NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Vị tiến sĩ nặng lòng với xứ biển

Viết bởi Nguyễn Hồ Phương Thảo on . Posted in Uncategorised

TS Trần Văn Vinh đã nghiên cứu, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn nhiều công trình phục vụ thiết thực cho ngư dân và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển tốt hơn

Sinh ra và lớn lên tại một làng chài nghèo ven biển xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định nên TS Trần Văn Vinh (SN 1968) rất thấu hiểu và đồng cảm với nỗi vất vả của ngư dân. Vì vậy, ngoài công việc của một Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo các phương pháp, thiết bị để hỗ trợ công việc của ngư dân và bảo vệ môi trường biển đảo.

Trăn trở trước vất vả của ngư dân

Sau 3 năm đưa máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời của TS Trần Văn Vinh vào sử dụng, công việc kinh doanh của bà Mai Thị Hương - chủ cơ sở sản xuất và chế biến hải sản Hương Thanh ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Nhờ chất lượng hải sản sấy khô được nâng sao, chi phí sản xuất thấp nên sản phẩm của cơ sở ngày càng thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Bà Hương cho biết trước đây, để chế biến hải sản khô, cơ sở của bà phải thuê nhân công phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Cách này chi phí rất rẻ nhưng hải sản dễ bị bẩn do bụi, cát, ruồi...; lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Tốc độ sấy sẽ rất chậm nếu trời âm u, thêm vào đó độ ẩm cao sẽ khiến hải sản dễ bị nấm mốc phát triển. Nếu trời mưa gió hoặc không có nắng, hải sản đánh bắt được không thể phơi, sau một ngày sẽ biến đổi màu, hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, giá trị sản phẩm.

"Với máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời, cơ sở chúng tôi đã chủ động chế biến sản phẩm mà không phải lệ thuộc vào thời tiết, lợi nhuận lại cao gấp 5 lần. Hơn nữa, chúng tôi không còn phải lo sân phơi và ô nhiễm môi trường" - bà Hương nhận xét.

Người dân đến tham quan máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời do TS Trần Văn Vinh sáng chế

Người dân đến tham quan máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời do TS Trần Văn Vinh sáng chế

Máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời do TS Trần Văn Vinh sáng chế đang được sử dụng rộng rãi ở Bình Định và một số địa phương. Theo ông, chi phí chế tạo một chiếc máy khoảng 35 triệu đồng nhưng mang lại hiệu quả vượt trội cho người sử dụng. Cụ thể, năng suất tăng gấp 2 lần, giảm 50% nhân công so với phương pháp truyền thống. Thời gian sấy khô chỉ khoảng 5 giờ, giảm 3 giờ so với phơi bằng vỉ ngoài nắng; giảm thiểu tác động về mùi hôi, vệ sinh môi trường.

Ngoài máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời, thời gian qua, TS Trần Văn Vinh còn giúp không ít ngư dân đổi đời nhờ công trình nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương bằng nghề câu tay kết hợp ánh sáng. Với giải pháp này, ông đã cải tiến, đưa vào sử dụng các thiết bị: bộ ép cá ngừ đại dương bằng hơi, máy thu câu tự động, máy tạo xung làm cá ngất gắn trên tàu câu.

TS Trần Văn Vinh giới thiệu túi lưới gom rác chuyên dùng cho tàu cá do ông sáng chế

Đến nay, các thiết bị nêu trên đã được ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định ứng dụng rộng rãi, góp phần tăng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Các thiết bị này còn giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân.

"Sinh ra và lớn lên ở làng chài ven biển Bình Định nên tôi hiểu rõ nỗi vất vả của ngư dân. Vì vậy, ngoài công việc cơ quan, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp để hỗ trợ bà con. Máy móc, thiết bị do tôi chế tạo đều hướng đến phục vụ ngư dân, dễ áp dụng, chi phí thấp" - TS Trần Văn Vinh bày tỏ.

Giúp bảo tồn hệ sinh thái biển

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân, không ít công trình nghiên cứu, sáng kiến của TS Trần Văn Vinh thời gian qua còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển ở Bình Định.

TS Trần Văn Vinh đã đưa ra nhận xét, đánh giá về giải pháp quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Từ đó, Quỹ Môi trường toàn cầu đã phê duyệt tài trợ kinh phí 48.000 USD để thực hiện giải pháp này tại địa phương từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2017.

Mục đích của giải pháp trên là giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái; tạo sinh kế thay thế cho ngư dân, giảm áp lực khai thác tại vùng biển ven bờ. Kết quả triển khai thực hiện cho thấy nhận thức và năng lực của cán bộ, nhân dân địa phương về quản lý, bảo vệ rạn san hô tại các vùng ven biển Nhơn Hải ngày càng được nâng cao.

Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết sau 2 năm triển khai giải pháp quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, rạn san hô ở vùng biển địa phương dần phục hồi, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy, người dân địa phương được mang lại thu nhập đáng kể, góp phần phát triển du lịch theo hướng kinh doanh có trách nhiệm.

Đến tháng 8-2020, dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chính phủ Na Uy hỗ trợ TP Quy Nhơn thực hiện. TS Trần Văn Vinh được mời làm chuyên gia và được "đặt hàng" xây dựng ứng dụng quản lý rác thải trên cơ sở dữ liệu của Google Maps.

Sau khi thiết kế dữ liệu quản lý hoạt động thu gom rác thải trên hệ thống Google Maps thành công, TS Trần Văn Vinh tiếp tục đưa ra sáng kiến về quản lý chất thải nhựa trên tàu cá và chế tạo túi lưới gom rác chuyên dùng cho tàu cá, đơn giản nhưng hiệu quả cao. Sáng kiến này được UNDP Việt Nam và GEF nhận định rất tốt, cam kết sẽ hỗ trợ để ngành thủy sản triển khai, phổ biến cho tàu cá trong toàn tỉnh Bình Định và mở rộng ra cả nước.

Hơn 30 năm công tác trong ngành thủy sản ở Bình Định, TS Trần Văn Vinh đã nghiên cứu, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách thiết thực. Những công trình này đã được Hội đồng Sáng kiến tỉnh Bình Định công nhận là có hiệu quả tích cực đối với địa phương.

Với những đóng góp nêu trên, từ năm 2001 đến nay, TS Trần Văn Vinh đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng về khoa học - công nghệ, như Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 2000 và năm 2007. Từ năm 2008 đến nay, ông đã đoạt giải nhất, giải ba, giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh...

Bài và ảnh: Đức Anh

Nguồn: https://baomoi.com/vi-tien-si-nang-long-voi-xu-bien-c47647018.epi