NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Storytelling dành cho Data Analyst - Phần 2

on .

Storytelling dành cho Data Analyst - Phần 2

Cấu trúc thuyết trình theo nguyên tắc số 3

 

Tiếp tục với series tóm tắt các ý chính trong cuốn sách “Storytelling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện” - tác giả Bùi Thị Ngọc Thu. Phần này, tôi sẽ trình bày các cấu trúc thuyết trình theo nguyên tắc số 3. 

Tại sao lại là số 3 nhỉ? Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, số 3 là con số lý tưởng để giúp não bộ ghi nhớ. Có lẽ bạn đã từng thấy nó trong đời sống thường ngày: cô giáo dạy Văn nhắc nhở viết bài theo cấu trúc mở bài - thân bài - kết bài; thầy giáo Thể dục hô chú ý - chuẩn bị - chạy trước khi thổi còi; đèn xanh - đèn đỏ - đèn vàng mỗi khi tham gia giao thông... Hay đặt vào bối cảnh một bài thuyết trình, có thể bạn đã từng nghe qua: “Hôm nay, tôi có 3 điểm cần chia sẻ…”, “Bài thuyết trình này tập trung phân tích vào 3 ý quan trọng nhất trong xã hội hiện nay…”. Do đó, để trình bày bài nói dễ nhớ và thuyết phục hơn, bạn có thể tham khảo các cấu trúc được thành lập bởi nguyên tắc số 3 sau:

1. Cấu trúc 1,2,3

Rất đơn giản, dễ nhớ và có lẽ chính bạn đã sử dụng rồi. Có 2 cách cơ bản để diễn tả: 

  • Một là… Hai là… Ba là…

  • Thứ nhất là… Thứ hai là… Thứ ba là…

Cấu trúc này có thể được sử dụng để liệt kê ba phần của bài thuyết trình, hoặc có thể lồng ghép vào bất kỳ phần nào trong bài thuyết trình như mở bài, thân bài hay kết bài.

2. Cấu trúc 3W: What - So What - Now What

Cấu trúc này sẽ hiệu quả khi muốn trình bày thông tin theo trật tự trước sau. Từ đó kết nối các luận điểm để dẫn dắt đến phần cuối và đưa ra lời kêu gọi hành động. Là cấu trúc được ứng dụng khi muốn thuyết phục ai đó. Cụ thể bạn cần trả lời các câu hỏi:

  • What - Vấn đề là gì: nêu vấn đề chính mà bạn muốn trình bày.

  • So what: Vấn đề này quan trọng như thế nào: Giải thích cho người nghe hiểu tại sao vấn đề này lại quan trọng đối với họ, cần sử dụng các dữ liệu nghiên cứu và bằng chứng cụ thể để minh họa.

  • Now what: Giải pháp bây giờ là gì:  người trình bày cung cấp cho người nghe giải pháp, phân tích và đề xuất giải pháp tốt nhất

Kết cấu 3W có thể sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau như: trình bày một ý tưởng với cấp trên, giải thích một vấn đề hay sự việc nào đó.

3. Cấu trúc PSB: Problem - Solution - Benefit

Đây là cấu trúc trình bày rất phổ biến khi thuyết phục người khác. Người trình bày sẽ bắt đầu bằng cách đưa ra một vấn đề và từ đó trình bày giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề hiện tại của người nghe.

  • Problem - Vấn đề: Đây là vấn đề mà người nghe đang gặp phải hoặc có liên quan trực tiếp đến người nghe.

  • Solution – Giải pháp: Đưa ra giải pháp cụ thể, có phân tích ưu khuyết điểm, có dữ kiện và bằng chứng hỗ trợ.

  • Benefit – Lợi ích: Nhắc đến lợi ích của giải pháp đối với khán giả. Khi đó họ sẽ mong muốn giải quyết vấn đề này từ giải pháp mà bạn vừa cung cấp.

Kết cấu này rất phù hợp để sử dụng trong cả môi trường doanh nghiệp và cuộc sống. Bằng cách đi thẳng vào vấn đề người nghe đang gặp và cung cấp cho họ giải pháp cùng lợi ích rõ ràng. Bạn sẽ thuyết phục được khán giả của mình.

 

Bạn đã áp dụng những cấu trúc nào trong ba cấu trúc kể trên? Hãy dùng chúng trong những bài thuyết trình sắp tới của mình nha. Phần 2 sẽ kết thúc tại đây, tiếp tới, tôi sẽ giới thiệu thêm các cấu trúc còn lại. Một lần nữa, cùng đón chờ phần 3 nhé!