NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Mỹ sẽ có lãnh đạo mới, tác động kinh tế đến Việt Nam liệu có khác biệt?

Viết bởi Nguyễn Hồ Phương Thảo on . Posted in Uncategorised

Mặc dù cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, tác động của nó đến thương mại Việt - Mỹ được chuyên gia đánh giá sẽ không quá lớn, bất kể đảng nào giành chiến thắng.

Kế hoạch kinh tế của Trump và Harris có tác động giống nhau lên Việt Nam? - Ảnh 1.

Mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Mỹ và Việt Nam đang ngày càng sâu sắc - Ảnh: N.BÌNH

Đây là nhận định của ông Michael Kokalari, CFA - giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường, VinaCapital, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Kinh tế luôn là vấn đề chi phối trong các cuộc bầu cử. Việt Nam là một trong ba quốc gia trên thế giới có mối liên kết chặt chẽ nhất với Mỹ về mặt kinh tế, và mức tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ thường có tác động lớn đến thương mại quốc tế và với mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam, những thay đổi trong chính sách của tổng thống tiếp theo có thể ảnh hưởng đến dòng thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên theo báo cáo phân tích của VinaCapital, tác động của bầu cử Mỹ đến thương mại Việt - Mỹ sẽ không quá lớn bất kể đảng nào giành chiến thắng vào tháng 11 tới đây. Vì chính sách của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt.

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thể hiện xu hướng chung là duy trì mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục tìm kiếm các đối tác ngoài Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đảng Dân chủ ủng hộ các chính sách công nghiệp như trợ cấp cho các ngành sản xuất trong nước, trong khi Đảng Cộng hòa có xu hướng ủng hộ việc áp thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, cả hai chiến lược này không ảnh hưởng quá lớn đến vị thế của Việt Nam trên thị trường Mỹ, nhờ vào sự cạnh tranh và chi phí sản xuất thấp của Việt Nam.

Kế hoạch kinh tế của Trump và Harris không tạo khác biệt lên kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Hơn 10% nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Mỹ - Nguồn: OECD, Standard Chartered

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

Đi sâu phân tích, ông Michael Kokalari cho rằng thực tế các chính trị gia thuộc cả hai phía của chính trường Mỹ đều muốn đưa các công đoạn sản xuất trở lại Mỹ, vốn đã thất bại sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

 

Đảng Cộng hòa ủng hộ việc áp đặt thuế quan để giảm tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu (đặc biệt là từ Trung Quốc), trong khi Đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ cách tiếp cận "chính sách công nghiệp", bao gồm trợ cấp phát triển các ngành công nghiệp trong nước.

Cả hai cách tiếp cận đều có vấn đề, mà chủ yếu đến từ chi phí sản xuất sản phẩm tại Mỹ rất cao và số lượng công nhân sản xuất có tay nghề cao tại Mỹ rất thấp. Vì vậy việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Ông Trump được cho là muốn tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ lên 60%, và áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, ông Trump và người đồng tranh cử JD Vance cũng cho rằng đồng USD của Mỹ đang bị định giá quá cao, điều này là trở ngại cho việc "hồi hương" các công đoạn sản xuất.

Việc áp đặt thuế quan sẽ làm tăng giá trị đồng USD, vì vậy chính quyền Trump sẽ phải lựa chọn giữa việc áp đặt thuế và thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm giá trị đồng USD.

Nếu ông Trump đắc cử, VinaCapital kỳ vọng ông sẽ tập trung vào việc làm giảm giá trị đồng USD thay vì tăng thuế quan đáng kể, mặc dù ông đã nhiều lần cam kết sẽ làm ngược lại.

"Chúng tôi không tin rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Thực tế địa chính trị khiến Mỹ cần phải tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, và quan điểm của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đối với thương mại với Trung Quốc đã trở nên rất giống nhau.

Vì vậy chúng tôi kỳ vọng các chính sách này sẽ không thay đổi bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây", chuyên gia kết luận.

 

Mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ được tin tưởng sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bất kể kết quả bầu cử ra sao, do sự tương đồng về chiến lược kinh tế của hai đảng đối với khu vực châu Á và nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Tuy nhiên, những biến động ngắn hạn trong kinh tế Mỹ như việc Fed điều chỉnh lãi suất hoặc các chính sách về thuế quan có thể gây ra sự dao động trong dòng xuất khẩu của Việt Nam.

Về tác động từ chính sách của Mỹ với Việt Nam, chuyên gia của Vina Capital đưa ra ba tình huống:

+ Đồng USD yếu hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia ngoài Mỹ
+ Việc áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh.

+ Nếu Mỹ áp đặt thuế 60% đối với Trung Quốc, thì Việt Nam và Mexico sẽ một lần nữa hưởng lợi lớn nhất về xuất khẩu, theo báo cáo của Standard Chartered và các tổ chức khác.

Như Bình

Nguồn: https://tuoitre.vn/my-se-co-lanh-dao-moi-tac-dong-kinh-te-den-viet-nam-lieu-co-khac-biet-2024090918355639.htm