NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Giải phóng sức ỳ trong nghiên cứu KHCN bằng cách nào?

on .

Giai phong suc y trong nghien cuu KHCN bang cach nao?

Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập khi chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, sáng 12/6.

Lý giải về sự bất bình đẳng trong tham gia nghiên cứu KHCN giữa các tổ chức KHCN công lập và ngoài công lập, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết do các tổ chức KHCN công lập được Nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên và một số chi phí khác trong khi tổ chức KHCN ngoài công lập không được cấp kinh phí. Điều này khiến họ phải dự toán tất cả các chi phí đó vào đề tài nên khi đấu thầu các công trình họ đều chịu sự bất công, đều… thua thầu so với các tổ chức KHCN công lập. Do đó, hầu hết các đề tài cấp Nhà nước đều rơi vào tay các tổ chức KHCN công lập.

Hiện Thông tư liên tịch (số 55) giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&CN quy định được bổ sung kinh phí, tiền công, tiền lương vào trong dự toán cộng với nhiều nội dung khác theo tinh thần của Luật KHCN năm 2013, tạo ra sự bình đẳng và động lực cho các tổ chức nghiên cứu KHCN (như thuê chuyên gia nước ngoài và trang thiết bị để tận dụng tối đa năng lực của các phòng thí nghiệm đang có).

Như vậy, có thể nói Thông tư 55 là khả thi, giải quyết được vướng mắc trong quá trình chuyển đổi các tổ chức KHCN sang cơ chế tự chủ.

Về kết quả thực hiện Nghị định 115/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ, ông Nguyễn Quân cho biết sau 10 năm thực thi cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN cho thấy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có phương thức để giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ mà chỉ giao theo biên chế. Như vậy, tạo sức ỳ rất lớn cho các tổ chức KHCN, cứ có nhiều biên chế thì được giao nhiều tiền và thậm chí không ai kiểm soát xem họ đã đạt kết quả gì sau khi sử dụng ngân sách Nhà nước.

Hiện Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 121 năm 2014 quy định rõ kinh phí hoạt động thường xuyên được giao cho đơn vị sự nghiệp KHCN không phải theo biên chế mà theo nhiệm vụ, do các viện xây dựng được Bộ KHCN phê duyệt và được ký như một đề tài dự án, có thanh tra kiểm tra, nghiệm thu đánh giá. Nếu đơn vị nào không làm được thì năm sau sẽ không được cấp kinh phí này nữa.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đề cập là ngân sách Nhà nước dành cho KHCN là 2%/năm. Tuy nhiên chưa năm nào được cấp đủ nhưng nhiều nơi cũng không sử dụng hết trong khi một số tổ chức nghiên cứu lại thiếu ngân sách để thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Theo quy định, Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách cho KHCN. Số này đều được bố trí đủ. Tuy nhiên, phần thực giao cho KHCN thì dưới 2% do chúng ta phải để dự phòng và an ninh, quốc phòng liên quan đến KHCN.

Khi Bộ KH&CN có ý kiến với Bộ Tài chính và Quốc hội thì phần dự phòng an ninh, quốc phòng liên quan đến KHCN mấy năm gần đây tăng lên nhiều, nên phần thực còn lại dành cho hoạt động KHCN chỉ dưới 1,5%, không đủ cho hoạt động này có hiệu quả.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quân vẫn thừa nhận kinh phí ít nhưng thực tế có tình trạng sử dụng không hết số tiền này bởi trước đây, chúng ta xây dựng kế hoạch KHCN theo tư duy nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa. Nhiệm vụ của KHCN phải được phê duyệt từ tháng Bảy năm trước và tới tháng Một năm sau mới có. Chính vì vậy, khi kinh phí được giao thì đề tài đã lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nhiệm vụ nghiên cứu cũng cứng nhắc (đề tài cấp Nhà nước không chuyển cho cấp Bộ được, cấp Bộ không chuyển cho địa phương được và ngược lại) nên chỉ còn cách là hoàn lại ngân sách Nhà nước. Chưa kể nhiều địa phương sử dụng kinh phí KHCN không đúng mục đích.

Bộ KH&CN có báo cáo đầy đủ về tình hình sử dụng kinh phí KHCN của 63 tỉnh, thành, trong đó, nhiều tỉnh rất quan tâm khi đã dành đến 4% ngân sách cho KHCN (như Quảng Ninh) nhưng cũng có những tỉnh lại không làm được, phải hoàn lại cho Nhà nước.

Với tinh thần của Luật KHCN năm 2013, vấn đề này sẽ được giải quyết vì từ nay chúng ta thực hiện theo cơ chế quỹ. Hàng năm, Nhà nước giao kinh phí cho KHCN và đề tài dự án phê duyệt đến đâu, cấp tiền đến đấy, không có tình trạng đăng ký năm trước đến năm sau mới có tiền.

Nói về quan điểm của mình trước thực trạng Việt Nam đang nhập nhiều cây trồng vật nuôi từ nước ngoài về, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nước ta có nhiều giống tốt nhưng thế giới cũng còn có nhiều giống tốt hơn. Nguồn gene của Việt Nam tuy phù hợp với tình hình trong nước nhưng năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng vật nuôi trên thế giới cũng có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của chúng ta.

“Chúng tôi ủng hộ việc nhập khẩu những giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt để sản phẩm của chúng ta có thể cạnh tranh được với thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về việc chuyển đổi các tổ chức KHCN theo Nghị định 115 còn chậm và vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng Nghị định này đã triển khai 10 năm nhưng chỉ có 3/4 tổ chức KHCN công lập có đề án chuyển đổi mà thôi.

Có nhiều người còn hiểu sai quan điểm của Nghị định 115 là chuyển sang cơ chế tự chủ có vẻ như Nhà nước sẽ không chăm lo cho họ nhưng trên thực tế, việc chuyển sang cơ chế tự chủ chỉ là thay phương thức hỗ trợ của Nhà nước.

Trước đây, chúng ta hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên theo biên chế, đã tạo ra sức ỳ, kém hiệu quả còn bây giờ Nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ như nhiệm vụ, chức năng của tổ chức KHCN như các nhà khoa học ngoài tiền công, tiền lương thì vẫn được hưởng thêm tiền từ các đề tài dự án mà mình được tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.

Đến thời điểm này, Nghị định 115 dù chưa làm được 100% nhưng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Bộ KH&CN sẽ xây dựng Nghị định mới thay thế vào cuối năm nay.

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Giai-phong-suc-y-trong-nghien-cuu-KHCN-bang-cach-nao/229155.vgp