. Không một đồng nghiệp nào ở viện nghiên cứu trong nước theo dõi và trao đổi với họ về những gì trong nước đang thực hiện”.
“Nguyên nhân của những thực trạng ấy không phải chỉ do chúng ta” – GS. Pierre nói, mà còn xuất phát từ trách nhiệm của những nhà quản lý và hoạch định chính sách khi họ không thể hiện nỗ lực nào trong đào tạo khi không đưa ra được một tài liệu (nếu có thì số đông cũng không được tiếp cận) về thị trường lao động. Còn phụ huynh chọn trường và chọn ngành cho con dựa vào cảm tính với quan niệm đại học là nơi nâng cao vị thế xã hội của cá nhân, là cách để học sinh có một cuộc sống sung túc hơn sau khi tốt nghiệp.
GS. Pierre kể lại rằng, cách đây 60 năm khi ông tốt nghiệp đại học tại Pháp, hàng loạt các cơ sở nghiên cứu và phòng thí nghiệm quảng cáo về chương trình và kế hoạch của họ để “mời gọi” sinh viên và nghiên cứu sinh. Nhưng “không khí” ấy chưa bao giờ có ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng, nhà nước cần hình thành một cơ quan thu thập dữ liệu về thị trường Việt Nam và các kênh đào tạo, cần xây dựng chiến lược và tầm nhìn về nhu cầu KH&CN của quốc gia trong hai thập kỉ tới; cần quảng bá rộng rãi cho công chúng về những gì chúng ta cần trong mỗi lĩnh vực. Đó là cách để cho thế hệ trẻ có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp, để họ có một cách nhìn sâu sắc hơn trong việc tham gia vào công việc mà đất nước cần.
Tạo ra một căn phòng với khoảng trống
“Top-down is better but bottom-up is always good” (Cải cách từ trên xuống có thể tốt hơn nhưng từ dưới lên thì luôn luôn hiệu quả) – PGS. Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện AIST, cho biết, trước khi “chờ” định hướng từ nhà nước, mỗi tổ chức nghiên cứu phải tự tìm ra giải pháp cho riêng mình để thu hút trí tuệ từ nước ngoài. Giữ liên lạc với những nghiên cứu sinh mình gửi đi học là điều đương nhiên mà mỗi tổ chức nghiên cứu phải thực hiện nếu muốn giữ chân những người có năng lực. Trên thực tế, theo PGS. Phạm Thành Huy, phần lớn mọi người trở về vì mối quan hệ thân thiết với người thầy của mình.
Để tạo được mối liên hệ như vậy, GS. Pierre Darriulat đề xuất một chương trình khá phổ biến ở Pháp: Hai trường đại học tại hai nước khác nhau sẽ cùng kết hợp đào tạo nghiên cứu sinh. Theo đó, mỗi nghiên cứu sinh sẽ dành khoảng 1/3 quãng thời gian học tập của mình ở trong nước và thời gian còn lại tại nước ngoài. Luận văn của họ có thể được viết bằng tiếng Anh nhưng phần tóm tắt sẽ được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Như vậy, cơ sở nghiên cứu trong nước không chỉ giữ liên lạc với nghiên cứu sinh của mình mà còn có được dữ liệu hoặc những cán bộ mới do nghiên cứu sinh kia mang đến.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang triển khai một chương trình tương tự với một số đại học đối tác. Theo đó, để hồ sơ du học của mình được chấp nhận, mỗi nghiên cứu sinh phải tự tìm cho mình hai người hướng dẫn, một tại Việt Nam và một tại cơ sở đối tác. Bên cạnh đó, để thu hút sinh viên được tài trợ bởi học bổng VEF về Việt Nam, PGS Phạm Hoàng Lương cho biết, ông cũng tham gia thiết lập một chương trình kêu gọi du học sinh quay trở về đóng góp cho đất nước, đồng thời thiết lập một mạng lưới gồm các nhà khoa học trong nước quảng bá mạnh mẽ các chương trình nghiên cứu để những nghiên cứu sinh trở về có thể tham gia.
Theo GS.Pierre Darriulat, ở Việt Nam, mọi người không coi trọng nhóm nghiên cứu mà chỉ ca ngợi những cá nhân đơn lẻ. Ông rất không đồng tình với những đề tài mang tính ngắn hạn của quỹ Nafosted với nhóm thực hiện đến với nhau khi có đề tài và tan rã khi nó kết thúc. Giáo sư nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, điều tối quan trọng với mỗi nhà khoa học là phải biết xây dựng nhóm nghiên cứu của riêng mình và nếu cần, phải đấu tranh để được làm việc trong nhóm. |
Mặc dù tình trạng chảy máu chất xám diễn ra khá nghiêm trọng ở Việt Nam mà GS. Pierre gọi đó như một “dịch bệnh” nhưng để vận động những nhà khoa học ở nước ngoài quay trở về Việt Nam hoặc ít nhất là đóng góp cho nghiên cứu khoa học trong nước không hề khó khăn. “Dân khoa học chúng ta nếu thích tiền thì đã không làm khoa học. Quan trọng nhất là môi trường làm việc”– GS. Hoàng Ngọc Long (Viện Vật lý) chia sẻ. Môi trường làm việc tốt, theo ông, là nơi có những người thầy “đủ nguồn ý tưởng khoa học, đủ đam mê để truyền cho học trò đi theo” và những nhà khoa học, không đơn giản là các tiến sĩ ở nước ngoài về mà là người có đủ trình độ để đặt ra những bài toán có thể giải quyết lâu dài.
Từng có chín năm học tập và làm việc tại Mỹ , TS Nguyễn Thị Khôi chia sẻ một góc nhìn khác về một môi trường tốt rút ra từ kinh nghiệm của cô khi làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Sandia (Mỹ): “Khi phỏng vấn các nghiên cứu sinh cho dự án Mahattan, điều mà chúng tôi quan tâm là họ thông minh như thế nào, họ giải quyết những vấn đề trong quá khứ ra sao, khả năng thích ứng của họ với môi trường mới chứ không phải là kinh nghiệm hay thâm niên nghiên cứu. Chính vì thế, điều mà các nhà nghiên cứu trẻ cần là một môi trường mà họ được những người đứng đầu tin tưởng vào khả năng và đam mê của họ, trao cho họ cơ hội để họ có thể tạo ra sự khác biệt.” Theo cô, nếu không có điều đó thì dù tạo ra những ưu đãi nào chăng nữa cũng giống như xây một căn phòng có đầy đủ cửa sổ và cửa ra vào nhưng lại không có khoảng trống cho những con người mới.
Biến mình thành người lãnh đạo
Sự thay đổi không chỉ bắt nguồn từ người đứng đầu viện nghiên cứu mà còn phải từ bản thân mỗi nhà khoa học trẻ. Theo TS. Lê Anh Tuấn (trưởng phòng Công nghệ Nano, Viện AIST), từ kinh nghiệm cá nhân của riêng anh, mọi người cần phải mạnh dạn và dám thử những cái mới. Trở về Việt Nam sau sáu năm nghiên cứu tại Hàn Quốc, anh nhận ra, không phải những gì mình học và thế mạnh của mình ở nước ngoài đều áp dụng được ở trong nước. Chính vì thế, anh thừa nhận, nhiều khi phải thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn thử và đề xuất những hướng nghiên cứu mới gắn liền với sản xuất của Việt Nam dù nó không liên quan tới những gì mình đã được đào tạo. Bên cạnh đó, cần giữ mối quan hệ với những nhà khoa học nước ngoài để trao đổi chuyên môn. Đồng thời, giữ liên hệ và sẵn sàng tư vấn cho thế hệ tiếp theo về định hướng nghiên cứu của họ.
Không chỉ mạnh dạn thử những cái mới, theo PGS. Phạm Thành Huy, “Mỗi người phải biến mình thành một người lãnh đạo. Chỉ với tinh thần và thái độ như vậy thì mới có thể tìm kiếm và kết nối với những người cùng làm việc với mình”. Chia sẻ quan điểm này, GS. Pierre Darriulat cho biết, ở Việt Nam, mọi người không coi trọng nhóm nghiên cứu mà chỉ ca ngợi những cá nhân đơn lẻ. Ông rất không đồng tình với những đề tài mang tính ngắn hạn của quỹ Nafosted với nhóm thực hiện đến với nhau khi có đề tài và tan rã khi nó kết thúc. Giáo sư nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, điều tối quan trọng với mỗi nhà khoa học là phải biết xây dựng nhóm nghiên cứu của riêng mình và nếu cần, phải đấu tranh để được làm việc trong nhóm. “Các bạn từ nước ngoài trở về, hãy tìm những người cùng chuyên môn với mình, kết hợp với nhau, cùng bàn bạc xem điều gì các bạn muốn làm – điều gì tốt nhất cho sự phát triển khoa học đất nước chứ không phải cho riêng cá nhân mình”.
GS. Pierre luôn đặt nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ: “Nhiều khả năng là bạn vẫn làm được gì đó dù ở lại Việt Nam. Điều chúng ta cần là sự tự tin rằng điều mình làm sẽ thành công”. Nhưng dù gặp và trò chuyện với những nhà khoa học trẻ hằng ngày, ông thú nhận rằng mình không thể đưa ra một lời khuyên cụ thể nào cho họ mà mỗi người phải tự tìm cho mình một con đường riêng: “Nói những gì mình nghĩ. Chiến đấu cho những điều đúng đắn. Chiến đấu cho những cơ hội để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Cố gắng để trở thành một người xuất sắc trong lĩnh vực của mình. [Những học trò của tôi], họ vẫn đang chịu đựng, họ vẫn đang chiến đấu nhưng ít nhất thì chúng ta chiến đấu cùng
nguồn : http://www.baomoi.com/Tao-dieu-kien-de-cac-tien-si-tre-ve-nuoc/59/16867446.epi